⠀
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo nghệ thuật
Giữ tâm linh trong sáng. Đừng để nó bị mờ đi vì tiền tài danh vọng. Tâm linh người nghệ sĩ là ngọn lửa nuôi sống nghệ thuật, nuôi sống con người. Mỗi nghệ sĩ có bước đi riêng, và phải là bước đi thực sự. Phải sống thực thì cuộc sống mới phát triển.
Trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo – Nguyễn Xuân Việt ghi – NXB Văn học, 1998
Cứ vẽ, gặp cái gì vẽ cái đấy. Vẽ cho nhanh, cho kịp cảm xúc của mình. Phải luyện mắt để nhìn, để thấy cái đẹp. Vẽ làm sao phải tạo được cuộc sống, cuộc sống xanh tươi như hoa cỏ. Nếu tự mình không cảm xúc, không sáng tạo, thì không ai có thể giúp mình sáng tạo được.
05.01.1976
Đứng trước thiên nhiên và con người phải xua đuổi mọi lý thuyết, giao cảm trực tiếp với con người và thiên nhiên mình vẽ. Nên tạo sự thông cảm giữa giấy, mực, bút, chất liệu để làm nên tác phẩm. Mỗi chất liệu có tiếng nói riêng, phải hiểu chất liệu của tiếng nói ấy. Tính dân tộc không phải là lý thuyết, định kiến, nó từ tình cảm và cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc tạo nên.Bản chất và tính cách của mỗi người họa sĩ hiện lên trên tác phẩm như thô bạo, trong sáng hoặc khỏe khoắn, yếu ớt… Vẽ nhiều chất liệu, thể loại để mở mang đầu óc.
28.03.1976
Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó. Người nghệ sĩ có sáng tạo, thì để tay vào cái gì, cái ấy thành nghệ thuật.Hãy cứ đi mãi, làm việc mãi, đừng nghĩ đến đích. Chỉ riêng tìm thấy chút cái đẹp mong manh, cũng là cả một quá trình mệt nhọc của người nghệ sĩ. Khi vẽ là chúng ta sử dụng cái hữu hình để nói cái vô hình. Sa lầy vào lý luận, cảm xúc văn học, là rất nguy hiểm. Nhìn hình phải rõ hơn. Vẽ thế nào để người ta thấy: cây này khác cây kia. Chủ yếu là do con mắt, nhìn hình chắc thì nét vẽ chắc, màu chắc.
15.06.1976
Giữ tâm linh trong sáng. Đừng để nó bị mờ đi vì tiền tài danh vọng. Tâm linh người nghệ sĩ là ngọn lửa nuôi sống nghệ thuật, nuôi sống con người. Mỗi nghệ sĩ có bước đi riêng, và phải là bước đi thực sự. Phải sống thực thì cuộc sống mới phát triển. Những cây có hoa thơm, trái ngọt, là những cây thực sự sống. Sống mãnh liệt, sống vui tươi. Nó có biết đâu từ khi nó nhỏ xíu, cho đến lúc nó ra hoa, ra quả…điều phải đến sẽ đến, nếu anh biết sống và làm việc đúng cách, dám đặt ra những cái lớn, để đi sâu vào, đi đến đích. Phải có đề cao với mọi cám dỗ của tiền bạc, danh vọng. Tiền là cái để mình sống và làm việc thuận tiện hơn, khi tạm đủ rồi thì phải hết sức xa rời nó. Đừng bao giờ đem so sánh việc mình làm với người khác. Đi sâu vào thiên hướng mình để tìm ra cái đẹp của riêng mình. Rất ít người có thể sống trong hiện tại. Thường thì người ta sống vì quá khứ hoặc vì tương lai. Người nghệ sĩ làm nghệ thuật, trong lúc làm, đó là họ đang sống hiện tại với cái nghĩa đúng nhất. Làm nghệ sĩ phải chấp nhận đói rách, thiếu thốn. Sáng tạo là mình phải vượt lên mình để tìm cái mới. Bắt chước mình hôm qua là chết.
20.02.1977
Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay. Mà như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối, để tìm cái đẹp. Như người mẹ mang thai, không thể bắt con mình là trai hay gái, đẹp hay xấu. Mà cầu mong ở con người mình, ở chính phúc đức và chính thể chất của mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn và đẹp đẽ. Người nghệ sĩ không thể quyết định được tất cả. Nhưng người nghệ sĩ có trong mình niềm tin là sẽ sáng tạo ra cái đẹp.
