Mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á

Định lượng vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế là một công việc phức tạp. Kết quả tăng trưởng kinh tế bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, và các nguyên nhân này lại tương tác với nhau, và trong nhiều trường hợp lại do tăng trưởng kinh tế tạo nên.

Mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á

Bài viết này tóm tắt nghiên cứu định lượng của Permani (2009) về vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế – khảo sát ở khu vực Đông Á. Kết quả nghiên cứu cho thấy giáo dục là điều kiện cần thiết giúp các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển nhưng không phải là điều kiện đủ cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách giáo dục cần xem xét các khía cạnh phi tài chính như bảo tồn văn hóa và liên kết xã hội. Tác động của giáo dục là trong dài hạn chứ không phải là nhất thời hay trong hiện tại đối với tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Risti Permani, tác giả của bài nghiên cứu, là học giả nghiên cứu tại the School of Economics, University of Adelaide, Australia. Tựa đề bài nghiên cứu gốc là The Role of Education in Economic Growth in East Asia: a survey đăng trên Asian-Pacific Economic Literature , pages 1-20, 2009.

————————————

Xuyên suốt quá trình phát triển của xã hội loài người – qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, giáo dục luôn được các nhà quản lý xã hội quan tâm vì đối với họ giáo dục phát triển sẽ giúp tạo ra “hưng thịnh quốc gia” và sự phát triển cho cả xã hội. Do đó, giáo dục luôn được xem là “quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, tất cả những quan điểm đó, khi chưa dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học được thực hiện một cách nghiêm túc, thì đều trở nên ít đáng tin cậy và thường chỉ là những phán xét “cảm tính”. Vì vậy, kết quả từ các nghiên cứu khoa học là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc đưa ra các nhận định về vấn đề này và xa hơn là ứng dụng vào việc thiết kế chính sách phù hợp. Do đó, các nghiên cứu về vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết.

Nghiên cứu này đã cho chúng ta một sự nhìn nhận khá tổng quan về vai trò của giáo dục, như là một biến đại diện để đo lường cho vốn con người, đối tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Với việc tổng hợp và so sánh các lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm đã có, Permani đã cho chúng ta thấy được tính đa dạng trong quan điểm, thậm chí là những tranh cãi trái chiều, về mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế. Đối với các nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định lượng để kiểm tra mối tương quan giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế thì sự đa dạng về quan điểm hay những tranh cãi trái chiều này chủ yếu xuất phát từ những sự sai khác về kết quả nghiên cứu do “các vấn đề” về kinh tế lượng gây ra. Ngoài ra, tác giả cũng đã đi sâu phân tích mối quan hệ này ở khu vực Đông Á và đưa đến những nhận định và ứng dụng chính sách giáo dục tại khu vực này. Phân tích trường hợp Đông Á được tác giả đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế “ấn tượng” mà các nền kinh tế trong khu vực này đã đạt được trong những năm 1990s của thế kỷ trước.

Sự đa dạng trong quan điểm về vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế

Các quan điểm khác nhau

Nghiên cứu của Brist và Caplan (1999) cho thấy không thể giải thích được sự khác biệt tăng trưởng GDP giữa các quốc gia bằng biến số người đi học. Nghiên cứu khác của Hanushek và Kimko (2000)lại đưa ra một kết luận là chất lượng của nguồn lao động có mối quan hệ nhân quả, bền vững và lâu dài với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng lao động mà Hanushek và Kimko đã đề cập đến trong nghiên cứu này lại không liên quan đến giáo dục chính thức (formal education). Như vậy, việc tham gia đi học theo hệ thống giáo dục quốc dân chưa rõ ràng trong việc quyết định chất lượng lao động.

Cũng có nghiên cứu khác của Bosworth và Collins (2003) đã tìm ra được tác động dương của vốn con người (giáo dục là biến đại diện) đến tăng trưởng kinh tế nhưng giá trị của tác động này là rất nhỏ. Nghiên cứu này cho thấy, vốn con người chỉ đóng góp khoảng 0.3% trong tổng số 2.3% tỷ lệ gia tăng sản lượng của thế giới tính trung bình trên một lao động, giai đoạn 1960-2000. Đóng góp này của vốn con người thấp hơn so với vốn vật thể (1%).

“Các vấn đề” về kinh tế lượng: Nguyên nhân gây ra sự tranh cãi

(1) Chọn biến đại diện cho giáo dục

Khi giáo dục được chọn làm biến đại diện cho vốn con người thì việc chọn lựa biến đại diện cho giáo dục cũng không hề đơn giản và việc lựa chọn này cũng sẽ có ảnh hưởng kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa vốn con người (cũng như giáo dục) đối với tăng trưởng kinh tế. Các biến thường được đề nghị là các biến thuộc nhóm biến số đại diện cho quá trình tham gia giáo dục chính thức của một cá nhân như: tỷ lệ tham gia giáo dục, tỷ lệ biết chữ, số năm đào tạo chính quy trung bình. Đây là ba biến số thường được sử dụng nhiều nhất như là biến đại diện cho giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa nhiều nhà nghiên cứu về lựa chọn này vì mỗi biến đều có những hạn chế riêng.

Đối với tỷ lệ tham gia giáo dục: Vẫn có kết quả nghiên cứu cho rằng biến số này có quan hệ nghịch chiều với tỷ lệ tăng trưởng của vốn nhân lực (Pritchett, 1996); chưa tính đến khía cạnh chất lượng của giáo dục; không nói lên mức độ tích lũy (Benhabib và Spiegel, 1994); và độ tin cậy chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết khi mà số người đi học được xem như nhân tố tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng trên thực tế, lại chưa tham gia lực lượng lao động (phần lớn đều đang đi học, chúng ta loại trừ các công việc làm bán thời gian) và chưa đóng góp vào sự gia tăng sản lượng của một quốc gia ở hiện tại (thường là trong một năm).

Đối với tỷ lệ biết chữ, lại có sự khác biệt khi so sánh giữa các quốc gia, tính không đồng nhất do việc bất cân xứng của việc chọn mẫu theo hướng thiên về khu vực thành thị (Benhabib và Spiegel, 1994); không phản ánh được mức độ biết chữ, loại hình, và các đóng góp của các kỹ năng tăng thêm (Stroombergen, Rose et al., 2002).

Đối với số năm đào tạo chính quy trung bình: Không tính đến khía cạnh chất lượng giáo dục (Hanushek và Woessmann, 2007: tr.21; Stroombergen, Rose et al., 2002).

Trong ba biến trên thì biến được sử dụng phổ biến nhất là số năm đào tạo chính quy trung bình (Benhabid và Spiegel 1994; Islam 1995).

Ngoài ra, cũng có một số biến khác được các nhà nghiên cứu đề nghị như: Tỷ lệ sinh viên/giáo viên; tỷ lệ ngân sách chi tiêu cho giáo dục; học tập thông qua làm việc; cấu trúc chương trình giáo dục (Lee, 2000).

(2) Chọn mẫu

Việc chọn mẫu theo những hướng khác nhau cũng là một vấn đề lớn có thể tạo những sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu. Hai hướng chọn mẫu này thường là lựa chọn quốc gia hoặc giai đoạn nghiên cứu khác nhau.

Thứ nhất, đối với việc lựa chọn các quốc gia khác nhau (trong cùng một giai đoạn kinh tế) thì kết quả cũng có thể khác nhau về mối quan hệ giữa giáo dục với tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu của Islam (1995) thì kết quả tác động của giáo dục đến tăng trưởng kinh tế ở các nước Đông Á và OECD trong cùng giai đoạn 1965-1985 là khác nhau.

Thứ hai, lấy mẫu nghiên cứu ở cùng một nhóm các quốc gia nhưng sử dụng số liệu ở những giai đoạn khác nhau thì kết quả nghiên cứu cũng có những khác biệt. Tác động của giáo dục đến tăng trưởng kinh tế ở các nước Đông Á, nếu thực hiện với số liệu trong giai đoạn 1965-1985 thì cho thấy giáo dục chưa tạo ra tác động tích cực, thậm chí còn gây ra chi phí; trong khi đó, giáo dục lại là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Đông Á giai đoạn hậu khủng hoảng 1997 (Permani, 2008).

Phân tích trường hợp khu vực Đông Á

Các nguyên nhân cho thành công kinh tế Đông Á những năm 1990s

Phân tích vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế ở Đông Á được tác giả đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” của khu vực này trong những năm 1990s. Phân tích và lý giải các nguyên nhân dẫn đến sự thành công của kinh tế Đông Á đã thực sự trở thành một chủ đề “hấp dẫn” đối với nhiều nhà nghiên cứu kinh tế.

Theo Pack và Nelson (1997) thì tích lũy các nhân tố tăng trưởng là nguyên nhân chủ yếu cho thành công kinh tế của Đông Á. Trong khi đó, cũng có nhiều nguyên nhân khác được các nhà nghiên cứu đưa ra như vai trò của chính phủ, tự do hóa thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô (Collins et al., 1996); theo đuổi chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu (Morris, 1996; Chen, 1997).

Cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng vốn con người và giáo dục có tác động đến tăng trưởng kinh tế Đông Á mặc dù mức độ tác động là khác nhau ở các nghiên cứu. Ví dụ như tích lũy vốn con người giai đoạn 1965-1990 (Ngân hàng Thế giới, 1993); phát triển vốn con người (Mingat, 1998); lao động có trình độ (Young, 1995; Bloom et al., 2000). Ngoài ra, Collins et al. (1996) cho rằng giáo dục chỉ là một nhân tố đóng góp rất nhỏ cho tăng trưởng, mà chủ yếu là do vốn; các nghiên cứu của Rada và Taylor (2006) và Gundlach và Woessmann (2001) thì lại cho thấy giáo dục chỉ là điều kiện cần cho tăng trưởng; và Permani (2008) cho rằng giáo dục là nguồn lực tăng trưởng dài hạn chứ không phải là nhất thời hay trong ngắn hạn.

