Làm kẻ ‘ẩn dật’ – bí kíp hạnh phúc giữa thế giới phù hoa

Chúng ta có thể chọn một cuộc sống nghèo hơn, trầm lắng hơn – để có được sự giàu có thực sự, một cách đầy tự nguyện, mà không phải đánh đổi phẩm giá của mình.

Làm kẻ ‘ẩn dật’ – bí kíp hạnh phúc giữa thế kỉ phù hoa

Có lẽ chỉ có những kẻ thua cuộc mới sẵn sàng đi tôn vinh một cuộc đời trầm lặng. Thời đại này, chúng ta đã quá quen với cuộc sống sôi nổi, nhiệt huyết, ồn ã. Nếu ai đó đưa ra mức lương hấp dẫn cho một công việc ở nơi khác, chúng ta sẽ chấp nhận. Nếu ai đó chỉ cho ta cách để nổi tiếng, chúng ta sẽ làm. Nếu ai đó mời chúng ta đến một bữa tiệc, chúng ta sẽ tham dự. Những điều này xảy ra như một lẽ tự nhiên, một món quà trời ban tặng. Tán dương một cuộc sống thầm lặng do vậy là một điều gì đó lạ lùng. Chỉ riêng việc hình dung ra kiểu sống ấy cũng đã là điều quá khó khăn với phần lớn chúng ta, bởi chỉ có những tầng lớp không ngờ nhất của xã hội: những người chểnh mảng, lập dị, nhác việc, và thất nghiệp… mới bảo vệ điều đó; dường như họ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi làm thế nào để sắp xếp công việc của bản thân. Một cuộc sống thầm lặng là kết quả hiển nhiên bởi họ lạc lõng. Một giải khuyến khích đáng thương.

Nhưng, khi chúng ta xem xét vấn đề thật kỹ, cuộc sống bận rộn đi kèm cái giá phải trả cao ngật ngưỡng, mà chúng ta hầu hết phớt lờ. Hào quang thành công vô tình đem đến sự ghen tức và cạnh trạnh với những người xa lạ. Chúng ta trở thành mục tiêu của nỗi thất vọng và sự ghen ghét đố kị; việc người khác thất bại dường như là lỗi của ta. Ta càng được trọng vọng thì lại càng nhạy cảm khi mất đi điều đó; ta để ý từng sự sỉ nhục xảy ra với bản thân mình. Doanh số bán hàng giảm nhẹ, sự chú ý hay những lời tán dương cũng trở thành thảm họa. Sức khỏe của chúng ta phải chịu trận. Và chúng ta trở thành miếng mồi cho lối suy nghĩ hoang tưởng, sợ hãi; chúng ta thấy âm mưu chống lại mình ở tất cả mọi nơi. Chúng ta không nhầm. Nỗi ám ảnh trả thù săn đuổi chúng ta. Bỏ qua những đặc quyền của cuộc sống ấy, sự tò mò trong ta trở nên cạn kiệt. Chúng ta mất đi quyền kiểm soát thời gian của chính bản thân.

Chúng ta có thể cho ngừng hoạt động một nhà máy ở Ấn Độ và khiến mọi người trong công ty khiếp sợ và nể phục từng từ ta nói. Nhưng thứ mà chúng ta thật sự không thể làm là thừa nhận rằng ta đã quá mệt mỏi và chỉ muốn một buổi chiều ngồi đọc sách trên sofa.

Chúng ta không thể bộc lộ con người nhạy cảm, mơ mộng, tự do, dễ tổn thương trong mình.

Từng lời ta nói ra có thể kéo theo một loạt hậu quả, nên ta phải dè chừng chúng từng chút – những người khác đang trông chờ sự hướng dẫn và mệnh lệnh từ nơi ta. Dần dần, chúng ta trở thành người xa lạ với những người sẵn sàng yêu thương ta mà chẳng đoái hoài đến sự giàu sang và quyền lực ấy; trong khi đó lại ngày càng lệ thuộc vào những người chỉ lăm le nhìn ngó vào thành tựu mà ta đạt được. Con cái ngày càng ít thấy mặt đấng sinh thành. Người bạn đời ngày càng cô đơn. Chúng ta có thể là bá chủ của cả một lục địa; nhưng đã mười năm trôi qua kể từ lần cuối ta thanh thản cả ngày.

Biểu tượng văn hóa nổi tiếng nhất trong lịch sử phương Tây vô cùng hứng thú về lợi ích từ việc sống một cuộc sống thầm lặng. Trong Kinh Phúc âm của Mark 6: 8-9, Chúa Jesus nói với tín đồ của mình “đừng đem chi theo hết ngoài một cây gậy kể cả bánh mì, túi xách, hoặc tiền bạc trong dây lưng; chỉ đi xăng đan và đừng mặc hai áo.” Đạo Cơ Đốc khai mở một không gian sống trong tâm trí chúng ta bằng cách phân biệt giữa hai kiểu nghèo: một kiểu nghèo tự nguyện và một kiểu nghèo không mong muốn. Hiện tại, chúng ta chỉ chăm chăm quan niệm rằng chẳng ai lại đi mong muốn cái nghèo, vì vậy chỉ những người bất tài mới bần cùng. Làm sao có thể tưởng tượng ra việc của một người có có tài lại thông thái lại có thể quyết định chọn cái nghèo một cách hoàn toàn lí trí, sau khi cân nhắc những cái được-mất của một cuộc sống ồn ã.

Hãy nhớ rằng, việc ai đó chọn không nhận công việc lương cao hơn, không xuất bản thêm một cuốn sách, không tìm kiếm chức danh bổng lộc, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Không phải vì họ không có cơ hội, mà bởi vì – sau khi cân nhắc các yếu tố khách quan – họ đã chọn không tranh đấu vì những điều phù du ấy.

Một trong những thời khắc quan trọng của lịch sử Cơ Đốc giáo diễn ra vào năm 1204, khi một người đàn ông trẻ trung giàu có mà chúng ta biết dưới tên Thánh Francis của thành Assisi tình nguyện từ bỏ cả gia tài đáng giá của mình (ít nhất là hai căn nhà, một cánh đồng và một con tàu). Ông làm vậy chẳng phải vì bất kỳ sự cưỡng ép nào. Chỉ là ông cảm thấy chúng sẽ cản trở con đường để ông đạt được những thứ ông thực sự mong đợi: một cơ hội lắng nghe lời dạy của Chúa Jesus, một cơ hội sùng kính đấng sáng tạo của thế giới này, một cơ hội để say mê hoa cỏ – và một cơ hội để giúp đỡ những người bần cùng nhất trong xã hội.

Văn hóa Trung Hoa cũng sùng bái tư tưởng yinshi (ẩn cư), người ẩn cư là người chọn cách sống tránh xa thị phi cuộc đời, sống đạm bạc, nơi ở thường là núi cao. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, khi một viên chức lớn của triều đình tên Đào Tiềm từ bỏ việc làm quan về quê làm nông, nấu rượu và viết văn. Trong bài thơ “Thuật tửu” của mình, ông kể tên những tài sản mà cái nghèo mang đến cho ông:

Cúc từ rào ở phía đông
Núi nam ngự ở mênh mông ánh nhìn
Khí trời núi cao làm người tươi tỉnh lại
Như loài chim đang trên lối hồi hương
Mọi sự hiện ra, kèm theo chân lý
Cố giải thích bằng lời, chẳng tìm thấy một câu.

Hình tượng của Đào Tiềm trở thành chủ đề chính trong văn học và nghệ thuật Trung Hoa. Túp lều của ông nằm gần Lư Sơn, khiến người ta thấy được những lợi ích của một cuộc sống giản đơn hơn. Một lượng lớn thơ thời Đường được sáng tác trong giai đoạn ẩn cư của các thi sĩ. Bạch Cư Dị (772-846) viết một bài thơ miêu tả một cách đầy thương mến ngôi lều mà ông mua ở bìa rừng, liệt kê những thứ mộc mạc và tự nhiên (mái lều rợp rạ với “bậc đá, cột từ cây đậu, hàng rào đan tre”). Nhà thơ Đỗ Phủ, sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sáng tác bài thơ có tựa đề “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”. Đó không phải là một lời than xót, đó là một lời chúc mừng sự tự do đi kèm với cách sống đơn giản đến mức, một cơn bão có thể thổi bay nhà cửa của chúng ta.

Chúng ta có nhiều lựa chọn hơn là một con đường sự nghiệp định sẵn đầy ánh hào quang. Chúng ta có thể chọn việc giữa cho mình cái gì đó to tát để khi ai đó hỏi ta làm gì ta có thể trả lời. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải, hoặc nên đi theo những lựa chọn đó. Khi chúng ta biết được cái giá thực sự của con đường đầy hào quang, chúng ta dần nhận ra mình sẽ không sẵn sàng trả giá nếu phải ghen tức, sợ hãi, lừa dối và lo âu vì chọn con đường ấy. Cuộc sống của chúng ta trong thế giới này rất ngắn ngủi.

Chúng ta có thể chọn một cuộc sống nghèo hơn, trầm lắng hơn – để có được sự giàu có thực sự, một cách đầy tự nguyện, mà không phải đánh đổi phẩm giá của mình.

Theo TRAMDOC.VN / THE BOOK OF LIFE

Tags: , ,