Mối nguy bẫy nợ Trung Quốc và những cơn choàng tỉnh

Những gói viện trợ thoạt nhìn tưởng là hào nhoáng từ Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra không đáng tin và sẽ luôn đi kèm với một cái giá không nhỏ về chính trị ở một số quốc gia.

Bài viết của tác giả Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh hiện làm việc tại Nhật Bản. Ông nhận bằng Tiến sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học quốc tế Nhật Bản. Nghiên cứu của ông liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế và nội chính của các nước châu Á – Thái Bình Dương, tập trung vào Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.

Không nơi đâu mà tham vọng phát triển hạ tầng bằng tiền của Trung Quốc lại đem đến kết quả bẽ bàng như ở Sri Lanka.

Cuối năm 2017, chính phủ Sri Lanka không thể trả nổi khoản nợ với các công ty Trung Quốc và buộc phải cho Bắc Kinh thuê cảng Hambantota trong 99 năm, bất chấp chỉ trích và cảnh báo rằng việc này đe dọa an ninh quốc gia. Đổi lại, Trung Quốc sẽ khấu trừ 1,4 tỷ USD cho Sri Lanka vay để tiến hành Dự án Phát triển cảng Hambantota.

Mặc dù đã cho Trung Quốc thuê khu cảng trên cùng hơn 6.000 ha đất xung quanh đó trong 99 năm, Sri Lanka vẫn nợ các công ty nhà nước của Trung Quốc gần 7 tỷ USD. Dự án phát triển cảng, bắt đầu triển khai dưới thời cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa, không mang lại lợi nhuận dù bến cảng nằm trên một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Mô hình cảng Hambantota ở Sri Lanka là điển hình cho các dự án thuộc sáng kiến Vành đai – Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Mô thức chung của những dự án này thường là công ty nhà nước Trung Quốc cung cấp một khoản lớn – thông qua các khoản vay hoặc đảm bảo tài chính – cho các nước phát triển dự án hạ tầng như đường cao tốc, đường tàu xe lửa hoặc lò phản ứng điện. Tiền thường đi kèm điều kiện các công ty Trung Quốc phải được tham dự vào quá trình hoạch định và xây dựng, đôi khi nhân công cũng là người Trung Quốc.

Vành đai – Con đường là một trong những công cụ đang tạo nên chiếc bẫy nợ cho nhiều quốc gia bị thu hút bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc. Và khi các nền kinh tế nhỏ hơn không thể trả nổi nợ, Bắc Kinh đã chớp ngay lấy cơ hội để ép chính phủ những nước này nhượng bộ.

Chiến lược này được gọi là “ngoại giao bẫy nợ”; nó đồng thời được coi là lời trả đũa chua cay của Trung Quốc đối với các hiệp ước bất công (mà phương Tây) đã áp đặt lên họ trong thế kỷ 19 và 20.

Nhìn tổng thể, chiến lược này đe dọa chủ quyền các nước đang phát triển, đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, tạo thành lợi thế và tiền đề cho Bắc Kinh bành trướng trên toàn cầu.

Nước nhỏ và món nợ lớn

Hãy lấy một ví dụ nữa là Turkmenistan. Quốc gia này được cho là đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, lạm phát 300%, doanh thu từ xuất khẩu khí tự nhiên sụt giảm. Từ năm 2009, Turkmenistan đã xích lại gần Trung Quốc sau khi sử dụng khoản 8 tỷ USD tiền của nước này để xây dựng các dự án hạ tầng và phát triển mỏ khí đốt. Giờ thì họ chật vật để trả các khoản vay và thậm chí đối mặt với nguy cơ phải “gán nợ” bằng các mỏ khí.

Turkmenistan không phải là nước Trung Á duy nhất mắc kẹt trong chiếc bẫy này. Trong hợp đồng Trung Quốc đầu tư nhà máy điện, Kyrgyzstan đồng ý sẽ phải giao quyền kiểm soát một số “tài sản” cho Trung Quốc nếu nước này không thể trả hết nợ. Một nửa số vay nợ bên ngoài của Kyrgyzstan là với Trung Quốc. Ngày càng có quan ngại rằng Kyrgyzstan sẽ phải nhượng bộ nếu họ không thể trả nợ Bắc Kinh.

