Kịch bản dân số và những thách thức chính trị toàn cầu thế kỷ 21

Ứng phó với tỉ lệ sinh giảm trong lâu dài sẽ là mối quan tâm của nhiều quốc gia, gồm cả Việt Nam, do những hệ quả về kinh tế, xã hội, môi trường và địa chính trị.

Kịch bản dân số và những thách thức chính trị toàn cầu trong thế kỷ 21

Tác giả: Pierre Darriulat. Bài viết riêng cho Tạp chí Tia Sáng.

Tạp chí Lancet gần đây công bố một bài báo quan trọng về mô hình về gia tăng dân số toàn cầu với sự cải tiến so với những dự đoán trước đây của Liên Hiệp quốc hay của Trung tâm Wittgenstein, nhưng điều đáng quan tâm nhất không phải là kết quả dự đoán của mô hình mà là nhận thức mới về các tham số quyết định mức độ gia tăng dân số và cho thấy mức độ ảnh hưởng chính sách các quốc gia có thể mang lại (1). Tôi xin đưa ra bình luận vắn tắt về một số nội dung của bài báo với tham vọng thúc đẩy những cuộc thảo luận giữa các học giả trong bối cảnh cơn đại dịch khiến chúng ta phải suy nghĩ về những yếu tố quyết định sự tiến hóa và phát triển của thế giới và các quốc gia.

Bài báo đăng trên Lancet cho biết, mặc dù khó có thể đưa ra dự đoán chính xác về mức độ tăng dân số toàn cầu, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn về một số điểm sau:

1. Kiểm soát gia tăng dân số ở cấp độ toàn cầu cũng như quốc gia là tối cần thiết và phải là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Thay đổi quy mô dân số và cơ cấu độ tuổi sẽ mang lại những tác động sâu sắc về kinh tế, xã hội và địa chính trị.

2. Trong những giới hạn nhất định, việc kiểm soát nêu trên là khả thi; bài báo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục dành cho nữ giới và tiếp cận tránh thai, cho thấy chúng hiệu quả ra sao trong việc định hướng xu thế toàn cầu.

3. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, khiến khó đưa ra những đự đoán chắc chắn, nhưng chúng ta có thể chắc rằng bức tranh chung vào cuối thế kỷ này sẽ rất khác so hiện nay.

4. Các nhà hoạch định chính sách không nên coi các dự đoán đưa ra từ các mô hình như thực tế chúng ta phải chấp nhận để thích nghi, mà hãy coi chúng là minh họa cho tầm quan trọng của những nhân tố cần được điều chỉnh để định hướng quốc gia mình tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài báo của Lancet đưa ra một số dự đoán tương lai, dựa trên hai kịch bản về giáo dục nữ giới và việc tiếp cận các phương tiện phòng tránh thai, trong đó một kịch bản được coi là lạc quan, kịch bản còn lại bị coi là bi quan. Trung dung giữa hai kịch bản này là vùng tham chiếu, được coi là kịch bản dễ xảy ra nhất, căn cứ theo thông tin tốt nhất chúng ta có được. Hình 1 minh họa mức tăng theo mô hình của ba đại lượng: tử vong, sinh sản, và dân số. Tất cả cho thấy việc cải thiện giáo dục nữ giới và tiếp cận tránh thai, căn cứ theo đường đồ thị mà xu hướng hiện nay cho thấy, sẽ giúp dân số thế giới thoát khỏi xu hướng bùng nổ thảm họa như diễn ra trong các thập kỷ trước, và đạt mức tối đa ngay trong thế kỷ này. Như đã nhấn mạnh tại điểm thứ tư trên đây, bài học rút ra không phải là chúng ta có thể an tâm, mà trái lại, hãy làm tất cả những gì có thể để cải thiện giáo dục với nữ giới và tiếp cận tránh thai, cùng những tác nhân cần thiết khác có tác động tích cực tới kiểm soát tăng dân số.




Hình 1. Mô hình tuổi thọ của nam và nữ; mô hình tăng dân số toàn cầu; mô hình tỉ lệ sinh của toàn thế giới và châu Phi vùng Hạ Sahara. Vùng tham chiếu được hiển thị màu xanh nhạt.

Tuy không quá lệ thuộc, nhưng hãy tham khảo mức tăng dân số theo mô hình và so sánh giữa Việt Nam với thế giới. Năm 2017 dân số Việt Nam là 96 triệu, chiếm 1,3% của 7,6 tỷ dân số thế giới; dự đoán năm 2100 theo kịch bản tham chiếu dân số Việt Nam sẽ là 73 triệu, chiếm 0,83% của 8,8 tỉ dân số thế giới; tại đỉnh điểm: dân số Việt Nam đạt 107 triệu người vào năm 2044, trong khi dân số thế giới đạt 9,7 tỉ người vào năm 2064. Năm 2017 tỉ lệ sinh của Việt Nam là 1,85, bằng 78% tỉ lệ 2,37 của thế giới; năm 2100 mô hình dự đoán tỉ lệ sinh của Việt Nam là 1,39, bằng 84% tỉ lệ 1,66 của thế giới. Mức giảm toàn cầu tỉ lệ sinh từ trên xuống dưới mức 2,1 (2,1 là tỉ lệ sinh giúp duy trì mức dân số không tăng không giảm) rất quan trọng trong việc kiểm soát xu hướng dân số toàn cầu; các tác giả bài báo đã cung cấp những lập luận thuyết phục cho điểm này. Như vậy, xu hướng tăng giảm ở Việt Nam được dự đoán khớp với xu hướng thế giới, và các quốc gia khác nhau sẽ có xu hướng đồ thị phát triển dân số ngày càng tương đồng. Kết quả đáng kinh ngạc nhất là ở châu Phi vùng Hạ Sahara, nơi ngày nay đang có sự phân hóa đa dạng nhất. Dân số khu vực này được dự đoán sẽ tăng gấp ba từ 0,9 tỉ người năm 2017 lên 2,7 tỉ người vào năm 2100: Hình 2 cho thấy mô hình tăng dân số tại Nigeria, Congo (Cộng hòa Dân chủ) và Ethiopia.

Căn cứ theo đường đồ thị về xu hướng hiện nay cho thấy, việc cải thiện giáo dục nữ giới và áp dụng các biện pháp tránh thai sẽ giúp dân số thế giới thoát khỏi xu hướng bùng nổ thảm họa như diễn ra trong các thập kỷ trước, và đạt mức tối đa ngay trong thế kỷ này.
.

Các tác giả của bài báo đăng trên tạp chí Lancet dành trọn bốn trang để thảo luận các kết quả, cung cấp không chỉ là những thông tin thiết yếu mà còn có thể truyền cảm hứng cho những phân tích sâu hơn về những vấn đề cấp bách. Họ chỉ rõ những hạn chế của các dự đoán mô hình đưa ra, những tham số đặc biệt khó để ngoại suy trong tương lai, và nhấn mạnh vai trò của những quyết sách từ các chính phủ.

Những dự đoán về dân số thế giới suy giảm trong tương lai mang đến những tín hiệu tích cực đối với môi trường, biến đổi khí hậu và sản xuất lương thực, thực phẩm, nhưng có thể lại là tin xấu đối với vấn đề lực lượng lao động, tăng trưởng kinh tế và hệ thống an sinh xã hội (gắn với thay đổi cơ cấu độ tuổi dân số do tỉ lệ sinh giảm): ứng phó với tỉ lệ sinh giảm trong lâu dài sẽ là mối quan tâm của nhiều quốc gia, do những hệ quả về kinh tế, xã hội, môi trường và địa chính trị mà vấn đề tỉ lệ sinh thấp gây ra.

Hình 2. Mô hình tăng dân số của Nigeria, Congo và Ethiopia. Vùng tham chiếu màu xanh nhạt.

Ở 57 quốc gia, dân số dự kiến sẽ giảm 25% hoặc hơn và tỉ lệ giữa số người trên 80 tuổi với số người dưới 15 tuổi sẽ tăng từ 16% hiện nay lên 150% vào năm 2100, gây ra những hệ lụy vô cùng thách thức về kinh tế và tài khóa. Tỉ lệ số người không lao động trên số lao động sẽ đạt 1,16 trên toàn cầu, trong khi mức năm 2017 là 0,8: nghĩa là trung bình trên toàn thế giới, mỗi người lao động sẽ phải nuôi 1,16 người không lao động. Số lượng các quốc gia có tỉ lệ này cao hơn 1 vào năm 2017 là 59, đến năm 2100 sẽ là 145. Thuế suất cần thiết để duy trì các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế sẽ gia tăng tạo ra căng thẳng chính trị đáng kể.

