⠀
Khi tấm bằng đại học ngày càng mất giá
Sau sự hào hứng vì đỗ đại học của nhiều sĩ tử, tôi thấy một số bắt đầu hoài nghi và lo âu về tương lai ở trường đại học và sau khi ra trường. Nhiều ý kiến cho rằng bằng đại học ngày càng đắt đỏ nhưng mất giá.
Tác giả: Tô Thức, Tiến sĩ, Đại học Tổng hợp Queensland, Australia.
Nói đắt đỏ là vì các trường dần tự chủ kinh tế, học phí tăng thẳng đứng để cải thiện chất lượng giáo dục. Một số trường tôi biết, học phí đã tăng gấp 40 lần so với thời tôi còn sinh viên. Nói mất giá là vì sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc phù hợp, phải chấp nhận công việc thu nhập thấp hay trái ngành. Vài năm trước, VCCI thống kê, 60% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành. Hiện tượng này có thể càng trầm trọng hơn trong những năm qua vì không có giải pháp ứng đối.
Thực trạng này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là các trường hoạt động như doanh nghiệp mà ít chịu ràng buộc trách nhiệm về sản phẩm đầu ra. Ở Việt Nam, nhiều học sinh chọn ngành hot theo tin đồn, hoặc tư vấn từ người thân, mà không vì chất lượng đào tạo. Trong khi đó, chính phủ các nước tiên tiến luôn có thống kê khảo sát sinh viên sau tốt nghiệp. Ở Australia, QILT (Quality Index for Learning and Teaching – Chỉ số chất lượng học và dạy) chịu trách nhiệm kiểm soát vấn đề này. Chính phủ khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp và sau 3, 6, 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp của các ngành khác nhau, các trường khác nhau. Khảo sát còn so sánh đánh giá của sinh viên về chất lượng đào tạo của trường khi đã đi làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp. Đây không chỉ là công cụ giúp cho việc tuyển sinh hiệu quả, mà còn có tác dụng cho các doanh nghiệp nhận biết xu hướng tuyển dụng, từ thông tin của cựu sinh viên, cho biết kiến thức trong trường có thể sử dụng luôn hay phải đào tạo lại.
Thứ hai là chất lượng đào tạo thực sự đi xuống, trong khi yêu cầu nghề nghiệp lại tăng lên. Do áp lực về kinh tế, các trường ồ ạt tuyển sinh mà không liên quan tới nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều trường thay đổi điều kiện tuyển sinh, làm giảm chất lượng đầu vào. Với hệ thống điểm mới, sinh viên có thể qua môn dù chỉ đáp ứng 40% yêu cầu môn học. Lạm phát điểm số (grade inflation) ở bậc đại học đang là vấn đề được quan tâm toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam. Trong khi đó, công việc ngày càng phức tạp và đòi hỏi sự hoàn hảo. Điều này dẫn tới hậu quả, chỉ số ít sinh viên ưu tú, có kinh nghiệm làm việc, hoặc có quan hệ là được tuyển nhanh chóng. Còn phần lớn ra ngoài tầm ngắm tuyển dụng. Sinh viên vẫn thất nghiệp, doanh nghiệp vẫn thiếu lao động chất lượng cao.
Thứ ba là học trình của các trường đại học của Việt Nam không theo kịp nhu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này cũng đúng với các nước tiên tiến. Ví dụ, nhiều trường đại học ở Australia hiện phải trải qua cải cách giáo dục từ hai học kỳ một năm chuyển thành ba học kỳ để đáp ứng nhu cầu đào tạo mới. Nhân cơ hội này, tôi quyết định sáp nhập một số môn trong ngành kỹ thuật xây dựng lại với nhau để có thêm chỗ cho một số môn mới như Trí tuệ nhân tạo hay Cảm biến. Đây là những môn chỉ phổ biến trong ngành này khoảng chục năm gần đây. Thế nhưng ở Việt Nam, với cùng một thời gian đào tạo, các trường còn phải gồng gánh thêm nhiều môn khác như kỹ năng mềm, tiếng Anh, xã hội học, pháp luật đại cương… Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của các kiến thức này, nhưng có lẽ nên để đào tạo ở nơi khác, hoặc bằng cách thức khác hiệu quả hơn.
