‘Imagine’ và giấc mơ hòa bình của John Lennon

Thế giới mà John Lennon tưởng tượng, dẫu biết rằng không thể đạt được trong phút chốc nhưng vẫn là một niềm hy vọng có sức nâng đỡ con người vượt qua những hoàn cảnh đau buồn của hiện tại.

‘Imagine’ và giấc mơ hòa bình của John Lennon

>> Imagine – Bản Tuyên ngôn Cộng sản của John Lennon
.

Vào ngày 8/12/1980 định mệnh, một kẻ cuồng tín đã dùng súng bắn chết John Lennon khi anh vừa trở về nhà sau buổi thu âm. Cả thế giới rúng động trước mất mát không gì bù đắp nổi. Tờ Timegọi đó là thời điểm “When the Music died” (Khi mà Âm nhạc chết). Song âm nhạc của John Lennon thực sự chưa bao giờ chết. Tên sát nhân đã giết được một John Lennon bằng xương bằng thịt nhưng gia tài âm nhạc mà anh để lại vẫn sống mãi trong tim người hâm mộ.

Những ngày này, khán giả thường tìm nghe lại những ca khúc bất hủ của anh, trong đó không thể không kể đến kiệt tác Imagine, sáng tác năm 1971. Tạp chí Rolling Stone ví Imagine như một “món quà âm nhạc vĩ đại nhất của John Lennon gửi tới thế giới”. Ca khúc xếp thứ ba trong danh sách 500 bài hát vĩ đại nhất. Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter khẳng định, trong nhiều quốc gia mà ông từng đến thăm, Imagine được hát như thể quốc ca.

Imagine mở đầu bằng tiếng dương cầm thánh thót, tràn ngập không gian. Tiếp đó là giọng ca giản dị của John Lennon với những ca từ bất hủ.

“… Imagine there’s no heaven… No hell below us
Above us only sky
Imagine all the people living for today…”

“… Thử tưởng tượng thế giới không có thiên đường… cũng chẳng có địa ngục
Trên đầu ta chỉ có trời xanh
Thử tưởng tượng tất cả mọi người đều sống cho hiện tại…”

Chính vì tuyên ngôn “Thử tưởng tượng thế giới không có thiên đường” mà Imagine từng bị cấm tại các nhà thờ bởi bản chất, lời ca của John Lennon là sự phủ nhận mọi tôn giáo.

Các tôn giáo thường vẽ nên Thiên đường và Địa ngục như một cách răn dạy các tín đồ. Những người sống tử tế, tốt đẹp khi chết sẽ được lên Thiên Đường. Ngược lại, kẻ ác nghiệt, xấu xa sẽ bị trừng phạt dưới Địa ngục. Trên Trời có Đấng Chí tôn sáng tạo ra muôn loài. Cuộc sống trên dương gian chỉ là sống tạm. Cuộc sống sau khi chết, ở thế giới bên kia, mới là cuộc sống vĩnh hằng. Sống gửi, Thác về.

Chính những điều đó đã tạo ra thái độ làm điều Thiện không xuất phát từ thật Tâm mà do nỗi sợ siêu hình về một thế giới sau khi chết. Sẽ thật tồi tệ biết bao nếu trên đời này, người ta chỉ muốn làm những điều tốt đẹp vì mong muốn được thưởng và không dám làm điều tồi tệ chỉ vì sợ hãi bị trừng phạt.

John Lennon khẩn thiết mong con người hãy nhìn thẳng vào thế giới như nó vốn thế. Anh yêu cầu con người hãy sống hết mình cho hiện tại, cho ngày hôm nay. Anh mong rằng sẽ đến một ngày con người làm điều Thiện vì đó là điều phải làm chứ không phải vì lo lắng về một kiếp sau xa xôi nào đó. Vẫn bằng giọng ca chậm rãi, điềm nhiên như không, John Lennon tiếp tục mơ ước về một thế giới đại đồng.

“… Imagine there’s no countries…
Nothing to kill and die for
And no religion too
Imagine all the people living life in peace…”

“… Thử tưởng tượng thế giới không có quốc gia
Chẳng có gì để giết hoặc chết vì
Cũng chẳng có cả tôn giáo
Thử tưởng tượng tất cả mọi người đều sống trong hòa bình…”

Những ai từng xem bộ phim kinh điển đoạt chín giải Oscar, The English Patient (Bệnh nhân người Anh) chắc còn nhớ mãi mơ ước cuối cùng của nhân vật Katherine Cliffton về một thế giới không có bản đồ. Giấc mơ đó cũng rất giống giấc mơ của John Lennon – một thế giới không phân chia thành các quốc gia.

Nhiều thảm kịch của nhân loại xuất phát từ những niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước mù quáng. Nhiều quốc gia tự đặt mình cao hơn các quốc gia khác, cho rằng dân tộc mình thượng đẳng hơn các dân tộc khác. Chiến tranh nổ ra vì tham vọng ngông cuồng của những kẻ muốn bá chủ thế giới, muốn đặt ách thống trị của nước mình lên nước khác.

