Liệu Mỹ có chiến bại trước Trung Quốc?

Trước tình hình Trung Quốc đang vươn lên ngày càng mạnh mẽ, thu hẹp dần khoảng cách với Mỹ, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Philip Davidson đã mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Mỹ trong dài hạn”. Liệu đây có phải là một nhận định chính xác?

Nếu nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, có nhiều khả năng Mỹ sẽ thua cuộc. Đó là lo ngại của các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích quân sự Mỹ. Trong một tuyên bố tại Diễn đàn an ninh Aspen, Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, phụ trách giám sát các lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á, đã mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Mỹ trong dài hạn”. Liệu đây có phải là một nhận định đúng hay không? Bài trả lời phỏng vấn của hai chuyên gia Pháp – chuyên gia địa chính trị và tình báo kinh tế Jean-Bernard Pinatel và chuyên gia địa chiến lược François Géré – đăng trên trang mạng Atlantico, ngày 29/7/2019 sẽ cho độc giả cái nhìn rõ nét hơn xoay quay vấn đề này.

– Atlantico (-): Ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2020 ước tính là 718 tỷ USD – cao hơn ngân sách quốc phòng của các quốc gia khác trên thế giới cộng lại, do vậy, ưu thế quân sự của Mỹ dường như là không thể chối cãi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang gia tăng mạnh mẽ ngân sách quốc phòng của họ và được coi là đối thủ cạnh tranh vị thế bá quyền với Mỹ trong dài hạn. Liệu sức mạnh vượt trội của Mỹ có thể bị thách thức trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai nước hay không?

 Jean-Bernard Pinatel: Việc xây dựng một ngân sách quốc phòng được dựa trên những mục tiêu chính trị của mỗi nước. Mục tiêu của Mỹ đã rõ ràng. Họ muốn duy trì uy quyền thế giới mà họ có được kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt một câu hỏi. Liệu ngân sách quốc phòng trị giá 718 tỷ USD có cần thiết hay không? Liệu đó có phải là kết quả của việc tổ hợp quân sự-công nghiệp Mỹ gây ảnh hưởng tới nền dân chủ nước này, một sự ảnh hưởng mà cựu Tổng thống Eisenhower đã cảnh báo nguy cơ ngay từ tháng 4/1953 vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông?

Trên thực tế, trước việc các ấn phẩm – được tài trợ từ nguồn ngân sách quốc phòng này – không ngừng tuyên truyền về mối đe dọa quân sự từ Nga, người ta không thể không nghĩ rằng nhà nước Mỹ đã cố tình khuếch đại các mối đe dọa để biện minh cho những khoản tiền khổng lồ mà họ bỏ ra. Việc đưa thông tin sai lệch về các vũ khí hủy diệt hàng loạt được cho là do Saddam Hussein sở hữu để biện minh cho hành vi xâm lược chống lại Iraq là một ví dụ điển hình. Một thực tế khác cho phép củng cố giả thuyết này: Ngân sách quốc phòng của Nga ít hơn tổng ngân sách của 17 cơ quan tình báo Mỹ, và chỉ bằng khoảng 1/10 ngân sách quốc phòng Mỹ!

Động lực thúc đẩy Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng lại có bản chất hoàn toàn khác. Quả thực, Trung Quốc đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương trước sức mạnh hàng hải của Mỹ và việc Washington đơn phương áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran và Venezuela khiến Trung Quốc không thể nhập khẩu dầu mỏ từ hai nước này.

Cho dù có nhiều nỗ lực nhưng Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ của nước ngoài (khoảng 15%), và sự phụ thuộc này không ngừng tăng lên với mức độ dễ tổn thương ngày càng lớn. Hiện tại, 2/3 lượng dầu mỏ được tiêu thụ ở Trung Quốc đến từ nhập khẩu, trong đó 85% lượng dầu mỏ được nhập khẩu bằng đường biển.

Những số liệu trên đủ để lý giải vì sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc sống trong nỗi sợ hãi trước Mỹ. Việc đóng cửa eo biển Hormuz hoặc eo biển Malacca sẽ khiến nền kinh tế và xã hội Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Trong bối cảnh dễ bị tổn thương này, Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng. Ngày 5/3/2019, Trung Quốc đã tuyên bố tăng 7,5% ngân sách quốc phòng, lên 1.190 tỷ nhân dân tệ, tương đương 177,6 tỷ USD.

