Khái niệm ‘nghèo đa chiều’, ‘nghèo bền vững’ và câu chuyện Việt Nam

Nghèo đói không hẳn chỉ là đói ăn, thiếu uống, hoặc thiếu các điều kiện sống, sinh hoạt khác mà nghèo đói còn được gây ra bởi các rào cản về xã hội và các tác nhân khác ngăn chặn những cá nhân hoặc cộng đồng tiếp cận với các nguồn lực, thông tin và dịch vụ.

Khái niệm ‘nghèo đa chiều’, ‘nghèo bền vững’ và câu chuyện Việt Nam

Tác giả: Trần Văn Tuấn.

Kể từ khi xã hội loài người diễn ra quá trình chiếm hữu về tư liệu sản xuất thì có lẽ sự phân tách giàu nghèo cũng bắt đầu từ đó. Tuy nhiên trong một thời gian khá dài chúng ta thường nói về nghèo đói như là một bộ phận dân chúng, những người có mức thu nhập trung bình thấp hơn 1 USD (quy đổi)/ngày vào những năm 90 của thế kỷ 20 và hiện giờ là nhỏ hơn 2 USD/ngày/người theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Như vậy, rõ ràng là chúng ta chỉ nhìn vào các con số mà đã vô tình quên đi các nguyên nhân gây ra nghèo đói, trong đó quan trọng nhất có lẽ là “sự bất bình đẳng” và “chênh lệch quyền lực” giữa các cá nhân và giữa các nhóm người trong xã hội.

Dựa trên quan điểm này, khái niệm “nghèo đa chiều” đã ra đời trong đó xác định rõ nghèo đói không hẳn chỉ là đói ăn, thiếu uống, hoặc thiếu các điều kiện sống, sinh hoạt khác mà nghèo đói còn được gây ra bởi các rào cản về xã hội và các tác nhân khác ngăn chặn những cá nhân hoặc cộng đồng tiếp cận với các nguồn lực, thông tin và dịch vụ. Như vậy sự nghèo khó không chỉ đơn thuần là một cá thể mà nó bao gồm các yếu tố kìm hãm cá thể đó không tiếp cận được đến các nguồn lực hoặc không biết và không thể tìm ra các giải pháp cho bản thân để thoát ra khỏi tình trạng hiện có.

Tuy nhiên khi đã có thế xác định được các vấn đề của sự nghèo khó hay của “những người sống trong nghèo khó” rồi thì các Quốc gia, trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của mình thường áp dụng các giải pháp cho các nhóm đối tượng cụ thể sau đây:

Nhóm thứ nhất có trong tay nhiều tài nguyên hơn, chấp nhận các mạo hiểm, bóc lột tài nguyên và lờ đi các rủi ro để đạt được lợi nhuận lớn trong một thời gian rất ngắn đưa cá nhân hay cộng đồng thoát khỏi tình trạng nghèo khó – đây chính là phát triển không bền vững mà các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) thường mắc phải. Nó giống như các hộ dân ven biển đầu tư ồ ạt nuôi tôm Sú để nhanh chóng thoát nghèo (và thậm chí trở nên giàu) trong một thời gian ngắn. Hiện nay do môi trường bị ô nhiễm nên các nông dân này liên tiếp thất bại, tuy nhiên họ không chấp nhận đi theo hướng khác mà vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội bằng cách thức này.

Nhóm thứ hai, do một phần bị hạn chế về nguồn lực và tài nguyên nên nhóm này thường chọn giải pháp an toàn cho mình thông qua các loại hình sinh kế it rủi ro và đầu tư cũng ít hơn. Chăn nuôi quy mô nhỏ và sản xuất lúa gạo (với diện tích đất vừa và nhỏ)là một ví dụ điển hình của cách thức này. Do không có các đột biến lớn nên điều kiện sống có thể được cải thiện đôi chút nhưng vẫn luôn ngấp nghé cái ngưỡng “nghèo” nên nhóm này có thể gọi là “nghèo bền vững” với rất ít các rủi ro và vì vậy cái sự nghèo này có tính bền vững cao. Để cân bằng cả hai cách tiếp cận này cho cả hai nhóm đối tượng này, người ta đang đi tìm một cách tiếp cận phù hợp hơn cho các bên, được gọi là các chính sách giảm nghèo bền vững.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia và theo đánh giá trong nhiều báo cáo của UNDP, thì trong khoảng 20 năm mở cửa vừa qua, tuy Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào về phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, nhưng phần lớn “hàm lượng tăng trưởng” của chúng ta đều có sự đóng góp rất đáng kể của các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đang bị khai thác một cách ồ ạt và thiếu sự kiểm soát.