Có xem xét lại lịch sử đẫm máu của những cuộc xung đột tôn giáo mới càng hiểu rõ hơn mong ước tha thiết của John Lennon trong câu hát “No religion, too”. Thế giới đã chứng kiến những cuộc thánh chiến giữa Kito giáo và Hồi giáo, Ấn độ Giáo và Phật giáo, thậm chí giữa hai phái của Hồi giáo là Sunni và Shia. Sự khác biệt tín ngưỡng chia rẽ con người, khiến họ cầm vũ khí lên, tấn công, giết hại chính đồng loại của mình.

Những ca từ tiếp theo của Imagine đưa John Lennon đến gần với những người cộng sản hơn bao giờ hết:

“… Imagine no possessions
No need for greed or hunger
In a brotherhood of man
Imagine all the people sharing all the world…”

“… Thử tưởng tượng thế giới không có sự tư hữu
Không cần phải tham lam hay thèm khát điều gì
Một tình bằng hữu của con người
Thử tưởng tượng tất cả mọi người cùng sẻ chia thế giới…”

John Lennon mơ ước về một thế giới không có người giàu kẻ nghèo, không phân chia giai cấp, ai cũng lao động và ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Thế giới không phải là tài sản đặc quyền của riêng ai. Tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau và đều được sẻ chia thế giới. Chính John Lennon từng thừa nhận Imagine giống như một tuyên ngôn cộng sản bằng âm nhạc.

Danh ca kể rằng đã có lần The World Church (một tổ chức Thiên Chúa gọi) gọi điện cho anh yêu cầu sửa lời Imagine thành “Imagine one religion” (Hãy tưởng tượng chỉ có một tôn giáo duy nhất) thay cho “No religion too”. Tất nhiên là John Lennon từ chối. “Họ nói vậy nghĩa là họ chẳng hiểu tí gì về bài hát. Thay đổi như vậy sẽ làm thất bại toàn bộ mục đích của bài hát, toàn bộ ý tưởng”.

John Lennon không mơ về một thế giới tất cả mọi người cùng chung một quốc gia, cùng chung một tôn giáo vì như vậy sẽ dấy lên câu hỏi: Nếu chỉ có một quốc gia duy nhất thì đó là quốc gia nào? Nếu chỉ có một tôn giáo duy nhất thì đó là tôn giáo nào? Khôn ngoan hơn, John Lennon đã bác bỏ luôn sự tồn tại của các khái niệm trên.

Imagine đã biến John Lennon trở thành một người vô thần, vô chính phủ – những cụm từ khiến phương Tây cảnh giác và nghi ngại. Bản thân John Lennon cũng nhận thức được điều đó. Anh từng chia sẻ: “Đây là một bài hát chống tôn giáo, chống chủ nghĩa dân tộc, chống truyền thống, chống chủ nghĩa tư bản nhưng vì bọc đường nên nó được chấp nhận”.

Lời lẽ trong Imagine rất mềm mỏng và giàu tính thuyết phục. John Lennon đã khéo léo không đưa ra một lời kêu gọi, một thúc giục sỗ sàng nào. Tất cả những gì anh yêu cầu ở khán giả là trong một giây phút nào đó, hãy thử gạt bỏ tất cả những định kiến về dân tộc, tôn giáo, giai cấp để cho tưởng tượng được bay bổng tự do.

Anh đưa ra cho khán giả một viễn cảnh, một thế giới được cởi trói khỏi những ràng buộc và khiến người nghe phải suy nghĩ. Một thế giới như vậy có đáng mơ ước không? Có đáng để phấn đấu đạt tới không?

Trong khi khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả, John Lennon liên tục đưa ra những lời động viên: “It’s easy if you try” (Cứ thử đi, bạn sẽ thấy dễ thôi), “It isn’t hard to do” (Cũng không khó lắm đâu), “I wonder if you can” (Tôi tự hỏi liệu bạn có làm được không). Dịu dàng và hiệu quả, anh dần thuyết phục người nghe tin theo điều mà anh đã tin.

“… You may say I’m a dreamer
But I’m not the only one
I hope someday you’ll join us
And the world will be as one…”

“… Bạn có thể nói tôi là một kẻ mơ mộng
Nhưng tôi không phải là kẻ duy nhất
Tôi hy vọng rằng một ngày bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi
Và thế giới sẽ trở thành như một…”

John Lennon khiêm tốn tự gọi mình là “một kẻ mơ mộng” nhưng anh cũng tự tin rằng mình không hề đơn độc. Giấc mơ về hòa bình vẫn ám ảnh nhân loại hàng nghìn năm nay. Thế giới mà John Lennon tưởng tượng, dẫu biết rằng không thể đạt được trong phút chốc nhưng vẫn là một niềm hy vọng có sức nâng đỡ con người vượt qua những hoàn cảnh đau buồn của hiện tại.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,