Lịch sử của hình thái chiến tranh tàu ngầm

Trải qua chặng đường hình thành và phát triển từ nhiều thế kỷ, tàu ngầm đã dần chứng minh được vai trò là một vũ khí lợi hại trong tác chiến hải quân.

Lịch sử của hình thái chiến tranh tàu ngầm

1 – Tàu ngầm với chiến tranh

Khái niệm về một chiếc thuyền có khả năng hoạt động dưới nước được hình thành khá lâu dài, bắt đầu từ hình ảnh những người thợ lặn sử dụng các gậy rỗng để săn bắt dưới nước thời cổ đại.

Lịch sử phát triển tàu ngầm

Ứng dụng khái niệm lặn dưới nước được sử dụng trong quân sự lần đầu tiên trong cuộc bao vây Syracuse khoảng năm 413 trước công nguyên.

Khái niệm sơ khai về tàu ngầm được ghi nhận trong một bức tranh Hồi giáo từ thế kỷ 16 ghi nhận hình ảnh Alexander Đại đế được thả xuống nước trong một chiếc ly chìm.
Trên thực tế, chiếc tàu ngầm đầu tiên được đóng thành công vào năm 1620 bởi William Bourne.

Còn chiếc tàu ngầm đầu tiên được sử dụng cho mục đích quân sự được đóng vào năm 1775 trong Cách mạng Mỹ. Tàu được đặt tên là Turtle được thiết kế bởi David Bushnell. Tàu ngầm Turtle có thiết kế hình quả trứng được sử dụng để đặt mìn và chất nổ tại các khu vực bến cảng.

Tàu ngầm cũng được sử dụng nhiều trong cuộc nội chiến Mỹ. Có thể nói, Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng tàu ngầm trong chiến tranh. Điều này góp phần đưa Mỹ thành cường quốc hàng đầu thế giới về tàu ngầm như hiện nay.

Tàu ngầm đã được sử dụng một cách nhỏ lẻ vào các cuộc chiến từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 18. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt công nghệ tại thời điểm đó nên tàu ngầm vẫn không thể hiện được vai trò đáng kể nào.

Phải đến cuối thế kỷ 19 sự phát triển của động cơ diesel và động cợ điện cũng như sự phát triển của các công nghệ quang học như kính tiềm vọng đã tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển tàu ngầm.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên sử dụng động cơ đốt trong khi nổi và động cơ điện khi chìm được thiết kế bởi một người Ireland tên là John Philip Holland vào giai đoạn 1876-1896.

Chiếc tàu ngầm này được đặt tên theo nhà thiết kế và được gọi là tàu ngầm Holland Type VI.

Chiếc tàu ngầm này sau đó đã được mua bởi Hải quân Mỹ và được đặt tên là USS Holland.

Tàu ngầm Holland Type VII sau đó đã được bán cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản và sử dụng trong chiến tranh Nga – Nhật giai đoạn 1904-1905.

Tàu ngầm trong chiến tranh thế giới thứ nhất

Tàu ngầm bắt đầu được sử dụng một cách rộng rãi trong chiến tranh thế giới thứ I. Và ở đây phải nới tới việc, dù Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng tàu ngầm trong chiến tranh nhưng Đức mới chính là quốc gia thiết kế được chiếc tàu ngầm có khả năng chiến đấu tốt nhất thời đó, tàu ngầm lớp U.

Sự tiến bộ của công nghệ động cơ diesel và động cơ điện đã tạo ra một sự kết hợp động cơ điện-diesel sử dụng cho tàu ngầm, các công nghệ này đã giúp cho tàu ngầm đạt tốc độ nhanh hơn và có thời gian ở dưới nước lâu hơn.

Cùng với sự tiến bộ của công nghệ chế tạo ngư lôi, loại tàu ngầm lớp U của người Đức chứng minh là một cỗ máy chết chóc thực sự.

Ở thời kỳ này, dù còn khá thô sơ và chưa thực sự tinh vi, nhưng các tàu ngầm U của Đức đã gây ra cho Hải quân Hoàng gia Anh những tổn thất nặng nề. Tàu ngầm lớp U9 của Đức đã đánh chìm 3 tuần dương hạm của Hải quân Hoàng gia Anh chỉ trong vòng vài phút, trong tháng 9/1914.

