Màn hình quảng cáo đang đầu độc tâm hồn trẻ thơ ra sao?

Làm sao để trẻ “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của chúng”, để chúng có thể hình thành được những tính cách, mà rồi giáo dục sẽ khó mà biến đổi khi mà hằng ngày ánh mắt chúng phải chứng kiến bao điều dối trá?

Màn hình quảng cáo đang đầu độc tâm hồn trẻ thơ ra sao?

Chiếc màn hình tivi giúp “đem cả thế giới vào trong ngôi nhà của bạn” là một trong những khởi đầu của thành tựu trí tuệ mà loài người đạt được trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trước hết là cách mạng thông tin.

Nhưng cũng từ thành tựu ấy mà bao nhiêu vấn đề đặt ra trước chiếc màn hình tivi đó. Liệu đã có ai làm một thống kê, xem thử, có bao nhiêu đôi mắt trẻ thơ ngày ngày dán chặt vào chiếc màn hình và dừng lại ở những trương mục quảng cáo?

Tạm gác lại những hình ảnh quảng cáo có khả năng làm tê liệt “dây thần kinh xấu hổ” khơi khơi diễn ra trên màn hình. Hãy chỉ điểm lại vài trương mục tiếp thị và mời chào bánh kẹo mà đối tượng là các cháu bé. Ở đây thói tham ăn, tục uống được dẫn giải như là sự sảng khoái số một ở đời và “ăn thêm lại càng ngon nhé”. Một khuyến cáo giật gân đối với đầu óc tuổi thơ! Nhưng, không chỉ có thế, còn những ảnh hưởng bạo liệt hơn và cũng đáng sợ hơn, đó là khi cũng chiếc màn hình ấy chuyển tải những giá trị phải “mua ngay kẻo hết”.

Trong đó là những gào rú kích động của sự cầu may trúng thưởng, phút chốc có bạc triệu mà không cần học hành hay lao động cần cù, siêng năng nặng nhọc gì, là sự chào mời mùi mẫn rẻ tiền của “cái đẹp” nhờ những hóa mỹ phẩm.

Đôi mắt trẻ thơ lại phải dõi theo những hình ảnh và lời thoại ỡm ờ để quảng cáo cho các loại thuốc bổ thận tráng dương rồi hỏi lại khiến người lớn lúng túng đỏ mặt tránh câu trả lời vì sao “một người khỏe, hai người vui”, hay “em tắm anh yêu” kèm theo cái cười thô lậu! Ở đây “cái nết” xin ngả nón trước “cái đẹp” có thể mua được và chào bán khá dễ dàng, lộ liễu… Xin miễn kể tiếp để tránh bớt ô nhiễm đầu óc người đọc, mà dành đôi dòng cảnh báo về sự nói dối, nói khoác một cách trâng tráo của một số trương mục quảng cáo cốt kích động thị hiếu đám đông nhằm bán được hàng mà không tính đến chuyện bào mòn niềm tin vào sự thật và băng hoại phẩm tính trung thực trong việc hình thành nhân cách. Người ta quên mất rằng khi cái giả khoác áo cái thật, nói vậy mà không phải vậy, cứ hằng ngày đập vào mắt, rót vào tai con trẻ, thì rồi hệ lụy sẽ ra sao? Liệu những điều vừa kể có góp phần đáng kể vào sự suy thoái đạo lý xã hội đang gây bức xúc?

Có người bảo, chiều cạnh tiêu cực của một số trương mục quảng cáo e rằng khó bề ngăn chặn vì nó được bảo kê bằng sức nặng của số tiền dành cho mỗi giây lên hình! Nhưng, sẽ giật mình nếu nhớ lại khuyến cáo của nhà văn hóa đáng kính Nguyễn Khắc Viện: “Có thể nói sau 5 – 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”. Vì thế, cần phải “để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”.

Làm sao để trẻ “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của chúng”, để chúng có thể hình thành được những tính cách, mà rồi giáo dục sẽ khó mà biến đổi khi mà hằng ngày ánh mắt chúng phải chứng kiến bao điều dối trá? Cho nên, phải biết “thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó” như lời khuyến cáo những người làm văn hóa của Nguyễn Văn Siêu – danh sĩ Bắc Hà thế kỷ XVIII.

Theo LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: ,