François Géré: Sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc là một hiện tượng mới bắt đầu từ khoảng 15 năm nay. Trước đây, nhiệm vụ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ giới hạn ở việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Mặc dù không được trang bị các thiết bị quân sự tối tân, nhưng PLA cũng đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ (trồng rừng), đấu tranh chống thiên tai, giúp đỡ người dân thu hoạch mùa màng… Việc Trung Quốc giảm bớt quân số, hiện đại hóa quân đội, nâng cao chất lượng huấn luyện là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở nước này. Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự theo xu hướng chung, và dựa vào mức tăng GDP trong nhiều năm qua. Quân đội Trung Quốc đã được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như khoa học máy tính, viễn thông, phổ điện từ, trí tuệ nhân tạo và công nghệ nano. Sự chuyển biến này đi kèm với vị thế ngoại giao mới của một Trung Quốc đang vươn lên vị trí cường quốc thứ hai thế giới và quyết tâm “hướng ra biển lớn” với một lực lượng hải quân hiện đại tìm cách sở hữu căn cứ quân sự ở nước ngoài (như căn cứ quân sự ở Djibouti kể từ năm 2017) trên các tuyến đường trung chuyển chiến lược.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể cạnh tranh với năng lực quân sự của Mỹ, vốn hiện đang sở hữu 12 tàu sân bay (trong khi Trung Quốc chỉ có 2 tàu sân bay), số lượng lớn tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu, máy bay tự vệ chống tên lửa. Ngoài ra, trên toàn Thái Bình Dương, Mỹ có các đồng minh hùng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Trung Quốc chỉ có thể dựa vào chính mình. Trong những điều kiện này, cùng với việc tiếp tục thực hiện cải cách một cách có phương pháp, PLA không tính đến một cuộc đối đầu trước Mỹ ít nhất là trong một thế hệ tới. Trong lĩnh vực không gian, hàng không và hàng hải, sự thống trị của Mỹ khiến cho Trung Quốc không dám mạo hiểm.

Trên hết, cần nhớ rằng Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc hạt nhân. Giờ đây, với việc phát triển các chương trình tàu ngầm hạt nhân tầm xa mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới Type 096 lớp Tang, được trang bị tên lửa JL-3 có tầm bắn ít nhất 8.000 km, Bắc Kinh có khả năng trả đũa rất mạnh mẽ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tất cả các thành phố lớn của Mỹ đều có nguy cơ bị đe dọa. Trung Quốc và Mỹ biết rằng trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng, họ phải kiềm chế và chỉ dừng lại ở việc sử dụng vũ khí thông thường. Tuy nhiên, kiểm soát leo thang và chấp nhận một thất bại quân sự là điều không dễ dàng. Do vậy, về cơ bản, Mỹ và Trung Quốc sẽ sử dụng các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nhằm đạt hiệu quả chiến đấu chính xác và nhanh chóng. Hiện tại, hai nước đang đẩy nhanh việc phát triển tên lửa siêu tốc (Mach 15). Không gian mạng cũng sẽ là một chiến trường, các virus máy tính sẽ được sử dụng nhằm gây hỗn loạn trong các hệ thống chỉ huy và kiểm soát tác chiến của các lực lượng đối lập.

Một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dường như rất khó nổ ra, song một số kịch bản – chẳng hạn như thống nhất Đài Loan bằng vũ lực – liệu có thể trở thành một cuộc leo thang thực sự hay không?

Jean-Bernard Pinatel: Trong kỷ nguyên hạt nhân, việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực mang lại nhiều rủi ro cho Trung Quốc. Bắc Kinh biết rất rõ rằng nếu sử dụng sức mạnh quân sự trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc không thể làm điều đó một cách đường đột. Cho dù thành công, và Mỹ không chọn giải pháp trả đũa trực tiếp, thì lợi ích của hành động xâm chiếm này cũng nhỏ hơn nhiều so với những thiệt hại mà Trung Quốc phải gánh chịu từ sự trả đũa gián tiếp của Mỹ.

Quả thực, Hải quân Mỹ có thể ngăn cản Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ qua đường biển, và do vậy khiến nước này rơi vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc, đe dọa tới sự sống còn của chế độ Trung Quốc hiện tại. Cho dù đã đẩy mạnh việc tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng Trung Quốc không thể hy vọng phá vỡ được sự phong tỏa của Mỹ ít nhất trong 2 thập kỷ tới, bởi sự chênh lệch về sức mạnh giữa lực lượng không quân-hải quân của 2 nước không được đo lường bằng tải trọng tàu chiến, mà bằng khả năng tác chiến, và sự chênh lệch đó cho đến ngày nay vẫn rất lớn.

