Hà Nội cấm xe máy – dù có ‘đau như hoạn’ thì cũng phải làm

Cấm xe máy dĩ nhiên sẽ làm xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng sinh kế nhiều người, nhưng đây là cách duy nhất để tiến lên văn minh, hiện đại.

Hà Nội cấm xe máy – ‘đau đớn’ đến mấy cũng phải làm

Cấm xe máy, một vấn đề đã được đặt ra từ hàng chục năm trước, ở cả Hà Nội và TP HCM. Và theo lẽ dĩ nhiên, những chuyên gia nêu đề xuất tại thời điểm đó, nếu có dùng mạng xã hội, có lẽ sẽ “nhận đủ gạch đá để xây hẳn một căn biệt thự”.

Nhưng theo thời gian, tôi thấy dần dần cũng có một số lượng người ủng hộ nhất định. Và bây giờ tỷ lệ người ủng hộ đã tăng lên rất nhiều so với trước để “trung hoà” lại với những người còn muốn gắn bó với những chiếc xe máy ở thành thị. Xem ra, dần dần có người nhận ra tác hại của xe máy đối với đô thị và sẵn sàng chịu hy sinh lợi ích riêng.

Trong một cuốn sách về văn hoá, có một đoạn nói về tính cách của người Việt mà tôi rất tâm đắc. Tác giả nói rằng chúng ta ưa tính tiện lợi, tiện lợi một cách tuỳ tiện. Và như một cuộc sắp đặt, chiếc xe máy dường như được chế tạo ra là để dành cho người Việt. Một phương tiện nhỏ gọn, dễ luồn lách, giá tiền đủ mọi phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Theo một nghiên cứu TP HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy trên 1.000 dân, Hà Nội là 653, ở Bangkok (Thái Lan) 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160. Hầu như 98% gia đình đều sở hữu ít nhất một chiếc xe máy.

Dĩ nhiên, tôi cũng là một trong số người sở hữu là sử dụng xe máy. Thỉnh thoảng tôi cũng đi xe buýt nhưng vẫn chọn xe máy làm phương tiện đi lại chính.

Dùng xe máy, tôi có thể chạy lên vỉa hè nếu gặp kẹt xe để đi nhanh hơn. Nhưng cũng chính tôi là một trong những người góp phần làm vỉa hè bong tróc. Dùng xe máy, tôi tha hồ tắp vào lề đường, í ới bà chủ tạp hoá để mua hàng ngay khi ngồi trên xe mà không cần phải xếp hàng gửi xe vào siêu thị. Dùng xe máy, tôi đến quán cà phê và được bảo vệ hướng dẫn dựng xe ở trên vỉa hè, tôi đã “chiếm dụng” không gian của người đi bộ một cách vô tư.

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm xe máy. Cấm càng sớm càng tốt. Không cấm thì đô thị tiếp tục nhếch nhác, tắc đường, ô nhiễm…

Về mặt quản lý hành chính, không thể kêu gọi suông người dân bớt dùng xe máy để đi xe công cộng. Theo thuyết vị lợi, con người luôn có xu hướng chọn những giải pháp có lợi nhất cho mình. Rõ là tôi nhận thức được tác hại của xe máy, nhưng tôi vẫn dùng. Bởi chỉ một mình tôi đi buýt, trong khi hàng triệu người khác vẫn ung dung trên con xe máy đầy tiện lợi thì tôi lạc lõng và cảm thấy sự hy sinh của mình là vô ích. Một cánh én không làm nên mùa xuân là vậy.

Dĩ nhiên cấm xe máy sẽ gây những xáo trộn cực lớn trong người dân thời gian đầu. Bởi chúng ta đã “đi và ăn” với xe máy quá lâu rồi. Nhưng phải cấm các bạn ạ. Có cấm thì mới phát triển được giao thông công cộng, còn để xe máy sẽ không bao giờ phát triển được vì cái vòng lẩn quẩn là không thể phát triển hạ tầng.

Không cấm xe máy thì không có không gian phát triển giao thông công cộng. Dù mới có vài tuyến metro, nhưng bên cạnh đó còn có xe buýt, buýt nhanh BRT, xe buýt điện… những loại hình này sẽ được dịp phát huy vai trò của chúng.

Nếu không mạnh dạn cấm, ta sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn như mấy chục năm nay. Bởi số lượng xe máy mỗi năm chỉ có tăng lên mà không giảm đi.

Cấm xe máy, “lùi” một bước vì hy sinh thói quen tiện dụng hàng ngày, có thể đụng chạm đến chén cơm của nhiều người, của các ngành dịch vụ. Nhưng đây là lùi một bước để lấy đà tiến xa hơn hai, ba bước. Đô thị sẽ ngăn nắp hơn, không còn hàng triệu chiếc xe máy như bầy ong vỡ tổ mỗi sáng, chiều. Cấm xe máy, dù có “đau đớn” cũng phải làm.

Theo THÀNH HƯNG / VNEXPRESS

Tags: , ,