Năm 1990, sinh viên chúng tôi được dạy rằng lúc đó Việt Nam có khoảng 10 triệu ha rừng thì đến năm 2012, rất khó có thể có được một số liệu chính xác liên quan đến ngành này vì ngoài diện tích rừng tự nhiên rất khiêm tốn (khoảng 580.000 ha – MARD) thì nếu chúng ta căn cứ vào các báo cáo của các dự án trồng rừng khác nhau trên cả nước, diện tích rừng trồng của Việt Nam kể từ năm 1990 đến nay đã có thể phủ khắp đất nước Trung Hoa rộng lớn. Một thực tế ai cũng có thể thấy và giống như một ai đó đã nói hài hước là đến hôm nay, “về cơ bản, chúng ta đã phá xong rừng”.

Như vậy có thể khẳng định rằng sự biến mất của những cánh rừng bạt ngàn một thời, nơi “che Bộ đội, vây quân thù” ấy chính là một phần của tăng trưởng kinh tế của đất nước trong một thời gian dài. Ngoài ra các loại tài nguyên khác mà đặc biệt là Than đá, Dầu mỏ (đều đặn đóng góp 20 tỷ USD/năm cho GDP) cùng các khoáng chất khác vốn được độc quyền khai thác bởi các Tập đoàn nhà nước – những tập đoàn thậm chí chỉ việc đào khoáng sản lên để bán nhưng vẫn báo lỗ) đang dần dần biến mất mà vẫn chưa tìm được nguồn thay thế.

Sự bùng nổ thiếu quy hoạch của thủy điện vừa và nhỏ cũng là một bất cập rất lớn trong công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên (nước) của đất nước ta. Nếu các vấn đề nêu trên là có thật thì rõ ràng đất nước chúng ta đang đi trên một con đường gập ghềnh và thiếu tính bền vững. Nếu chúng ta không thay đổi nhanh và đi theo hướng dùng hàm lượng trí tuệ để đầu tư cho các sản phẩm trong nước thì chỉ mấy năm tới chúng ta sẽ nhìn thấy ngay sự đổ vỡ của nền kinh tế.

Đi theo hướng thứ hai, nghĩa là không mạo hiểm, ít rủi ro và đầu tư thấp, chúng ta sẽ ít nhiều có khả năng đảm bảo an ninh lương thực và nâng lên chút ít đời sống của nhân dân theo hướng lâu dài và ổn định. Tuy nhiên nếu xét trong bối cảnh thế giới phẳng ngày nay, khi mà khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão thì mô hình này sẽ dần dần bị phá sản bởi một lý do rất đơn giản – Do các nước khác tiến quá nhanh nên nếu bạn tiến chậm hoặc không tiến thì bạn sẽ giống như đi thụt lùi và rồi nhanh chóng bị thôn tính theo quy luật của thị trường và các nguyên tắc của WTO.

Ở đây tính bền vững của việc dùy trì an ninh lương thực sẽ nhanh chóng được chuyển đổi thành “Nghèo bền vững” theo hướng mọi người đều được bảo đảm an ninh lương thực dài hạn nhưng vẫn thiếu vốn và các nguồn lực khác để có thể bứt lên và trở thành một lực lượng “giàu bền vững” như các nước G8 chẳng hạn.

