Một cái nhìn về tộc Bách Việt thời cổ đại

Nhận định lịch sử Trung Hoa cổ đại là lịch sử Bách Việt mà người Việt ở nước Nam ngày nay là một bộ phận độc lập còn tồn tại cho phép giải mã được phần lớn các truyền thuyết lịch sử Việt.

Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử…, còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử. Trong khi các sử gia thận trọng biên chép các sự kiện lịch sử theo quan niệm chính thống mỗi thời đại thì còn một dòng sử khác tồn tại song song, với sức lan tỏa rộng hơn, sinh động hơn. Đó là dòng sử trong dân gian, được lưu truyền qua các câu chuyện kể, các di tích, các di vật, các sự tích của các danh nhân địa phương…

Truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là tổ của Bách Việt. Cha Lạc Long dẫn 50 người con xuống khai phá vùng biển Đông. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng, về đất Phong Châu, lập con cả làm vua, gọi là Hùng Vương. Người Việt ngày nay là con cháu của trăm người con trai đó, tức là một phần của cả dòng họ, đồng bào Bách Việt xưa, cùng chung một nguồn cội họ Hùng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ…”.

Cương vực 15 bộ mênh mông của nước Văn Lang thời Hùng Vương, với Tây giáp Tứ Xuyên (Ba Thục), Bắc tới Hồ Nam (hồ Động Đình?), làm các sử gia nghi ngờ rằng đó là lãnh thổ của cả dòng Bách Việt chứ không chỉ của “nước Việt” ngày nay. Lãnh thổ Bách Việt đã trải khắp vùng Hoa Nam, rộng lớn không thể ngờ.

Truyền thuyết từ thời cha sinh mẹ đẻ không sai. Chính sử Việt chép cũng không sai. Bởi vì đó là những thông tin, những ghi chép lịch sử của cả cộng đồng người Bách Việt còn lưu lại chứ không phải chỉ của nước Đại Việt vào thời Lê sau này. Nếu nhìn nhận các truyền thuyết lịch sử Việt tách rời khỏi không gian và thời gian mà nó hình thành sẽ dẫn đến những lệch lạc vô cùng lớn, làm cho những câu truyện truyền thuyết trở nên không thể hiểu nổi. Với “tầm nhìn thời đại” của các chuyên gia sử học ngày nay thì những chuyện “trâu ma rắn thần” của thời cổ sử bị biến thành không “chích quái” thì cũng là “u linh”, mờ ảo. Thế nhưng, quá khứ xa xôi của người Việt lại nằm chính ở những dòng huyền sử lắng đọng đó. Chối bỏ huyền sử tức là quay mặt lại với quá khứ, với tổ tiên nòi giống.

Người Việt là một phần của đại tộc Bách Việt là điều thật rõ, rõ ngay từ cái tên gọi. Vì thế lịch sử Bách Việt cũng là lịch sử của người Việt. Sách Hán thư viết: “Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.” Bách Việt là một cộng đồng các dân tộc cùng nguồn gốc sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương từ thời trước Công nguyên. Về nhân chủng học thì Bách Việt là những cư dân thuộc loại hình Nam Mongoloid (Nam Á), trong đó bao gồm những nhóm dân tộc Tày Thái, Việt Mường, Môn – Khmer và cả Miêu Dao, phân bố ở Hoa Nam và Đông Nam Á ngày nay.

Trung Quốc thời nay là một tập hợp các vùng lãnh thổ nơi mà trong quá khứ đã được sinh sống bởi những tộc người khác nhau. Con sông Dương Tử chia đại lục Trung Quốc thành 2 phần gần bằng nhau. Một nửa lãnh thổ Trung Quốc là đất người Bách Việt vào thời trước Công nguyên nên lịch sử Trung Hoa không thể không có những khoảng thời gian là lịch sử Bách Việt. Hơn thế nữa, một nửa phương Nam mới là nơi đã làm nên nền văn hóa Trung Hoa cổ đại rực rỡ. Những công trình xác nhận vai trò của văn hóa Bách Việt đối với nền văn minh Trung Hoa cổ xuất hiện ngày càng nhiều. Bắt đầu từ những bước lội ngược dòng của giáo sư Kim Định vào những năm 1970 chỉ ra những đóng góp to lớn của văn hóa Việt trong văn hóa Trung Hoa cổ. Hay gần đây hơn như công bố của giáo sư người Nga Dega Deopik, Viện các nước Á – Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva, cho rằng chủ nhân của nền văn minh Trung Hoa là người Môn – Khmer, tức là người Bách Việt. Cho tới nay, chính nghiên cứu của những nhà khoa học Trung Quốc tại vùng Lĩnh Nam cũng đang khẳng định điều này.

Xem lại lịch sử Trung Hoa thời trung đại. Thế kỷ thứ 13 khi vó ngựa Mông Cổ tung hoành khắp đại lục Trung Hoa, nước Đại Lý, rồi Nam Tống của người Hoa lần lượt bị quân Nguyên thôn tính. Chỉ có nhà Trần trên đất Đại Việt – Giao Chỉ là kiên cường chống quân xâm lược. 3 lần đại thắng quân Nguyên của vua tôi nhà Trần không chỉ là chiến thắng của người Việt trước quân giặc phương Bắc mà còn là chiến thắng của cộng đồng Bách Việt trước sự bành trướng của ngoại tộc Thát Mông. Nhà Trần vốn xuất xứ từ vùng đất Mân Việt ở Phúc Kiến – Chiết Giang, là đất Trung Hoa, cũng là đất Bách Việt xưa. Xét vậy thì giữa nhà Trần và nhà Nguyên rõ ràng nhà Trần mới là Trung Hoa đích thực. Nhà Nguyên là triều đại của người Mông Cổ, không liên quan gì tới Trung Hoa cổ đại. Các vua Trần rồi vua Lê sau đó trong không ít thư tịch, văn bia để lại đã gọi quốc gia của mình là cõi Trung Hạ, Trung Quốc, thậm chí Hoa Hạ (xin xem các trích dẫn trong phần Quan niệm Hoa Di trong sách Ngàn năm áo mũ).

Gần hơn nữa, có Nguyễn Huệ, tên thật là Hồ Thơm, người họ Hồ từ tổ tiên dòng Đế Thuấn nước Ngu của Trung Hoa cổ đại. Trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa Càn Long nhà Thanh và vua Quang Trung ở thành Thăng Long thì rõ ràng triều đại của Quang Trung mới là người Trung Hoa chính gốc. Nhà Thanh là người Mãn Kim, không hề có dây mơ rễ má gì với Trung Hoa cả.

Sang đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng lên ngôi, đoàng hoàng, công khai cho đúc Cửu đỉnh, là 9 chiếc đỉnh lớn tượng trưng cho vương quyền của Trung Hoa, đặt ở kinh thành Huế. Chiếu chỉ đúc đỉnh ghi rõ: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu…”.

Những chiếc đỉnh được đúc theo gương “các minh vương thời Tam đại” (Hạ, Thương, Chu) này là minh chứng rõ ràng, triều Nguyễn mới là “thiên tử” chính truyền của Trung Hoa thời kỳ này.

Truyền thuyết lịch sử Việt được chép trong Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái là những thu nhặt chuyện kể trong dân gian từ thời Trần. Những câu đối, hoành phi trong các đền miếu ngày nay còn giữ lại được phần lớn là từ thời Nguyễn. Có vẻ niên đại của những minh văn này không đủ xa, đủ lâu so với những thư tịch chính sử… được mang từ bên Tàu về. Nhưng giá trị của những tư liệu dân gian này là ở chỗ nó không bị chỉnh lý bởi quan niệm sử chính thống hay bị bóp nặn theo ý đồ của ai đó. Những thần phả, thần tích địa phương ở nước ta được chép với quan điểm Trung Hoa – Bách Việt rõ ràng, bởi vì vào thời kỳ đó chỉ có Việt mới là Hoa thực thụ.

“Trung Hoa” trong quá khứ là từ chung chỉ “thiên hạ” của các tộc người vùng Đông và Đông Nam Á. Trung Hoa xưa và Trung Quốc nay không phải là một. Trong số các dân tộc của Trung Quốc ngày nay thậm chí còn không có dân tộc “Hoa”, chỉ có Hán tộc mà thôi. Hoa không hề là Hán như vẫn người Tàu vẫn chú thích một cách vô căn cứ vì người Hoa là người Bách Việt, còn Hán là người Bắc Mongonloid, cùng dòng giống với người Liêu, người Kim, người Thát (Mông Cổ).

Nhận định lịch sử Trung Hoa cổ đại là lịch sử Bách Việt mà người Việt ở nước Nam ngày nay là một bộ phận độc lập còn tồn tại cho phép giải mã được phần lớn các truyền thuyết lịch sử Việt. Đây không phải là “lấy sử Tàu làm  ta”, bởi vì “sử Tàu” hay “sử ta” ngày nay chỉ là những cách chép sử với góc nhìn mang hạn chế của vùng lãnh thổ hiện tại vào thời điểm hiện tại. Nước Nam của thời đầu Công nguyên có lãnh thổ hoàn toàn không giống với nước Đại Việt thời Lê hay với nước Việt Nam thế kỷ 21 này. Những sự kiện, những nhân vật lịch sử nước Nam thời cổ và trung đại có tầm vóc, phạm vi vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh thổ quốc gia ngày nay bởi đó là lịch sử ghi chép theo quan điểm dân tộc Bách Việt trên địa bàn của Trung Hoa rộng lớn.

