Hỏi đáp về các vấn đề môi trường liên quan tới tài nguyên biển

Biển là nơi tiếp nhận phần lớn các chất thải từ lục địa theo các dòng chảy sông suối, các chất thải từ các hoạt động của con người trên biển như khai thác khoáng sản, giao thông vận tải biển…

Hỏi đáp về các vấn đề môi trường liên quan tới tài nguyên biển

strong>Biển đem lại cho ta những gì?

Biển và đại dương chiếm 71% diện tích hành tinh với độ sâu trung bình 3.710m và tổng khối nước 1,37 tỷ km3.

Tài nguyên biển và đại dương rất đa dạng được chia ra thành các loại: Nguồn lợi hoá chất và khoáng chất chứa trong khối nước và đáy biển; nguồn lợi nhiên liệu hoá thạch, chủ yếu là dầu và khí tự nhiên, nguồn năng lượng “sạch” khai thác từ gió, nhiệt độ nước biển, các dòng hải lưu và thuỷ triều. Mặt biển và vùng thềm lục địa là đường giao thông thuỷ, biển là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, giải trí, nguồn lợi sinh vật biển.

Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng loạt nhóm động vật, thực vật và vi sinh vật. Hai nhóm đầu có tới 200.000 loài. Sản lượng sinh học của biển và đại dương như sau: Thực vật nổi 550 tỷ tấn, thực vật đáy 0,2 tỷ tấn, các loài động vật tự bơi (mực, cá, thú…) 0,2 tỷ tấn. Năng suất sơ cấp của biển khoảng 50 – 250g/m2/năm. Sản lượng khai thác thuỷ sản từ biển và đại dương toàn thế giới gia tăng, ví dụ năm 1960: 22 triệu tấn; 1970: 40 triệu tấn; 1980: 65 triệu tấn; 1990: 80 triệu tấn. Theo đánh giá của FAO, lượng thuỷ sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn.

Biển và đại dương là kho chứa hoá chất vô tận. Tổng lượng muối tan chứa trong nước biển là 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, iốt và 60 nguyên tố hoá học khác. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu từ biển như dầu khí, quặng Fe, Mn, quặng sa khoáng và các loại muối. Năng lượng sạch từ biển và đại dương hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người.

Biển Đông của Việt nam có diện tích 3.447.000 km2, với độ sâu trung bình 1.140m, nơi sâu nhất 5.416m. Vùng có độ sâu trên 2.000m chiếm 1/4 diện tích thuộc phần phía Đông của biển. Thềm lục địa có độ sâu < 200m chiếm trên 50% diện tích. Tài nguyên của Biển Đông rất đa dạng, gồm dầu khí, tài nguyên sinh vật (thuỷ sản, rong biển). Riêng trữ lượng hải sản ở phần Biển Đông thuộc Việt Nam cho phép khai thác với mức độ trên 1 triệu tấn/năm. Sản lượng dầu khí khai thác ở vùng biển Việt Nam đạt 10 triệu tấn hiện nay và 20 triệu tấn vào năm 2.000.

Biển ô nhiễm như thế nào?

Biển là nơi tiếp nhận phần lớn các chất thải từ lục địa theo các dòng chảy sông suối, các chất thải từ các hoạt động của con người trên biển như khai thác khoáng sản, giao thông vận tải biển. Trong nhiều năm, biển sâu còn là nơi đổ các chất thải độc hại như chất thải phóng xạ của nhiều quốc gia trên thế giới. Các biểu hiện của sự ô nhiễm biển khá đa dạng, có thể chia ra thành một số dạng như sau:

– Gia tăng nồng độ của các chất ô nhiễm trong nước biển như dầu, kim loại nặng, các hoá chất độc hại.
– Gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm tích tụ trong trầm tích biển vùng ven bờ.
– Suy thoái các hệ sinh thái biển như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển v.v…
– Suy giảm trữ lượng các loài sinh vật biển và giảm tính đa dạng sinh học biển.
– Xuất hiện các hiện tượng như thuỷ triều đỏ, tích tụ các chất ô nhiễm trong các thực phẩm lấy từ biển.

