Khi sân khấu hài biến thành những trò hề rẻ tiền

Hiện tượng cù khán giả bằng cách nói tục, xỏ xiên hay những hành động ưỡn ẹo vén váy, ngoáy mông, làm những cử chỉ kỳ quặc đang khá phổ biến trong hoạt động giải trí của chúng ta.

Ảnh minh họa.

Tiếng cười là một nhu cầu quan trọng trong giải trí. Làm cho khán giả thấy thích thú, làm cho không khí trở nên vui vẻ, sảng khoái sau những áp lực của đời sống cũng là một mục đích của hoạt động giải trí. Tuy nhiên, lẫn lộn giữa tiếng cười là một thái độ thẩm mỹ với tiếng cười là một hiện tượng sinh lý là một sai lầm tệ hại.

Khán giả cười trước sự trái ngược, éo le đầy hài hước, ngụ ý của hoàn cảnh, tính cách mà diễn viên đang thể hiện hay sự hóm hỉnh thông thái của MC, khác với khán giả cười vì bị bất ngờ chọc lét, bị nhột. Và tiếng cười luôn đi liền với cái hài, nhưng cái hài nếu bị hiểu/làm một cách hời hợt, thô thiển thì sẽ dễ biến thành trò hề rẻ tiền gợi những tiếng cười phản cảm.

Có thể nói, hiện tượng cù khán giả bằng cách nói bậy, nói tục, nói xỏ xiên hay những hành động ưỡn ẹo vén váy, ngoáy mông, làm những cử chỉ kỳ quặc trong các tiết mục hài của một số nghệ sĩ và chuyện chọc cười khán giả bằng những lời đùa tếu thiếu nghiêm túc, thiếu tế nhị, thậm chí thô thiển xuất hiện ở một số MC… đang khá phổ biến trong hoạt động giải trí của chúng ta.

Không khó để nhìn thấy nguyên nhân dẫn đến thực trạng sân khấu hài và các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay trở nên nhạt nhẽo, nhảm nhí. Chính quan niệm nghệ thuật hời hợt của những nghệ sĩ thiếu năng lực, sự xơ cứng trong ý tưởng, cạn kiệt trong sáng tạo của một số nghệ sĩ có thực tài là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, sự nhảm nhí không chỉ đến từ phía diễn viên, nghệ sĩ.

Thị trường tạo nên sản phẩm.

Một thị trường với nhu cầu phổ biến là lấy vui làm chính, cái vui dễ dãi, hời hợt, bản năng, hiếu kỳ của người thưởng thức, tất yếu tạo ra những nghệ sĩ làm nghề nông cạn, suồng sã, thích gây cười rẻ tiền. Có cung ắt có cầu mà!

Một thị trường bị chi phối hoàn toàn bởi quy luật lợi nhuận thực tế, tất yếu hình thành những nhà sản xuất, đầu tư coi tiền vé, lượng vew, số like… là điều quan trọng nhất và vì thế sản phẩm họ đưa ra thị trường càng câu được khách, tạo được “dư luận”, thậm chí gây “sock”, buộc được đám đông chú ý càng tốt.

Đã thế, thị trường này còn được điều tiết bởi những nhà quản lý điều hành thiếu trách nhiệm, với một cơ chế lỗ mỗ, chỗ lỏng chỗ chặt với những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc… càng làm cho các chuẩn mực về nghề nghiệp và sản phẩm thêm phần bị lãng quên.

Sự tương tác trực tiếp với người xem là một khâu rất quan trọng trong quá trình làm nghề của người nghệ sĩ. Thái độ tiếp nhận của khán giả trực tiếp chi phối, ảnh hưởng đến cảm xúc, hành động của người diễn viên, MC. Với những nghệ sĩ thiếu bản lĩnh sân khấu, thiếu trình độ, kiến thức nghề nghiệp thì thái độ của khán giả có thể chi phối hoàn toàn họ.

Coi tiếng cười của khán giả như một thước đo thành công của mình mà không cần hoặc không biết nhiều khi tiếng cười ấy là biểu hiện của sự méo mó trong cảm quan thẩm mỹ là sai lầm của nghệ sĩ. Thiếu năng lực cảm thụ và trình độ thẩm mỹ, mua vui dễ dãi và bản năng là điểm yếu của một bộ phận không nhỏ công chúng. Chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, buông lỏng, thiếu trách nhiệm là thiếu sót của nhà sản xuất và cơ quan quản lý, chức năng.

Một môi trường giải trí, thưởng thức nghệ thuật lành mạnh, nghiêm túc mới làm nên những nghệ sĩ chân chính, tài năng và những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng.

Hài biến thành hề, lỗi không chỉ của nghệ sĩ !

Theo CÁT THỤY / DÂN TRÍ (2017)

Tags: