Môi trường nhà nước và sự lựa chọn của người trí thức

Ai làm việc trong hệ thống nhà nước đều hiểu rất rõ: có một áp lực vô hình khiến mình không thể nói hết những gì mình nghĩ.

Nhắc đến tên Lương Văn Lý, nhiều người dân TP.HCM vẫn nhớ đến những ấn tượng của ông trên cương vị phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Ngoại vụ, và nhất là việc ông đột ngột rời khỏi các chức vụ, rời khỏi bộ máy nhà nước để trở thành một chuyên gia tư vấn đầu tư, dù từ ngày ấy đến nay đã vừa tròn 10 năm.

Và sau 10 năm kể từ “cú gây sốc” ấy, lần đầu tiên ông Lương Văn Lý nhìn lại câu chuyện của mình, trong cái nhìn khái quát về thời cuộc…

“Thức ăn” của trí thức

 Ông là một trong những du học sinh đã tự nguyện về xây dựng đất nước từ khi còn rất trẻ, trong hoàn cảnh điều kiện đời sống cũng như làm việc trong nước còn rất khó khăn. Làm việc trong hệ thống nhà nước suốt 30 năm, rồi chính ông lại tự nguyện xin thôi để ra ngoài “khởi nghiệp”. Trải nghiệm ấy cho ông suy nghĩ như thế nào về việc chọn chỗ làm việc của người trí thức?

 Người trí thức nói chung ai cũng có ba nhu cầu: Một là phát huy tới mức cao nhất những kiến thức của mình vào mục đích có ích. Học là để hành mà. Muốn vậy, lại phải có ba điều kiện: công việc phù hợp, không trái ngành nghề; điều kiện làm việc về vật chất tương đối đủ; kết quả công việc được đánh giá khách quan, không thiên vị, đố kỵ cá nhân.

Hai: Đóng góp phải được bù đắp tương xứng, mức sống được đảm bảo tối thiểu ở mức trung lưu theo tiêu chí xã hội, môi trường..

Ba: được tôn trọng quyền tự do về tư tưởng, được quyền tự do nói những điều mình suy nghĩ. Để có được tri thức, nhất định phải có tự do tư duy. Các ý tưởng phải được trình bày, đối chiếu, kiện toàn trong tranh luận lành mạnh và cọ sát với thực tế. Ở đây tôi nhấn mạnh việc “tranh luận lành mạnh”, tranh luận mà trở thành quy chụp thì ý tưởng sẽ bị diệt vong và khả năng của trí thức bị mai một.

Tùy từng người, từng hoàn cảnh, giai đoạn mà một nhu cầu nào đó được đặt nặng hơn hoặc phải chịu hy sinh, nhưng nói chung, cả ba nhu cầu đó đều là thiết yếu và phải được đáp ứng. Bất kỳ tổ chức nào, chính trị hoặc phi chính trị, nhà nước hay tư nhân, muốn giữ trí thức lại với mình đều phải đáp ứng được những điều này.

– Với bản thân ông, trong 30 năm làm việc với nhà nước, ba nhu cầu ấy của ông có được thỏa mãn?

 Ở mức tương đối. Thứ nhất, suốt thời gian đó, tôi được làm việc đúng với chuyên môn ngành nghề của mình, và nhờ đó, có đôi chút đóng góp cho công cuộc chung. Thứ hai, nói tới thu nhập thì lương của mọi công chức, trong đó có tôi, đều không tương xứng với đóng góp, nhưng mọi người đều tự an ủi rằng đó là hoàn cảnh chung, không ai công khai nói ra cả. Bản thân tôi có được cuộc sống đàng hoàng nhưng lại là nhờ ở gia đình, mấy mươi năm nhìn lại thấy mình không có tích lũy gì đáng kể. Về nhu cầu thứ ba thì phải nói thật là không đạt. Ai làm việc trong hệ thống nhà nước đều hiểu rất rõ: có một áp lực vô hình khiến mình không thể nói hết những gì mình nghĩ. Dù bước vào thời kỳ đổi mới, không khí có cởi mở, dễ thở hơn, vị trí vai trò trong hệ thống cũng được nâng lên chút ít, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chỉ có thể làm được một phần những gì mình muốn làm…

Lòng yêu nước của hôm nay

– Sau ông cũng có rất nhiều người tiếp tục rời biên chế nhà nước, và sau này còn có thêm xu hướng lựa chọn nơi sinh sống và lập nghiệp ở nước ngoài. Cũng như vậy, “ở hay về” luôn là đề tài nóng trong giới du học sinh. Theo ông, liệu lòng yêu nước có tác động như thế nào đến người trí thức trong lựa chọn đó?

 Tôi cho rằng ai cũng đều gắn bó với một quê hương, bắt đầu bằng sự gắn bó với cha mẹ, họ hàng, làng xóm. Trong quá trình học tập, tìm hiểu sâu về lịch sử, địa lý, văn hóa, khái niệm đất nước, dân tộc càng rõ ràng hơn và lòng yêu nước sẽ vừa rộng lớn hơn, vừa sâu sắc hơn. Trí thức Việt Nam, trừ một số ngoại lệ mà con số quá nhỏ nhoi nếu so với lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, đều yêu nước và đều muốn được đóng góp vào sự phát triển của đất nước và sự thăng hoa của giá trị Việt Nam. Đã có một thời chúng ta đánh giá những người trí thức bỏ nước ra đi sau 1975 là những người không yêu nước, thậm chí quy kết là phản bội Tổ quốc. Nhìn từ phía lợi ích dân tộc thì quan điểm đó là một sai lầm rất lớn đã được thời gian chứng minh, ngày nay chắc không ai muốn đi lại vào “vết xe đổ” đó.

– Làm sao để giữ họ lại?

 Phải hiểu được vì sao họ ra đi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều anh chị cùng thời với mình, khi ở nước ngoài thì xả thân đấu tranh cho hòa bình, đất nước thống nhất thì hăng hái về phục vụ, nhưng sau đó vài năm thì phải ngậm ngùi giã từ cuộc chơi. Người thì đi xuất cảnh hợp pháp, người thì đi vượt biên trở lại nơi đã học trước đó hoặc đến một đất nước khác, dễ sống hơn, làm việc dễ hơn. Đối với các anh chị đó, lòng yêu nước đã vẫy gọi thành công nhưng không giữ chân lại được vì tôi nghĩ họ đã không tìm được trong nước điều gì đó mà họ cho là hết sức bức xúc cho cuộc sống, ví như: sự dung nạp của đồng nghiệp, lòng tin cậy của cấp trên, an toàn về tài sản, yên ổn về tinh thần, điều kiện học hành cho con cái…

– Với ông thì lòng yêu nước đã giữ lại được?

 Vì tôi không gặp phải những hoàn cảnh oái oăm, thử thách khắc nghiệt như những người đã ra đi, dù cũng có giai đoạn tôi gặp phải nhiều nghi kỵ, bị đặt nhiều câu hỏi về sự trở về của mình. Tôi cho rằng sự cống hiến cho đất nước không phải là hệ quả vô điều kiện của lòng yêu nước. Hoàn cảnh lịch sử của chiến tranh và hòa bình là khác nhau. Trong điều kiện một đất nước bình thường mà kêu gọi “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta”, mới nghe thì thật lãng mạn, nghe lại thì thấy quá giản đơn, phi thực tế…

– Một thực tế nhức nhối khác là rất nhiều người Việt thành đạt đang bằng mọi cách tìm cho mình cùng gia đình một “thẻ xanh” ở nước ngoài. Ông nghĩ gì về điều này?

 Tôi cho rằng đó là vì họ muốn có thêm một cơ sở ở nước ngoài ngoài chân đứng ở Việt Nam, không nên băn khoăn nhiều về lòng yêu nước của họ. Thế giới đang ngày càng phẳng hơn, chuyện ăn sáng ở Việt Nam, ăn tối ở châu Âu, Bắc Mỹ, rồi trưa hôm sau lại ăn trưa ở Việt Nam là chuyện trong tầm tay của ngày càng nhiều người hơn. Tuy nhiên, có thể có một điều phải tìm hiểu và một điều nên phản đối:

Cần tìm hiểu xem có điều gì liên quan đến các nhu cầu cơ bản, hoặc nguyện vọng chính đáng mà xã hội chúng ta chưa đáp ứng được, khiến họ phải đi tìm ở một nước khác, ví dụ như an toàn cho họ và gia đình?

