Khi cán bộ đi du lịch nước ngoài ‘đúng quy trình’ bằng tiền dân

Từ thói quen, tôi ngạc nhiên khi biết đã có nhiều tỉnh thành, cơ quan cử cán bộ đi nước ngoài “học tập”, “công tác” mà thời gian từ đó đến thời điểm nghỉ hưu của họ chỉ tính bằng ngày. Đáng ngạc nhiên hơn, những người thuộc diện này thường là lãnh đạo của các cơ quan công quyền, nên đôi khi họ tự ký duyệt cho chính mình “đi công tác”.

Khi cán bộ đi du lịch nước ngoài ‘đúng quy trình’ bằng tiền dân

Bài viết của Luật sư Đặng Quỳnh Giang.

Tôi làm quản lý bộ phận tổng vụ tại một công ty Nhật hơn 10 năm nay. Nhiệm vụ của phòng tôi là chăm lo đời sống cho công nhân viên, thực hiện đối ngoại và đóng vai trò thư ký của ban giám đốc. Vậy nên tôi có nhiều cơ hội gần gũi, thân mật với sếp hơn so với các phòng ban khác. Đồng thời, là đầu mối, chúng tôi thường xuyên liên lạc, sắp xếp công việc với những người từ công ty mẹ bên Nhật.

Dù làm việc ở vị trí quản lý khá lâu, nhưng tôi chưa một lần đến Nhật Bản. Đôi lần đi công cán với sếp, ông hỏi tôi từng đến đất nước ông chưa, nghe xong câu trả lời, ông bảo tôi nên tới đó một lần. Dù vậy, chưa khi nào sếp dự định sắp xếp cho tôi sang Nhật công tác và tôi cũng chưa một lần có ý niệm hay gợi ý về chuyện đó. Bởi với tính chất công việc của tôi, ở Việt Nam vẫn có thể liên lạc, trao đổi hiệu quả với bên nước ngoài. Và ở đây tôi đủ điều kiện để tích lũy, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu công việc.

Nếu cần đào tạo các chính sách, quy định của tập đoàn khi có sự thay đổi, công ty mẹ sẽ bố trí người từ Nhật qua đào tạo một lần cho nhiều người. Hơn nữa, với những người đứng đầu bộ phận, công ty xem nhiệm vụ giám sát công việc, sắp xếp sự cố, nhắc nhở nhân viên,… quan trọng hơn đi công tác ở nước ngoài.

Công ty tôi vẫn thường xuyên có người sang Nhật công tác – nhất là ở các bộ phận sản xuất, kỹ thuật, kể cả những nhân viên mới vào làm việc được một vài năm. Với những người này, việc sang Nhật Bản là điều hết sức cần thiết cho công việc. Sang đó, họ được đào tạo, hướng dẫn và trở lại Việt Nam làm việc với nghiệp vụ đã được nâng cao.

Còn bản thân tôi, với mong muốn được một lần đặt chân đến nước Nhật, năm ngoái, đã bỏ gần năm mươi triệu đồng đi theo tour du lịch.

Những người đi công tác luôn có một lịch trình, kế hoạch làm việc và học tập chi tiết đến hàng ngày. Vì thế, trước khi sang Nhật, họ đã hiểu rất rõ rằng họ sẽ làm việc với ai, về nội dung gì và các kết quả sẽ ra sao. Ngoài ra, tuy mang danh là “đi Nhật” nhưng suốt thời gian công tác, họ chủ yếu làm việc trong công xưởng, các phòng thí nghiệm, rất ít có dịp ra ngoài thăm thú bởi lịch trình kín mít. Đi công tác thực ra cũng có cảm giác áp lực như công việc bởi sự kỳ vọng của công ty.

Kể cả đi công tác trong nước cũng vậy, chúng tôi chỉ cử người đi làm việc, học tập, tham gia hội thảo nếu thật sự cần thiết cho công việc. Người đề xuất sẽ làm báo cáo, giải trình, ghi rõ lý do, mục đích và tác dụng của nó trong việc nâng cao nghiệp vụ hoặc phục vụ công việc. Các xe của công ty đều được cài đặt hành trình, các bộ phận liên quan có thể vào kiểm tra trích xuất nếu cần thiết.

Từ thói quen, tôi ngạc nhiên khi biết đã có nhiều tỉnh thành, cơ quan cử cán bộ đi nước ngoài “học tập”, “công tác” mà thời gian từ đó đến thời điểm nghỉ hưu của họ chỉ tính bằng ngày. Đáng ngạc nhiên hơn, những người thuộc diện này thường là lãnh đạo của các cơ quan công quyền, nên đôi khi họ tự ký duyệt cho chính mình “đi công tác”.

Một vị cựu bộ trưởng trong một năm có 23 chuyến công tác nước ngoài với tổng thời gian ở nước ngoài nhiều hơn ở Việt Nam. Chúng ta không đủ thẩm quyền và thông tin để kết luận thời gian đi công tác của ông như thế là nhiều hay ít, các chuyến đi đúng quy định hay không, nhưng việc ông vắng mặt thường xuyên tại công sở hẳn phải tác động đến công việc thường nhật.

Nhiều người gọi các chuyến “công tác” nước ngoài của cán bộ là du lịch đúng quy trình. Thống kê của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2012 đến 2016, bốn bộ ngành có số chuyến “công tác ngoại” nhiều nhất với 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng – một con số ngoài sức tưởng tượng của những người dân lao động. Tôi thử tính, số tiền này tương đương với giá trị của hơn 1.000 căn hộ chung cư xã hội tầm trung ở Hà Nội và TP HCM. Nếu trung bình một căn hộ có 4 người ở thì nghĩa là, khoảng trên 4.000 người được thỏa mãn giấc mơ nhà ở – một giấc mơ xa vời đối với tầng lớp lao động thu nhập trung bình ở các thành phố lớn. Một so sánh khác, chi phí này bằng 1/10 tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh năm 2018.

Chưa kể, ngoài “công tác”, mỗi ngày trên đất nước ta đang diễn ra biết bao nhiêu những hội nghị, hội thảo do các cơ quan nhà nước tổ chức một cách vô bổ, tốn kém thời gian, công sức, tiền của. Chẳng hạn, trong 7 tháng đầu năm 2017, bốn lãnh đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư TP HCM, gồm một giám đốc và ba phó giám đốc, đã tham dự tổng cộng trên 2.000 cuộc họp. Trong khi, con số đó của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM tuy ít hơn nhưng không kém phần ấn tượng: trên 1.500.

Một thống kê khác cũng cho biết, mỗi ngày làm việc, cả nước có gần 3.000 cuộc họp. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải dự ít nhất 3 đến 4 cuộc họp cùng nội dung.

Trong môi trường của mình, chúng tôi chỉ họp khi thật sự cần thiết, khi không thể trao đổi qua điện thoại, e-mail mà phải gặp mặt để bàn bạc, giải quyết vấn đề. Các cuộc họp luôn có nội dung, kế hoạch và mục tiêu đầu ra cụ thể.

Một chính phủ liêm chính và kiến tạo chúng ta đang mong muốn tất nhiên phải có tác phong làm việc hiệu quả, tiết kiệm, văn minh. Một trong các cải cách đầu tiên chính là ở văn hóa đi công tác và họp.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,