Giáo dục tác động lên tăng trưởng kinh tế

Nghiên cứu này đã tổng hợp kết quả của nhiều nghiên cứu trước đó để đánh giá tác động của giáo dục lên tăng trưởng kinh tế ở Đông Á trong những năm 1990s. Nghiên cứu đã cho rằng, giáo dục có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế theo ba cách:

Thứ nhất, tác động trực tiếp như ở Hàn Quốc (Lee, 2000; Kwach và Lee, 2006); ở Đài Loan (Lin, 2004).

Thứ hai, giáo dục đóng vai trò trung gian – bổ sung, hỗ trợ cho các yếu tố tăng trưởng khác như tính minh bạch (Kwach và Lee, 2006); vốn vật thể (Pyo, 1995; Kang, 2006); xuất khẩu (Kang, 2006).

Thứ ba, tác động gián tiếp như giúp thu hút FDI ở Trung Quốc (Narayan và Smyth, 2006); thu hút FDI ở Việt Nam (Han và Baumgarte, 2000).

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng có nhiều nghiên cứu không tìm ra được các bằng chứng về sự đóng góp của giáo dục đối với thành công kinh tế như ở Hồng Kông (Haulman, 1996; Chen, 1997); ở Malaysia trong giai đoạn 1984-1997 (Milanovic, 2006); ở Philippines trong giai đoạn 1980-2001 (Canlas, 2003); ở Đài Loan (Fan và Fan, 2004). Như vậy, vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế nhìn nhận dưới góc độ toàn bộ nền kinh tế (ở tầm vĩ mô) là không rõ ràng, có nhiều quan điểm khác nhau.

Khi xem xét, vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế nhìn nhận dưới góc độ cá nhân (ở tầm vi mô) thì quan điểm rõ ràng và thống nhất là giáo dục giúp làm tăng thu nhập của người lao động. Nghiên cứu này đã đưa ra được các bằng chứng cho khẳng định này qua các nghiên cứu ở Trung Quốc (Maurer-Fazio và Dinh, 2004); ở Indonesia năm 1995 (Duflo, 2001); ở Malaysia (Milanovic, 2006); ở Singapore (Huff, 1999); ở Việt Nam năm 1998 (Kikuchi, 2007); và ở Đài Loan (Lin và Orazem, 2004).

Một câu hỏi nghiên cứu mà nhiều nhà nghiên cứu đặt ra là mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế có phải là theo là hai chiều? Trong nghiên cứu này, tại khu vực Đông Á, Permani đã cho rằng đây là mối quan hệ hai chiều – nhân quả. Tác giả đã sử dụng kết quả nghiên cứu của Zin (2005) để làm cơ sở. Theo Zin (2005) thì ban đầu, tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ làm tăng cầu lao động có trình độ, kết quả là số người tham gia học tập tăng lên rất nhiều. Điều này tạo ra điều kiện cho giáo dục phát triển. Ngược lại, giáo dục phát triển dẫn tới việc nâng cao tính cạnh tranh của lao động có trình độ, làm cho thu nhập và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Như vậy, giáo dục không chỉ là nguyên nhân mà còn là kết quả của tăng trưởng kinh tế.

Gợi ý chính sách

Theo Permani thì đối với các nhà làm giáo dục trước khi đề ra mục tiêu của chính sách là thiết kế được một chương trình giáo dục hiệu quả thì cần xem xét, phân tích và đánh giá những sự đánh đổi có thể có của chính sách đó. Sự đánh đổi đó có thể là giữa hiệu quả kinh tế và phúc lợi xã hội; giữa tác động trong ngắn hạn và dài hạn; số lượng và chất lượng giáo dục; hội nhập giáo dục và bảo tồn văn hóa; tập trung hóa hay phi tập trung hóa trong quản lý giáo dục.

Ngoài ra, Permani cho rằng giáo dục có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế nếu giáo dục kích thích được đổi mới (Nelson và Phelps, 1966); thúc đẩy động cơ tối đa hóa lợi nhuận cho người lao động (Romer, 1990); khả năng tiếp cận cơ hội học tập giữa mọi người trong xã hội như nhau (Ngân hàng Thế giới, 1993); có được nguồn vốn hỗ trợ (Hanf et al., 1975). Cụ thể, giáo dục giúp cải thiện chất lượng lao động; xóa bỏ các rào cản xã hội và thể chế (Lim, 1996); giáo dục giúp nâng cao tư duy khoa học, kỹ năng toán và thành thạo ngôn ngữ (Benavot, (1992).

Kết luận

Trong nghiên cứu này, Risti Permani đã rút ra được một kết luận cơ bản như sau:

Thứ nhất, giáo dục là điều kiện cần thiết giúp các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển

Thứ hai, giáo dục chưa là một điều kiện đủ cho tăng trưởng kinh tế

Thứ ba, chính sách giáo dục cần xem xét các khía cạnh phi tài chính, phi kinh tế: bảo tồn văn hóa, liên kết xã hội.

Thứ tư, tác động của giáo dục là trong dài hạn chứ không phải là nhất thời hay trong hiện tại đối với tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Theo VNECONOMIST

Tags: , ,