Lĩnh Nam chích quái là truyền thuyết của vùng Lĩnh Nam, tức là của cả vùng đất Bách Việt. Giải mã, đối chiếu truyền thuyết và lịch sử của nước Nam không thể chỉ hạn chế ở ranh giới Việt – Trung mới được định lại vào sau thời “Trung Hoa dân Quốc” của Tôn Trung Sơn (năm 1911). Từ đầu Công nguyên cột đồng phân giới giữa Trưng Vương và Mã Viện hoàn toàn có thể nằm ở tận Bắc Quảng Tây. Bảy quận nước Nam của Giao Châu thời Sĩ Nhiếp chẳng chừa vùng Lưỡng Quảng. Lưu Cung lập nước Đại Việt năm 917 không phải là trên vùng đất Nam Việt nhà Triệu xưa? Đó đều là lịch sử Việt cả.

Thiên Nam ngữ lục, trường ca thơ sử bằng chữ Nôm cuối thế kỷ 17 là một kho tàng sử liệu cực kỳ quý giá đối với nghiên cứu lịch sử Việt. Tác phẩm có niên đại cùng thời Ngô Sĩ Liên chỉnh lý Đại Việt sử ký toàn thư. Bộ ngữ lục này được sáng tác bằng thơ, bằng chữ Nôm, nhưng không có nghĩa là “tùy tác”. Đây là một tác phẩm được soạn để dâng lên chúa Trịnh, là một cuốn chính sử hoàn toàn nghiêm túc như trong câu mở đầu tác phẩm đã nói:

Trải xem sự kỷ nước Nam
Kính vâng tay mới chép làm nôm na.

Truyền thuyết, thơ sử lưu truyền ngày nay bị cho là có tính “thảng thốt” về lịch sử, bởi vì những gì được chép lại không giống với dòng sử bác học đang lưu hành. Không giống không có nghĩa là không đáng tin, đáng nghĩ. Những chỗ mà dòng sử dân gian vênh lệch so với sử hàn lâm chính là những chỗ lịch sử nước Nam cần phải xem xét lại, phải diễn giải lại cho đúng với không gian thời gian của lịch sử.

Bên cạnh phạm vi lãnh thổ và thời gian, để hiểu đúng truyền thuyết còn cần lùi cách nhìn nhận lại vào đúng không gian ngôn ngữ văn hóa của thời kỳ mà truyền thuyết được hình thành. Ví dụ từ “cửu trùng” hiểu như ngày nay là “9 tầng” thì sẽ dẫn đến những điều vô lý, chẳng đâu vào đâu. Xưa lên ngôi vua gọi là lên “ngôi cửu trùng”. Đền Thượng thờ vua Hùng ở Phú Thọ gọi là Cửu trùng thiên điện, không phải nghĩa là điện thờ ở 9 tầng trời mà là điện thờ Vua, thờ ông Trời. Thành Cổ Loa không phải có 9 vòng thành, mà là tòa thành từng được gọi là “Cửu trùng thành”, nghĩa là thành nơi có Vua. Cửu trùng hay trùng cửu – trường cửu là từ mượn âm, dùng để xưng tụng, tung hô với nghĩa như từ “vạn tuế”. Đời vua Hùng Vương 18 không phải là đời vua Hùng cuối cùng, mà ngược lại, 18 là trùng cửu (9×2), là con số chỉ sự trường tồn của thời đại Hùng Vương.

Những cái bẫy của ngôn ngữ do sự khác biệt xưa – nay đã làm lạc hướng các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt, dẫn đến “sai một ly đi một dặm”. Do chữ Nho là thứ văn tự bản chất tượng hình nên để ký âm, nhất là âm của ngôn ngữ khác, các nho sĩ xưa phải dùng phép phiên thiết. Phiên thiết một âm là dùng 2 “ký tự” (2 chữ), một tự ký phụ âm, một tự ký vần, ghép lại để ghi âm. Một âm Nôm khi chép vào sử sách do vậy biến thành 2 chữ Nho, lâu ngày người ta quên đi rằng đây là các “ký tự” để ghi âm chứ không phải ghi nghĩa. Mê Linh là 2 ký tự ghi âm Minh – Minh đô của vua Hùng, chẳng phải loài chim M’linh, M’lang nào cả. Tên làng Vân Già thiết , chứ không phải đám mây có tuổi mà “già”…

Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng nếu truyền thuyết được quy chiếu vào đúng hệ tọa độ không gian – thời gian – ngôn ngữ  – văn hóa sẽ trở thành lịch sử thật sự. Một trong những tọa độ căn bản của văn hóa phương Đông xưa là Dịch học, là Hà thư Lạc đồ, là Âm Dương Ngũ Hành. Hà là trời, Lạc là đất. Hà thư là những cặp số sắp xếp theo phương vị để chỉ 4 phương trời và một phương trung tâm. Do đó Ngũ Lĩnh là 1 ngọn núi tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở trung tâm. Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, không phải là nơi có 5 ngọn núi ở bên Tàu. Bát Hải không phải là có 8 cửa biển mà là biển nằm ở phương Tám, tức là phương Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ trong đạo Mẫu do vậy không hề xuất xứ từ đầm nước ở Hồ Nam mà là vị vua của biển Đông, là cha Lạc Long đã dẫn 50 người con xuống biển.