Tại quốc gia Đông Phi Djibouti, nợ công đang chiếm 88% GDP, phần lớn số nợ là với Trung Quốc. Quốc gia này là nơi Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Chính sự hiện diện của Trung Quốc đã kéo theo căng thẳng về địa chính trị khi căn cứ hải quân của Mỹ tại Djibouti cũng được đặt khá gần đấy.

Tương tự các nước trên, Djibouti đứng trước nguy cơ phải nhượng bộ thêm nhiều nếu không thể trả nợ Trung Quốc.

Mối lo toàn cầu

Trung Quốc đã không còn che giấu mộng bá quyền nhưng không đâu tham vọng đó biểu lộ rõ như sáng kiến Vành đai – Con đường. Các quan chức Mỹ và châu Âu từ lâu đã quan ngại rằng Vành đai – Con đường là một công cụ ngoại giao, kinh tế của Trung Quốc, được hậu thuẫn tối đa từ cấp cao nhất nhằm vươn đến mục tiêu lâu dài.

Tất nhiên, không đợi đến sáng kiến Vành đai – Con đường kết nối Á – Âu – Phi, việc cưỡng lại mãnh lực kinh tài từ Trung Quốc luôn là câu hỏi đầy nan giải đối với nhiều quốc gia. Các nước này đứng trước thách thức phải bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược của mình, phòng ngừa việc mất các công nghệ nhạy cảm vào tay người Trung Quốc trong khi cùng lúc không muốn đánh mất nguồn đầu tư khổng lồ và quan hệ giao thương với Bắc Kinh.

Châu Âu đang xúc tiến các quy định nghiêm ngặt hơn trong việc xét duyệt đầu tư nước ngoài, một động thái rõ ràng nhắm đến Trung Quốc. Australia cấm người Trung Quốc mua đấu giá các tài sản ở vị trí chiến lược. Chính phủ Canada cũng đã chặn đứng một thương vụ công ty Trung Quốc thâu tóm công ty xây dựng nước này, vì lý do an ninh.

Mặc cho những quan ngại từ các nước phát triển, Con đường Tơ lụa mới (tên gọi khác của Vành đai – Con đường) chủ yếu được mở đến các nước đang phát triển. Cho đến nay, các khoản vay của Trung Quốc trong Vành đai – Con đường chủ yếu nhắm vào, và được đón nhận, ở những nước đang phát triển, nơi dễ dàng bị hấp dẫn bởi tính hoành tráng của những dự án mà Bắc Kinh cũng sẵn sàng cung cấp nguồn lực tài chính.

Tại những đất nước với cơ sở hạ tầng xập xệ và luôn có niềm tin rằng việc kết nối các tuyến đường sẽ lời giải cho bài toán kinh tế và đưa đất nước thoát nghèo, các công ty Trung Quốc dễ dàng vượt qua những tiêu chuẩn về môi trường, tính minh bạch hay an toàn. Cũng ở những nước đang phát triển, không phải chính phủ nào cũng đủ tầm và năng lực để quản lý các dự án với quy mô rất lớn.

Hậu quả rõ ràng nhất có thể nhìn thấy tại Sri Lanka, nơi số nợ của chính phủ nước này với Trung Quốc, trước khi cho thuê cảng, là gần 8 tỷ USD, tiếp sau là Maldives và Lào, theo số liệu từ nghiên cứu của Nikkei Asian Review và The Banker. Trong khi đó, tại Indonesia, dự án đường sắt trị giá 6 tỷ USD đang trễ tiến độ và chi phí tiếp tục tăng. Vấn đề tương tự cũng xảy đến với các công trình tại Kazakhstan and Bangladesh.

Và mặc cho niềm tin rằng các dự án khổng lồ từ Trung Quốc có thể mang lại công ăn việc làm cho người địa phương, công nhân Trung Quốc đang tràn ngập ở nhiều nơi. Báo cáo gần đây của cơ quan chống tham nhũng Hong Kong cũng cho thấy “tham nhũng ngập tràn trên Vành đai – Con đường”.

“Chủ nghĩa thực dân mới”

Sự cưỡng lại các khoản đầu tư, thoạt trông béo bở, từ Trung Quốc không chỉ xuất hiện ở các nước phát triển. Chính phủ một số nước Đông Nam Á cũng đang có những động thái để tránh đi vào “vết xe đổ” này.

Malaysia và Philippines là những ví dụ điển hình.

Cuộc bầu cử tại Malaysia hồi tháng 5 và sự trở lại của Thủ tướng 93 tuổi Mahathir Mohamad đã đánh dấu sự khởi đầu cho sự xét lại của Kuala Lumpur trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Dưới thời ông Mahathir, Malaysia cũng tỏ ra cứng rắn hơn trước các tuyên bố của Trung Quốc.

Gần đây, ông Mahathir đã thông báo đình chỉ 2 thỏa thuận do người tiền nhiệm Najib Razak đặt bút ký, với tổng giá trị thỏa thuận khoảng 22 triệu USD. Ông kêu gọi cắt giảm đáng kể chi phí nếu các dự án trên được xúc tiến lại và cảnh báo “chủ nghĩa thực dân mới” đang hình thành, nơi những quốc gia nghèo không thể chống chọi lại những nước giàu hơn.

Điều đáng kinh ngạc là Mahathir đã tuyên bố như vậy ngay tại Bắc Kinh, không lâu sau khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trong khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, một người nhiệt thành với những khoản tiền đầu tư từ Trung Quốc và không ngại quay lưng với Mỹ, đang chứng kiến viện trợ chỉ nhỏ giọt vào nước ông từ sau chuyến thăm Bắc Kinh vào năm 2016.

Trung Quốc đã hứa với ông Duterte khoản đầu tư 24 tỷ USD nhưng cho đến nay chỉ có 73 triệu USD trở thành hiện thực. Từ khi nhậm chức vào năm 2016, ông Duterte giữ im lặng trước các động thái quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, cư xử như một đồng minh vững chãi của Chủ tịch Tập Cận Bình mặc cho việc Philippines cũng là bên tranh chấp ở vùng biển này.

Dù vậy, gần đây Duterte cũng đã bắt đầu lên tiếng và thúc giục Trung Quốc “nghĩ lại và kiềm chế hành vi của mình trên Biển Đông”. Có một sự choàng tỉnh bên trong Philippines rằng những món viện trợ của Trung Quốc không đáng tin và sẽ đi kèm một cái giá không nhỏ về chính trị.

Không những vậy, các tuyên bố đầu tư của Trung Quốc hóa ra đang bị thổi phồng về bản chất và không đáng tin bằng nguồn đầu tư từ những nước khác. Bộ trưởng Hoạch định Kinh tế Philippines Ernesto Pernia đã nói rằng các khoản vay từ những nước như Nhật dễ đạt được hơn và trong thực tế, Nhật Bản và Mỹ mới là đối tác thương mại lớn hơn của Philippines.

Trong bối cảnh phần còn lại của thế giới đang ngày càng tỏ ra dè dặt, giờ đây ngay cả Trung Quốc cũng đang hoài nghi với chính những sáng kiến đầy tham vọng của mình.

Sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc thường bị quy một cách sai lầm cho xuất khẩu. Đúng là đã từng như thế, nhưng đó là chuyện đã qua. Kể từ năm 2008, tăng trưởng của Trung Quốc nằm nhiều ở các khoản chi tiêu công lấy từ tiền vay vô tội vạ của ngân hàng nhà nước, dẫn đến việc bong bóng nợ công khổng lồ, chủ yếu nằm ở các chỉnh quyền địa phương.

Năm 2008, nợ công ở địa phương của Trung Quốc ở mức 823 tỷ USD, giờ thì con số đó là 2.500 tỷ USD. Không những vậy, Bắc Kinh đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đôi bên liên tục áp đặt các rào cản thương mại lên nhau với mục đích xem “ai có thể chịu đau đớn nhiều hơn”.

Tất cả những vấn đề chỉ làm lớn hơn câu hỏi về độ tin cậy và tính bền vững trong các dự án đồ sộ, nhưng thường là bị thổi phồng lên, liên quan đến sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.

Những gì đang diễn ra ở các nước Trung Á, Sri Lanka hay Djibouti đã thức tỉnh và kéo theo phản ứng từ nhiều nước khác, hạ nhiệt sự hào hứng trước sáng kiến Vành đai – Con đường.

Các nhà hoạt định chính sách và chính quyền khắp các nơi đã bắt đầu nhìn thấy mối đe dọa từ các bẫy nợ Trung Quốc và tìm cách khước từ. Pakistan và Nepal đã thông báo sẽ hủy bỏ 2 dự án đầu tư quy mô lớn với vốn Trung Quốc.

Rõ ràng, không ai muốn đi theo vết xe đổ của Sri Lanka.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , , ,