Lựa chọn người tài: Có thể học được gì từ Trung Quốc?

Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về mô hình quản trị nhân lực công của Trung Quốc và nhận ra những ưu thế rất lớn của mô hình này.

Lựa chọn người tài: Việt Nam có thể học gì từ Trung Quốc?

Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Vào những năm cuối đời, mỗi khi ra Hà Nội, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường cho gọi tôi đến cùng ăn cơm và nói chuyện.

Trong những buổi giao lưu như vậy, ông thường nghe nhiều mà nói ít. Ông chỉ thỉnh thoảng nêu câu hỏi, rồi lại chăm chú lắng nghe ý kiến của mọi người. Một lần, sau khi nghe mọi người trao đổi về vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự, ông Võ Văn Kiệt đã chia sẻ quan điểm: “Lãnh đạo giỏi là tập hợp và sử dụng được người tài”.

Nhận định của ông Kiệt hết sức ngắn ngọn, nhưng lại nêu đúng bản chất của công tác tổ chức, cán bộ trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Tôi có người bạn làm việc cho Đại học Harvard tên là Thomas Vallely. Một lần sang Việt Nam sau khi thăm Trung Quốc, ông nói: “Trung Quốc đã thật sự cất cánh và phát triển quá nhanh. Về mặt thể chế Việt Nam có rất nhiều sự tương đồng với Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập hợp được quá nhiều người tài giỏi vào trong Đảng”.

Quả thật, nhờ thu hút và sử dụng được người tài, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo được sự phát triển đột phá cho đất nước. Ý kiến của Thomas Vallely một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và các nước phương Tây là cuộc cạnh tranh giữa hai mô hình phát triển. Xét về mặt kinh tế, Trung Quốc đã tiếp nhận gần như hầu hết các thiết chế kinh tế của phương Tây. Có khác chăng chỉ là việc Trung Quốc đề cao hơn vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế theo chủ thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển. Sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai mô hình nói trên, có lẽ, nằm ở cách thức thu hút người tài và lựa chọn nhân sự cấp cao cho lĩnh vực công.

Về việc thu hút người tài, nhờ có thuyết “Ba đại diện” (Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, nền văn hóa tiên tiến và lợi ích của đông đảo người dân), người tài thuộc mọi thành phần xã hội đều có thể được thu hút vào Đảng. Thậm chí, tỷ phú vẫn có thể trở thành đảng viên, như Jack Ma đã được kết nạp đảng. Ngoài ra, truyền thống khoa bảng từ ngàn xưa, có lẽ, cũng là một di sản giúp cho việc thu hút người tài vào Đảng, vào lĩnh vực công dễ dàng hơn so với phương Tây.

Về việc lựa chọn lãnh đạo, nếu các nước phương Tây lựa chọn nhân sự cao cấp theo cách tranh cử, thì Trung Quốc lựa chọn nhân sự cao cấp theo thành tích thực tế. Cứ ai giỏi nhất trong các xã thì được điều lên huyện; ai giỏi nhất trong các huyện được điều lên tỉnh; ai giỏi nhất trong các tỉnh được điều lên trung ương. “Giỏi nhất” ở đây được xác định bằng một số tiêu chí định lượng rất rõ ràng, mà quan trọng là việc đưa được kinh tế phát triển nhanh vượt bậc.

Người giỏi nhất được điều lên trung ương, nếu được cơ cấu, lại được điều về nơi khó khăn nhất để thử thách. Nếu người này tạo ra được chuyển biến vượt bậc cho nơi khó khăn đó, gần như chắc chắn sẽ trở thành lãnh đạo cấp cao. Đây cũng là lý do tại sao người ta thường biết trước ai sẽ là người đứng đầu đảng và nhà nước trong nhiệm kỳ tiếp theo. Những tác động của phe nhóm trong quá trình lựa chọn nhân sự có lẽ rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, về cơ bản, nhân sự cấp cao thời gian qua đã được lựa chọn theo thành tích. Và đây là một trong những nguyên nhân cơ bản tại sao nhà nước Trung Quốc đã thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh như vậy.

Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về mô hình quản trị nhân lực công của Trung Quốc và nhận ra những ưu thế rất lớn của mô hình này. Một số người cho rằng nếu tỷ lệ lựa chọn chính xác người tài theo mô hình bầu cử dân chủ của phương Tây chỉ đạt mức trên dưới 50%, thì tỷ lệ này theo mô hình của Trung Quốc có thể đạt đến mức 70%-75%.

Giả thuyết người tài hơn thì tranh cử giỏi hơn thực ra đã bỏ quên hai yếu tố rất quan trọng. Một là, nói giỏi và làm giỏi nhiều khi là hai việc khác nhau. Hai là, những người mị dân, những người sử dụng dân túy để tranh cử thường được lòng cử tri hơn và dễ trúng cử hơn.

Tuy nhiên, dân túy chỉ có thể dẫn đến trì trệ và bế tắc mà thôi. Lựa chọn người tài theo thành tích thường ít sai hơn vì năng lực đã được kiểm chứng trên thực tế. Tất nhiên, lựa chọn nhân sự theo thành tích không phải không có những mặt trái của nó. Điều hoàn toàn dễ thấy ở đây là lựa chọn nhân sự theo thành tích thì ít dân chủ hơn, và việc xác lập chế độ trách nhiệm trước dân, tạo ra khuyến khích phục vụ dân cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy các ưu tiên của quốc gia trong việc phát triển kinh tế, mô hình này có vẻ đang có những ưu thế rất nổi trội. Và không ít các nhà nghiên cứu phương Tây đang cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua các nước phương Tây nhờ mô hình quản trị nhân lực công này.

Trở lại với Việt Nam, mặc dù chúng ta không chủ thuyết như “Ba đại diện”, nhưng Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quy định về vai trò đại diện rất rộng lớn của Đảng. Theo Điều lệ, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện không chỉ cho hai trong số những thành phần cấu thành của dân tộc là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà còn cho cả dân tộc. Đây là nền tảng tư tưởng quan trọng để thu hút người tài thuộc mọi thành phần xã hội vào trong Đảng. Bất cứ lúc nào Đảng còn muốn giữ vai trò lãnh đạo thì thu hút người tài vào Đảng chắc chắn không chỉ là một thiện chí, mà là một sự cần thiết khách quan. Vấn đề là phải có một kế hoạch cụ thể và những giải pháp cụ thể để thu hút được người tài.

Tập hợp và sử dụng người tài có lẽ là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Đây là điều kiện tiên quyết không chỉ để Đảng ta nâng cao vai trò và chất lượng lãnh đạo mà còn để đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,