Kawaii – lời nguyền cho sự tiến bộ của phụ nữ Nhật Bản

Kawaii không chỉ là hiện tượng văn hóa, thương mại làm nên tên tuổi Nhật Bản, mà sâu trong lòng văn hóa và xã hội nước này, Kawaii là sự phân biệt đối xử với phụ nữ.

Kawaii – lời nguyền cho sự tiến bộ của phụ nữ Nhật Bản

Hà Trang, một kiến trúc sư người Việt đã sống hơn 20 năm ở Nhật Bản kể, trên khắp đất nước mặt trời mọc, từ các cửa hàng, hiệu tạp hóa, ga tàu điện, sân bay, thậm chí cả đồn cảnh sát, bạn có thể bị choáng ngợp bởi những nhân vật hoạt hình đáng yêu được trang trí ở khắp nơi. Từ nhân vật Pokemon đáng yêu, các vật phẩm mèo Hello Kitty, những tấm đề-can Pikachu, những chú thỏ hồng bằng nhựa. Văn hóa Kawaii, hay nói cách khác là sự dễ thương, ngây thơ, đáng yêu, quyến rũ, trở thành hiện tượng Nhật Bản trên toàn cầu, đem đến hàng tỷ USD xuất khẩu cho đất nước này mỗi năm nhờ bán các sản phẩm văn hóa, phim ảnh, sách truyện, du lịch. Theo trang Bloomberg, vào năm 2014, Tokyo Disneyland với các nhân vật hoạt hình đặc trưng cho văn hóa Kawaii đã đón 140 triệu khách tham quan và đây là số lượng người lớn hơn toàn bộ dân số Nhật Bản (khoảng 127 triệu).

Điều đáng nói, Kawaii không chỉ là hiện tượng văn hóa, thương mại làm nên tên tuổi Nhật Bản, mà sâu trong lòng văn hóa và xã hội nước này, mặt trái Kawaii là sự phân biệt đối xử bất công đối với phụ nữ. Người đàn bà chỉ được coi là dễ thương khi họ quay trở lại với nhân dạng trẻ con cả về vật chất lẫn tinh thần. Đôi mắt to tròn, gò má bầu bĩnh, dáng hình nhỏ xinh, là biểu tượng vươn lên của trẻ em gái Nhật Bản. Phụ nữ mong manh, yếu đuối cần được nâng niu, bảo vệ trở thành nếp tư duy của xã hội, đặc biệt trong góc nhìn của nam giới. Bên cạnh đó, trong khi nam giới trẻ Nhật Bản được dạy phải khao khát trở nên thông minh và thành công, văn hóa Kawaii về cơ bản dạy phụ nữ trẻ không nên trưởng thành, và điều này có tác động bất lợi cho tất cả phụ nữ. Nhiều chuyên gia xã hội học bình luận, Kawaii là một lời nguyền gây chết người đối với sự tiến bộ của phái yếu ở Nhật Bản.

Thành tích mờ nhạt của Nhật Bản trong vấn đề bình đẳng giới không phải là điều mới. Các khu vực nhà nước và tư nhân đang nỗ lực cải thiện vô số yếu tố, từ việc thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ mầm non phù hợp để phụ nữ có thể yên tâm đi làm cho đến những phong tục tuyển dụng cứng nhắc chỉ ưu tiên nam giới. Nhật Bản đứng thứ 121 trong số 153 quốc gia trong báo cáo “Khoảng cách giới toàn cầu năm 2020” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, giảm 11 so với 2019. Vào năm 2018, phụ nữ chỉ chiếm 12% vị trí quản lý và 3% vị trí hội đồng quản trị ở Nhật Bản, mức kém nhất trong nhóm G7. Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong lĩnh vực chính trị, rất hiếm có phụ nữ Nhật tham gia.

Nobuko Kobayashi, chuyên gia cao cấp hãng tư vấn Ernst & Young nói: “Không có gì ngạc nhiên khi sự dễ thương, đáng yêu không phù hợp với việc muốn leo lên các nấc thang sự nghiệp. Bạn có thể thể hiện khả năng lãnh đạo một cách đáng tin cậy, có “uy” trong khi là người dễ thương không? Nhân viên của bạn có biết sợ sự hiền lành, nhiều khi là cam chịu, dĩ hòa vi quý của người sếp nữ không? Vấn đề ở đây là văn hóa Kawaii khiến bạn không được coi trọng”. Do đó, ở khoảng 40-45 tuổi, giai đoạn thăng tiến của sự nghiệp, nhiều phụ nữ giỏi giang ở Nhật Bản không tìm được chỗ đứng trong cuộc chiến khốc liệt với những người đàn ông – nhóm được coi là hung hăng, táo bạo, đầy sức mạnh và tham vọng chinh phục.

Bản chất độc hại của Kawaii còn thể hiện trong ngành công nghiệp khiêu dâm với việc sử mô típ khiêu dâm “nữ sinh gợi cảm”. Kiến trúc sư Hà Trang gần như sốc khi thấy nhiều cửa hàng bán đầy manga (nhân vật hoạt hình) có hình ảnh các nữ sinh xuất hiện như thể họ đang bị cưỡng hiếp bởi những người đàn ông trưởng thành. Thật không may, các tạp chí khiêu dâm có sẵn rộng rãi trong các cửa hàng tiện lợi, thư viện, siêu thị và hiệu sách và nhiều ấn phẩm trong số này liên quan đến những tưởng tượng hiếp dâm. Một khía cạnh tiêu cực khác của Kawaii là ngành công nghiệp Joshi Kosei (JK) cho phép nam giới trưởng thành trả tiền cho công ty của các nữ sinh dưới 16 tuổi thông qua một loạt các dịch vụ như hẹn hò, các buổi tư vấn, cơ hội ngửi, cù hoặc ôm một nữ sinh, và ngày càng có thể là mại dâm. “Do đó, rõ ràng là văn hóa Kawaii của Nhật Bản đã góp phần vào việc kích dục và bóc lột các cô gái trẻ”, chị Trang cho hay.