Công ước Luật Biển năm 1982 đã chỉ ra 5 nguồn gây ô nhiễm biển: Các hoạt động trên đất liền, thăm dò và khai thác tài nguyên trên thềm lục địa và đáy đại dương, thải các chất độc hại ra biển, vận chuyển hàng hoá trên biển và ô nhiễm không khí.

Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông ngòi mang ra biển như dầu và sản phẩm dầu, nước thải, phân bón nông nghiệp, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp, chất thải phóng xạ và nhiều chất ô nhiễm khác. Hàng năm, các chất thải rắn đổ ra biển trên thế giới khoảng 50 triệu tấn, gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ. Một số chất thải loại này sẽ lắng tại vùng biển ven bờ. Một số chất khác bị phân huỷ và lan truyền trong toàn khối nước biển.

Trong tương lai, do khan hiếm nguồn trên lục địa, sản lượng khai thác khoáng sản đáy biển sẽ gia tăng đáng kể. Trong số đó, việc khai thác dầu khí trên biển có tác động mạnh mẽ nhất đến môi trường biển. Hiện tượng rò rỉ dầu từ giàn khoan, các phương tiện vận chuyển và sự cố tràn dầu có xu hướng gia tăng cùng với sản lượng khai thác dầu khí trên biển. Vết dầu loang trên nước ngăn cản quá trình hoà tan oxy từ không khí. Cặn dầu lắng xuống đáy làm ô nhiễm trầm tích đáy biển. Nồng độ dầu cao trong nước có tác động xấu tới hoạt động của các loài sinh vật biển.

Loài người đã và đang thải ra biển rất nhiều chất thải độc hại một cách có ý thức và không có ý thức. Loại hoá chất bền vững như DDT có mặt ở khắp các đại dương. Theo tính toán, 2/3 lượng DDT (khoảng 1 triệu tấn) do con người sản xuất, hiện đang còn tồn tại trong nước biển. Một lượng lớn các chất thải phóng xạ của các quốc gia trên thế giới được bí mật đổ ra biển. Riêng Mỹ năm 1961 có 4.087 và 1962 có 6.120 thùng phóng xạ được đổ chôn xuống biển. Việc nhấn chìm các loại đạn dược, bom mìn, nhiên liệu tên lửa của Mỹ đã được tiến hành từ hơn 50 năm nay. Riêng năm 1963 có 40.000 tấn thuốc nổ và dụng cụ chiến tranh được hải quân Mỹ đổ ra biển.

Hoạt động vận tải trên biển là một trong các nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm biển. Rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền trên biển thường chiếm 50% nguồn ô nhiễm dầu trên biển. Các tai nạn đắm tàu thuyền đưa vào biển nhiều hàng hoá, phương tiện và hoá chất độc hại. Các khu vực biển gần với đường giao thông trên biển hoặc các cảng là nơi nước biển có nguy cơ dễ bị ô nhiễm.
Ô nhiễm không khí có tác động mạnh mẽ tới ô nhiễm biển. Nồng độ CO2 cao trong không khí sẽ làm cho lượng CO2 hoà tan trong nước biển tăng. Nhiều chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất do hiệu ứng nhà kính sẽ kéo theo sự dâng cao mực nước biển và thay đổi môi trường sinh thái biển.

Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nhân tạo trên, biển có thể bị ô nhiễm bởi các quá trình tự nhiên như núi lửa phun, tai biến bão lụt, sự cố rò rỉ dầu tự nhiên v.v…

Bảo vệ môi trường biển là một trong những nội dung quan trọng của các chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên thế giới. Công ước Luật biển năm 1982, Công ước Marpol 73/78 chống ô nhiễm biển, Công ước quốc tế 1990 về việc sẵn sàng đối phó và hợp tác quốc tế chống ô nhiễm dầu đã thể hiện sự quan tâm của quốc tế đối với vấn đề ô nhiễm biển.

Vì sao không nên biến biển thành thùng rác?

Hàng năm loài người thải ra biển hơn 10 triệu tấn dầu bẩn, trong đó có khoảng 5 triệu tấn được thải ra qua các dòng sông và các khu công nghiệp ven biển, khoảng 1 triệu tấn do rửa khoang chứa của các tàu chở dầu và dầu bẩn của các tàu thuyền khác thải ra. Hàng ngày, con người còn không ngừng đổ ra biển một khối lượng lớn các chất thải công nghiệp như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp và sinh hoạt, chất thải thể rắn và các chất thải phóng xạ, v.v… Biển trở thành một thùng rác khổng lồ không đáy. Biển rộng mênh mông và sâu thẳm, có thể làm trong sạch rất nhiều chất ô nhiễm do con người đổ vào. Nhưng nếu con người không ngừng đổ vào biển các loại chất thải với khối lượng rất lớn và liên tục như vậy thì biển dù rộng lớn đến mấy cũng không thể chịu nổi.

Trong thập kỷ 70, ở vùng biển Đại Tây Dương và biển Bắc đã có hàng chục vạn chim biển và vô số cá biển chết vì ô nhiễm dầu. Con rùa biển lớn nhất thế giới nặng hơn 900 kg tìm thấy ở bờ biển xứ Gan bị tắc ruột chết vì một chiếc túi nilon khổ 15x22cm. Các kim loại nặng đổ ra biển sẽ tích tụ trong cơ thể sinh vật biển. Khi con người ăn những con cá có kim loại nặng sẽ bị nhiễm độc. Chất thải phóng xạ đổ ra biển còn đáng lo ngại hơn. Các chất phóng xạ này trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động thay đổi sự sống của sinh vật hải dương, qua đó xâm nhập vào cơ thể con người, làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư.

Tóm lại, loài người coi biển cả là thùng rác thì rốt cuộc những rác rưởi đó sẽ quay lại gây tai hoạ cho con người. Chúng ta cần biết rằng, khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm của biển là có hạn, bởi vậy con người cần phải xử lý trước khi đổ ra biển các chất nước thải, khí thải, rác rưởi… Không nên vì tiết kiệm công của mà đổ bừa ra biển, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều.

Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?

Biển Việt Nam nhận các chất gây ô nhiễm từ hai nguồn chính là lục địa và từ biển. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu là dầu, hoá chất bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp.

Việt Nam có khoảng 13 hệ sinh thái chính ở biển và đới bờ. Các hệ sinh thái này rất dễ bị tổn thương bởi tác động ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dầu. Theo thống kê của Cục Môi trường (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), kể từ năm 1989 đến nay có gần 20 vụ tràn dầu lớn nhỏ được ghi nhận. Điển hình là:

– Sự cố Quy Nhơn ngày 10/8/1989, hơn 200 tấn dầu FO đã tràn ra Vịnh Quy Nhơn.
– Sự cố Bạch Hổ ngày 26/11/1992, khoảng 300- 700 tấn dầu thô đã tràn ra biển do đứt đường ống mềm.
– Sự cố ngoài khơi Vũng Tàu ngày 20/9/1993, 2000 tấn bột mì và 200 tấn dầu FO và DO đã loang ra một vùng rộng lớn khoảng 640km2.

Thiệt hại kinh tế từ các sự cố ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hơn nữa, hàng năm khoảng 200 triệu tấn dầu thô của các nước vận chuyển thông qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến Nhật Bản và Hàn Quốc, đang tạo nguy cơ không nhỏ về sự cố tràn dầu.

Vì sao nước biển biến thành màu đỏ?

Năm 1971, vào một buổi sáng sớm ngư dân ở vùng biển Kagosin (Nhật Bản) bỗng chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ, chỉ trong một đêm nước biển đang từ màu xanh chuyển sang màu đỏ. Tin tức truyền đi rất nhanh, dân chúng ở các vùng kéo nhau đến bờ biển Kagosin ngắm cảnh đẹp hiếm có, ai cũng tấm tắc khen. Họ đâu biết rằng, đó không phải là một cảnh đẹp mà là một tai hoạ lớn. Chẳng bao lâu, gió từ biển khơi đưa vào mùi tanh nồng rồi xuất hiện vô số cá chết nổi trôi dạt vào bờ biển. Đến lúc đó ngư dân vùng biển Kagosin mới hiểu rằng nguồn sống của họ sẽ bị cạn kiệt.

Chuyện gì xảy ra vậy? Đó là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và phân hoá học ở đồng ruộng đã hoà lẫn với nước mưa chảy ra biển Kagosin. Lẽ ra nước sông, nước ruộng chảy ra biển đem theo các chất hữu cơ và dinh dưỡng như các hợp chất của nitơ, photpho, cacbon với tỷ lệ thích hợp sẽ có ích cho biển. Nhưng các chất dinh dưỡng đó quá nhiều khiến nước biển bị bão hoà, chúng tiêu hoá hết khí oxy hoà tan trong nước biển khiến tôm cá không còn oxy để thở, ngược lại các sinh vật phù du như tảo sinh sôi rất nhanh. Màu đỏ của nước biển chính là màu của một loại tảo. Do các loại tảo có màu khác nhau nên có khi nước biển chuyển thành màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

Nước biển đỏ là kẻ thù lớn của nghề cá. Biển ở đâu xuất hiện màu đỏ, cá ở đó sẽ bị chết vì ngạt thở, không những thế hiện tượng nước biển đỏ xuất hiện không ngắn như ảo ảnh ở biển mà tồn tại khá lâu, có nơi kéo dài tới hơn 1700 ngày như vùng biển Nhật Bản.

Tháng 8/1978, vùng biển Bột Hải ở Trung Quốc cũng xuất hiện hiện tượng nước biển đỏ trên một diện tích 560 km2 suốt hơn 20 ngày. Các nhà khoa học đã kết luận đó là do nguồn nước thải ra từ thành phố Thiên Tân và Bắc Kinh gây ra. Qua đó có thể thấy rằng, hiện tượng nước biển đỏ không phải lây lan từ nước khác sang mà là “sản phẩm” của chính những nước không biết bảo vệ môi trường biển.

Muốn phòng ngừa hiện tượng nước biển đỏ, con người nhất thiết phải giảm bớt việc đổ các chất hữu cơ và các chất giàu dinh dưỡng ra biển.

Vì sao biển sợ nóng?

Năm 1969 nước Mỹ xây dựng một nhà máy điện nguyên tử trên bờ vịnh Bistan. Trước khi xây dựng nhà máy, thuỷ triều lên theo hướng Tây Nam và xuống theo hướng Đông Bắc. Nhưng sau khi nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động, mỗi phút có hơn 2000m3 nước làm mát xả ra biển khiến thuỷ triều ở bờ vịnh Bistan thay đổi theo hướng ngược lại. Không những vậy, nước nóng do nhà máy xả ra đã làm cho khắp một vùng biển rộng lớn 60 ha vốn có nhiệt độ mặt nước 30 – 310C tăng lên tới 33 – 350C, trong đó có 10 – 12 ha mặt biển nhiệt độ lên tới 35 – 360C. Xung quanh ống xả nước nóng nhiệt độ lên cao tới 400C. Nói chung có khoảng hơn 900 ha mặt biển bị nóng lên do nước xả của nhà máy điện nguyên tử.

Trong khu vực 10 – 12 ha nóng nhất hầu như không tìm thấy bất kỳ loại động thực vật nào. Các loại tảo thường thấy như tảo xanh, tảo đỏ, tảo tím đều bị tuyệt diệt, chỉ còn sót lại loại tảo xanh lam. Ở các vùng nước nóng khác, các loài động thực vật biển cũng giảm đi nhiều, nhất là vào mùa hè người ta thường thấy xác tôm và cua nhỏ chết nổi trên mặt nước.

Vì sao lại như vậy?

Đó là vì nhiệt độ nước lên cao làm giảm lượng khí oxy hoà tan trong nước, ảnh hưởng tới quá trình thay đổi tế bào của động thực vật. Các sinh vật quen sống ở nước biển có nhiệt độ bình thường, khi nước biển nóng lên, chúng sẽ chết hoặc chạy trốn tới vùng nước khác mát hơn. Một số loại cá do nhiệt độ nước biển tăng cao đã không tìm được tới nơi đẻ trứng thích hợp hoặc bị nhầm lẫn thời gian và địa điểm nên không thực hiện được việc đẻ trứng di truyền nòi giống. Nhiệt độ nước biển lên cao khiến các sinh vật thích ấm áp sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trong khi đó các loại tôm, cá, trai, sò,… có giá trị kinh tế lại giảm đi nhanh, dẫn đến phá vỡ môi trường sống trong vùng biển đó. Những hiện tượng như vậy thường xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng lên trên 40C so với mức bình thường và người ta gọi là sự ô nhiễm nóng. Trong thực tế có khi không cần nước nóng đến như vậy cũng đủ gây ra hiện tượng ô nhiễm nóng.

Ô nhiễm nóng chủ yếu là do các nguồn nước làm mát thiết bị, máy móc xả ra, trong đó chủ yếu là của ngành công nghiệp điện lực. Các ngành công nghiệp khác như luyện kim, hoá chất, dầu mỏ, cơ khí… cũng góp phần đáng kể gây ra ô nhiễm nóng, nhưng hậu quả của ngành công nghiệp điện lực là đáng lưu ý nhất. Hiện nay sản lượng điện của toàn thế giới mỗi năm tăng 7,2%, khoảng 10 năm sau sẽ tăng gấp đôi.

Ô nhiễm nóng biển đôi khi cũng mang lại lợi ích nhất định. Ví dụ về mùa đông nhiệt độ nước biển tăng lên giúp cho một số loài cá đỡ bị rét cóng. Nhưng xét cho cùng thì lợi ít hại nhiều. Vì vậy nói chung vẫn nên tìm cách ngăn chặn hiện tượng này. Đã có những đề xuất dùng ống dẫn dài xả nước làm nguội máy ra vùng biển xa bờ, hoặc hút nước lạnh ở đáy biển để làm nguội máy. Những phương án này có hiệu quả hay không còn chờ thực tế trả lời.

Vì sao không khí ở bờ biển rất trong lành?

Không khí ở vùng bờ biển chứa một lượng khá lớn anion. Các anion này được gọi là “vitamin không khí”, chúng theo đường hô hấp vào cơ thể con người, cải thiện hoạt động của phổi, tăng thêm khả năng hấp thụ oxy và thải khí cacbonic. Thông thường ở những nơi công cộng trong thành phố, mỗi xăngtimet khối không khí có từ 10-20 anion, trong phòng ở có từ 40-50 anion/cm3, ở bãi cỏ hoặc công viên có 100-200 anion/cm3, trong khi đó ở vùng bờ biển có tới 10.000 anion/cm3, nhiều gấp mấy trăm lần so với trong phòng ở.

Các anion này là các ion mang điện nên có tác dụng hạn chế vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Môi trường nhiều anion sẽ làm tăng công năng thần kinh giao cảm của con người, khiến con người cảm thấy sảng khoái vui vẻ, tăng thêm hồng cầu trong máu.

Vì thế, không khí ở vùng bờ biển rất có lợi cho sức khoẻ con người. Hầu như ai cũng cảm thấy không khí ở bờ biển rất trong lành, hít thở thật sảng khoái, đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh thiếu máu, sưng phổi, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, hen suyễn,… Đó cũng chính là lý do vì sao các trại điều dưỡng ngày càng được xây dựng nhiều ở vùng bờ biển.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG 

Tags: , , ,