⠀
Mô hình chính trị nào cho một thế giới hậu COVID-19?
Loài người đang ở một thời điểm bước ngoặt của lịch sử, dù lựa chọn theo cách nào, tiếp tục với chủ nghĩa tân tự do hay xây dựng một nền kinh tế tập trung nhiều hơn vào giá trị nhân văn, đi theo chế độ chuyên quyền hay vun vén cho chế độ dân chủ, khư khư với chủ nghĩa dân tộc hay ủng hộ chủ nghĩa quốc tế, bất cứ lựa chọn nào cũng sẽ đưa thế giới thay đổi theo cách chưa từng có.
“Cái ôm đầu tiên”, nhiếp ảnh gia Mads Nissen đã đặt tên tấm ảnh đoạt giải nhất cuộc thi ảnh báo chí thế giới năm 2021. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc một người phụ nữ 85 tuổi được ôm trọn trong vòng tay một nữ y tá người Brazil, ngăn cách giữa họ vẫn còn một tấm nylon bảo vệ. Đã 5 tháng rồi, đây mới là lần đầu tiên nữ y tá được ôm ai đó vào lòng.
Tấm ảnh tràn đầy tình yêu, hy vọng và sự thấu cảm ấy chứa trọn mọi mong mỏi của chúng ta vào một thế giới mới hậu dịch bệnh.
Nhưng, câu hỏi lớn hơn là làm thế nào để xây dựng một thế giới như thế, làm thế nào để con người không tiếp tục sa chân vào những sai lầm – điều mà dường như dù được học bao nhiêu lần trong lịch sử, chúng ta cũng không bao giờ hoàn toàn tỉnh ngộ.
Ta đã sẵn sàng “giảm cân”?
Trong một cuộc trò chuyện giữa hai trí thức tên tuổi hàng đầu hiện nay, triết gia Noam Chomsky và nhà kinh tế học Robert Pollin, Chomsky nhấn mạnh rằng 17 năm trước, khi dịch bệnh SARS bùng nổ, các nhà khoa học đã tiên đoán trong tương lai sẽ xuất hiện những dịch bệnh khủng khiếp hơn nữa, song tin mừng là con người hoàn toàn có thể phòng bị trước phần nào. Thế nhưng, con người cuối cùng đã chẳng làm gì để phòng bị và kết cục là chúng ta bỗng thấy mình bị đặt vào cuộc chiến với COVID-19 trong tình cảnh lơ ngơ, bỡ ngỡ và bị động.
Chomsky lấy dẫn chứng ở Mỹ, đất nước này đã trải qua những ngày tháng thảm họa khi hàng triệu người mắc bệnh mà họ lại thiếu đi một vật dụng rất quan trọng là máy thở. Vào thời ông Obama còn làm tổng thống, chính quyền của ông đã lường trước những vấn đề trong tương lai và đặt sản xuất máy thở giá rẻ từ một doanh nghiệp nhỏ nhưng sau đó doanh nghiệp này bị mua lại bởi Covidien – một tập đoàn y tế lớn và cảm thấy sản phẩm máy thở giá rẻ có thể gây tổn hại tới lợi thế cạnh tranh của chính sản phẩm máy thở đắt đỏ mà hãng thường sản xuất, Covidien đã thông báo với chính phủ rằng họ muốn chấm dứt hợp đồng vì lợi nhuận là không đủ.
“Logic tư bản thông thường”, Chomsky nhận định. Đây đúng là nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa tân tự do, cái gì hiệu quả thì được khuyến khích, cái gì không hiệu quả thì bị loại bỏ. Hệt như một con quái vật khổng lồ đang cố nuốt trọn mọi thứ quanh mình mà nó thấy được, hệ thống tư bản tân tự do ngày càng phình lên và tự thân hình đồ sộ đã che mờ tầm nhìn của nó, khiến nó không thể nhìn thấy những trái bom nổ chậm nằm ở xa, vẫn tiếp tục nhồm nhoàm ngốn ngấu mọi thứ có thể, đến một lúc nào đó, nó nở ra và đè lên những trái bom ấy – mà ở đây là một dịch bệnh hô hấp – và mọi thứ bung bét.
COVID-19 chưa hẳn đã qua đi nhưng ngay lúc này các nhà khoa học đã cảnh báo những làn sóng dịch bệnh mới trong tương lai, chưa kể sự nóng lên toàn cầu có thể giải phóng những loài vi khuẩn, virus cổ đại từ đại dương. Và, liệu chúng ta có muốn một lần nữa biến các nhà khoa học thành những nàng Cassandra được phú cho tài tiên tri nhưng lại chịu lời nguyền không ai tin nàng cả?