Tại sao Kawaii lại ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa xã hội Nhật Bản như vậy? Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nước này vốn ảnh hưởng sâu rộng bởi văn hóa Khổng giáo, đã chỉ ra các thế hệ đều mong muốn phụ nữ phải dễ thương, mềm mỏng, yếu đuối. Tinh thần hiệp sĩ Samurai tạo cho đàn ông Nhật Bản cảm giác muốn bao bọc, bảo vệ, làm trụ cột cho người phụ nữ. Tuy nhiên, thái độ bảo trợ này dẫn đến chênh lệch giới tính theo thời gian. Bằng cách liên tục xử lý thông điệp rằng đàn ông mong phụ nữ trở nên dễ thương, não bộ của phái yếu cũng nói với chúng ta rằng Kawaii “là tốt”, là chuẩn mực cần hướng đến. “Đó là sự đồng lõa của người phụ nữ đối với quan niệm đáng lên án này”, bà Nobuko Kobayashi, nói.

Trên nhiều phương diện, xã hội Nhật Bản vẫn đối xử với phụ nữ như những “công dân hạng hai”, Motoko Rich và Hikari Hida, hai học giả phân tích trên tờ New York Times. Các cặp vợ chồng đã kết hôn không được phép có họ riêng, quy định khiến hầu hết phụ nữ phải theo họ của chồng. Phụ nữ vẫn còn ít đại diện trong các vị trí quản lý, quốc hội hay tại những trường đại học danh tiếng. Những phụ nữ phản đối tình trạng phân biệt đối xử hay ủng hộ bình đẳng giới thường bị công kích. Đặc biệt, trong hoàng gia, phụ nữ thường được kỳ vọng sẽ tuân thủ những giá trị của thời đại trước. “Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia, bạn còn cần phải có một phong cách thời trang đẹp. Và sau khi kết hôn, mục tiêu của bạn là sinh con”, Rika Kayama, giáo sư kiêm bác sĩ tâm lý tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, phân tích. “Liệu bạn có phải một người mẹ tốt không? Công chúng sẽ đặt câu hỏi như vậy. Bạn có mối quan hệ tốt với mẹ chồng không? Bạn hỗ trợ những người đàn ông trong nhà như thế nào? Có rất nhiều công việc họ phải thực hiện một cách hoàn hảo, không tì vết”, Kayama nói.

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Sự phân công lao động mặc định hàng thế kỷ này ở Nhật Bản. Làm mẹ thực sự được coi là một nghề của người phụ nữ. Người mẹ cống hiến 100% sức lực với việc chăm sóc con cái, quan tâm việc học và lo toan việc nhà. Đây cũng là điều nhiều phụ nữ Nhật rất tự hào, đến mức, rất nhiều người không hiểu nổi vì sao những người phụ nữ ở nhà nội trợ không được coi trọng tại nhiều nước phương Tây. Nhấn mạnh vào việc tạo sự gắn kết tình cảm với các con (luôn bên con mọi lúc), dạy chúng điều hay lẽ phải (trẻ bắt đầu đi mẫu giáo từ năm 3 tuổi), trông con, nấu những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất và chăm sóc sức khỏe cho con. Phụ nữ Nhật kỳ công dành nhiều giờ liền để chuẩn bị những bữa cơm trưa rất dễ thương cho con mang đến trường, thậm chí một người mẹ bị đánh giá là tệ nếu chuẩn bị cho con bữa ăn cẩu thả. Một khi trẻ đi học mẫu giáo, người mẹ cần theo sát con trong mọi hoạt động của trường, từ những việc thêu bảng tên của con lên đồ vật của con hay việc đảm bảo con biết thể hiện thái độ đúng mực với giáo viên, người lớn tuổi. Hy sinh quá nhiều cho gia đình, nhiều phụ nữ Nhật Bản đứng trước viễn cảnh từ bỏ công việc, không có cơ hội thăng tiến nếu sinh con.

Theo các chuyên gia, để vượt lên những mặt hạn chế của văn hóa Kawaii đối với phụ nữ, cần nhiều giải pháp khác nhau từ cá nhân và cộng đồng. Đầu tiên, trong gia đình, cha mẹ nên tránh bao bọc con gái quá mức. Người Nhật có câu tục ngữ “mèo giấu móng vuốt”, cha mẹ thường dạy bé gái không nên phô trương tài năng hoặc thể hiện bản thân, tốt nhất là giấu mình hoặc thể hiện sự dịu dàng, nết na, hòa đồng với số đông. Chính cách giáo dục này đã khiến các cô gái tự đánh mất sức mạnh của mình, khiến “móng vuốt” của trẻ em gái mờ đi trong khi đàn ông bứt phá ở trước họ cả một chặng đường dài.Thứ hai, các nhà tuyển dụng cần đánh giá nhân tài dựa trên thành tích. Họ cần tránh tiêu chuẩn kép nơi những người đàn ông quyết đoán, mạnh mẽ được ưu ái hơn trong khi những người phụ nữ tương đương thì không. Cuối cùng, đó chính là sự tự lực. Bản thân phụ nữ Nhật Bản cần phải thoát khỏi câu thần chú của Kawaii. Họ cần phải thể hiện giá trị của bản thân và cất tiếng nói nhiều hơn, mạnh mẽ, quyết đoán hơn thay vì chỉ mỉm cười và lịch sự gật đầu.

Theo MINH ĐỨC / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , , ,