Mọi con đường đều đang dẫn về khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Sự quan tâm mà các siêu cường dành cho châu Á tuy mang lại nhiều cơ hội cho khu vực năng động này, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều thách thức.

Mọi con đường đều đang dẫn tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Năm 2011, Washington tuyên bố “xoay trục sang châu Á”, một chiến lược chính trị và quân sự mới nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hơn một thập kỷ trôi qua, cũng là giai đoạn sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trỗi dậy mãnh liệt nhất, Mỹ và châu Âu cảm thấy sự quan tâm cho khu vực này cần được ưu tiên hơn bao giờ hết.

Sự ra đời của AUKUS đủ cho thấy sự mạo hiểm của Mỹ trong chiến lược mới với châu Á – Thái Bình Dương khi sẵn sàng làm mếch lòng một đối tác quan trọng ở bên kia Đại Tây Dương là Pháp.

Cũng trong năm 2021, Bộ Tứ tìm lại sinh khí của mình với cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau nhiều năm mờ nhạt, quyết tâm thúc đẩy sự hợp tác vì môi trường an ninh khu vực. Trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của “NATO phiên bản phương Đông”, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ khẳng định ủng hộ một cách kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và triển khai thực tế Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), tái khẳng định mạnh mẽ việc thượng tôn tuyệt đối luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đến năm 2022, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập một diễn đàn kinh tế mới cho châu Á – Thái Bình Dương (IPEF) đã thực sự làm sống lại chiến lược tái cân bằng châu Á. Sự ra mắt của IPEF đánh dấu “một bước ngoặt quan trọng trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực và giới thiệu cho các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận của Trung Quốc với các vấn đề quan trọng”.

Và mặc dù chính quyền Obama là bên đầu tiên đề cập đến sự “xoay trục” hay “tái cân bằng” với châu Á trong ưu tiên chính sách đối ngoại của mình, nhưng Mỹ không hề đơn độc trong hành trình chuyển trọng tâm sang châu Á -Thái Bình Dương. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang càng quan tâm nhiều hơn đến châu Á.

Chiến lược xoay trục của Mỹ thực tế đã gây nhiều tranh cãi ở châu Âu xung quanh việc thích nghi với chương trình nghị sự của Washington, song EU và các quốc gia thành viên vẫn đang nỗ lực hài hòa với Mỹ trong việc thúc đẩy ngoại giao, hỗ trợ các diễn đàn an ninh đa phương và các sáng kiến hội nhập khu vực cũng như triển khai quyền lực mềm. Trên thực tế, EU và Mỹ hiểu rằng cần cải thiện đối thoại về châu Á để hiểu rõ hơn các lợi ích và ưu tiên của chính họ, xác định các lĩnh vực hợp tác và quản lý cạnh tranh.

Một điểm nóng khác được các cường quốc đổ dồn sự quan tâm là khu vực Nam Thái Bình Dương, “đấu trường mới” của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Sự xao lãng bấy lâu của Washington đối với khu vực này đã bị đánh thức bởi những đầu tư ồ ạt của Trung Quốc tại đây. Và điểm nhấn được cho là sự bù đắp những xao lãng này chính là Hội nghị thượng đỉnh Washington với sự đón tiếp nồng hậu, những khoản cam kết viện trợ hào phóng dành cho lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng địa chiến lược và địa kinh tế của châu Á không chỉ được nhận ra ở phương Tây, mà ngay ở phương Đông, hai siêu cường Nga và Trung Quốc cũng “hướng Nam” để phục vụ những lợi ích của mình, cụ thể là chính sách “Nam Bán Cầu của Nga”, “Giấc mơ châu Á” của Trung Quốc và gần nhất là Học thuyết Hải quân mới của Nga, trong đó Thái Bình Dương được nâng lên vị trí ưu tiên hàng đầu.

Một thập kỷ sau khi bắt đầu tập trung xoay trục sang châu Á, Nga đang tích cực hơn bao giờ hết trong việc tìm kiếm các đồng minh, đối tác ở phía Nam của mình. Trong bối cảnh phải chịu trừng phạt của phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine, Nga còn muốn trông cậy vào các đối tác châu Á để xuất khẩu năng lượng, nguồn thu quan trọng nhất của đất nước. Chiến lược “xoay trục khí đốt” sang châu Á của Nga được thể hiện bởi việc bán nhiên liệu giá rẻ cho Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là thỏa thuận thanh toán các hợp đồng khí đốt với Trung Quốc bằng đồng ruble và Nhân dân tệ.

Về phần mình, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố về “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương” ngay trước thềm hội nghị APEC 2014 ở Bắc Kinh được nhiều người coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối trọng với chiến lược xoay trục của chính quyền Obama. Không giống như “Giấc mơ Thái Bình Dương” được cựu Ngoại trưởng John Kerry sử dụng để mô tả sự tái cân bằng của Washington, ông Tập Cận Bình đặt Trung Quốc vào trung tâm, sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để thúc đẩy “các sáng kiến và tầm nhìn mới nhằm tăng cường hợp tác khu vực” trong bối cảnh “cộng đồng vận mệnh chung” được gắn kết với nhau bằng những “con đường tơ lụa” trải dài trên đất liền và trên biển đến tất cả các nơi trên thế giới…

Có thể nói, với dân số chiếm tới 60% thế giới, châu Á – Thái Bình Dương được dự báo là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới. Vì vậy, mọi con đường hiện đều đang dẫn tới khu vực này, và xu thế ấy sẽ còn tiếp tục trong dài hạn. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng sự quan tâm mà các siêu cường dành cho châu Á tuy mang lại nhiều cơ hội cho khu vực năng động này, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều thách thức.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,