Ví dụ, khi phải đánh giá hồ sơ học bổng của một ứng viên từ Việt Nam, tôi đã tham khảo tài liệu của một trường đại học công lập top đầu để làm rõ nhận định của mình. Tôi thấy nội dung của môn kỹ năng mềm như trò chơi kết nối, thảo luận về con người lý tưởng, thuyết trình… là nội dung ở cấp hai của một số nước tiên tiến. Môn tiếng Anh xào lại nội dung của bậc phổ thông. Nên nhường thời lượng giảng dạy cho tiếng Anh chuyên ngành. Trải nghiệm cá nhân của tôi là sinh viên có vốn từ chuyên ngành khá hữu hạn, không đủ 1.000 từ để làm việc. Một số môn xã hội không có đóng góp gì nhiều cho chất lượng đào tạo chuyên môn.
Thứ tư là thiếu sự tham gia của nhà tuyển dụng vào định hướng đào tạo. Các đại học của Australia thường có ban cố vấn (industry advisory board) từ một số công ty đối tác thân thiết của trường. Các trường thường họp với họ mỗi quý để nhận lời khuyên nhằm đảm bảo hoạt động đào tạo đi theo nhu cầu thị trường. Về bản chất, các công ty không quan tâm tới cách thức đào tạo, mà chỉ quan tâm tới kết quả của quá trình học tập, là những kỹ năng họ muốn sinh viên phải nắm bắt trước khi tốt nghiệp. Các công ty này cũng thường nhận sinh viên thực tập. Theo quy định, sinh viên cần ít nhất 60 ngày thực tập trước khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên của tôi thường đã có đủ thời lượng thực tập ở năm ba. Năm bốn, sinh viên tiếp tục làm việc bán thời gian ở công ty đó để tích lũy kinh nghiệm. Do đó, các em thường được tuyển từ trước khi tốt nghiệp, hoặc có ít nhất một năm kinh nghiệm trước khi ra trường.
Thứ năm là tư duy sư phạm của nhiều trường có thể đã đi sau thời đại. Tôi biết nhiều nhà giáo cho rằng, đào tạo sinh viên chỉ là đào tạo đại cương chung chung, nhà tuyển dụng “sau đó” sẽ đào tạo sâu thêm để phù hợp với nhu cầu riêng của từng công ty. Tuy nhiên nếu sinh viên không được tuyển dụng, thì sẽ không có “sau đó”. Khác với thời bao cấp, khi mà sinh viên tốt nghiệp được phân công công tác, sinh viên hiện nay cần có đủ kỹ năng nghề nghiệp tối thiểu để được tuyển dụng trước đã. Thời gian là vàng với doanh nghiệp, họ không tuyển về để đào tạo tiếp một vài năm nữa.
Rõ ràng đang có sự lệch pha ngày càng lớn giữa đào tạo và tuyển dụng. Việc sinh viên ngành A làm ngành B cho thấy quá trình đào tạo không có nhiều tác dụng. Ngành A đào tạo, nhưng không dùng được. Còn ngành B không cần phải học cũng làm được.
Nếu bắt buộc phải trả lời cho câu hỏi liệu bằng đại học có đáng giá không, tôi vẫn tin rằng bằng đại học có giá trị của nó, ít nhất là trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Tính tự học của phần lớn học sinh Việt Nam thấp, không có bằng cấp gần như đồng nghĩa với việc không có kỹ năng, không có cơ hội nghề nghiệp tốt.
Đứng từ góc độ cá nhân, mỗi người là khác nhau và có rất nhiều con đường để làm giàu. Học nghề hay làm nông nghiệp cũng rất tốt. Tuy nhiên, đứng từ góc độ quốc gia, việc phát triển kinh tế với xương sống nhân lực chất lượng cao là bắt buộc.
Theo VNEXPRESS
Tags: Giáo dục, Lao động - việc làm, Đại học