Gorbachev rút Cụm quân phía Tây khỏi Đức: 28 tỉ USD của nước Nga nghèo khó ‘bốc hơi’

Tính đến ngày 31/8/2019 là tròn 25 năm kể từ thời điểm kết thúc chiến dịch Nga rút Cụm quân phía Tây ra khỏi nước Đức. Đỉnh điểm của một chiến dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quân sự thế giới nhằm xóa bỏ cụm quân này này xảy ra vào những năm 1992 – 1993.

Gorbachev rút Cụm quân phía Tây khỏi Đức: 28 tỉ USD của nước Nga nghèo khó ‘bốc hơi’

Bài viết và phỏng vấn của phóng viên báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” Nga Olef Falichev, đăng ngày 30/7/2019.

Mặc dù thời hạn rút quân thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã khá gấp gáp nhưng sau đó còn bị cắt giảm thêm bốn tháng, giống như là một cuộc chạy trốn.

Các đơn vị đã phải rút ra “vùng trống”, phần lớn bất động sản như các khu nhà ở và kho bãi, nhà máy, các doanh nghiệp thương mại, v.v. trị giá 28 tỷ USD đã bị bỏ hoang. Hầu hết các đơn vị quân đội lừng lẫy ngay lập tức bị giải thể sau khi trở về quê hương.

Khía cạnh được ít người biết đến của chiến dịch này là vấn đề tài chính. Thượng tướng Vasily Vorobyev, Thủ trưởng Cục ngân sách quân sự và tài chính của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga (1991-1995), đã trả lời phỏng vấn báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” về vấn đề này.

– Thưa đồng chí Vasily Vasilyevich, từ tháng 10/1991, ông là người đứng đầu dịch vụ tài chính của Lực lượng Vũ trang Liên Xô, và sau đó là Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga và là người giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút quân từ nước ngoài về, trong đó có cả việc rút Cụm quân phía Tây.

Ông nghĩ thế nào về việc di dời một cụm quân gồm gần nửa triệu người và một lượng lớn thiết bị và vũ khí như vậy? Bởi vì, hiện nay đã phát hiện ra rằng: khi chuẩn bị ký kết hiệp ước và thỏa thuận giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức, người ta đã bỏ qua nhiều thiếu sót nghiêm trọng, khiến cho việc đảm bảo tài chính để thực hiện nhiệm vụ chính trị – quân sự trở nên khó khăn?

– Đây thực sự là một điều chưa từng có trong quy mô hoạt động chiến lược quân sự, và rất tiếc là nó đã được thực hiện một cách vội vàng. Chỉ vì để đáp ứng tham vọng cá nhân của một số chính trị gia mà phải hy sinh các vấn đề tổ chức và tương lai của nhiều gia đình sĩ quan. Và cuối cùng là uy tín của Quốc gia cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

“Sau đó, Đức đã không trả lại cho chúng ta 50% số tiền như thỏa thuận, mà đã khấu trừ một cách vô lý, được coi là khoản thanh toán cho những thiệt hại gây ra cho môi trường.”

Trong thỏa thuận ngày 9/10/1990 giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức có xác định các vấn đề hỗ trợ tài chính cho việc rút cụm quân này, ngay ở mục đầu tiên đã xác định rằng phía Liên Xô sẽ chịu các khoản chi phí liên quan đến việc duy trì và cư trú tạm thời của quân đội, của cán bộ chiến sỹ và gia đình họ trên lãnh thổ nước Đức.

Nghĩa là, chính chúng ta (Nga- ND) phải trả tiền cho việc cư trú của quân đội Nga trên đất nước này. Còn liên quan đến việc rút quân, tôi cho rằng chúng ta không chỉ quá vội vã (vì quân đội Mỹ vẫn còn ở đó đến tận bây giờ), mà còn bị thiệt hại nặng nề về vật chất.

Hơn nữa, không có ai xô đẩy chúng ta đến bước này. Đây hoàn toàn là sáng kiến ​​của phía Liên Xô và cá nhân Gorbachev. Không ai thực sự đánh giá cao bước đi vì hòa bình này của đất nước chúng ta, ngoại trừ việc Gorbachev trở thành “người Đức tốt nhất”, như ông ta được vinh danh ở Đức.

– Chúng ta thường nghe thấy rằng: Dường như, để đền đáp lại việc Nga rút quân, Đức đã hứa sẽ hỗ trợ vật chất đáng kể cho chúng ta. Helmut Kohl sau đó viết trong hồi ký của mình rằng họ mong đợi những hóa đơn khổng lồ từ phía chúng ta để đền bù cho việc trả lại đất cho họ, điều mà chúng ta đã không làm. Vậy trên thực tế, có bao nhiêu kinh phí đã được Đức chi trả và cho những mục đích gì?

– Tôi chưa từng nghe về những khoản tiền lớn nào cả và khẳng định rằng không có bất kỳ tài liệu nào giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức đã đưa ra hoặc thậm chí là truy cứu một quyết định như vậy.

