Một góc nhìn về chiến tranh kinh tế giữa các cường quốc

Không nên nhầm lẫn thế giới tư bản đương đại với vương quốc của sự tự do cạnh tranh, của sự minh bạch và của sự hiệu quả hoạt động được dẫn dắt bởi tài năng và chính sách trọng dụng nhân tài. Ngày nay, thế giới kinh doanh được tổ chức theo các tương quan lực lượng, nơi mà các chiều kích địa chính trị và địa kinh tế tự khẳng định. Cuộc chiến kinh tế thực sự tồn tại: đó không phải là một phát minh của người viết tiểu luận cần một khái niệm sexy có khả năng tranh thủ các nhà báo.

Một góc nhìn về chiến tranh kinh tế giữa các cường quốc

Tác giả: Eric Delbecque, Trưởng bộ phận tình báo kinh tế của Viện đào tạo cán bộ dân biểu địa phương, Pháp.

Biên dịch: Huỳnh Thiện Quốc Việt.

Từ lâu, người ta đã biết rằng thị trường “thuần túy và hoàn hảo” của các nhà kinh tế học, khá xa rời với các thực tế của doanh nghiệp, hầu như không tạo được một mô hình giải thích được hiện thực. Cần phải đi xa hơn và thừa nhận rằng lĩnh vực hoạt động kinh tế chưa bao giờ tách ly khỏi phần còn lại của sự tồn tại của con người. Các ma trận văn hóa, các cấu hình chính trị, bàn cờ các ý tưởng đang góp phần định hình “công việc kinh doanh”. Đó chưa bao giờ là một hoạt động thương mại đơn thuần. Nó thu hút các nguồn lực và tự thân mang những thách thức không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chuẩn mực và chính trị. Công việc kinh doanh là một trong những chiều kích của quyền lực. Và người ta tìm thấy ở quyền lực một phần các nguồn lực, cũng như một số các mục tiêu của công việc này.

Cần phải cẩn thận với từ ngữ. “Toàn cầu hóa” gợi ý một không gian kinh tế ở phạm vi rộng trên hành tinh, trong đó các doanh nghiệp sẽ sinh sống, một phần nào đó, tách biệt với các Nhà nước, các nơi mà họ được tạo ra. Ngoài ra, đó còn là một phê phán thường thấy. Nhưng đó cũng là một ảo tưởng. Bởi vì, nền kinh tế được gọi là “toàn cầu hóa”, trong thực tế, là một nền kinh tế được tổ chức xung quanh một vài thị trường lớn, trừ Liên minh châu Âu, vốn đồng thời cũng là các Nhà nước. Những Nhà nước mạnh nhất trong số đó thực hành một hình thái của chủ nghĩa đế quốc: hãy thử nghĩ về con đường tơ lụa được Bắc Kinh tưởng tượng ra để thuộc địa hóa các thị trường xa xôi, hãy thử nghĩ về tính thực thi được của nền tư pháp Mỹ ngoài biên giới Hoa Kì, về sự tăng giá khí đốt đột biến hoặc tăng thuế quan đột ngột của Moskva để nắm lại quyền kiểm soát đối với “láng giềng gần” của họ.

Trong một thế giới nhiều căng thẳng, doanh nghiệp là một bên liên quan trong các mối tương quan lực lượng giữa các nước. Hãy từ bỏ cách nhìn thông thường của chúng ta, vốn hạ thấp mối quan hệ nói trên dựa trên cái được gọi, một cách thanh tao, là ngoại giao kinh tế, có nghĩa là dựa trên những vi phạm nhỏ nhặt về tính trung lập. Một cách nhìn như vậy mang tính hòa giải: chỉ thấy một thế giới hòa bình. Để hiểu được trò chơi có sự tham gia của các tác nhân là Nhà nước và doanh nghiệp, thì phải đảo ngược lại cách nhìn, và có một quan điểm đối lập hoàn toàn: quan điểm của chiến tranh kinh tế.

Quyền lực thông minh

Quan điểm này, theo cách của nó, cũng sai giống như quan điểm về nền hòa bình toàn cầu hóa. Nhưng nó cũng cho thấy những thực tế khác, và chính đó là điều đáng lưu ý.

Chiến tranh quân sự đã cho thấy những giới hạn của nó trong nửa phần đầu của thế kỷ 21. Kể từ những năm 1950, điều này trở nên rõ hơn rằng cuộc đối đầu khốc liệt về lợi ích chỉ có thể cuối cùng dẫn đến sự hủy diệt của loài người. Trong thời đại hạt nhân, mọi sự leo thang quân sự lên đến cực điểm sẽ đưa mỗi bên tham chiến về hư không.