30.07.1977
Không nên áp đặt theo ý muốn, không nên làm trái tự nhiên. Phải có bản lĩnh, phát triển hết sức sáng tạo của mình. Không có vẽ giỏi, vẽ khéo, mà chỉ có vẽ bằng tâm huyết, không làm xiếc. Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, có những người sống trong tù quen rồi. Do đó họ không buồn, không băn khoăn vì sự mất tự do của mình. Vẽ là phải cảm thấy tự do, trên tất cả các chất liệu mình sử dụng. Học tập người khác, học để hiểu cái ý vì sao học vẽ như vậy? Còn học hình, màu, cái nhìn thấy, là bắt chước cái vỏ của họ. Vẽ hiện đại là vẽ từ thiên nhiên, từ con người mà ra. Còn những cái mình cho là hiện đại bằng cách nghĩ ra, thì đã cũ rồi vì những cái ấy đã có. Cách làm việc: cứ phát triển theo khả năng của mình. Như cây cỏ lớn lên, tuổi cây có thọ, yểu: cây chuối vài tháng, cây mít năm mười năm. Con người cũng vậy, phát triển chậm nhanh là ở mỗi người. Khi vẽ mình không cần ai khen, không sợ ai chê, không cần bán. Mình làm với lương tâm và ý muốn của mình. Tất cả là ở cái đầu mà ra. Không nên phân biệt trang trí với hội họa.
26.11.1977
Người ta không thể truyền tình cảm của mình vào tranh. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Tự trong mình có cái gì thì sẽ truyền ra như thế. Nghệ thuật là tạo sự thăng bằng. Tình cảm thăng bằng, bố cục thăng bằng. Những tình cảm khác trong cuộc sống thì nên tiết chế. Làm nghệ thuật là để tránh cái ngu xuẩn. Nghệ thuật là tìm tòi. Nếu người ta biết hết cái đẹp rồi thì cần gì phải tìm tòi, cần gì phải vẽ nữa.
22.06.1978
Tình cảm như dầu xăng, cho vào máy thì máy chạy, nếu đổ ra đất thì chỉ là nước. Phải biết điều khiển, điều hòa nó. Học nghệ thuật là phải tự học lấy. Mỗi người có một linh tính. Phải theo sự hướng dẫn của linh tính. Lý luận chỉ bó hẹp trong phạm vi nào đó. Còn linh tính thoát khỏi mọi thứ. Đi học phải biết chọn thầy, chọn bạn. Phải biết bảo vệ linh tính của mình. Không để ai đụng chạm đến linh tính. Một ông thầy đụng chạm đến sáng tạo linh tính của học trò là một ông thầy dốt. Việc chọn lựa dù theo chất liệu nào phải tự mình nghĩ lấy. Thứ nào hợp với mình thì mình theo, không nghe ai cả. Ở nước mình sơn dầu hay bị mốc. Tranh trừu tượng là một ngôn ngữ mới, có làm mới hiểu. Nếu định mười năm nữa sẽ vẽ trừu tượng thì không được đâu. Cái ấy do làm việc mà dẫn đến. Người nghệ sĩ làm việc theo linh tính chứ không theo lý luận. Làm việc càng nhiều thì linh tính càng bén nhạy. Việc tiến đến những cái lớn như người nhen ngọn lửa, lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Những bức tranh đã làm xong không quan trọng. Quan trọng là lúc đang làm. Sau khi làm xong nó như bài tập đã hoàn thành. Phải hướng đến cái khác. Trước kia, “Manet” đi tìm hứng khởi ở tranh Nhật Bản, Picasso đi tìm hứng khởi ở tượng da đen. Mỗi cái mình nhìn, mình xem đều học được một cái gì đó. Mỗi họa sĩ có con đường đi riêng, không ai giống ai, Picasso mà vẽ lại Picasso cũng là trang giả của Picasso. Giữa xã hội và nghệ sĩ như cây với đất, hai thứ ấy nuôi sống lẫn nhau. Giữa tranh cổ điển và tranh trừu tượng, thứ đi bằng chân, thứ đi bằng đầu. Một thứ là ngôn ngữ phổ biến. Một thứ là ngôn ngữ mới nảy sinh. Với ngôn ngữ thông thường nói với nhau còn khó hiểu, huống chi nói bằng ngôn ngữ hội họa. Với người học vẽ đến cao đẳng, thầy dạy đã là một thứ vướng víu. Chọn thầy mình thích và tranh mình thích và xem.
26.11.1978
Nghệ thuật là đi tìm cái thực. Con người mình như thế nào thì nó hiện ra như thế. Không giấu diếm làm giả mạo được. Lúc nào cũng là người đi học. Mỗi tranh làm ra chỉ là phương tiện để mình học, làm việc. Từ công việc mà suy nghĩ, tìm tòi hướng phát triển. Bạn bè, thầy giáo giúp đỡ chỉ là thứ yếu. Tự mình đi là chính. Như cây mọc lên. Từ cái mọc của nó mà rút ra kinh nghiệm. Xem tranh, học ở tranh người khác, phải có trình độ thì mới hiểu được, thấy được vấn đề. Xem nhiều có cái ảnh hưởng lớn cái không đẹp của người ta. Nói chung phải làm việc nhiều. Sử dụng chất liệu này chán, thì chuyển sang chất liệu khác. Người ta không làm nghệ thuật bằng sự thông minh.
Theo THEGIOICF.COM
Tags: Lý luận nghệ thuật, Mỹ học, Nguyễn Gia Trí