Điều nên phản đối là những người có trách nhiệm trong chính quyền, trong hệ thống chính trị lại đi tìm cho bản thân hoặc gia đình một chiếc thẻ xanh. Hơn ai hết, họ cần phải ở Việt Nam và chỉ Việt Nam thôi vì trách nhiệm mà họ đã tự nguyện nhận lãnh để làm cho nền kinh tế này phồn vinh hơn, xã hội này văn minh hơn, chế độ này cởi mở hơn, để mọi người Việt Nam đều có thể làm việc hiệu quả, sống tốt và yên bình. Nếu bản thân họ mà còn “chân trong chân ngoài” thì khi hữu sự, làm thế nào huy động được người dân?

Cơ chế của kỹ trị

– Vâng, vai trò của nhà nước vẫn là vai trò quyết định. Theo ông, nhà nước nên làm thế nào để giữ chân trí thức trong bộ máy?

 Chúng ta đang kêu gọi xây dựng “chính phủ kiến tạo”. Chính phủ kiến tạo nhất định phải dựa vào trí thức, trước hết là những trí thức làm việc trong bộ máy nhà nước, góp phần trực tiếp vào việc đưa ra và thực hiện chính sách. Giải pháp cơ bản theo tôi là phải có cơ chế riêng cho những nhà kỹ trị.

Trong hệ thống chính quyền của chúng ta, một khi đã gia nhập làng công chức là bắt buộc phải đi theo con đường chính trị, không có cách khác để thăng tiến. Đo lường hiệu quả công việc thì không có những thông số khách quan, khoa học, cào bằng lẫn nhau giữa người làm khoa học và chính trị, hành chính. Không làm lãnh đạo được thì ì ạch dậm chân tại chỗ với đồng lương chuyên viên “ba cọc ba đồng” hoặc bị đào thải.Trong khi đặc tính kỹ trị của người trí thức là họ chỉ chú trọng vào chuyên môn, muốn cống hiến bằng khả năng, kiến thức của mình, không tham vọng chức này, ghế khác.Vì vậy, cần có cơ chế, tiêu chí, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc được thiết kế riêng cho lực lượng trí thức làm kỹ trị.

Người trí thức thật sự không bao giờ xây dựng lực lượng, phe cánh cho mình nên trong bối cảnh chung khá lộn xộn hiện nay, họ bao giờ cũng là những người thiệt thòi. Tuy yếu thế nhưng họ lại vững vàng ở bất kỳ đâu với chuyên môn, tri thức của mình. Nhà nước phải cầm chịch để giữ cân bằng giữa chính trị và kỹ trị, giữ công bằng cho người trí thức, nếu không, khi họ rời đi, tổ chức sẽ là bên chịu thiệt thòi.

– Chúng ta cũng đang kêu gọi “khởi nghiệp”. Nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ, nên khởi nghiệp hay gia nhập vào bộ máy nhà nước, ông sẽ nói gì?

  • Lời khuyên chân thành từ kinh nghiệm bản thân của tôi: làm việc trong nhà nước một thời gian trước khi khởi nghiệp là rất có ích. Hiện giờ và sẽ còn một khoảng thời gian khá dài nữa, nhà nước sẽ vẫn là bạn đồng hành lớn của các doanh nghiệp. Vào làm nhà nước, bạn sẽ hiểu cơ chế vận hành của người bạn đồng hành với mình sau này. Ngoài ra, vì diện tiếp xúc, làm việc rộng hơn nhiều so với một doanh nghiệp, bạn sẽ còn có các mối quan hệ rộng rãi có thể hỗ trợ mình trên đường khởi nghiệp về sau.

Một bài học nữa mà quá trình làm việc trong bộ máy nhà nước đã dạy cho tôi là giá trị của sự hiệp đồng tác chiến – một thuật ngữ có vẻ đã lạc hậu, hay sự phối hợp, liên kết – ngôn ngữ của hôm nay, giữa các cá nhân và tổ chức có cùng mục đích. Phần lớn những thất bại hay nửa thất bại của các tổ chức nhà nước mà tôi được chứng kiến đều do sự thiếu phối hợp hay phối hợp tồi mà ra. Bài học này hết sức có ích với hoạt động doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn thử thách gay gắt hiện nay trong công cuộc toàn cầu hóa.

“Ra biển lớn”, thêm một hình ảnh rất lãng mạn nữa, không thể mỗi doanh nghiệp tự đi mà phải là cả một hạm đội cùng ra quân.

Theo QUỲNH AN / NGƯỜI ĐÔ THỊ (2017)

Tags: