Hồi ức của Lý Quang Diệu về Đặng Tiểu Bình và cuộc chiến Campuchia

Cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình là một trải nghiệm khó quên đối với tôi [Lý Quang Diệu]. Tháng 11/1978, vị trưởng lão 74 tuổi ấy bước xuống từ chiếc máy bay Boeing 707 tại sân bay Paya Lebar.

Hồi ức của Lý Quang Diệu về Đặng Tiểu Bình và cuộc chiến 1979

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung trên mạng Nhân dân (Trung Quốc) ngày 7/6/2011李光耀:邓小平决策对越自卫反击战内情.

Đặng Tiểu Bình nói về kế hoạch tấn công Việt Nam

Ông có dáng dấp lanh lợi rắn rỏi, vóc người thấp nhỏ, cao chưa đầy 5 feet [1,52 m], mặc bộ đồ vải len màu vàng nhạt, bước đi thoăn thoắt. Duyệt đội danh dự xong, ông ngồi xe cùng tôi về toà biệt thự dùng làm nhà khách trong Phủ Tổng thống Singapore. Chiều hôm đó, chúng tôi có cuộc hội đàm chính thức tại phòng họp Chính phủ.

Trước đây, trong một lần tới Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, tôi từng nhìn thấy cái ống nhổ ở đấy. Vì vậy hôm nay tôi đã cho đặt một ống nhổ bằng sứ màu xanh và trắng bên cạnh chỗ ngồi của Đặng Tiểu Bình. Qua đọc báo, tôi biết ông có thói quen dùng ống nhổ. Mặc dù Phủ Tổng thống Singapore quy định không được hút thuốc trong phòng máy lạnh nhưng tôi vẫn đặc cách đặt chiếc gạt tàn thuốc lá cho ông ở chỗ dễ thấy. Tất cả những điều đó đều là sự chuẩn bị đón một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Tôi cũng biết chắc là quạt thông gió trong phòng họp đã được bật.

Năm 1976, khi tôi đến thăm Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình không thể gặp tôi. Hồi ấy ông đang bị chèn ép gạt bỏ và phải “đứng ra bên ngoài”. Mới đầu ông bị Lũ Bốn Tên đánh bại, nhưng cuối cùng ngược lại, bọn họ bị lật đổ.

Ông bỏ ra hai tiếng rưỡi đồng hồ để nói về mối đe dọa mà Liên Xô gây ra cho thế giới. Ông nói tất cả các quốc gia và các dân tộc phản đối chiến tranh phải tổ chức một mặt trận liên hợp để đồng thanh chống lại bọn con buôn chiến tranh. Ông dẫn lời Mao Trạch Đông nói rằng chúng ta phải đoàn kết để đối phó với “đồ khốn kiếp” ấy (nghĩa đen là “trứng rùa”, phiên dịch viên của ông dịch là “S.O.B”, nghĩa là “đồ súc sinh”) [tiếng Trung Quốc là “wang ba dan”. S.O.B viết tắt từ tiếng Anh “Son Of a Bitch”, tức “Đồ chó đẻ”].

Ông phân tích toàn diện các chiến lược hành động của Liên Xô ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, Nam Á và Đông Dương. Liên Xô chiếm thế thượng phong lớn tại Việt Nam. Có những người không hiểu vì sao mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam lại tồi tệ như thế, và do đâu Trung Quốc phải có hành động cắt viện trợ cho Việt Nam, chẳng những không tranh thủ Việt Nam mà lại đẩy [Việt Nam] sang phía Liên Xô. Nhưng vấn đề then chốt là ở chỗ làm sao Việt Nam, trong tình hình không chút nào phù hợp với lợi ích của mình, lại vẫn cứ ngả hẳn về phía Liên Xô. Đó là vì Việt Nam “từ nhiều năm nay ôm giấc mộng thành lập Liên bang Đông Dương”. Ngay cả Hồ Chí Minh cũng có ý tưởng này. Trung Quốc xưa nay đều không đồng ý. Việt Nam coi Trung Quốc là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện Liên bang Đông Dương. Kết luận của Trung Quốc là Việt Nam chẳng những không thay đổi lập trường mà còn ngày càng thậm tệ chống Trung Quốc, việc trục xuất một số lượng lớn người Hoa ở Việt Nam là bằng chứng tốt nhất. Trung Quốc sau khi cân nhắc thận trọng mới quyết định ngừng viện trợ cho Việt Nam .

Đặng Tiểu Bình nói, tổng cộng Trung Quốc đã cung cấp hơn 10 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Việt Nam, theo thời giá hiện nay là 20 tỷ USD. Một khi Trung Quốc rút viện trợ kinh tế cho Việt Nam thì Liên Xô phải một mình gánh lấy gánh nặng này, nhưng họ không thể đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam, đành phải để Việt Nam tham gia Hội đồng Tương trợ Kinh tế [tức Khối SEV], đẩy gánh nặng cho các nước Đông Âu. Đặng nói rằng trong mười năm tới, Trung Quốc sẽ xem xét việc kéo Việt Nam ra khỏi vòng tay Liên Xô. Tôi thầm nghĩ, Đặng Tiểu Bình là người xem xét vấn đề từ góc độ lâu dài, điều này hoàn toàn khác với cách tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông nói, vấn đề thực sự cấp bách là Việt Nam có thể mở cuộc tấn công lớn vào Campuchia. Vậy Trung Quốc nên làm gì? Ông hỏi ngược lại. Tiếp đó, ông tự trả lời: Trung Quốc phải làm gì ư, điều đó thì phải xem Việt Nam đi xa đến đâu trong việc thực hiện bước đi ấy. Ông nhắc đi nhắc lại điểm này mà không trực tiếp nói rõ rằng [Trung Quốc] sẽ tiến hành phản kích Việt Nam. Ông nói một khi Việt Nam thành công trong việc kiểm soát toàn bộ Bán đảo Đông Dương thì nhiều nước châu Á sẽ mất chỗ dựa bảo đảm [nguyên văn: ẩn nấp]. Liên bang Đông Dương sẽ từng bước mở rộng ảnh hưởng và trở thành một nước cờ trong chiến lược toàn cầu của Liên Xô nhằm Nam tiến xuống Ấn Độ Dương.

Khi Đặng Tiểu Bình nói xong thì trời đã xế chiều. Tôi hỏi liệu ông có muốn tôi phát biểu ý kiến ngay bây giờ, hay là hãy nghỉ họp, ngày mai họp tiếp, nhằm để ông có thời gian thay quần áo và ăn tối, cũng để bản thân tôi có dịp suy nghĩ về những điều ông vừa nói. Đặng Tiểu Bình tỏ ý chớ nên để thức ăn bị nguội.

Trong bữa chiêu đãi tối, ông tỏ ra rất gần gũi thân tình nhưng tâm trạng ông thì vẫn chưa nguôi ngoai, đầu óc vẫn luôn nghĩ về chuyện Việt Nam đánh Campuchia. Tôi bèn hỏi ông: Bây giờ Thủ tướng Thái Lan, Tướng Kriangsak Chomanan đã tuyên bố Thái Lan sẽ đứng về phía Trung Quốc, đã nồng nhiệt tiếp đón ông tại Bangkok và cam kết bằng những hành động thiết thực, vậy sau đây Trung Quốc sẽ làm gì? Ông Đặng lại lẩm bẩm, điều đó còn phải xem xem hành động của Việt Nam nghiêm trọng tới đâu. Tôi có ấn tượng là nếu các hoạt động của Việt Nam dừng lại ở sông Mekong thì có lẽ tình hình không đến nỗi nguy hiểm như vậy. Ngược lại, một khi cuộc tấn công vượt qua sông Mekong thì Trung Quốc không thể án binh bất động.

Đặng Tiểu Bình mời tôi thăm lại Trung Quốc. Tôi đáp, bao giờ Trung Quốc phục hồi sau Cách mạng Văn hóa thì tôi sẽ đi. Ông nói, thế thì sẽ cần thời gian rất lâu đấy. Tôi không đồng ý. Tôi cho rằng họ [Trung Quốc] thực sự muốn đuổi kịp và thậm chí sẽ làm tốt hơn Singapore, căn bản sẽ không có vấn đề gì cả. Nói gì thì nói, chúng tôi [người Singapore] chẳng qua cũng chỉ là hậu duệ của những nông dân mù chữ và không có ruộng đất ở Phúc Kiến và Quảng Đông mà thôi. Ngược lại, họ có những người là hậu duệ của các quan chức cấp cao quyền thế hiển hách và văn nhân học giả ở vùng Trung nguyên. Nghe xong, Đặng Tiểu Bình im lặng không nói gì.

Yêu cầu Đặng Tiểu Bình ngừng kích động người Hoa

Trung Quốc yêu cầu các nước Đông Nam Á liên hợp với Trung Quốc cô lập “Gấu Bắc cực”. Thực ra, ngược lại, điều các nước láng giềng của chúng ta [tức của Singapore] cần làm lại là đoàn kết các nước Đông Nam Á để cô lập “Rồng Trung Quốc”. Đông Nam Á không có cái gọi là “người Liên Xô ở nước ngoài” được Chính phủ Liên Xô ủng hộ gây ra các vụ nổi loạn cộng sản. Ngược lại, Đông Nam Á có những “người Hoa ở ngoài nước” [nguyên văn: hải ngoại Hoa nhân] được Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc khuyến khích và ủng hộ, gây nên mối đe dọa ở Thái Lan, Malaysia, Phlippines, và với mức độ thấp hơn, ở Indonesia. Huống chi là Trung Quốc còn công khai tuyên bố nước này có quan hệ huyết thống với người Hoa ở ngoài nước, thậm chí Trung Quốc còn qua mặt cả Chính phủ của nước có người Hoa sinh sống, trực tiếp kêu gọi người Hoa, thức tỉnh ý thức yêu nước của họ đối với Trung Quốc, xúi giục họ trở về Trung Quốc thực hiện “Bốn hiện đại hóa”.

Cách đây vài tuần, vào tháng 10, khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đến thăm Singapore, ông ấy cũng ngồi tại vị trí bây giờ Đặng Tiểu Bình đang ngồi. Tôi có hỏi Phạm Văn Đồng vì sao Việt Nam lại có vấn đề người Hoa. Ông ấy không khách sáo nói, tôi [tức Lý Quang Diệu] vốn là người Hoa thì phải biết rằng người Hoa bao giờ cũng hướng về Trung Quốc, như người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào bao giờ cũng ủng hộ Việt Nam. Phạm Văn Đồng nghĩ thế nào, điều đó tôi chẳng quan tâm lắm, điều làm người ta lo lắng là phản ứng có thể xảy ra khi ông ấy [Phạm Văn Đồng] cũng nói câu đó với nhà lãnh đạo Malaysia.

Tôi xin kể lại một sự việc. Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc từng nói với các vị Đại diện thường trực của 4 nước ASEAN tại Liên Hợp Quốc rằng Việt Nam đối xử bình đẳng với người Hoa ở Việt Nam, nhưng số người gốc Hoa này lại vong ân bội nghĩa. 160 nghìn người Hoa từ Hà Nội vượt biên giới trốn sang Trung Quốc hoặc tới tấp đáp tàu thuyền vượt biển trốn khỏi miền Nam Việt Nam. Điều đó toàn bộ là kết quả vong ân bội nghĩa của người Hoa. Bất chấp việc ba vị Đại diện thường trực của Philippines, Thái Lan và Singapore tại Liên Hợp Quốc đều là người gốc Hoa, Đại diện thường trực của Indonesia tại Liên Hợp Quốc cũng luôn miệng nói người Việt Nam đối xử quá nhân từ tốt bụng với người gốc Hoa ở trong nước, và nói Việt Nam nên noi theo Indonesia [nơi từng xảy ra phong trào bài Hoa từ cuối thập niên 1950]. Tôi [Lý Quang Diệu] muốn để Đặng Tiểu Bình hiểu rõ rằng Singapore đang đứng trước sự nghi kỵ và ngờ vực trực tiếp nhất, bản năng nhất của các nước láng giềng.

Tôi xin nói thêm, Phạm Văn Đồng còn đặt vòng hoa tại Đài kỷ niệm các anh hùng quốc gia ở Kuala Lumpur thủ đô Malaysia, nhưng Đặng Tiểu Bình thì từ chối làm như vậy. Phạm Văn Đồng cũng hứa không ủng hộ các hoạt động lật đổ chính quyền, nhưng Đặng Tiểu Bình chưa hề cam kết như thế. Người Malaysia nhất định nghi ngờ Đặng Tiểu Bình. Giữa các tín đồ đạo Islam [Hồi giáo] người Malay với người gốc Hoa tại Malaysia, cũng như giữa người Indonesia với người Indonesia gốc Hoa tại Indonesia, xưa nay luôn tồn tại sự nghi kỵ và chống đối lẫn nhau. Chính là vì Trung Quốc không ngừng xuất khẩu cách mạng vào Đông Nam Á, tới mức làm cho các nước láng giềng ASEAN của chúng ta [tức của Singapore] đều muốn Singapore có thể đứng vào cùng mặt trận với họ, chẳng phải vì chống Liên Xô, mà vì đối kháng Trung Quốc.

Đài phát thanh Trung Quốc còn trực tiếp phát lời kêu gọi tới người Hoa ở các nước ASEAN. Theo quan điểm của các Chính phủ ASEAN, đó là một hành vi lật đổ vô cùng nguy hiểm.

Đặng Tiểu Bình lặng lẽ ngồi nghe. Có lẽ ông chưa bao giờ cho rằng Trung Quốc đã dựa vào tư thế cường quốc thế giới để qua mặt Chính phủ các nước trong vùng mà lật đổ chính phủ của họ. Tôi nói rằng rất khó có khả năng các nước ASEAN sẽ đáp ứng tích cực kiến nghị của ông, lập mặt trận liên hợp chống Liên Xô và Việt Nam. Sau khi đề nghị hai bên sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến vể cách giải quyết vấn đề này, tôi tạm dừng [hội đàm] một lúc.

Nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của Đặng Tiểu Bình đều thể hiện rõ sự ngạc nhiên của ông. Đặng biết rằng những lời tôi nói đều là sự thật. Bỗng dưng ông hỏi: “Vậy Ngài muốn tôi làm gì?” Tôi sửng sốt. Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ gặp bất cứ lãnh tụ cộng sản nào lại đồng ý từ bỏ ý kiến của mình khi đối mặt với hiện thực, thậm chí còn hỏi tôi muốn họ làm thế nào. Tôi vốn dĩ nghĩ rằng Đặng Tiểu Bình sẽ có thái độ không khác gì thái độ của Hoa Quốc Phong trong lần hội đàm với tôi hồi năm 1976, tức là sẽ chẳng để ý tới quan điểm của tôi. Hôm ấy tôi có hỏi lại Hoa Quốc Phong, sao mà Trung Quốc lại tự mâu thuẫn như vậy: [Trung Quốc] ủng hộ đảng Cộng sản Malaysia làm cách mạng ở Singapore chứ không [làm cách mạng] tại Malaysia? Hoa Quốc Phong hùng hổ đáp: “Tôi không nắm được tình hình chi tiết, nhưng đảng Cộng sản dù đấu tranh ở đâu thì đều chắc chắn tất thắng”.

Đặng Tiểu Bình thì lại không như thế. Ông biết rằng muốn cô lập Việt Nam thì không thể không nhìn thẳng vào vấn đề đó [tức vấn đề hoạt động lật đổ chính quyền phi cộng sản ở các nước ASEAN]. Muốn bảo vị lão tướng cách mạng dầu dãi phong sương, từng trải trăm trận này nên làm gì ư? Tôi không thể không do dự.

Nhưng ông đã hỏi rồi thì tôi bèn nói thẳng: “Dừng các buổi phát thanh ấy, dừng phát đi những lời kêu gọi. Nếu Trung Quốc có thể không nhấn mạnh mối quan hệ huyết thống với người gốc Hoa ở các nước ASEAN, không lợi dụng tình cảm chủng tộc, thì như thế có lẽ sẽ tốt hơn đối với người Hoa ở các nước ấy. Thực ra, cho dù Trung Quốc có nhấn mạnh mối quan hệ huyết thống hay không thì người bản xứ ở các nước ASEAN đều khó mà xóa bỏ hết sự nghi kỵ đối với người gốc Hoa. Chỉ có điều là Trung Quốc càng không kiêng dè lợi dụng mối quan hệ huyết thống dân tộc Trung Hoa như thế này thì lại chỉ càng khoét sâu mối nghi kỵ của người bản xứ đối với người gốc Hoa mà thôi. Trung Quốc cần phải đình chỉ các buổi phát thanh của đảng Cộng sản Malaysia và đảng Cộng sản Indonesia phát đi từ miền Nam Trung Quốc”.

Đặng Tiểu Bình chỉ nói rằng ông cần thời gian để suy nghĩ về những điều tôi đã trình bày, nhưng nói thêm là bản thân ông tuyệt đối không bắt chước Phạm Văn Đồng. Đặng Tiểu Bình từng nhận được lời mời đến dâng hoa tại Đài kỷ niệm các anh hùng quốc gia ở Kuala Lumpur. Đài kỷ niệm này được tạo dựng để tưởng nhớ những người đã tiêu diệt đảng Cộng sản Malaysia.

Tại sao Đặng Tiểu Bình quyết định tấn công Việt Nam?

Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc nghĩ sao nói vậy. Người Trung Quốc không bao giờ che giấu quan điểm của mình, nói như đinh đóng cột [nguyên văn: nói một câu là một câu]. Trong Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã ra tuyên bố rằng một khi Mỹ áp sát sông Áp Lục thì Trung Quốc không thể ngồi xem bỏ qua. Ngược lại, người Mỹ đã phớt lờ [tuyên bố đó]. Trên chính sách ngoại giao, người Trung Quốc nghĩ thế nào thì phát biểu thế ấy. Viên phiên dịch nói, Đặng Tiểu Bình không có điều gì cần bổ sung về phía Đảng Cộng sản. Thực ra, điều Đặng Tiểu Bình nói bằng tiếng Trung là ông đã “không còn hứng thú nhắc lại”.

Ông cho biết có hai nguyên nhân khiến Trung Quốc một lần nữa phải nói rõ chính sách Hoa kiều: Thứ nhất, các hành động chống Trung Quốc của Việt Nam; thứ hai, dựa trên những cân nhắc nội bộ của Trung Quốc, điều này có liên quan đến tác hại còn lại của Bè lũ Bốn Tên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

[Hồi đó] Thân nhân của Hoa kiều ở lại đại lục bị hành hạ rất thê thảm, số trường hợp bị hãm hại hoặc giam cầm nhiều không kể xiết. Đặng Tiểu Bình muốn tái xác lập lập trường của Trung Quốc đối với Hoa kiều ở ngoài nước, tuyên bố rằng Trung Quốc tán thành và khuyến khích họ chấp nhận quyền công dân của quốc gia họ cư trú, và kêu gọi những Hoa kiều muốn giữ quốc tịch Trung Quốc hãy tuân thủ luật pháp của quốc gia họ cư trú, đồng thời nói rõ quan điểm Trung Quốc không công nhận hai quốc tịch.

Về vấn đề Campuchia, ông đảm bảo với tôi rằng cách giải quyết của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc Liên Xô và Việt Nam ký hiệp ước hợp tác hữu nghị với nhau. Cho dù Việt Nam yêu cầu Liên Xô liên kết đe dọa Trung Quốc thì Trung Quốc cũng không sợ hãi, huống chi Liên Xô cũng chẳng dám trắng trợn gây sự với Trung Quốc. Ông nghiêm nét mặt nói rằng nếu Việt Nam xâm phạm Campuchia thì Trung Quốc tất sẽ trừng phạt Việt Nam. Trung Quốc ắt phải bắt họ trả giá cho điều đó. Rốt cuộc Liên Xô cũng sẽ thấy rằng giúp Việt Nam là một gánh nặng không chịu nổi.

Trong số các nhà lãnh đạo tôi từng gặp, Đặng Tiểu Bình là người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Mặc dù chỉ cao 5 thước Anh, nhưng ông ấy là người tài xuất chúng. Tuy đã 74 tuổi nhưng khi đối mặt với thực tế khó chịu, ông luôn sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình. Hai năm sau, Trung Quốc lần lượt thực hiện những thu xếp khác với các Đảng Cộng sản ở Malaysia và Thái Lan, và quả nhiên từ đó trở đi đã chấm dứt các buổi phát thanh.

Trong bữa ăn tối, tôi mời ông cứ tự nhiên hút thuốc lá. Ông chỉ vào bà vợ và nói rằng bác sĩ yêu cầu bà ấy bắt ông cai thuốc. Và ông đang cố gắng bớt hút thuốc, cả tối hôm ấy ông không hút thuốc và cũng không dùng ống nhổ. Qua đọc báo, ông biết rằng tôi dị ứng với thuốc lá.

Trước khi Đặng Tiểu Bình rời Singapore, tôi lại đến biệt thự Phủ Tổng thống gặp ông và nói chuyện trong suốt 20 phút. Ông rất vui khi được thăm lại nơi ông từng xa cách đã 58 năm. Thay đổi của Singapore quả thật là quá lớn, ông chúc mừng tôi. Ông nói, ông luôn mong rằng trước khi đi gặp cụ Marx sẽ có dịp đến thăm Singapore và Mỹ. Ông từng có duyên nợ với Singapore từ khi đảo quốc này còn là thuộc địa. Ông muốn thăm Singapore vì sau Thế chiến I, ông sang Marseille học tập và làm việc, trên đường có ghé qua Singapore. Ông muốn thăm Mỹ, vì Trung Quốc và Mỹ phải đối thoại với nhau. Mãi cho đến khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia, tôi mới hiểu tại sao ông lại háo hức muốn đi Mỹ đến thế.

Trên đường ra sân bay, tôi không úp mở hỏi thẳng Đặng Tiểu Bình rằng ông định làm gì trong trường hợp Việt Nam thực sự tấn công Campuchia. Liệu ông có bỏ mặc để cho Thái Lan tự chống đỡ một cách yếu ớt và bất lực, liệu ông có lạnh nhạt nhìn họ chịu đựng đủ mọi đe nẹt dọa dẫm rồi sau đó xích lại gần Liên Xô hay không? Ông mím môi, nheo mắt lẩm bẩm: “Điều đó phải xem họ [Việt Nam?] đi bước ấy bao xa”. Tôi nói rằng Thủ tướng Thái Lan đã công khai và toàn tâm toàn ý đón tiếp ông ở Bangkok; ông phải có hành động [đáp lại] mới được. Tướng Kriangsak Chomanan [đương kim Thủ tướng Thái Lan] sẽ còn phải dựa vào Trung Quốc để duy trì sự cân bằng quyền lực nào đó. Xem ra Đặng Tiểu Bình có vẻ rất bối rối, và ông ta lại lẩm bẩm: “Chuyện ấy phải xem họ làm đến bước nào”.

Vài tuần sau, có người đưa tôi xem một bài báo viết về Singapore đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” của Bắc Kinh. [Có thể thấy Trung Quốc] đã thay đổi đường lối đưa tin, [truyền thông của họ] tới tấp mô tả Singapore là một thành phố-vườn hoa, họ nói rằng việc trồng cây, xây nhà chung cư và làm du lịch ở đây đều đáng được khảo sát, nghiên cứu. Chúng ta [Singapore] không còn là con “chó săn của đế quốc Mỹ” nữa. Đến năm thứ hai, cũng tức là tháng 10/1979 thì cảm nhận của Trung Quốc về Singapore lại thay đổi nhiều hơn nữa. Vào thời đó, Đặng Tiểu Bình nói trong một bài phát biểu: “Tôi đã đến Singapore để khảo sát cách họ sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Singapore hưởng lợi từ các nhà máy do người nước ngoài thành lập. Thứ nhất, khoản thuế 35% đánh vào lợi nhuận ròng do các công ty nước ngoài nộp thuộc về sở hữu của nhà nước; thứ hai, thu nhập từ lao động thuộc về người lao động; thứ ba, đầu tư nước ngoài thúc đẩy ngành dịch vụ. Tất cả đều là thu nhập (của quốc gia)”. Singapore mà Đặng Tiểu Bình nhìn thấy năm 1978 đã cung cấp một tiêu chuẩn tham khảo cho những thành tựu cơ bản nhất mà người Trung Quốc đang phấn đấu giành lấy.

Cuối tháng 1/1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và cùng Tổng thống Carter lập lại quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ trong tình hình Mỹ không hứa từ bỏ Đài Loan. Đặng muốn được đảm bảo rằng khi Trung Quốc có hành động tấn công và “trừng phạt” Việt Nam thì Mỹ sẽ không đứng cùng mặt trận với Liên Xô. Đây chính là nguyên nhân tại sao Đặng Tiểu Bình nóng lòng muốn đi thăm Mỹ.

Thời gian ấy tôi đang nghỉ ngơi và chơi gôn tại nhà khách Phủ Tổng đốc Fanling, Hong Kong. Tại đây tôi đã gặp David Bonavia, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc từng làm việc ở báo “The Times”. Ông này cho rằng lời cảnh báo của Đặng Tiểu Bình chẳng qua chỉ là lời đe dọa trống rỗng, bởi lẽ hải quân Liên Xô đã tiến vào Biển Đông. Tôi nói là tôi mới gặp Đặng Tiểu Bình cách đây ba tháng, ông ấy tuyệt đối là người ăn nói thận trọng. Hai ngày sau, cũng tức là ngày 16/2/1979, quân đội Trung Quốc tấn công vào biên giới Bắc bộ Việt Nam.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: , , ,