Lỗ hổng chết người tại các phòng giao dịch ngân hàng ở Việt Nam

Xem lại vụ cướp hôm 22/11, thứ ám ảnh tôi không dứt là hình ảnh chiếc túi rỗng của hai kẻ cướp và bước chân lảo đảo của bác bảo vệ lưng đẫm máu. Một cái chết thương tâm.

Tác giả: Võ Nhật Vinh, giảng viên trường kỹ sư CESI (Nice, Pháp).

Lần đầu đến Pháp cách đây gần 20 năm, tôi khá ngạc nhiên khi tới một phòng giao dịch ngân hàng mà không thể nộp tiền mặt vào tài khoản của mình. Ở đấy, họ không dùng tiền mặt nhằm hạn chế tình trạng cướp nhà băng.

Hồi còn bé, tôi thường nghe người làng nói đùa “đi cướp nhà băng” khi ai đó than thở khó khăn và muốn có tiền nhanh chóng. Câu nói xuất phát từ thực tế ngân hàng là nơi kinh doanh tiền tệ, hẳn sẽ có nhiều tiền mặt (để mà cướp). Nhưng hàm ý của người dùng là nhấn mạnh trạng thái bế tắc, đường cùng của hoàn cảnh hơn là tính khả thi của giải pháp; vì nhà băng cũng đồng thời là nơi được bảo vệ chặt chẽ.

Nhưng ngày càng nhiều kẻ liều lĩnh biến chuyện đùa thành thật. Gần đây, các vụ cướp liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nhắm vào các phòng giao dịch ngân hàng. Thủ phạm thường nhanh chóng sa lưới, nhưng sự manh động, đến mức thiệt hại về người – mới đây nhất là trong vụ cướp tại Đà Nẵng ngày 22/11 – khiến tôi lưu tâm về vấn đề bảo đảm an ninh của các phòng giao dịch.

Công an khám nghiệm hiện trường vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng ngày 22/11/2023. Ảnh: Vietnamnet.

Trong những chuyến về nước, tôi thỉnh thoảng có việc phải đến ngân hàng. Trong lúc chờ đợi nhân viên làm thủ tục, tôi quan sát xung quanh như một cách giết thời gian. Các phòng giao dịch thường nằm sát mặt đường lớn và chỉ cách bên ngoài một lớp cửa kính. Bảo vệ, được thuê từ các công ty dịch vụ, chủ yếu làm nhiệm vụ trông xe và đảm bảo trật tự thông thường hơn là được đào tạo về nghiệp vụ an ninh ngân hàng, cũng không được trang bị công cụ hỗ trợ.

Trong một vụ cướp khác, xảy ra tại Hóc Môn (TP HCM) vào ngày 26/10, video cho thấy nhân viên bảo vệ phía trong có gần 10 giây từ lúc nhận thấy đồng nghiệp bị khống chế bên ngoài cho tới khi kẻ cướp đi vào. Nhưng người này không kịp phản ứng, do chưa ở tư thế sẵn sàng ứng phó, hoặc do không có cơ chế báo động nhanh được thiết lập từ trước. Nhìn chung, hạ tầng của các phòng giao dịch hiện nay vẫn được trang bị khá sơ sài, với lực lượng bảo vệ mỏng và hoàn toàn thiếu nghiệp vụ.

Trong khi đó, các hoạt động giao dịch tiền mặt tại đây vẫn diễn ra trong những không gian thường có vài chục người cùng hiện diện. Khi xảy ra cướp, ngần ấy con người bị đặt vào tình thế nguy hiểm.

Cách thức giao dịch ngân hàng ở các nước, chẳng hạn Pháp – nơi tôi sử dụng nhiều nhất – đã có nhiều khác biệt.

Rút tiền mặt qua máy tự động ATM là hình thức phổ biến. Nếu cần giao dịch tiền mặt, khách hàng phải hẹn trước và không phải phòng nào cũng được phép giao dịch tiền mặt. Có những nơi chỉ thực hiện các thủ tục trên giấy tờ. Tại các điểm có trao đổi tiền mặt, khách hàng phải đi qua hai lớp cửa đóng mở luân phiên. Nói cách khác, không ai có thể tự ý ra vào “thẳng tuột”.

Từ hơn 5 năm nay, các ngân hàng ở Pháp bố trí khu vực giao dịch tiền mặt (nộp và rút tiền) tự động bằng máy và hoàn toàn tách biệt với không gian có sự xuất hiện của nhân viên. Vì có sự cách ly giữa tiền và nhân viên nhà băng như vậy, các vụ cướp nếu xảy ra, cũng đỡ gây thiệt hại về người.

Ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có những kẻ “cố cùng liều thân”. Cướp ngân hàng không phải là loại tội phạm chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nhưng các báo cáo cho thấy, tội phạm cướp ngân hàng đang giảm mạnh tại nhiều nơi trên thế giới. Nghiên cứu của Richard Staring, Giáo sư Tội phạm học tại Trường Luật Erasmus (Hà Lan) khẳng định, cướp ngân hàng giờ “không còn là mốt”, qua khảo sát ghi nhận sự suy giảm mạnh số lượng tội phạm này trên thế giới hiện nay so với thập niên 1980-1990.

FBI năm 2022 công bố một thống kê từ năm 1970 cho thấy, số lượng các vụ cướp ngân hàng ở Mỹ đạt đỉnh vào năm 1991 (9.388 vụ) và giảm dần xuống thấp nhất vào năm 2020 (1.500 vụ).

Đan Mạch là một ví dụ tiêu biểu khác cho “sự nản lòng” của những kẻ cướp ngân hàng. Năm 2000, nước này xảy ra 221 vụ cướp ngân hàng, tức là gần như mỗi ngày (làm việc) đều có một vụ. Con số này giảm dần, từ 2017 đến nay chỉ còn dưới 10 vụ mỗi năm. Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, không có vụ cướp ngân hàng nào xảy ra tại Đan Mạch, theo tổ chức tài chính Finans Danmark.

Finans Danmark phân tích, có hai nguyên nhân chính giúp cải thiện tình hình gồm tăng cường an ninh (qua việc cải thiện hệ thống báo động, giám sát bằng camera và hợp tác chặt chẽ hơn với cảnh sát), và giảm sử dụng tiền mặt.

Trong khi đó ở Việt Nam, con số vẫn đang tăng. Theo số liệu của ngành công an, năm 2021, cả nước chỉ có bốn vụ cướp ngân hàng. Năm 2022, xảy ra khoảng 13 vụ. Từ tháng 4 đến nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy đã có ít nhất năm vụ cướp ngân hàng gây chấn động.

Tôi chỉ là một khách hàng, trong lúc chờ đợi mà quan sát xung quanh đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng an ninh ở các phòng giao dịch ngân hàng. Nếu kẻ có chủ tâm thực hiện các vụ cướp, nhất là cướp có vũ khí, chúng sẽ còn điều nghiên kỹ đến mức nào. Nếu các lỗ hổng này không được kịp thời khắc phục, rủi ro là chuyện thường trực với khách hàng và nhân viên nhà băng.

Xem lại vụ cướp hôm 22/11, thứ ám ảnh tôi không dứt là hình ảnh chiếc túi rỗng của hai kẻ cướp và bước chân lảo đảo của bác bảo vệ lưng đẫm máu. Một cái chết thương tâm.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,