Các tác giả lưu ý rằng các quốc gia đối mặt với thách thức về tỉ lệ sinh thấp có bốn lựa chọn: “tìm cách tăng tỉ lệ sinh bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ nuôi con đồng thời vẫn có thể theo đuổi sự nghiệp, kiểm soát việc tiếp cận các dịch vụ y tế sinh sản, gia tăng lực lượng lao động, đặc biệt tạo điều kiện cho người có tuổi được tham gia lao động, và khuyến khích di cư.” Kinh nghiệm cho thấy khó có thể tăng tỉ lệ sinh bằng những ưu đãi dành cho việc sinh con, và cấm phá thai sẽ cản trở tiến bộ và quyền của nữ giới. Còn việc tăng lực lượng lao động như đã nêu chỉ nên coi là giải pháp tạm thời, về lâu dài hệ lụy của suy giảm dân số vẫn bộc lộ trừ phi có những tác động khác để tạo ra sự ổn định thực sự.

Bài báo viết, “Chiến lược tối ưu cho tăng trưởng kinh tế, ổn định tài khóa và an ninh địa chính trị là cho phép di cư cởi mở và tạo sự hòa nhập trong xã hội. Tuy nhiên, các chính sách di cư một cách cởi mở gặp nhiều lực cản chính trị tại Mỹ trong những năm gần đây, điều này đe dọa tiềm năng quốc gia về ổn định tăng trưởng dân số và kinh tế. Trái ngược với các nước Canada, New Zealand và Úc, nhiều nước như Nhật Bản, Hungary, Slovakia và các nước Baltic mặc dù đối diện với suy giảm dân số đáng kể nhưng [không tha thiết với chính sách nhập cư] cho rằng nhu cầu duy trì một xã hội đồng nhất về ngôn ngữ và văn hóa là quan trọng hơn so với những rủi ro về kinh tế, tài khóa và địa chính trị do suy giảm dân số.”

Câu chuyện già hóa dân số cho thấy rõ bề rộng của những vấn đề cần được xem xét để hiểu rõ hơn về thực trạng và những tác nhân quyết định xu hướng gia tăng dân số. Các xu hướng trong quá khứ không nhất thiết đúng với tương lai; điều này hẳn là đúng trong vấn đề di cư gia tăng gắn với toàn cầu hóa, ngày nay người dân còn buộc phải di cư do nước biển dâng, biến đổi khí hậu và môi trường sống bị hủy hoại. Di cư còn bị thúc đẩy bởi chiến tranh, xung đột, những thảm họa tự nhiên, và những nền kinh tế bị sụp đổ… chưa kể tới các chính sách về di cư, tất cả đều rất khó để dự đoán.

Sẽ cần tới vài bài báo để có thể phân tích tất cả những vấn đề mà nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet nêu ra, nhưng tham vọng của tôi chỉ là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu nguyên nhân và tác động của những yếu tố quyết định sự tiến hóa và phát triển của thế giới và các quốc gia. Chúng ta cần đào tạo, giáo dục một thế hệ những người Việt Nam trẻ tuổi am hiểu những vấn đề này, những người sẵn sàng trao đổi với tư duy phản biện độc lập, để có thể đưa ra những phân tích khách quan, không giáo điều; những người nhìn thế giới xung quanh một cách toàn diện, với tư duy phân tích cởi mở, am hiểu góc nhìn và quan điểm ở những quốc gia khác. Sẽ là không đủ nếu chỉ duy trì một Tổng cục Thống kê, chúng ta cần đào tạo những học giả trẻ tuổi, tinh hoa đủ khả năng để khai thác dữ liệu một cách tối ưu. Khái niệm tinh hoa đôi khi mang đến những hàm ý chính trị không đúng đắn, tuy nhiên chúng ta không nên e ngại sử dụng nó phù hợp với lợi ích của đất nước.

Để kết luận, cho phép tôi nhận xét rằng thật vô cùng đáng buồn khi nhân loại hầu như chỉ có thể thảo luận trong phạm vi từng quốc gia về những thách thức cấp bách quy mô toàn cầu. Hai mươi lăm thế kỷ sau thời của Pericles và Khổng Tử, chúng ta vẫn chưa học được cách chung sống. Những vấn đề toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu, nhưng con người tiếp cận chúng với tâm trí mù quáng và nhỏ hẹp do sự phân mảnh bởi những xung đột, kèn cựa giữa các quốc gia. Thay vì sự mạch lạc và đoàn kết, chúng ta tạo ra hỗn loạn. Đây là thời mà vị tổng thống của một đất nước tự coi mình là biểu tượng cho dân chủ trên toàn thế giới quyết định xây một bức tường vây bọc đất nước mình để che chắn khỏi những tác động quốc tế. Thật đáng buồn thay!

—————————–

Chú thích:

1. https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)30677-2/fulltext. Vollset et al., Fertility, mortality, migration, and population scenarios for 195 countries and territories from 2017 to 2100: a forecasting analysis for the Global Burden of Disease Study, 14 July 2020.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,