Trong suốt thời gian diễn ra thế chiến thứ I tổng cộng có khoảng 5.000 tàu thuyền các loại với hơn 11 triệu tấn hàng hóa và 15.000 thường dân thiệt mạng do các cuộc tấn công của tàu ngầm U.

Sự thành công của tàu ngầm lớp U đã chứng minh tàu ngầm là một vũ khí lợi hại trong chiến tranh, đặc biệt tàu ngầm tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc tấn công các tàu vận tải nhằm cắt đứt tuyến đường vận tải của đối phương.

Chiến lược này tiếp tục được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2 và cho đến ngày nay chiến lược này vẫn phát huy tối đa tác dụng của nó.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức đã sản xuất và đưa vào sử dụng tổng cộng 360 chiếc tàu ngầm, 178 chiếc bị mất trong cuộc chiến. Anh có 77 tàu ngầm sử dụng trong chiến tranh và có đến 50 chiếc bị mất trong chiến tranh. Pháp có khoảng 62 chiếc tàu ngầm được sử dụng trong chiến tranh và chỉ có 12 chiếc bị mất. Nga bắt đầu cuộc chiến với 58 tàu ngầm, 24 chiếc bị mất trong chiến tranh.
.

Tác chiến chống tàu ngầm trong chiến tranh thế giới thứ nhất

Tại thời điểm đó, công nghệ trinh sát còn sơ khai và chưa phát triển, các hệ thống định vị âm thanh có tầm hoạt động hạn chế và độ chính xác không cao nên việc phát hiện ra tàu ngầm rất khó khăn.

Hải quân các nước chỉ có thể phát hiện ra tàu ngầm khi đã bị tấn công, các biện pháp tấn công đáp trả củng rất hạn chế.

Biện pháp chống ngầm thời đó chủ yếu là sử dụng thủy lôi phong tỏa các bến cảng, thả bom chống ngầm, thả lưới để vướng vào chân vịt tàu ngầm..

Khi phát hiện tàu ngầm, các tàu chiến thời đó thường thả một lượng lớn bom chống ngầm xuống dưới nước để tiêu diệt tàu ngầm theo kiểu xác suất xung quanh khu vực phát hiện ra tàu ngầm.

Chỉ cần một quả bom nổ gần tàu ngầm cộng với áp lực nước biển sẽ gây ra thiệt hại nặng cho tàu ngầm, thậm chí phá hủy, song hiệu quả tác chiến của biện pháp này không cao.

Tuy nhiên, tàu ngầm thời đó có thời gian ở dưới nước không lâu nên cũng dễ bị tiệu diệt khi buộc phải nổi lên để lấy không khí và sạc pin cho động cơ điện. Gần 300 chiếc tàu ngầm bị đánh chìm trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của phương tiện này.

Những tổn thất do tàu ngầm gây ra buộc Hải quân Hoàng gia Anh gấp rút thực hiện đồ án phát triển các công nghệ chống ngầm.

Hệ thống định vị âm thanh phát hiện tàu ngầm ASDIC được các kỹ sư Anh phát triển thành công vào năm 1917, tuy nhiên nó không kịp hoàn thành để sử dụng trong thế chiến thứ nhất.

Hệ thống ASDIC sau đó đã được chuyển giao cho Hải quân Mỹ và trở thành “hệ thống định vị âm thanh chống ngầm tiêu chuẩn” trong suốt thời gian diễn ra thế chiến thứ 2.

Trên cơ sở ASDIC các kỹ sư Mỹ đã phát triển các công nghệ sonar cho riêng mình tạo tiền đề cho sự phát triển của các hệ thống sonar tinh vi ngày nay.

Sự thành công của tàu ngầm trong chiến tranh thế giới thứ nhất và đã chứng minh được tàu ngầm là một cổ máy chết chóc. Sự thành công của tàu ngầm lớp U đã tạo tiền đề cho sự phát triển ồ ạt của các loại tàu ngầm sau này và trong chiến tranh thế giới thứ hai đã ghi nhận cuộc chạm trán lớn nhất lịch sử loài người giữa các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước.