Để xây dựng các hiệp ước về việc rút quân Liên Xô ra khỏi Đức và hợp tác quy mô lớn, một Hiệp định về một số biện pháp chuyển tiếp đã được ký kết vào ngày 9/10/1990, trong đó quy định cam kết của chính phủ Đức trong thời gian từ năm 1991-1994 sẽ chi 7 tỷ mark để trả cho các chi phí duy trì và rút quân của Liên Xô trong đó

– 4 tỷ mark chi trả không hoàn lại, chuyển khoán vào quỹ chuyển tiếp, bao gồm 1 tỷ đồng để trang trải chi phí vận chuyển;
– 3 tỷ mark như một khoản vay không lãi suất cho phía Liên Xô;
– 0,2 tỷ mark chi phí đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho quân nhân giải ngũ.
– Vấn đề xây dựng nhà ở cho quân đội của chúng ta trên lãnh thổ Liên bang Nga được xem xét riêng. Và với mục đích này, phía Đức đã chi trả 7,8 tỷ mark (cho chương trình xây dựng nhà ở riêng cho đội quân được rút về). Sau đó, số tiền này được tăng lên thành 8,35 tỷ mark.

– Số tiền này có giải quyết được tất cả các vấn đề mà ông đã đề cập không?

– Số tiền được phía Đức chi trả thực sự bèo bọt và hoàn toàn không tương xứng với chi phí của chúng ta, điều này ai cũng thấy rõ khi thảo luận về các thỏa thuận. Nhưng không ai dám gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán, không dám lập luận chứng minh cho những dự toán chi phí thực sự. Và trong giai đoạn đó tôi không được tham gia vào việc này.

Nếu nói cụ thể hơn, thì với số tiền được phía Đức trả, chúng ta rất khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề di chuyển cụm quân. Đó là chưa kể đến việc Ba lan mượn cớ tăng phí vận chuyển các chuyến tàu đi trên lãnh thổ của họ. Đó là tôi còn chưa nói về việc đào tạo và chuyển đổi ngành nghề cho các quân nhân phục viên, bởi rất khó để tính trước được số tiền chi phí.

Trong các lĩnh vực chi phí khác, số tiền chi trả cũng bị hạn chế nghiêm ngặt và rõ ràng là không đủ. Hơn nữa, các thỏa thuận được ký kết không tính đến việc tăng giá ở Đức và không lường trước được các hoạt động khác đòi hỏi phải chi phí bổ sung đáng kể.

Trong giai đoạn 1991-1993, mức tăng phí tiện ích công cộng nơi quân đội Liên Xô đóng ở Đức dao động từ 21 đến 75%, điều này đòi hỏi phải chi phí thêm 150 triệu mark, và chỉ sau nhiều cuộc đàm phán, mức phí mới được chốt ở mức tháng 12/1992.

Vào thời điểm này, quân đội của chúng ta đã thực hiện việc cải tạo lại đất đai rất lớn. Mỗi ngày, có tới hơn 20 nghìn người và 800 thiết bị tham gia vào công việc này.

Ta đã tiến hành tái bố trí lại 174 đơn vị quân đội và các hoạt động khác. Tất cả điều này được thực hiện theo yêu cầu của chính quyền Đức, trong đó tiêu tốn tới hàng trăm triệu mark. Nhưng phía Đức đã không hoàn trả các khoản này do thiếu một cơ chế hợp đồng thích hợp.

Chúng ta cũng đã phải chịu những tổn thất đáng kể khi chi tiền để bù đắp cho các thiệt hại khác nhau. Thỏa thuận giải quyết khiếu nại liên quan (dựa trên luật pháp của Đức) chỉ xác định các điều khoản chung, trong đó lợi ích của chúng ta không được tính đến.

Ví dụ, nạn nhân là công dân Đức, nếu bị thiệt hại do lỗi của chúng ta, có quyền đòi bồi thường thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần, trong khi đó nếu nạn nhân là quân nhân, nhân viên dân sự và thành viên gia đình của chúng ta thì chỉ được bồi thường thiệt hại về vật chất.

Vì vậy, người của chúng ta không được bảo vệ theo đúng nghĩa. Trong hơn hai năm, Cụm quân phía Tây đã phải nghiên cứu, tìm kiếm để đạt được một cơ chế có thể chấp nhận được nhằm điều chỉnh hợp pháp các khiếu nại lẫn nhau.

– Trong những điều kiện như vậy, làm thế nào để có thể tìm được nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ được đặt ra và giải quyết các vấn đề phát sinh? Theo như chúng tôi biết, các vấn đề này đã được hai bên, bao gồm nhiều ủy ban đưa ra xem xét.

– Ngày 20/1/1992, theo Nghị định số 35 của Chính phủ Liên bang Nga, tôi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban quản lý quỹ chuyển đổi đặc biệt, trong đó có Thứ trưởng Bộ Tài chính Anatoly Golovaty, Thủ trưởng Tổng cục truyền thông quân sự của các lực lượng vũ trang các nước SNG Vadim Grebennikov, Thứ trưởng thứ nhất Bộ giao thông Nga Albert Bevzenko, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Vladimir Rabotyazhev và những quan chức khác.