Dẫu biết việc chuẩn bị trước cho một biến cố chưa xác định có khi phải 20 năm nữa hay lâu hơn thế mới diễn ra nghe chừng viển vông và chẳng thuộc trách nhiệm cụ thể của một ai nhưng nếu như các chính phủ vẫn không có một chế độ “ăn kiêng” để kìm hãm thói phàm ăn của hệ thống tân tự do bất chấp mọi thứ để ưu tiên lợi nhuận, một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại thấy mình như rơi vào vòng lặp thời gian, tự hỏi điều gì đang diễn ra và tại sao lại thế.
Ta đã sẵn sàng để “rửa tay”?
Nhà sử học Yuval Noah Harari lại có những mối băn khoăn khác về thế giới hậu COVID-19, đó là sự trỗi dậy của những chế độ độc tài. “Nền kinh tế đang sụp đổ nên mọi người mong muốn có một lãnh đạo mạnh mẽ, người biết hết mọi thứ và chăm lo được cho họ”, Harari nói trong một buổi phỏng vấn. Mong muốn ấy hết sức chính đáng nhưng như một thành ngữ trong tiếng Anh: “Hãy cẩn thận với những thứ mình cầu ước”, ta thường tưởng rằng mình thèm thuồng cái mình muốn cho đến khi ta tá hỏa thấy những mối hiểm họa mà nó mang theo. Harari lấy ví dụ về Israel, quê hương ông, một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới hiện nay.
Để đạt được thành tựu đó, ngoài vaccine, Israel đã tổ chức thành công hệ thống giám sát người dân. Harari đưa ra một thí nghiệm tưởng tượng trong đó chính phủ yêu cầu người dân đeo một chiếc vòng tay sinh học để đo thân nhiệt hay nhịp tim 24 giờ một ngày, với mục đích ban đầu là để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể họ, qua đó giúp khoanh vùng nhanh chuỗi lây nhiễm chỉ trong vài ngày.
Một hệ thống có vẻ quá sức tuyệt vời nhưng sẽ ra sao nếu sau đó chính phủ tiếp tục sử dụng những dữ liệu này cho những mục đích thao túng xa hơn? Mặc dù rõ ràng, trong tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, sự giám sát này quả thực có ích, song có ai tin rằng khi tình huống khẩn cấp qua đi, nó sẽ được gỡ bỏ? Harari nhắc mọi người hãy nhớ vào năm 1948, Israel đã ban bố tình trang khẩn cấp trong cuộc chiến tranh giành độc lập, qua đó cho phép một loạt biện pháp tạm thời từ kiểm duyệt báo chí đến quy định về sản xuất bánh pudding (!). Nhưng, dù bao lâu sau khi giành chiến thắng, đất nước này vẫn chưa từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã kết thúc, nhiều biện pháp tạm thời đến nay vẫn chưa bị hủy bỏ, may ra có sắc lệnh về bánh pudding đã được hủy bỏ vào năm… 2011.
Vậy làm thế nào đây, khi mà đứng giữa hai lựa chọn về sức khỏe và dữ liệu cá nhân, có vẻ như sức khỏe rõ ràng là quan trọng hơn? Harari tin rằng câu trả lời có thể rất đơn giản: hãy sử dụng những “cảnh sát xà phòng”, hay nói cách khác, thay vì chấn chỉnh người dân bằng hệ thống giám sát, chính phủ có thể cung cấp những hướng dẫn khoa học chính xác để họ tự bảo vệ bản thân. Phải đến thế kỷ 19, người ta mới biết đến tác dụng kháng khuẩn của xà phòng và xà phòng quả thực đã cứu sống hàng tỷ người trên thế giới này mà không hề gây ra sự khó chịu nào, đơn giản vì chúng ta tin vào nó.
Đúng vậy, sự tin tưởng là điều thiết yếu trong mọi mối quan hệ. Mối quan hệ giữa chính phủ – người dân cũng không ngoại lệ. Người dân không hề phản đối một chiếc vòng sinh học, vì điều đó có ích cho sức khỏe của họ, vấn đề là chính phủ phải cam kết hành động minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học sáng rõ như xà phòng. Nhưng, nếu không thể làm được thế thì hãy cẩn thận, loài người có thể đang đứng trước một giây phút lịch sử của chủ nghĩa giám sát đã được mường tượng từ lâu trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng!
Ta đã sẵn sàng để “nắm tay”?
