Hãy lắng nghe nỗi đau của hang Sơn Đoòng

Tôi nhớ mãi dáng vẻ của người đàn ông đáng tuổi cha tôi đứng khóc giữa Sơn Đoòng – ngôi nhà thứ hai của ông.

Bài viết của tác giả Lê Nguyễn Thiên Hương, chuyên viên Đại học Fulbright.

Tôi đã đến điểm tối nhất trên Trái đất.

Đó là chuyến đi tới hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). Cùng đoàn với chúng tôi có Tiến sĩ Howard Limbert, nhà khoa học người Anh và cũng chính là người đã khám phá ra hang. Hệ sinh thái lớn nhất dưới lòng đất này được báo chí quốc tế cho rằng “gây kinh ngạc” giới nghiên cứu hang động và những người yêu thiên nhiên.

Trải qua 3 ngày đi bộ dưới lòng đất, chúng tôi đến được điểm này. Tiến sĩ Howard yêu cầu cả đoàn tắt đèn pin. “Đây là một trong những điểm tối nhất trên Trái Đất”, ông nói.

Ngay lập tức, tôi cảm thấy nghẹt thở. Bóng tối tuyệt đối nuốt chửng thể xác chúng tôi. Tôi giơ tay ra trước mặt mình, không thấy tay đâu. Tôi nhìn xuống dưới chân mình, không thấy chỗ mình đứng. Lúc đó tôi đã nghĩ: Phải chăng khi chết mình sẽ cảm giác như thế này? Khi mình vẫn còn ý thức, nhưng không còn cơ thể. Khoảnh khắc đó, tôi nhận ra: Trước thiên nhiên, con người bất lực đến thế nào.

Từ những năm học cấp hai, lớn lên với những tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng của Jules Verne, tôi đã ấp ủ được “80 ngày vòng quanh thế giới,” “20 vạn dặm dưới đáy biển” và đặc biệt là “Cuộc du hành vào trung tâm Trái đất”. Tôi có ngờ đâu, thế giới kỳ vĩ đó nằm ngay tại đất nước mình. Khi đang du học ở Mỹ, tôi đã để ý đến tin hang Sơn Đoòng được phát hiện và xác nhận là “thế giới dưới lòng đất lớn nhất”. Nhưng phải tới 2014, bàn chân tôi chạm mới cửa hang. Một vương quốc tách biệt với loài người mở ra, đánh thức một tình yêu khám phá mà tôi đã mơ từ rất lâu. Và điều làm tôi luôn nghĩ về quần thể này chính là điểm sâu nhất, tối nhất, khiến tôi bừng tỉnh về sự hữu hạn của con người.

Song tôi nhớ mãi dáng vẻ của người đàn ông đáng tuổi cha tôi đứng khóc giữa Sơn Đoòng – ngôi nhà thứ hai của ông. Trong lúc buồn rầu, ông đã nói: “Tôi thấy có lỗi với Sơn Đoòng, tìm ra nó làm gì để bây giờ Sơn Đoòng gặp nguy hiểm”.

Chính câu nói ấy là động lực cho tôi hành động. Tôi và cộng sự, chúng tôi đã lập ra dự án #SaveSonDoong, nơi để cộng đồng nói “có” với lời kêu gọi gìn giữ di sản duy nhất tạo hóa ban cho đất nước mình. Hơn 220.000 người đã đồng ý chung tay cùng chúng tôi.

Một trong những hành động thiết thực nhất để gìn giữ Sơn Đoòng là đến hang với mật độ thấp và có ý thức, là tìm hiểu về hang để không gây hại cho hệ sinh thái mong manh này.

Vì sao mọi người muốn đến thăm Sơn Đoòng? Tôi đoán hầu hết câu trả lời sẽ là “vì nó đẹp”. Nhưng liệu Sơn Đoòng có còn đẹp và quý khi chúng ta ồ ạt đến hang bằng việc kích hoạt du lịch đại trà ở đây?

Thứ nhất, về mặt sinh học, hệ sinh thái hang động là hệ sinh thái nhạy cảm. Nó tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhất là với một hang động chưa từng có bước chân con người trong suốt 2-5 triệu năm như Sơn Đoòng, cho mãi đến tận 2009. Những động thực vật bên trong Sơn Đoòng đã thích ứng với môi trường không hoặc ít ánh sáng qua nhiều thế hệ. Có những loài động vật đã bị tiêu biến hoàn toàn thị giác và phải phát triển giác quan khác để di chuyển trong môi trường bóng tối. Và vì vậy, hệ thần kinh của chúng trở nên đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng. Nếu hàng trăm, hàng nghìn người ùn ùn kéo đến du lịch, đem theo lượng ánh sáng, tiếng ồn, cũng như CO2 (do con người thở ra) sẽ tạo nên sự thay đổi đột ngột, đe dọa nghiêm trọng hệ động thực vật nơi đây.

Thứ hai, về mặt địa chất, những công trình lớn được xây dựng cận biên hang Sơn Đoòng sẽ hủy hoại kết cấu rất mỏng manh của nó. Các nhà khoa học đã khẳng định hang “không phù hợp cho bất cứ công trình xây dựng lớn nào”. Hang được hình thành trên trục đứt gãy Bắc-Nam của bề mặt Trái Đất. Hai điểm Sơn Đoòng có ánh sáng vào, cũng là 2 điểm đẹp nhất, lại là 2 điểm trần hang quá yếu, đã sụp vài trăm ngàn năm trước. Một sự khởi công xây dựng có thể kích hoạt sự sụp đổ hàng loạt, gây nguy hiểm không chỉ cho hang, mà còn có thể biến hang thành mồ chôn tập thể hàng ngàn du khách.

Thứ ba, về mặt trải nghiệm du lịch, vẻ đẹp tuyệt vời mà chúng ta đã biết đều là những khung hình chỉ có tối đa một vài người. Cảnh hoang sơ đó sẽ như thế nào nếu ken đặc người, liệu ta còn tận hưởng được thiên nhiên khi đứng giữa hàng nghìn du khách khác?

Với niên đại 2-5 triệu năm tuổi, Sơn Đoòng đã tồn tại trên Trái đất từ trước khi loài người (homosapiens) xuất hiện. Thiên nhiên đã luôn mãi đứng đó, ngạo nghễ nhưng chan hòa với loài người.

Bài toán được đặt ra ở đây là: giữa quyền thụ hưởng của con người và quyền tồn tại của một di sản, cái nào đáng đánh đổi cho cái nào? Cá nhân tôi cho rằng quyền được sống phải là quyền cao nhất, dù đó là quyền sống của một sinh vật vô danh hay bất cứ ai.

Có rất nhiều câu hỏi lớn được đặt ra khi bàn đến việc khai thác du lịch tại Sơn Đoòng. Và bởi vì Sơn Đoòng không biết “nói”, nên chính chúng ta phải có trách nhiệm suy ngẫm kỹ về những câu hỏi đó trước khi quyết định điều gì.

“Những kỳ quan thế giới như Sơn Đoòng và Hạ Long cần được bảo tồn cho con và cháu chúng ta”, cựu tổng thống Obama phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016.

Một người Mỹ có thể nói câu đó, cớ gì những người Việt Nam lại dửng dưng khi may mắn được ban cho một di sản quý giá và duy nhất trên Trái đất này.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,