2 – Cuộc chiến trên Đại Tây Dương

Hơn 40 triệu tấn hàng hóa cùng hàng ngàn tàu chiến bị đánh chìm đã cho thấy giá trị chiến lược mà tàu ngầm mang lại đối với toàn cục.

Chạm trán trên Đại Tây Dương

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hiệp ước Versailles hạn chế việc phát triển hải quân mặt nước. Đức là một trong những nước chịu ảnh hưởng của điều khoản này. Phải tới một năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức mới bắt tay xây dựng lại hạm đội tàu chiến mặt nước.

Vì vậy, khi bắt đầu cuộc chiến mới, Hải quân Đức quá nhỏ bé để có thể thách thức Hải quân Hoàng gia Anh bằng một cuộc chiến tranh quy ước. Dù vậy, nước này vẫn nắm trong tay một quân bài lợi hại khác: tàu ngầm.

Hải quân Đức bắt đầu thế chiến thứ hai với 65 tàu ngầm trong đó có 21 chiếc đang hoạt động trên biển khi chiến tranh nổ ra. Nửa đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, Hải quân Đức đã sử dụng khá hiệu quả tàu ngầm và đã đạt được thắng lợi lớn.

Đô đốc Donitz’s chỉ huy lực lượng tàu ngầm Đức đề xuất một chiến thuật hoàn toàn mới so với thời kỳ đó. Thay vì đối đầu trực tiếp với hạm đội hùng hậu của Hải quân Hoàng gia Anh với khả năng chiến thắng rất thấp, ông này dùng các tàu ngầm của mình tấn công cắt đứt con đường vận tải chiến lược, qua đó suy giảm sức mạnh của nước Anh.

Đầu tiên, Hải quân Đức sử dụng máy bay trinh sát do thám trên khắp Đại Tây Dương, chuyển thông tin về vị trí của tàu vận tải Anh cho lực lượng tàu ngầm. Lực lượng này sẽ tiếp cận và chờ đợi thời cơ (thường vào ban đêm, khi tầm quan sát trên biển gần như bằng 0) để tấn công.

Chiến lược này của Hải quân Đức đã phát huy tối đa tác dụng mang lại lợi thế rất lớn cho Đức trên nhiều mặt trận khác nhau.

Trong suốt cuộc chiến hơn 5.150 tàu thuyền các loại bị đánh chìm, 21,57 triệu tấn hàng hóa bị mất mát. Riêng tàu ngầm lớp U đánh chìm 2.828 tàu thuyền các loại và 14,69 triệu tấn hàng hóa. Trong đó, lực lượng Đồng minh mất 178 tàu chiến, 6 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm.

Thành công của lực lượng tàu ngầm thúc đẩy Đức ngưng chương trình đóng mới thiết giáp hạm lớp Bismarck và các tàu tuần dương để tập trung nguồn lực cho xây dựng hạm đội tàu ngầm. Trong suốt thời gian chiến tranh, có tất cả 1.158 tàu ngầm đã được đóng mới và đưa vào sử dụng. Khi đó, Hải quân Đức trở thành lực lượng có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới.

Cái giá của chiến thắng và sai lầm của Đức

Cuộc tấn công của hạm đội tàu ngầm U nhắm vào con đường vận tải chiến lược của lực lượng Đồng minh gián tiếp gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cả sản xuất củng như cục diện trên chiến trường.

Đến tháng 7/1943 thiệt hại của lực lượng Đồng minh đã vượt quá năng lực sản xuất. Thất bại này bộc lộ điểm yếu lớn trên con đường vận tải chiến lược cũng như công tác hộ tống.

Để đối phó với chiến lược tàu ngầm của Hải quân Đức, Đồng minh dẫn đầu là Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD để xây dựng lực lượng chống ngầm và tăng cường đội tàu hộ tống cho các tàu vận tải. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất để lấp đầy các khoảng trống trong vận tải do tổn thất từ các cuộc tấn công của tàu ngầm U.

Nỗ lực này khiến cái giá mà người Đức phải trả cho chiến thắng này không rẻ chút nào. 785 tàu ngầm của Đức đã bị đánh chìm trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh.

Việc chỉ tập trung vào phát triển hạm đội tàu ngầm mà không phát triển hạm đội tàu chiến mặt nước Đức cũng dẫn tới những thất bại chiến lược.

Ban đầu, khi lực lượng Đồng minh chưa có biện pháp chống ngầm và bảo vệ các tàu vận tải hiệu quả nên chiến lược tàu ngầm của Đức đã phát huy tối đa tác dụng.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi Đồng minh tập trung đầu tư phát triển các phương tiện chống ngầm. Điển hình là hệ thống định vị âm thanh ASDIC do Anh phát triển. Hệ thống này chuyển cho Mỹ và được đã phát triển thành các hệ thống sonar hiệu quả.

Một sai lầm nữa của Hải quân Đức được ghi nhận là sử dụng các kênh liên lạc giữa tàu ngầm và máy bay trinh sát bằng máy mã hóa nổi tiếng Enigma. Người Đức không hay biết rằng, các thông tin liên lạc đã bị lực lượng Đồng minh hóa giải.

Thông tin liên lạc bị lộ, tàu ngầm lại bị phát hiện dễ dàng bởi các hệ thống trinh sát hiệu quả, cùng với đó, không nhận được sự hỗ trợ của các hạm đội mặt nước nên lực lượng tàu ngầm bị hải quân của Đồng minh bao vây tiệu diệt. Tàu ngầm lớp U từ “kẻ săn mồi biến thành con mồi”.

Tuy chiến lược tàu ngầm của Hải quân Đức thất bại, song vẫn không hề giảm đi tính thời sự. Tấn công tuyến đường vận tải chiến lược của đối phương bằng tàu ngầm với chiến thuật “bắn-chạy” (hit and run) tối ưu với hải quân các nước yếu.

3 – Chạm trán ở Thái Bình Dương

Vận dụng khéo léo sự phối hợp giữa lực lượng tàu ngầm và tàu chiến mặt nước đã mang lại cho Hải quân Mỹ chiến thắng toàn cục trên biển.

Sử dụng tàu ngầm khôn ngoan

Bước vào chiến tranh thế giới thứ 2, Hải quân Đế quốc Nhật được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân hàng đầu thế giới lúc đó. Tiếng tăm của lực lượng này thậm chí càng trở nên lớn hơn sau sự kiện Trân Châu Cảng.

Trước đó, không một quốc gia nào dám đối đầu và thách thức lực lượng hải quân hùng mạnh của Mỹ. Hải quân Nhật đã dám làm điều không ai dám: Giáng cho Mỹ một đòn chí mạng. Sự kiện Trân Châu Cảng được ghi nhận là tổn thất lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên cũng chính nhờ sự kiện Trân Châu Cảng, nước Mỹ chính thức từ bỏ chủ nghĩa biệt lập sang can dự trên phạm vi toàn cầu và lực lượng hải quân nước này cũng chuyển hướng theo để đáp ứng yêu cầu chiến lược mới. Hệ thống vũ khí ngay lập tức có thể đáp trả Hải quân Nhật Bản chính là lực lượng tàu ngầm.

Tuy không đông đảo như của Đức song chiến lược tàu ngầm của Mỹ là rất hợp lý và chiến thắng dường như là tất yếu.

Khi đó, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã quyết định “không hạn chế chiến tranh tàu ngầm”. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã vận dụng một chiến lược hoàn toàn mới, họ sử dụng tàu ngầm như một lực lượng mũi nhọn chứ không coi đây là lực lượng tấn công chính như người Đức.

Tàu ngầm có lợi thế là có thể tung ra đòn tấn công bất ngờ gây thiệt hại nặng cho đối phương, tuy nhiên, tàu ngầm có điểm yếu là gần như không có khả năng phòng vệ. Do đó, tàu ngầm chỉ sử dụng như một lực lượng đột kích cản trở, phá hoại hoặc gián tiếp phá hoại chiến lược của đối phương.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2, Hải quân Mỹ chỉ có tổng cộng 288 tàu ngầm trên khắp các mặt trận song với chiến thuật khéo léo đã mang lại cho Mỹ chiến thắng toàn cục.

Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ được giao 2 nhiệm vụ, tấn công đội tàu vận tải cũng như hạm đội tàu chiến Nhật Bản khi có cơ hội. Trong cả hai nhiệm vụ, lực lượng tàu ngầm Mỹ đã khai thác tối đa thông tin rò rỉ trong hoạt động liên lạc giữa các tàu chiến của Nhật Bản để chọn thời điểm tấn công hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ đã vận dụng tốt học thuyết Mahanian trong chiến tranh hải quân, tức tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng tàu ngầm và tàu tuần dương hạm để bảo vệ những lợi ích chiến lược từ xa. Trong chiến lược này, lực lượng tàu chiến mặt nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ cho tàu ngầm, các tàu ngầm không ở quá xa so với các tàu chiến mặt nước.

Hạm đội tàu chiến của đối phương sẽ không có nhiều thời gian rãnh rỗi để truy sát tàu ngầm vì nó phải lo đối phó với lực lượng tàu chiến mặt nước của đối phương. Trong khi đó, các tàu ngầm U của Đức quá lẻ loi trên biển.

Cắt nguồn sống của Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia nghèo nàn về tài nguyên, 70% nguyên liệu cho sản xuất của đất nước xứ sở mặt trời mọc phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Năng lực sản xuất của Nhật Bản phụ thuộc vào năng lực nhập khẩu. Đó chính là điểm yếu chết người của Nhật Bản bị Mỹ tăng cường khai thác.

Mỹ đã thực hiện một chiến lược vô cùng “độc” và dồn Nhật Bản vào còn đường cùng, một mặt họ phong tỏa việc nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu buộc Nhật Bản phải tập trung vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ khu vực châu Á mà cụ thể là Đông Nam Á, toàn bộ tàu vận tải biển của Nhật Bản chỉ có một con đường duy nhất để đưa nguyên liệu về nước qua eo biển Phillippines.

Tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản quá đơn giản và quá dể bị tổn thương trước cuộc tấn công của tàu ngầm.

Số phận của tuyến vận tải biển chiến lược này của Nhật Bản đã được quyết định sau trận chiến Vịnh Leyte, một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử loài người. Thất bại tại trận chiến Leyte, số phận của Nhật Bản coi như đã được quyết định, vấn đề chỉ là thời gian.

Từ khi Hải quân Mỹ gia tăng các hoạt động tấn công đội tàu vận tải năng lực sản xuất của nền kinh tế Nhật Bản cũng bắt đầu sụt giảm theo (*). Không thể bảo vệ được tuyến vận tải biển chiến lược, thất bại của Nhật Bản là điều không thể tránh khỏi. Cuối năm 1944, Nhật Bản tuyên bố “ Vận tải biển bị mất hoặc hư hỏng kể từ khi bắt đầu chiến tranh thế giới thứ 2 đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự nghèo đói của đất nước”

Bên cạnh sự thiệt hại về nguyên liệu dành cho sản xuất, cuộc tấn công của tàu ngầm Mỹ vào đội tàu vận tải dầu Nhật Bản là nguyên nhân thứ 2 trong việc tiêu diệt năng lực quân sự nước này.

Nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản giảm từ 1,75 triệu thùng/tháng trong tháng 8/1943 xuống còn 360.000 thúng/tháng vào tháng 7/1944, đến tháng 10/1944 nhập khẩu còn sụt giảm nhiều hơn do các thất bại trên khắp chiến trường Phillippines. Kể từ tháng 9/1943 tỷ lệ dầu thô vận chuyển thành công từ các vùng biển phía Nam đến Nhật Bản không bao giờ vượt quá 28%, thậm chí trong 15 tháng cuối cùng của chiến tranh con số này không vượt quá 9%. Trong khi đó, Hải quân Nhật Bản yêu cầu đến 1,6 triệu thùng/tháng để hoạt động, Hải quân Nhật Bản trở nên tuyệt vọng trước chiến lược Guerre (chiến lược tấn công thương thuyền được khởi xướng từ thế kỷ 19) của Hải quân Mỹ.