François Géré: Các chiến lược gia Trung Quốc không che giấu ý định thống nhất Đài Loan. Cuốn sách “Giấc mộng Trung Hoa” của Đại tá Lưu Minh Phúc, được xuất bản cách đây vài năm, với nội dung nhấn mạnh sự cần thiết phải thống nhất Đài Loan “dưới cùng một bầu trời”, đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Tập Cận Bình. Còn Đại tá Trần Quốc Đông đã đề xuất các kịch bản dùng tên lửa phá hủy hàng loạt nhà máy điện hạt nhân của Đài Loan nhằm làm tê liệt hệ thống phòng thủ của hòn đảo này, sau đó tiến công và thống nhất Đài Loan. Như vậy, Trung Quốc có thể tự do hành động, quân đội Mỹ sẽ bị vô hiệu hóa và không thể can thiệp. Vì mục tiêu này, Trung Quốc đã phát triển các chương trình chống tiếp cận đối với hệ thống tên lửa chống hạm có khả năng phá hủy các tàu sân bay của Mỹ và cắt đứt các tuyến vận tải biển của Hải quân Mỹ.

Sách Trắng Quốc phòng mới của Trung Quốc có giọng điệu hết sức hung hăng về vấn đề Đài Loan, nhưng thái độ lại có phần mềm mỏng trước những căng thẳng ở biển Biển Đông. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khuếch trương uy lực của mình, nhưng không vì thế mà họ mong muốn căng thẳng leo thang. Điều này có thể diễn ra trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, điều khiến thế giới lo lắng là không có bất kỳ giải pháp chính trị nào được đưa ra nhằm chấm dứt sự đối đầu thường trực giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như không có bất kỳ cuộc đối thoại nào về việc kiểm soát và giới hạn vũ khí được tiến hành. Như vậy, dù muốn hay không, cả PLA lẫn Lầu Năm Góc đều phải chuẩn bị cho một tương lai có thể xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào.

Các chuyên gia quốc phòng Mỹ đã khẳng định trong một bài báo trên tờ The Atlantic rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, Mỹ có thể thua cuộc. Họ nói về Trung Quốc như thể là một “mối đe dọa chiến lược lớn nhất” đối với Mỹ. Nếu như hiện tại, sức mạnh quân sự của Trung Quốc không thể so sánh với sức mạnh quân sự của Mỹ, thì họ có thể vượt Mỹ trong 5 năm tới. Vậy liệu Trung Quốc có thực sự là mối đe dọa lớn nhất về quân sự hay không?

Jean-Bernard Piantel: Người đưa ra tuyên bố này tại Diễn đàn an ninh Aspen là Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Như vậy, Philip Davidson chỉ là người đứng đầu của một trong số các bộ chỉ huy quân sự của Mỹ. Do vậy, nhận xét của ông bị giới hạn trong phạm vi trách nhiệm của ông, và ông không tính đến giả thuyết về cuộc đối đầu toàn diện và trên phạm vi toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhận định của ông chỉ liên quan đến mối quan hệ của các lực lượng trong phạm vi mà ông đảm trách. Việc ông khẳng định rằng “năng lực của Trung Quốc hiện không nhiều hơn so với năng lực của Mỹ trong khu vực” khiến cho chúng ta nghĩ rằng ông đang nói đến số lượng tàu chiến, máy bay hay các lực lượng trên bộ, thay vì nói tới năng lực tác chiến thực sự của Trung Quốc.

Trong 5 năm tới, số lượng tàu chiến hoặc máy bay Trung Quốc được triển khai trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể vượt số lượng tàu chiến và máy bay của Mỹ. Tuy nhiên, xét về năng lực thực hiện một trận chiến không quân-hải quân, Mỹ sở hữu một kinh nghiệm mà Trung Quốc không có, và trong 1 hoặc 2 thập kỷ tới, chắc chắn Mỹ vẫn duy trì năng lực tác chiến cao hơn so với Trung Quốc.

François Géré: Với ngân sách quân sự ước tính 718 tỷ USD cho năm 2020, Mỹ vẫn sẽ duy trì ưu thế trong mọi lĩnh vực quân sự trong những năm tới. Mặc dù đang thực hiện những nỗ lực đáng kể trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ thua kém Mỹ về năng lực quân sự, ít nhất là cho đến năm 2050. Hơn nữa, sự trỗi dậy của các lực lượng hạt nhân của Nga vẫn là mối đe dọa chiến lược và là mối lo ngại nghiêm trọng đối với Mỹ. Việc coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ đã trở thành một đề tài cũ của các nhà hoạch định quân sự Mỹ vào thời điểm kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh. Nhận định đó chỉ nhằm duy trì một ngân sách quốc phòng khổng lồ, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và mua sắm các trang thiết bị quân sự tối tân hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực không gian.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG 

Tags: , ,