Đầu thế kỷ 19, vua Charles IV của Tây Ban Nha đã tài trợ cho một chuyến đi mang tên “Chuyến du hành từ thiện hoàng gia về vaccine”, đưa vaccine phòng bệnh đậu mùa qua bên kia Đại Tây Dương, vượt qua ngàn dặm xa xôi cùng vô số hiểm nguy để cuối cùng cứu sống được 1,5 triệu cư dân châu Mỹ. Chuyến đi không hoàn toàn thuần túy vì lòng tốt, mà chủ yếu là bởi tỷ lệ tử vong quá cao của căn bệnh đậu mùa khiến cho đế quốc Tây Ban Nha không thể khai thác sức lao động của người dân bản địa nhằm khai thác kim loại quý. Nhưng, chí ít, vua Charles IV ngay từ thời đó đã hiểu rằng, chủ nghĩa dân tộc vaccine sẽ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp, muốn cứu lấy chính mình thì phải cứu lấy cả hành tinh.
Theo một nghiên cứu độc lập của viện nghiên cứu RAND Europe, dịch bệnh gây ra thiệt hại 1,2 ngàn tỷ USD một năm trên toàn cầu và đó không phải thiệt hại của riêng ai mà là của tất cả. Bất chấp điều đó, tính đến ngày 15-9-2021, chỉ 3,07% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều, so với mức 60,18% ở các nước thu nhập cao (số liệu của UNDP, WHO và Đại học Oxford cung cấp).
Ngay cả khi các nước phát triển quyên góp vaccine cho các quốc gia kém phát triển thì hành động ấy cũng mang bản chất một cuộc chạy đua về địa chính trị. Robert Kaplan, một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng hiện nay với nhiều tác phẩm về chính trị và quan hệ quốc tế, trong một bài viết trên Bloomberg, cho rằng COVID-19 sẽ mở ra thời đại toàn cầu hóa 2.0 và phân chia lại thế giới. Nếu như thời đại toàn cầu hóa 1.0 mà ta từng sống là thời đại của tự do thương mại và các chuỗi cung ứng toàn cầu thì trong thời đại hậu dịch bệnh, ta sẽ chứng kiến thế giới tách thành các khối cường quốc với các chuỗi cung ứng riêng. Trật tự mới này, như đã nói, sẽ được định đoạt bởi chính vaccine, vũ khí quan trọng nhất của cuộc phân tranh.
Với việc hào phóng cung cấp vaccine và khẩu trang cho các nước Mỹ Latin, Trung Quốc mở đường đưa thiết bị 5G của Tập đoàn Huawei vào các nước này và với nhiều lợi thế khác, đất nước tỷ dân có thể làm suy giảm sự ảnh hưởng của Mỹ tại đây. Hay vào tháng 4 năm nay, thủ tướng mới của Slovakia tuyên bố rằng “Sputnik V là điều cần thiết cho người dân của chúng tôi” và khẳng định rất nhiều người Slovak chỉ muốn tiêm vaccine của Nga. Đây được coi là tín hiệu tốt để Nga “thu phục” lại người láng giềng đã đi theo tiếng gọi của Liên minh châu Âu.
Cuộc chiến địa chính trị có lẽ là một nguyên do khiến các khối cường quốc ngầm từ chối công nhận vaccine của nhau và rất có thể, hậu COVID-19, chúng ta sẽ được thấy một xã hội phân mảnh và con người bị dán nhãn/phân cấp theo hãng vaccine mà họ được tiêm chủng. Bất kể thế nào, đó chắc chắn không phải thế giới đầy tình yêu và hy vọng mà ta mong chờ bấy lâu sau khi đã trải qua quá đủ những điều tồi tệ từ dịch bệnh.
Khi nhận xét về bức ảnh “Cái ôm đầu tiên”, một trong những giám khảo của cuộc thi ảnh báo chí thế giới đã nhận xét rằng: “Tôi đọc thấy ở nó sự tổn thương, sự yêu thương, sự mất mát, sự chia cách, sự diệt vong. Nhưng, quan trọng hơn là có cả sự sinh tồn, tất cả đều có trong bức ảnh ấy. Và, nếu bạn nhìn tấm hình đủ kỹ, bạn sẽ thấy đôi cánh bướm: một biểu tượng của bay cao và hy vọng”.
Loài người đang ở một thời điểm bước ngoặt của lịch sử, dù lựa chọn theo cách nào, tiếp tục với chủ nghĩa tân tự do hay xây dựng một nền kinh tế tập trung nhiều hơn vào giá trị nhân văn, đi theo chế độ chuyên quyền hay vun vén cho chế độ dân chủ, khư khư với chủ nghĩa dân tộc hay ủng hộ chủ nghĩa quốc tế, bất cứ lựa chọn nào cũng sẽ đưa thế giới thay đổi theo cách chưa từng có. Chúng ta có hy vọng nhưng hy vọng sẽ là không đủ nếu đưa ra những lựa chọn sai lầm.
Theo HIỀN TRANG / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Dịch bệnh COVID-19, Nghiên cứu quốc tế