Từ đó, dẫn đến sự thăng hoa của chiến tranh trong nhiều không gian có đấu tranh giữa các quốc gia và các khối chính trị (NATO và Hiệp ước Warsaw). Theo nghĩa này, Chiến tranh Lạnh là sự mở đầu cho Chiến tranh vượt ngoài giới hạn [La Guerre hors limites] được Qiao Liang và Wang Xiangsui trình bày một cách tài tình. Chúng ta đã học cách chiến đấu “không vũ trang” trong trận đấu tay đôi giữa phương Tây và phương Đông. Thế giới của hoạt động tình báo, các cuộc thi tài thể thao lớn, vũ đài văn hóa, phim ảnh, chừng ấy bong bóng ở nơi hoành hành một cuộc đối đầu “hòa bình” (phi quân sự) nhưng không khoan nhượng.

Hồi kết cuộc đối đầu toàn cầu giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản chỉ là việc triển khai, một cách đầy đủ, logic của một trận đấu đa chiều để tránh một trận đấu tay đôi bằng vũ khí. Thế thì mục đích là gì kể từ những năm 1990? Để phát triển quyền lực trong lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, thương mại, tài chính), công nghệ, chuẩn mực và văn hóa.

Điều này không triệt tiêu sức mạnh quân sự (nên nhớ kim ngạch bán vũ khí năm 2016 trên thế giới đã ở mức của kim ngạch bán vũ khí khi kết thúc cuộc chiến tranh lạnh). Nhưng điều này làm dịch chuyển vai trò của nó: ngày nay, nó khẳng định một vai trò khiêm tốn hơn, như là một công cụ răn đe tạo điều kiện cho việc đạt mục tiêu có được nhiều lợi thế so sánh trong các lĩnh vực mà chúng tôi vừa nêu.

Quân đội (ít ra là tại các quốc gia phương Tây) không còn được sử dụng để chinh phục các lãnh thổ vật lý: chúng được dành để đảm bảo tính toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia có tính sống còn, để chuẩn bị can dự vào các cuộc xung đột bên ngoài [lãnh thổ] khi mà các lợi ích căn bản (địa chính trị và địa kinh tế) của nước họ bị đe dọa, để kiểm soát các dòng chảy (cho phép điều tiết những trao đổi, vật chất và phi vật chất giữa con người với nhau). Nói tóm lại, quân đội là một phần của một chiến lược tổng thể hơn, tích hợp quyền lực mềm, quyền lực chuẩn tắc, quyền lực tư pháp, và nhắm đến những gì có thể gọi là quyền lực thông minh: khả năng tổng thể của một quốc gia nhằm xác định vị trí của mình trên bình diện quốc tế, một cách thuận lợi hơn.

Về chiến tranh kinh tế

Khi đó, những không gian đối đầu giữa các nhiều tác nhân công và tư khác nhau sẽ nhiều hơn, và tất nhiên là một cuộc xung đột đặc biệt sẽ chiếm vị trí trung tâm: sự cạnh tranh trong công việc kinh doanh.

Như vậy, chiến tranh kinh tế không có gì là một khẩu hiệu dễ dàng cho các nhà báo và người viết tiểu luận bị quyến rũ bởi sự giật gân. Đó đơn thuần là việc xem xét vấn đề từ một góc độ có suy tính và không biếm hoạ. Đó là luận điểm mà Edward Luttwak đã bảo vệ từ đầu những năm 1990. Pascal Lorot cũng phát biểu điều tương tự ở Pháp và vận động cho sự phát triển của ngành địa kinh tế. Ông ấy đã xác định địa kinh tế như thế nào? Như là “việc phân tích các chiến lược về mặt kinh tế – đặc biệt là trong thương mại –, được các Nhà nước quyết định trong khuôn khổ những chính sách nhắm đến việc bảo vệ nền kinh tế quốc gia của mình hoặc bảo vệ một số lĩnh vực được xác định rõ ràng, để giúp ‘các doanh nghiệp trong nước’ nắm được các công nghệ chủ chốt hoặc chinh phục một số phân khúc thị trường thế giới liên quan đến việc sản xuất hoặc tiếp thị một sản phẩm hoặc một họ sản phẩm nhạy cảm, do việc sở hữu hoặc kiểm soát khiến cho tác nhân có được quyền này – Nhà nước hoặc doanh nghiệp ‘trong nước’ – nắm giữ một yếu tố quyền lực và ảnh hưởng quốc tế và góp phần tăng cường tiềm năng kinh tế và xã hội của mình” (“De la géopolitique à la géoéconomie [Từ địa chính trị đến địa kinh tế]”, 2009).

Nhưng các quốc gia không nhận thức giống nhau về các thách thức đó, và trong trò chơi này, những nước lục địa như Hoa Kỳ và Nga, và còn cả những nước lớn mới nổi bị thúc đẩy bởi mong muốn trả thù lịch sử, đi trước khá xa. Đối với người Mỹ hay người Trung Quốc, nhu cầu mở rộng chiến lược cường quốc quốc gia trong lĩnh vực kinh tế là điều hiển nhiên. Thứ nhất, bởi vì họ tin rằng ảnh hưởng của nước họ phụ thuộc vào việc chinh phục các thị trường mới, cũng như làm chủ các chuẩn mực quốc tế và kỹ thuật số hóa phi mã các hoạt động công nghiệp, thương mại, tài chính và văn hóa. Nhưng cũng vì khác với người châu Âu, những người có thể bị bất lợi trong cạnh tranh, ngày càng gia tăng do khó khăn trong việc nghĩ ra một chính sách công nghiệp ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), họ không đặt lại vấn đề về tính trung tâm của thực tế quốc gia. Ngược lại, câu chuyện quốc gia liên quan đến việc xây dựng một bản sắc kinh tế mang tính duy ý chí và định hướng thành công.

Điều này gợi lên một mối quan hệ khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp với nhà nước so với mối quan hệ đang thắng thế ở châu Âu.

Ở Trung Quốc, người ta thậm chí không đặt vấn đề nói trên, bởi lĩnh vực kinh tế cuối cùng vẫn phụ thuộc vào Đảng. Chiến lược của “Đế chế Trung tâm [Trung quốc – ND]” kết hợp sức mạnh kinh tế và, ngày càng nhiều, với sức mạnh quân sự, một dự án chính trị và văn hóa, có thể vừa mang tính dân tộc chủ nghĩa và tính văn minh. Tham vọng của Trung Quốc là làm cho “sự đồng thuận Bắc Kinh” được thừa nhận, để thay cho sự đồng thuận Washington, một chiến lược không thể tách khỏi dự án con đường tơ lụa, bóp méo cạnh tranh ngay trên chính đất nước mình, các thương vụ mua lại những doanh nghiệp nước ngoài có trình độ công nghệ cao, hoặc cả các vụ củng cố vị thế trong một số lĩnh vực của các phân khúc thị trường then chốt, cho phép “kiểm soát” thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị (được biết đến nhiều nhất là trường hợp của đất hiếm).

Chiến tranh kinh tế ngày nay, mở rộng cách diễn giải của Clausewitz, chỉ là sự tiếp diễn một cuộc chiến tranh bằng các phương tiện khác.

Đối với người Mỹ, hẳn là chúng ta sẽ xác định được một thiên hà công và một khu vực tư, nơi mà khu vực tư không tuân thủ khu vực công về mặt cấu trúc. Nhưng những cuộc tranh luận gần đây về các mối quan hệ rối mờ ám giữa các đại gia nền tảng kỹ thuật số với một số cơ quan theo dõi, như NSA [Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ], đã chỉ ra rằng ngay cả những doanh nghiệp ảo cao nhất, có quy mô toàn cầu hóa lớn nhất, cũng bị trói buộc trong một mạng lưới biến các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của họ thành không gian phóng chiếu quyền lực của nước xuất xứ của các doanh nghiệp này.

Ngược lại, trên đất nước Mỹ, sự hiện diện tài chính của các quốc gia khác bị điều tiết bởi một hệ thống kiểm soát các hoạt động đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực mang tính chiến lược (CFIUS [Committee on Foreign Investment in the United States], dựa trên tài liệu: Exon-Florio).

Ngoài ra cần phải bổ sung thêm yêu sách của Mỹ về cơ chế bảo vệ các lợi ích kinh tế chiến lược quốc gia, cần phải được hiểu như là một chủ nghĩa bảo vệ chủ quyền kiên định về mặt công nghiệp, thương mại, tài chính, công nghệ và thậm chí văn hóa. Điều này không ngăn cản Hoa Kỳ vẫn là một xã hội cởi mở, nhưng đồng thời cũng biết cách duy trì quyền tự chủ của họ trong các quyết định mang tính chiến lược và khả năng gây ảnh hưởng lên bàn cờ các chuẩn mực quốc tế, trong khi vẫn định hình các cảm nhận về mặt văn hóa của một phần lớn các nước trên thế giới. Tóm lại, họ tạo ra một quyền lực mềm hiệu quả đáng gờm và duy trì một sự thống trị toàn cầu gần như không có nghi ngờ, ngay cả khi tính đa cực đang tiến triển một cách nghiêm túc.