Khi các con số chỉ phương hướng của Hà thư lại phối chồng lên với các tính chất của Ngũ hành hay các quẻ của Bát quái thì sự thể còn đi xa hơn nữa. Từ Lạc – Nác – Nước, cũng là Lục, là số 6, con số chỉ phương Bắc ngày nay. Hùng Vương thứ sáu là Lạc Vương, nghĩa là vua vùng đất phía Bắc, đồng nghĩa với Kinh Dương Vương (Canh Giêng Vương). Tên nước Xích Quỷ hay Xích Quẻ là quẻ chỉ hướng Nam, hướng Xích đạo. Hiểu nước Xích Quỷ của Lạc Long Quân thành “quỷ mặc áo đỏ” thì chẳng ra ngọn ngành gì cả…

Những ví dụ về ngôn ngữ như vậy trong cổ sử Hoa Việt vô cùng nhiều. Không vận dụng Dịch lý thì không thể hiểu được những nhân danh, địa danh trong quá khứ, tức là không thể hiểu được những “mật mã” mà tiền nhân người Việt đã nhắn gửi trong những câu truyền thuyết.

Ngôn ngữ, văn hóa không chỉ đọng lại trong thư tịch, trong truyền thuyết, trong hoành phi câu đối điện thờ. Những hiện vật khảo cổ của từng thời kỳ lịch sử, có minh văn hay không có minh văn, đều tự kể chuyện mình, kể những câu chuyện hoàn toàn không như cách “giải đoán” của các sử gia ngày nay. Tấm bia Xá lợi tháp minh phát hiện ở Bắc Ninh ghi rõ năm 601 Giao Châu là đất “thuộc bản đồ đế quốc Tùy”, do thứ sử Lưu Phương cai quản. Tức là Lý Phật Tử – Triệu Việt Vương không hề đóng đô ở Long Biên vào những năm này. Đồng tiền cổ với chữ Đinh ở mặt sau thời Ngũ đại thập quốc lại có tên được đúc trăm đồng như một là “Đại Hưng bình bảo”, xứng tên nước Đại Hưng rõ ràng. Chuông cổ Thanh Mai ở Hà Nội đúc năm Càn Hòa thứ 6 cho biết năm 948 Giao Châu đang là một huyện dưới thời vua Lưu Thịnh ở Quảng Đông. Trận đại thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng do đó không thể xảy ra vào năm 938 được…

Ngày càng có nhiều những phương pháp, những dẫn chứng thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau soi thấy chính sử nước Nam đã được chép… đúng mà không đúng. Lịch sử bị biến thành huyền thoại vì đã không được đặt đúng, hiểu đúng trong tọa độ vốn dĩ của các sự kiện từng xảy ra. Giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt không phủ nhận, mà trái lại, giúp làm rõ thêm lịch sử. Lịch sử nước Nam là lịch sử của cả đại tộc Bách Việt trên phạm vi thiên hạ Trung Hoa rộng lớn thời cổ trung đại. Lịch sử Hoa Việt thật sự càng lộ rõ thì tộc danh Bách Việt càng rực rỡ, rực rỡ như đã từng tỏa chiếu trong quá khứ.

Những thông điệp từ quá khứ được nhắn gửi rõ ràng ngay trên mặt trống đồng, linh khí của người Việt cổ. Ở chính giữa mặt trống đồng là hình ảnh của mặt trời, nguồn sống muôn loài. Ngọn lửa ánh sáng ở trung tâm tức là Trung Hỏa – Trung Hạ hay Trung Hoa. Trung Hoa là cõi thiên hạ của người Bách Việt. Vòng ngoài cùng của mặt trống đồng Ngọc Lũ khắc 18 cặp chim, 1 non và 1 trưởng thành đang tung bay. 18 là trùng cửu, là trường cửu. Ý nghĩa của vòng ngoài mặt trống đồng là đời sau con cháu nối tiếp ông cha đời trước mà trường tồn. Thông điệp của trống đồng gửi từ ngàn xưa về là Bách Việt trùng cửu, một sự khẳng định: Bách Việt trường tồn với thời gian.

Theo BÁCH VIỆT TRUNG CỬU

Tags: , ,