⠀
Ngày tàn của các đại đô thị đã bắt đầu hay chưa?
Khoảng 2,2 triệu người đã rời bỏ các thành phố lớn trong đại dịch và chừng 42% trong số này cho biết sẽ không quay trở lại (1). Phải chăng các thành phố lớn không còn là nơi an toàn bền vững, sức chống chịu dịch bệnh của chúng yếu hơn những tổ chức định cư nhỏ? Bài viết này từ vị thế nhỏ nhìn ra những cái lớn hơn nó.
Hà Nội trong một mùa đông khắc nghiệt. Tôi rảo bước cố thoát cơn gió lạnh buốt thấu xương quất xuống con ngõ hẹp để vào nhà người bạn ở phố Mã Mây. Nghe tôi than gió quá, bạn bảo: “Vì tòa nhà to kế bên đấy, gió Bắc tràn tới va vào bức tường cao 13 tầng của nó trút như lốc xuống con ngõ hẹp hun hút này.
Tháng trước một cụ lò dò ra ngõ ngã lăn, con cháu bế vào nhà thì cứng hàm rồi”.
Sống bên tòa nhà to
Nhà một bạn khác có quán cà phê kế tòa “tổ hợp thương mại, dịch vụ” hơn 20 tầng, bình thường chỉ thoang thoảng thối, nhưng những hôm “trở trời” (đổi gió, thay đổi thời tiết…) xú uế thoát từ các nắp ga cống của công trình hoành tráng bốc lên nồng nặc. Ông chủ than: “Khách chạy mất dép, khí ấy độc lắm hả ông?”.
Chuyện thứ nhất, người ta gọi giống hiện tượng “gió vách núi”, ở đô thị là hiệu ứng downdraught xuất hiện khi gió va vào một tòa nhà, không lối thoát sẽ chuyển hướng, áp lực không khí lao xuống làm tăng tốc độ gió từ 40km/h lên 55km/h, nếu 60km/h gió đủ sức thổi bay người.
Chuyện thứ hai, quá trình phân hủy các chất thải hữu cơ có trong nước thải tạo ra khí hydrogen sulfide (H2S), khí metan (CH4)… gây mùi hôi thối và tất nhiên rất độc (nồng độ cao, kéo dài ảnh hưởng mắt, phổi, mất ý thức, thậm chí tử vong) và chất thải hữu cơ còn là nguồn thức ăn dồi dào của vi sinh vật có trong cống rãnh.
Có thể hình dung “quần xã vi sinh vật – virus, ty thể” ấy như Coronavirus mắt người không nhìn thấy, thoát lên từ ga cống theo khí thải, nhất là khi tương tác với bụi mịn PM 2.5 chúng xâm nhập vào cơ thể ta qua đường thở, qua lớp da người mỏng manh vào hệ tuần hoàn, nội tiết… là tác nhân gây bệnh dịch, chết chóc (GS.Zach Bush).
Đại khái trạng thái mất cân bằng sinh thái xảy ra từ lượng bã thải khổng lồ của cả trăm, ngàn người (thuộc tòa nhà) chui xuống đường cống nhỏ (làm từ thời Pháp thuộc) vốn chẳng thiết kế để phục vụ đồng bào đông đến thế, sẽ “thường trú dài hạn tại chỗ” nuôi bọn vi sinh vật, giúp chúng sinh sôi nhanh. Chính lũ này thoát lên mặt đất cùng với các loại khí độc “tấn công” khách khứa của ông chủ cà phê. Chưa nói hoạt động đồng loạt theo giờ của khối người túa ra từ công trình lớn này gây tắc phố, tiếng ồn, hơi nóng tỏa ra từ muôn thiết bị của tòa nhà… bào mòn sức chịu đựng của gia đình ông ấy. Luôn tiện nói, đô thị thế giới hầu như không có loại công trình lớn đột khởi được cấp phép xây chen, gây mất cân bằng vật lý trong các khu phố nhỏ thấp tầng như ở Việt Nam.
Nghĩa là tiếp cận qua một hiện tượng vật lý hay sinh hóa cũng đều cho thấy sống bên “ông hàng xóm to lớn” không an toàn lắm cho sức khỏe cả nhà hai quý ông.
Ở kề thành phố lớn
Không thể phủ nhận các thành phố lớn mang lại nhiều việc làm, cung cấp nhiều dịch vụ công – tư, thậm chí con người được coi là “văn minh hơn tỉnh lẻ”, nhưng những hệ lụy của nó lại ít được nhắc đến.