Về các doanh nghiệp và Nhà nước

Những chiến lược được xây dựng một cách kiên trì sẽ cấu trúc các mối tương quan lực lượng toàn cầu và điều hòa hệ thống thứ bậc các cường quốc. Các chiến lược đó dựa trên cái từng được gọi là chiến tranh, mà [ngày nay] người ta ngại gọi bằng tên đó, bởi vì khuôn mặt chiến tranh đã thay đổi. Nhưng cuộc chiến kinh tế ngày nay, để mở rộng cách diễn giải của Clausewitz, chỉ là sự tiếp diễn một cuộc chiến tranh bằng các phương tiện khác. Một cuộc chiến khác hẳn, hỗn loạn và không hề dễ đọc. Trong cuộc chiến tranh này chiến thuật đánh lẻ lên ngôi, và thường diễn ra trong lòng một chiến tuyến, bên này chống lại bên kia. Không ai có thể tuyên bố tập trung được quyền chỉ huy, kể cả trong các nước chuyên quyền. Nhưng trong chính sự phức tạp của trò chơi, trong bối cảnh có rất nhiều người chơi, các chiến lược tổng thể được thiết kế để chi phối lối chơi của các đấu thủ và tối đa hóa cơ hội của người chơi trong cuộc đối đầu về lợi ích.

Có người nói rằng các cuộc đụng độ mang tính cạnh tranh sẽ chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp, chứ không phải giữa các quốc gia. Dựa trên lý thuyết nổi tiếng phân biệt giữa “đại dương đỏ” và “đại dương xanh”, những người ủng hộ quan điểm này chỉ ra rằng cuộc chiến kinh tế sẽ hoành hành ở các đại dương đỏ (thị trường bão hòa), trong khi những người mạo hiểm ở các đại dương xanh (thị trường ngách và nhu cầu mới) phần lớn sẽ thoát khỏi cuộc siêu cạnh tranh này, đang hoành hành ở nơi khác. Giả thuyết này có vẻ có sức thuyết phục. Tuy nhiên nó cũng hòa nhập với sơ đồ địa-kinh tế được phát triển ở phần trên; và điều này vì một lý do đơn giản. Những lãnh thổ, những quốc gia nào mà những nhà khai thác khéo tận dụng được lợi thế từ các cuộc đối đầu giữa các doanh nghiệp này, tạo thuận lợi cho tiềm năng ảnh hưởng và sức mạnh của các quốc gia này thông qua tăng trưởng, việc làm, đổi mới và thu nhập thuế tích luỹ. Thung lũng Silicon nổi lên như là mô hình thuộc loại này trong lĩnh vực kỹ thuật số (như nhóm GAFA [bao gồm các tập đoàn Google, Apple, Facebook, Amazon] đã chứng minh); xin lưu ý thêm rằng, Nhà nước liên bang Mỹ đã ủng hộ cái gọi là lãnh thổ nói trên thông qua Lầu Năm Góc bởi vì DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency – Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến) trong thực tế đã “dội xuống” các khoản vay cho các công ty khởi nghiệp làm việc ở NICT [National Institute of Information and Communications Technology – Viện Nghiên cứu Quốc gia về Công nghệ Thông tin và Truyền thông] ngay từ những năm 1980. Trên đại dương xanh của ngành kỹ thuật số cờ hiệu sao và sọc bay phần phật [ý muốn nói Hoa Kỳ – ND].

Từ tất cả những điều nói trên, thế thì kết luận như thế nào? Đó là đời sống kinh tế không phải là một sự nối tiếp những mặt trận mang tính cạnh tranh và những cú sốc quyền lực, mà đó là chủ nghĩa tư bản không hề tự hạn chế theo trò chơi tự do của cung cầu. Các giao dịch thương mại, hệ thống sản xuất toàn cầu, cơ chế tài chính quốc tế và logic tiêu thụ, tất cả đều tương tác với các ma trận văn hóa, các dự án chính trị, các nguyện vọng xã hội và các trò chơi quyền lực, những thứ tạc nên phần lớn bức tranh cảnh quan. Các lý thuyết kinh tế có xu hướng phóng đại sự đơn giản hóa nhân loại và cá nhân con người: thực tế các tương quan quyền lực trên hành tinh, có nghĩa là mô hình trí tuệ của cuộc chiến kinh tế, trả lại cho chúng ta một tư duy phong phú hơn về xã hội, được nối khớp với tính phức hợp hiển nhiên của hành vi con người, cá nhân và xã hội.

Theo PHÂN TÍCH KINH TẾ

Tags: , , , ,