Hiện tại ở Việt Nam có một bộ phận rất lớn người dân, đa số họ là nông dân có ít đất canh tác, kỹ năng hạn chế, thiếu các cơ hội việc làm khác nên họ rất chuyên cần làm nông nghiệp với quy mô nhỏ cả về diện tích lẫn vốn đầu tư. Kết quả là họ không bị xếp vào dạng “hộ nghèo” do không hội đủ các tiêu chí của Chính Phủ, nhưng về bản chất họ thực sự là “người nghèo” trong khái niệm nghèo đa chiều và cái nghèo của họ thực sự rất “bền vững” bởi vì về lâu dài chúng ta vần chưa tìm thấy tia sáng le lói nào để các cộng đồng này có thể làm giàu được.

Nhìn sang các nước phát triển hơn chúng ta dễ dàng thấy và có thể làm một phép tính so sánh về mối tương quan giữa hàm lượng chất xám với giá trị của sản phẩm tính trên trọng lượng. Nếu chúng ta bán một tấn thóc được khoảng 750 USD thì số tiền này có thể mua được một chiếc xe máy tạm gọi là tốt của Trung Quốc với trọng lượng khoảng hơn 100 kg. Cũng với số tiền này ta có thể mua được một cái Tivi của Nhật Bản hay Hàn Quốc nặng khoảng 10 kg và mua được mấy cái bản quyền Windows hay phần mềm chuyên dụng của Hoa Kỳ với trọng lượng là một chiếc đĩa CD, hay thậm chí chỉ là cái key  để kích hoạt phần mềm hoàn toàn ảo và phi trọng lượng.

Tôi thực sự đã nghĩ đến nhưng không dám đặt bút thử xem để mua một cái máy bay Boeing 777 thì chúng ta cần phải xuất khẩu bao nhiêu tấn thóc yêu quý của đất nước. Nói như vậy không có nghĩa là bắt buộc chúng ta phải đi theo con đường của các nước vừa nêu trên và thực sự là với trình độ và khả năng quản lý vĩ mô của chúng ta cộng với các bất cập hiện có, chúng ta cũng rất khó tiến theo họ được.

Vậy đâu là hướng đi cho việc đưa một bộ phận rất lớn người dân thoát ra khỏi tình trạng nghèo bền vững này? Trước hết cần thừa nhận một thức tế rằng, nông nghiệp vẫn là sinh kế quan trọng của đại bộ phận người dân và là thế mạnh của Việt Nam. Việc phát huy thế mạnh này phụ thuộc rất lớn vào các chính sách vĩ mô của nhà nước và đặc biệt là việc định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới. Nếu chúng ta không thể trở thành “công xưởng của thế giới” như Trung Quốc hiện nay hay trở thành Cường Quốc công nghiệp như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì trước hết nên định hướng để có thể trở thành cái “Bếp của Thế giới” giống như Thái Lan đang theo đuổi hoặc cái “kho lương thực của thể giới”, cách mà một nước nắm trong tay một lượng lớn sản phẩn nông nghiệp của thế giới có thể chủ động xây dựng như Việt Nam.

Dù có thể trở thành cái bếp hay cái kho lương thực của thế giới, thì chúng vẫn  đồng ý là cần phải có một giải pháp dung hòa để đảm bảo đất nước ta vẫn tiến lên theo hướng bền vững hơn, nhưng tài nguyên không bị cạn kiệt nhanh chóng và khái niệm bền vững sẽ có thể được hiểu như là đích đến của quá trình thoát nghèo. Khi một cộng đồng hay một cá thể nào đó thoát khỏi tình trạng nghèo khó thì sự thoát nghèo đó phải thực sự bền vững thông qua việc nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc của thị trường thế giới trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có như vậy các nỗ lực thoát nghèo mới thực sự hữu ích và người dân sẽ không bị quay trở lại ranh giới nghèo khó một cách dễ dàng như hiện tại khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Khi đó vấn đề “nghèo bền vững” chỉ thực sự được giải quyết nếu chúng ta gắn kết được hàm lượng trí tuệ vào trong các sản phẩm việt và khi đó mối tương quan về  giá trị tính trên đơn trọng lượng sẽ có thể làm thay đổi cán cân thành toán thương mại của Viêt Nam theo hướng tích cực trong tương lai không xa.

TRẦN VĂN TUẤN

Tags: , ,