⠀
Lòng tin chiến lược và cơ chế, luật pháp quốc tế
Xung đột có xu hướng gia tăng. Các điểm nóng tiềm ẩn ở nhiều khu vực. Mâu thuẫn giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ngày càng căng thẳng… Thế giới đang thiếu gì và cần phải làm gì?
Tác giả: TS. Vũ Đăng Minh.
Sự thiếu vắng lòng tin chiến lược
Nội chiến dai dẳng ở Sudan và nhiều quốc gia khác làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, ly tán, đẩy châu Phi vào đói nghèo, đảo chính triền miên. Xung đột chưa thấy điểm dừng ở Ukraine gây thương vong, tàn phá hạ tầng; gây chia rẽ sâu sắc giữa châu Âu với Nga và giữa hai quốc gia từng có một lịch sử gắn bó lâu dài trong “ngôi nhà chung”.
Hamas tấn công Israel, thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn âm ỉ mấy chục năm. Bom đạn tàn phá, xe tăng chia cắt Dải Gaza, đào sâu hố ngăn cách, vốn đã quá sâu giữa hai dân tộc, hai nhà nước Palestine và Israel; làm nguội hy vọng hòa giải vừa nhen nhóm giữa cộng đồng Arab và Nhà nước Do Thái.
Các điểm nóng tiềm ẩn ở bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông và nhiều khu vực khác. Cạnh tranh địa chiến lược, mâu thuẫn gay gắt giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga, có nguy cơ phát triển thành đối đầu, xung đột trực diện. Quá nhiều chất xúc tác khiến “các thùng thuốc súng” có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào.
Xu hướng giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng vũ lực nổi trội trên nhiều châu lục. Tiếng máy bay, tên lửa gầm rú; mùi khét khói thuốc súng và hình ảnh người dân vô tội, trẻ em, phụ nữ tử vong do xung đột ám ảnh các nghị trường, diễn đàn, mỗi ngôi nhà, mỗi người.
Tiếng nói của cộng đồng quốc tế đã dội tới Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhưng tổ chức lớn nhất hành tinh chưa/không thể trở thành lá chắn, công cụ pháp lý đủ sức đẩy lùi, ngăn chặn bạo lực. Các nghị quyết, sáng kiến tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột gặp nhiều nút thắt từ những quan điểm đối lập, toan tính chiến lược, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ẩn sau xung đột là sự đối đầu, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn. Có rất nhiều lý do, nguyên nhân, quan điểm. Nhưng không thể không thừa nhận, thế giới đang thiếu vắng lòng tin chiến lược.
Lòng tin vẫn còn
May mắn thế giới không chỉ có một màu, một chiều. Trái ngược với xu hướng ảm đạm của xung đột là những chuyển động đầy lạc quan. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính. Các hiệp định, hiệp ước, cơ chế, thỏa thuận, cam kết vẫn đang đàm phán, được ký kết, công bố. Niềm tin vào xu thế đối thoại, hợp tác vẫn mãnh liệt ở nhiều nơi trên thế giới.
Cộng đồng ASEAN với 10 quốc gia, có khác biệt về thể chế chính trị, trình độ phát triển, văn hóa và những tồn tại, vấn đề nảy sinh trong nội bộ cũng như trong quan hệ với các đối tác lớn. Nhưng các quốc gia ASEAN vẫn đoàn kết, cùng nhau vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng phát triển toàn diện trên cả ba trụ cột: Chính trị, an ninh, Kinh tế và Văn hóa, xã hội; giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, một động lực tăng trưởng kinh tế, dần trở thành một cực của thế giới đa cực, đa trung tâm.
Hành động quân sự hóa, tuyên bố đường chủ quyền không tuân thủ luật pháp quốc tế, chiến thuật vùng xám và hành vi xua đuổi ngư dân, cản trở các hoạt động kinh tế, dân sự hợp pháp trên Biển Đông đe dọa an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Nhưng các nước vẫn gác tranh chấp, kiên trì đàm phán, nhằm hiện thực hóa khát vọng biến Biển Đông tranh chấp thành vùng biển hòa bình, hợp tác lâu dài. Ngày 26/10, Trung Quốc và ASEAN đã hoàn thành vòng đọc thứ ba, trong tiến trình tham vấn, đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam và Mỹ là đối thủ trong cuộc chiến tranh khốc liệt hơn 20 năm và cũng chừng ấy thời gian bao vây, cấm vận. Ngày 10/9, hai nước chính thức ký kết, nâng quan hệ lên mức cao nhất, Đối tác chiến lược toàn diện. Dẫu trước mắt còn không ít thử thách, chông gai, nhưng từ kẻ thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện là một hành trình kỳ diệu, “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, một hình mẫu của thế giới.
Cũng có những góc nhìn khác nhau, những tính toán chiến lược, suy đoán theo “thuyết âm mưu”… Nhưng các ví dụ nêu trên đều có điểm chung, là sự tổng hòa của lòng tin chiến lược, quyết tâm chính trị, tư duy cùng thắng và hành động thực tế chân thành… Trong đó, lòng tin chiến lược là tiền đề để đàm phán, giải quyết khác biệt, mâu thuẫn, tranh chấp và hợp tác, phát triển.
Cần nhưng chưa đủ
Lòng tin là nhân tố không thể thiếu trong quan hệ thường nhật của xã hội. Bài học “mất lòng tin là mất tất cả” trở thành chân lý thời đại. Ở tầm mức quốc gia, quốc tế, liên quan đến chiến lược, chính sách, lợi ích quốc gia, dân tộc và xung đột, chiến tranh, vấn đề lòng tin chiến lược vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. Xây dựng lòng tin chiến lược đã khó, duy trì lâu dài, kiểm chứng và chuyển hóa thành sức mạnh càng khó hơn.
Năm 2013, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singappore, Thủ tướng Việt Nam đã khái quát, nâng vấn đề lòng tin chiến lược lên tầm quốc tế, với nội hàm là sự tin tưởng, xích lại gần nhau giữa các quốc gia; tin vào luật pháp quốc tế, vào khả năng đàm phán, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…
Xây dựng lòng tin chiến lược trở thành một điểm tựa, công cụ góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế. Vượt tầm một diễn đàn đối thoại quốc tế, vấn đề lòng tin chiến lược có giá trị bao trùm, xuất hiện với tần suất lớn trong các diễn đàn, hội nghị, văn kiện chính trị, ngoại giao đa phương và song phương.
Trong thế giới cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hiện nay, lòng tin chiến lược trở thành vấn đề cấp thiết, mang tính sống còn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà việc xây dựng lòng tin chiến lược, nhất là giữa các nước lớn và phát huy vai trò của nó trên phạm vi toàn cầu vẫn còn nhiều trở ngại.
Lòng tin chiến lược có lúc, có nơi bị cho là xa vời, khó kiểm chứng thực tế! Một số quốc gia đặt lòng tin vào tư duy sử dụng sức mạnh để răn đe, khuất phục quốc gia khác; có thể giành thắng lợi với tổn thất không đáng kể; hoặc thông qua chiến tranh ủy nhiệm thực hiện mục tiêu chiến lược với chi phí thấp.
Một số nước đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc của mình, không tính đến lợi ích chính đáng của các nước khác; thực hiện ý đồ chính trị, mục đích, mục tiêu chiến lược, bất chấp luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong các trường hợp đó, lòng tin chiến lược không có chỗ đứng hoặc trở thành một mặt hàng tuyên truyền, khẩu hiệu.
Có mối quan hệ bắc cầu, biện chứng giữa lòng tin chiến lược và các cơ chế, thiết chế, nguyên tắc, luật pháp quốc tế. Lòng tin chiến lược là tiền đề để đàm phán, ký kết các hiệp định, hiệp ước, cơ chế, thể chế. Các văn kiện pháp lý tạo khung khổ giám sát, hiện thực hóa và phát huy vai trò của lòng tin chiến lược. Do đó, chỉ có lòng tin chiến lược là chưa đủ. Cần tiến hành đồng bộ nhiều hoạt động, nhân tố, giải pháp.
Một là, xây dựng đồng bộ các cơ chế, thể chế, thiết chế kiểm soát, giám sát, kiềm chế các hành vi chính trị cường quyền, làm suy giảm lòng tin chiến lược. Hiện chúng ta đã có một số cơ chế, thể chế, thiết chế. Cần tiếp tục củng cố, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của tình hình.
Hai là, nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực trung tâm, để thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược trên phạm vi toàn cầu, ngăn chặn các hành vi, hành động không tuân thủ luật pháp, các nguyên tắc quốc tế cơ bản. Công việc cần làm là đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế.
Ba là, các quốc gia, nhất là các nước lớn cần nỗ lực xây dựng quan hệ ổn định, có thể đoán định được. Thực hiện công khai, minh bạch chính sách; chân thành, thực chất, thống nhất giữa tuyên bố và hành động; tự mình xây dựng lòng tin vào các nước và làm cho các nước khác tin tưởng mình; giảm thiểu rủi ro, tính toán sai lầm.
Bốn là, phát huy vai trò đối ngoại là kênh quan trọng, thường xuyên để trao đổi các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, các quan ngại, làm rõ đường lối, chính sách và những khác biệt, thiết thực xây dựng lòng tin chiến lược. Đồng thời là lực lượng quan trọng, công cụ không thể thiếu trong đàm phán, xây dựng cơ chế, thiết chế giám sát, kiểm soát mâu thuẫn, tranh chấp; tháo gỡ nút thắt, giải quyết các vấn đề phát sinh, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược.
Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Tags: Nghiên cứu quốc tế