“Trong những năm đó, Yeltsin đã kiếm được khoản vay hơn 120 tỷ đô la nhưng lại tiếc rẻ, không chi 3 tỷ mark cho Bộ Quốc phòng”

Sau khi ông Pavel Grachev – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga – được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Liên ngành điều phối các hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Cụm quân phía Tây, tôi đã báo cáo với ông về các vấn đề liên quan tới tài chính của Cụm quân phía Tây.

Sau đó, vào tháng 12/1992, một cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga và phía Đức đã diễn ra tại Bon. Tại cuộc họp trên, tôi đã báo cáo cụ thể lý do thiếu vốn. Nhưng đại diện chính quyền Đức tuyên bố: những vấn đề này không nằm trong nội dung sửa đổi.

Những vấn đề tài chính buộc chúng ta phải vội vàng cung cấp 2,7 triệu tấn dầu cho CHDC Đức, còn trong số 3 tỷ mark Liên Xô nhận được từ CHLB chỉ có 520 triệu mark được phân bổ cho việc duy trì và rút nhóm quân này.

Tình trạng này tiếp tục diễn ra dưới thời Yeltsin. Cả ông Yeltsin lẫn chính phủ đều không đi sâu vào các vấn đề rút quân và cũng không đưa ra trợ giúp gì. Số tiền duy nhất 300 triệu mark dành cho toàn bộ giai đoạn rút quân chúng tôi nhận được vào tháng 12/1991. Nói cho đúng hơn, đó là số tiền mà chúng tôi nhận được sau nhiều lần đích thân đề nghị Yeltsin.

Hơn thế, Chính phủ không chỉ không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng để tài trợ cho Cụm quân phía Tây, buộc các quân nhân phải chuyển sang công việc kinh doanh hoặc phải tự túc, mà còn cắt giảm ngân sách quân sự hết năm này sang năm khác.

Tình hình của Cụm quân phía Tây đã trở nên trầm trọng hơn khi Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ngừng cung cấp phương tiện kỹ thuật và thực phẩm. Điều này buộc họ phải mua những thứ đó tại địa phương bằng ngoại tệ. Vào những thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi thậm chí đã phải sử dụng số ngoại tệ lấy từ nguồn dự trữ chiến lược của tổ chức Hiệp ước Warsaw.

– Các biện pháp để tiết kiệm ngân sách là gì, chúng có hiệu quả như thế nào?

– Trước tiên, chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để giảm chi phí duy trì quân đội, để tiết kiệm tất cả các khoản vật chất và tài chính có thể, và tìm thêm các nguồn tài chính ngoài ngân sách. Nếu không có điều đó thì khó có thể rút quân đúng hạn.

Trong giai đoạn từ năm 1991-1994, Cụm quân phía Tây đã nhận được 234,6 triệu mark từ nguồn ngoài ngân sách. Nhờ có chính sách tiết kiệm tiền tệ, nên chúng tôi đã chuyển được hơn 500 triệu mark cho trung tâm và 60 triệu mark cho Quân khu Leningrad để mua căn hộ cho các sĩ quan.

Điều này có được là nhờ sự nỗ lực to lớn của bộ chỉ huy lực lượng cụm quân, lãnh đạo Cục Tài chính Bộ quốc phòng và các cán bộ tài chính các cấp.

Chúng tôi đã kiếm được hàng tỷ mark ngoài ngân sách từ các việc:

– Cho thuê mặt bằng, sân bay, đất đai, lắp đặt biển quảng cáo;
– Bảo quản và bàn giao trước thời hạn cho phía Đức các tòa nhà ít sử dụng, các cơ sở sản xuất, doanh trại và nhà ở – – không được sử dụng đúng mức, ngắt kết nối với nguồn điện và nước những nơi không sử dụng;
– Giảm thiểu việc thuê các kênh truyền thông;
– Giảm số lượng các chuyến công tác ra nước ngoài;
– Hạ thấp giá các loại thực phẩm, nhiên liệu và các vật chất khác cần mua sắm.

– Cơ chế nhận tiền từ phía Đức là gì?

– Quy mô chi trả của họ được xác định hàng quý tại các cuộc họp của nhóm làm việc, đứng đầu là lãnh đạo quỹ chuyển tiếp đặc biệt của Liên bang Nga tại Bộ Tài chính Đức, nơi có đại diện của Bộ Kinh tế, Giao thông vận tải và các cơ quan ban nghành khác.

Theo đuổi kết quả của những cuộc họp như vậy quả là rất khó khăn, nhưng hầu như lúc nào chúng tôi cũng có thể đạt được số tiền vượt quá số lượng đề xuất của phía Đức. Điều này cho phép đặt tiền tệ miễn phí tạm thời có lãi trong các ngân hàng và theo cách này để có thêm kinh phí.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , ,