Kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật trong bảo vệ môi trường ở Mỹ

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, việc tham khảo học tập kinh nghiệm thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng trong quản lý môi trường là rất quan trọng. Mỹ là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong quản lý môi trường. Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, Việt Nam có thể tham khảo, học tập nhiều cơ chế chính sách về quản lý môi trường của Mỹ.

Kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật trong bảo vệ môi trường ở Mỹ

Tác giả: Hoàng Minh Sơn, Tổng cục Môi trường.

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2013.

Hệ thống quản lý môi trường tại Mỹ có nhiều điểm khác biệt với Việt Nam. Cục Bảo vệ Môi trường Liên Bang (USEPA) chịu trách nhiệm tổng thể về quản lý môi trường liên bang, trừ lĩnh vực đa dạng sinh học, thuộc chức năng của Bộ Nội Vụ. USEPA có các đại diện tại các vùng khác nhau của Liên Bang, chịu trách nhiệm ban hành các bộ luật, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn khung về môi trường để áp dụng chung cho toàn Liên bang. Bên cạnh đó, mỗi Bang thuộc Liên bang đều có bộ máy quản lý môi trường riêng, tuy nhiên chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cũng như tên gọi của tổ chức quản lý môi trường tại các bang có thể rất khác nhau, tùy theo đặc thù của mỗi bang. Ví dụ: Bang Maryland có Cục Môi trường, Bang New York thành lập Cục Bảo tồn môi trường, Bang Washington thành lập Cục Sinh thái…

Về hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Ngoài hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường Liên Bang, quy định những nguyên tắc, quy tắc, quy chuẩn chung về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, mỗi bang tùy điều kiện cụ thể về bảo vệ môi trường đều xây dựng các đạo luật riêng. Đặc điểm cơ bản của hoạt động xây dựng pháp luật bảo vệ môi trường của các bang ở Mỹ như sau:

Phải bảo đảm phù hợp với những quy định chung của Luật Liên Bang; Đạo luật của bang quy định trong lĩnh vực cụ thể (ví dụ: kiểm soát không khí, phóng xạ; quản lý ô nhiễm đất, nước…) phải chặt chẽ, cụ thể hơn quy định của Luật Bảo vệ môi trường Liên Bang trong cùng lĩnh vực; Các bang xây dựng luật xuất phát từ nhu cầu trực tiếp của hoạt động quản lý môi trường trong từng lĩnh vực cụ thể; Mỗi năm các bang có thể ban hành nhiều dự luật và theo pháp luật Mỹ, các dự luật do các Thượng nghị sĩ dự thảo (ví dụ: Bang Maryland mỗi năm dự thảo hàng trăm dự luật). Tuy nhiên, số dự luật được thông qua không nhiều, bởi lẽ ngoài sự phản biện bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại Nghị viện (Thượng viện và Hạ viện), các dự luật này còn chịu sự kiểm soát, phản biện chặt chẽ của các tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức xã hội, các thành viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa; Mỗi năm Thượng viện và Hạ viện các Bang tại Mỹ chỉ họp có 90 ngày để xem xét thông qua Luật. Do đó, các dự luật được xem xét thông qua thường là những vấn đề hết sức cần thiết cho thực tiễn bảo vệ môi trường, có nhiều dự luật rất nhiều năm sau khi được đề xuất, xây dựng, nhưng vẫn không được thông qua. Có thể thấy, việc xây dựng các đạo luật về bảo vệ môi trường ở Mỹ (chủ yếu là do các bang ban hành), nhằm giải quyết những vấn đề rất cụ thể, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của mỗi địa phương, do đó các Luật khi được ban hành có tính thực thi rất cao. Tính thực thi được đảm bảo dưới sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và giám sát của cộng đồng.

Về cơ chế quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm

Nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của Mỹ nói chung và các bang nói riêng là ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền, phải khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng (ví dụ: đất bị ô nhiễm tồn lưu, môi trường ô nhiễm do thiên tai…) chính quyền sẽ có các chính sách cụ thể để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp cải tạo tình trạng ô nhiễm như: miễn, giảm thuế; hỗ trợ công nghệ xử lý…

Tại một số bang, công tác kiểm soát, quản lý môi trường tại các dự án, công trình đều dựa trên công cụ đánh giá tác động môi trường (EIA) và cấp phép. Tuy nhiên, hoạt động này ở mỗi bang có khác nhau và rất linh động, có thể được quy định “cứng” đối với các dự án hoặc các hoạt động có tính ổn định cao, nhưng cũng có thể được thay đổi để áp dụng phù hợp, nhằm quản lý hiệu quả các yếu tố môi trường đối với một số trường hợp đặc thù.

Về tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra, cảnh sát môi trường và cơ chế thực thi, áp dụng pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Hoạt động xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các Bang không giống nhau, do đó tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của cơ quan thanh tra và xử lý vi phạm, tội phạm về môi trường cũng khác nhau. Ví dụ: tại Bang Maryland có Cơ quan thanh tra môi trường thuộc Cục Môi trường; Tại Bang Oa sinh tơn thanh tra môi trường thuộc Cục Sinh thái… Cơ quan này vừa làm chức năng kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính như phạt tiền, thu giấy phép, buộc khắc phục hậu quả…; Đối với các trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng cơ quan này có thể lập hồ sơ đề nghị cơ quan tư pháp truy tố, đưa ra tòa án xét xử. Tại 2 Bang này không có tổ chức cảnh sát môi trường, trong khi đó tại Bang New York lại thành lập lực lượng cảnh sát môi trường, có quyền hạn như cơ quan an ninh: điều tra, bắt khám xét, khởi tố vụ án, thành lập các chuyên án liên quan các vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường…

Về việc huy động các nguồn lực về bảo vệ môi trường

Các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường của các Bang ở Mỹ rất đa dạng. Một phần do nhà nước phân bổ từ ngân sách Liên bang hoặc của Bang, phần khác do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp hoặc trực tiếp tham gia đầu tư, thực hiện…

Về thông tin, truyền thông trong quản lý, bảo vệ môi trường

Hệ thống thông tin truyền thông nói chung và về bảo vệ môi trường nói riêng của Mỹ đã được phát triển ở trình độ cao, ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin, được cập nhật thường xuyên. Việc cung cấp thông tin về môi trường phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt. Thông tin cơ sở về môi trường được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tuy nhiên đối với các thông tin chuyên sâu, người có nhu cầu về thông tin phải trả một khoản tiền nhất định theo luật định và phải tuân thủ các quy định về thông tin đã được cung cấp.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG

Tags: , , ,