Những thiệt hại liên tiếp trong vận tải biển khiển Hải quân Nhật Bản lâm vào khủng hoảng và họ không tìm ra được phương án nào để bảo vệ cho tuyến đường vận tải biển chiến lược. Thậm chí, Nhật Bản trở nên túng quẩn khi sử dụng thiết giáp hạm để chuyển dầu thô về nước trong khi nhiệm vụ của nó là phải ngăn chặn tàu chiến đối phương tấn công vào tuyến đường vận tải biển.

Trong những cuộc chạm trán trên Thái Bình Dương, lực lượng tàu ngầm Mỹ đã đánh chìm 8 tàu sân bay, 1 thiết giáp hạm, 11 tàu tuần dương của Hải quân Nhật Bản. Trong số 288 tàu ngầm Mỹ trên khắp các mặt trận 52 chiếc bị đánh chìm, trong đó có tới 48 chiếc bị đánh chìm ở Thái Bình Dương, thủy thủ tàu ngầm Mỹ phải chịu tỷ lệ tổn thất cao nhất trong quân đội Mỹ với 22% thiệt mạng.

Trong thiệt hại tổng thể của Hải quân Nhật Bản có đến 30% thiệt hại do tàu ngầm Mỹ gây ra, lực lượng tàu ngầm Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu năng lực tác chiến của Hải quân Nhật Bản. Những thiệt hại trước các cuộc tấn công của tàu ngầm đã làm tăng quá trình sửa chữa tại các nhà máy đóng tàu quân sự Nhật Bản, điều này triệt tiêu cơ hội đóng mới các tàu chiến.

Trong năm 1943, Hải quân Nhật Bản chỉ dành 12% ngân sách cho công tác sửa chữa, tuy nhiên con số này tăng lên đến 34% vào năm 1945. Ngoài ra, việc tăng cường đóng mới các tàu vận tải thay thế cho các tàu bị đánh chìm dẫn đến giảm khả năng đóng mới tàu chiến.

Vào năm 1942 các nhà máy đóng tàu tư nhân tham gia vào đóng tàu quân sự chiếm đến 44%, tuy nhiên con số này giảm xuống chỉ còn 30% vào năm 1943. Bên cạnh đó, việc buộc phải tăng cường đóng mới tàu hộ tống đã làm giảm quỹ thời gian và ngân sách để đóng mới các tàu chiến mạnh mẽ hơn.

Đến năm 1944, các nhà máy đóng tàu Nhật Bản gần như không còn thép để đóng mới tàu chiến và tàu vận tải các loại. Năng lực sản xuất gần như bằng 0 vì không có nguyên liệu trong khi đó Nhật Bản không có tuyến vận tải nào khác để bù đắp ngoài vận tải biển thất bại của Nhật Bản là điều khó tránh khỏi.

Cũng sử dụng chiến lược tấn công tuyến vận tải biển như chiến lược mà Đức đã sử dụng trong nữa đầu chiến tranh thế giới thứ 2 song với chiến lược và chiến thuật hợp lý không phụ thuộc quá nhiều vào tàu ngầm, Hải quân Mỹ đã giành được chiến thắng tối đa với thiệt hại tối thiểu.

Năng lực nhập khẩu của Nhật Bản vào năm 1941 đạt con số 20 triệu tấn/năm con số này đã giúp cho Nhật Bản xây dựng được nền công nghiệp quân sự và dân sự hùng mạnh. Tới năm 1944, sản lượng nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 10 triệu tấn/năm. Thậm chí, trong 6 tháng đầu năm 1945, sản lượng nhập khẩu chỉ đạt 2,7 triệu tấn.

Nhập khẩu Bauxite giảm đến 88% giữa mùa hè năm 1944, đến năm 1945 nhập khẩu phôi thép giảm đến 89%, bột giấy 90%, nguyên liệu bông và len 91%, chất béo và dầu 92%, quặng sắt 95%, xi măng 96%, gỗ 98%, thức ăn gia súc 99%.

Việc sụt giảm nghiêm trọng năng lực nhập khẩu đã ảnh hưởng đến các vấn đề về lương thực trong nước. Các báo cáo ghi nhận trong năm 1944 lượng calo giảm 12% so với yêu cầu tối thiểu dành cho dân số phi nông nghiệp.

.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,