Thức ăn chẳng hạn, thành phố không cấu tạo/tổ chức như cái làng của nông dân với xung quanh là đất đai sinh thức ăn. Nhìn chung nó gồm những lao động phi nông nghiệp và có khuynh hướng loại ruộng đồng khỏi cơ thể nó (đô thị hóa), dù thành phố vẫn lấy thức ăn từ lao động nông dân trên đất đai nông nghiệp.
Vậy khi vùng nông nghiệp bị đẩy ra xa thành phố thì nông sản (động, thực vật) cần đường giao thông, phương tiện vận tải, kho bãi chứa, cửa hàng phân phối… để đến tay người tiêu thụ, rồi sau tiêu hóa các chất thải phải chở ngược ra chôn lấp, thiêu hủy… Ở mỗi công đoạn đó lại cần số người vận hành và họ cũng cần tiêu thụ thức ăn, cần diện tích đất để sinh thức ăn cho họ, cho vật nuôi của họ… Nghĩa là cần một tính toán sử dụng đất rộng hơn nhiều cùng với đất ở, bao gồm cả chuỗi sản xuất, cung ứng thức ăn cho thành phố, chứ không phải mỗi lãnh địa trong thành phố.
Tư tưởng này có từ thời Trung Hoa cổ đại áp dụng trong quy hoạch sử dụng đất có tên “Thặng mã” là “từ địa tới ấp, lấy nền tảng là đất” tính sức chứa/ mang của đất (2). Trong khoa học ngày nay nó được thể hiện/ sử dụng bằng kết quả tính toán cụ thể của hai nhà khoa học Brenda và Robert Vale (Anh) cho chuỗi sản xuất, cung ứng thức ăn theo phương pháp ecological footprint “dấu chân sinh thái” (quy mọi hoạt động tiêu thụ năng lượng của con người về diện tích đất) được coi là gần đúng lên tới 1,3 ha/người (3).
Như vậy thành phố 100.000 người cần tới 130.000 ha, hoặc để có đủ thức ăn cho thành phố 10 triệu dân nó cần nằm ở trung tâm của đường tròn đất sản xuất có đường kính khoảng 400 km. Bằng cách này họ đã tính được diện tích đất cần để cung cấp thức ăn cho Hồng Kông dân số 7 triệu người là 91.000 km2 , gấp 85 lần tổng diện tích của nó. Kết luận chung: “Diện tích cần để nuôi dưỡng một thành phố thường vào khoảng 10 đến 100 lần diện tích của bản thân thành phố đó”, dao động do phụ thuộc vào mật độ dân cư, độ mầu của đất, kỹ thuật canh tác, chế độ ăn… Tức là phổ biến, các thành phố (không thể khác) đã lấy thức ăn và năng lượng từ ngoài lãnh thổ có hạn của mình.
Nhưng không chỉ thức ăn, các công trình xây dựng cũng thế, với mức tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch xây mỗi năm như hiện nay, Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 3.000 ha đất canh tác mỗi năm để làm gạch. Dứt khoát là Hà Nội, TP.HCM đều đang xài đất canh tác của những địa phương hàng xóm. Còn trong mức tiêu thụ đá xây dựng khoảng 180 triệu m3/năm thì có bao dãy núi thuộc các tỉnh có mỏ đá đã tan vào những khối nhà chọc trời ở hai thành phố siêu lớn này? Chỉ riêng huyện Lương Sơn (Hòa Bình) giáp ranh Hà Nội có tới 36 mỏ khai thác đá, 2 nhà máy xi măng, 13 nhà máy sản xuất gạch… Rồi từ Hà Nội khối lượng chất thải rắn xây dựng ấy (không tính chất thải khác) lại được chuyển ngược ra ngoài tới các bãi chôn lấp khoảng 3.200 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 750 tấn/ngày (4)…
Nhưng các “tỉnh lẻ” cận kề thành phố lớn không chỉ bị tiêu hao nhanh nguồn tài nguyên, mà nguồn nhân lực cũng suy kiệt. Bạn có thể gặp nhiều gia đình nông dân các tỉnh lân cận Hà Nội, TP.HCM – nơi cứ 1.000 người dân sống thì có tới gần 200 người là dân nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước (5) – trong hoàn cảnh chỉ có người già nuôi cháu, bố mẹ chúng đều đi làm thuê “trên thành phố, lâu lâu mới về thăm con”.
Không khó để hình dung tương lai của những gia đình đó, về sự lớn lên của những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, triển vọng hình thành nhân cách của chúng, những người già không thể nương tựa con cái vào lúc họ cần nhất, những sinh lực trẻ bị hút vào thành phố lớn chỉ quay về cố hương khi đã bị vắt cạn sức thanh xuân hoặc bệnh tật, hoạn nạn… Kết cục nào, dẫu chưa đoan chắc, thì cũng khiến các mối liên kết gia đình, dòng họ, xóm giềng vốn hợp nên cấu trúc văn hóa khá vững chắc của người Việt bị tổn thương nặng nề.
“Đô thị hóa cưỡng bức” có nguyên nhân từ đất đai giá rẻ, giúp nhà đầu tư thu lời từ chênh lệch địa tô. Hậu quả là thành phố lớn lấy đi đất đai, tài nguyên, con người và cơ hội phát triển của các tổ chức định cư nhỏ hơn, nhưng thành tích GDP chủ yếu được tính cho nó bằng nền kinh tế thâm dụng đất đai và nhân công.
Khủng long chết chưa?
Tiết kiệm, giàu có nhờ tích tụ dân số được xem như một slogan của thời đại “đô thị hóa là hệ quả của công nghiệp hóa”. Do mật độ dân số cao thuận lợi trong cung cấp điện năng, việc làm, tiêu thụ các loại dịch vụ, rồi nhu cầu của dân số lớn lại đòi hỏi sức sản suất với sản lượng cao hơn nữa, cần tới diện tích rộng hơn nữa… Đó là cơ hội/lý do cho thành phố lớn bành trướng không ngừng bằng các cuộc sáp nhập/thôn tính những địa phương lân cận vào lãnh thổ hành chính của nó.
Cuộc kháng cự trước sự xâm lấn của thành phố lớn để tìm lại sự cân bằng chung, cho phép các tổ chức định cư nhỏ hơn cùng tồn tại, chỉ thực sự bắt đầu có hiệu quả với các vũ khí là công nghệ mới. Đó là sự phát triển của công nghệ với các thiết bị khai thác năng lượng tái tạo (nắng, gió…) tại chỗ, được sử dụng ngày càng phổ biến đã giúp những đơn vị định cư nhỏ có thể sản xuất hàng hóa tại chỗ, việc làm tại chỗ, trong không gian canh tác cho thức ăn tại chỗ, các thông tin giao dịch cũng được thực hiện tại chỗ… Quá trình này đang dần hiện thực hóa mơ ước “ly nông bất ly hương” của những người lao động mong muốn được sống trong môi trường văn hóa ở quê hương mình, những người đã trả lời không muốn quay lại thành phố.
Các nhà khoa học thế giới nghiên cứu sự cân bằng giữa các thành phần sự sống coi hệ sinh thái tự nhiên là mô hình cơ bản. Trong một cánh rừng nguyên sinh chẳng hạn, cây cổ thụ không cần lấy đi sự sống của các loài thân thảo nhỏ hơn nó, hay động vật lớn ăn thịt chỉ ăn khi cần mà không tận diệt thú nhỏ, tất cả các loài từ động thực vật đến thế giới vi sinh đều cần nhau/tương tác và cùng tồn tại. Trào lưu tư duy sinh thái khởi từ hệ sinh thái tự nhiên đang dần có vai trò dẫn đường trong công cuộc tổ chức lại các lãnh thổ khi bước sang thời hậu công nghiệp, để trả lời cho câu hỏi phát triển đô thị tập trung dày đặc hay phân tán, đâu là ngưỡng của nó?
Một trong số giả thuyết về sự tuyệt chủng loài khủng long là do trái đất không đủ thức ăn nuôi kích thước khổng lồ của nó, chính kích thước ấy hại nó. Nhưng trước khi tự hại, khủng long đã kịp hại vô số sinh vật nhỏ hơn nó. Loài người tiến bộ tôn trọng sự cân bằng sinh thái với quy mô các lãnh thổ ổn định trong quá trình tiến hóa, mà không cần đến các dạng thức “khủng long”, các khuynh hướng phát triển siêu lớn, dị thường kiểu như những đế chế đại Đức, đại Hán hay đại Nga. Bởi sự tập trung quyền lực và bành trướng lãnh thổ quá mức của các đại đế hay hoàng đế đã là câu chuyện dẫn tới “số phận khủng long”, chuyện của lịch sử về một giai đoạn sự sống từng bị hủy diệt.
———————-
Chú thích:
(1) Theo Tổng cục Thống kê 2021 và báo Thanh Niên 2.12.2021
(2) Theo TS. Đinh Thế Anh, chương “Thặng mã” của Quản Tử
(3) Theo “Time to eat the dog?” của Brenda và Robert Vale
(4) Thuyết minh quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội)
(5) Nguồn Tổng cục Thống kê – Quỹ dân số Liên Hợp Quốc 2019ư
Theo TRẦN TRUNG CHÍNH / NGƯỜI ĐÔ THỊ
Tags: Phát triển bền vững, Đô thị, Dịch bệnh COVID-19