Giấy khen được phát tràn lan và bệnh thành tích trong giáo dục

Những năm gần đây, người ta giật mình khi nhắc đến bệnh thành tích trong giáo dục, về những con số tròn trịa trong các báo cáo, về những tấm giấy khen được phát tràn lan…

Giấy khen được phát tràn lan và bệnh thành tích trong giáo dục

Thời tôi đi học, việc dạy và học có sự thực chất của những điểm số. Lớp tôi gần 40 người nhưng chỉ có 3-5 học sinh tiên tiến, không có học sinh giỏi, còn lại trung bình.

Việc ở lại lớp thời ấy cũng là bình thường bởi nếu bạn nào không đủ điểm lên lớp đều được cho học lại như một cách giúp cho người học không hụt kiến thức. Số khác thì phải thi lại, để lên lớp, các bạn phải chịu khó ôn luyện trong mùa Hè để khoảng đầu tháng 8 thì nhà trường sẽ tổ chức thi.

Vì rất khó để có học sinh giỏi nên bạn nào cũng phấn đấu và ai đạt danh hiệu học sinh giỏi đều xem đó là thành tích đáng ngưỡng mộ.

“Quan trọng học để làm gì và làm được gì, hay có đóng góp ra sao cho xã hội. Mặt khác, học để sống ra sao cho thật hạnh phúc chứ không phải điểm số, không phải để lớp, trường báo cáo những con số cho thật đẹp, để giáo viên hoàn thành chỉ tiêu”.

Nhưng học sinh giỏi thời nay rất khác… Khác bởi vì nhà nhà đều có giấy khen, mà như có ai đó từng nói: “Thời nay thần đồng nhiều quá”.

Vài năm trước, tôi bất ngờ khi nghe cháu mình nói, lớp con chỉ có 2 học sinh trung bình, còn lại khá giỏi. Gần như cả lớp của cháu nhận giấy khen và phần thưởng dù cháu không học ở trường chuyên.

Nhìn quanh, tình trạng lớp nào cũng có rất nhiều học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và không có em nào lưu ban đã trở nên phổ biến hiện nay.

Có thể học sinh đã giỏi hơn ngày trước? Hay do cách đánh giá có phần dễ hơn? Sao giờ nhiều giấy khen thế?

Những câu hỏi ấy thấp thoáng trong đầu khi đâu đó, dư luận và chính người trong ngành cũng hoang mang với kết quả cao ngất ngưởng trong những đánh giá học trò. Và người ta nêu ra một căn bệnh gọi là “bệnh thành tích” đã khiến những con số ngày càng tròn trịa – tròn trịa đến mức khó tin.

Phụ huynh nào cũng muốn con mình học giỏi, thầy cô – ai cũng mong trò mình xuất sắc và đạt được nhiều thành tích tốt. Và khi cả trường khá giỏi, vài em trung bình là nỗi buồn, đôi khi sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp và điểm thi đua của chính giáo viên chủ nhiệm.

Do đó, trước mỗi kỳ thi, giáo viên sẽ đôn đốc học sinh ôn bài, nhiều em vì để đạt điểm cao nên học tủ, học gạo. Không khó hiểu khi điểm 9, điểm 10 nhan nhản khắp nơi và giấy khen như “nấm mọc sau mưa”. Và mỗi buổi tổng kết năm học hoặc khai giảng, nhà trường sẽ tự hào về những báo cáo thành tích.

Sẽ thật tuyệt vời nếu những báo cáo thành tích ngành giáo dục đạt 100% là con số thật. Rất tiếc, đâu đó lại là con số “ảo” của những nỗ lực làm tròn cho đẹp vì áp lực thi đua, áp lực thành tích.

“Có một căn bệnh mang tên thành tích đã khiến những con số trong báo cáo giáo dục ngày càng tròn trịa – tròn trịa đến mức khó tin. Học sinh giỏi thời nay cũng rất khác… Khác bởi vì học sinh nào cũng có giấy khen, mà như có ai đó từng nói: Thời nay thần đồng nhiều quá”.

Thực sự rất nguy hại khi theo đuổi những con số không thực chất từ chuyện dạy và học. Với thầy cô giáo – vì “bệnh thành tích”, vì bị áp thi đua mà buộc phải cho điểm cao hơn thực lực của học sinh, tìm cách “kéo” em này em kia lên để đủ điểm “giỏi” hoặc để số lượng học sinh đạt giấy khen cao hơn.

Dần dà, chính thầy cô sẽ xem sự không thật trong kết quả của ngành là bình thường. Tôn trọng sự thật, những giá trị thật là điều mà nhà giáo cần làm và gìn giữ trong suốt quá trình làm nghề.

Với học sinh, chưa giỏi nhưng “đôn” lên giỏi, còn yếu nhưng lại được đẩy lên lớp thì các em sẽ ảo tưởng năng lực của mình. Niềm vui của phụ huynh có con học khá giỏi cũng rất mong manh như những tấm giấy khen mà các con nhận về hằng năm.

Thực ra, quan trọng học để làm gì và làm được gì, hay có đóng góp ra sao cho xã hội? Mặt khác, học để sống ra sao cho thật hạnh phúc chứ không phải điểm số, không phải để lớp, trường báo cáo những con số cho thật đẹp, để giáo viên hoàn thành chỉ tiêu.

Có thể thấy, “bệnh thành tích” len lỏi trong học đường sẽ giết chết sự nỗ lực của nhiều người thực tài bởi họ bị… cào bằng; còn người chưa giỏi thì nghĩ mình đã giỏi và thôi cố gắng.

Ở đâu đó, căn bệnh này cũng đã đẩy nhiều học sinh đến stress, trầm cảm do bố mẹ đặt ra cho con quá nhiều đòi hỏi từ chuyện học, trong khi năng lực con có giới hạn.

Một người trẻ để phát triển cần có hiểu biết toàn diện, được cân bằng giữa việc học và việc chơi. Người lớn có sức chịu đựng tốt hơn nhưng khi đối diện với quá nhiều áp lực còn trầm cảm, huống hồ các em đang tuổi ăn tuổi học, tâm hồn trong sáng.

Cân bằng và công bằng trong đánh giá năng lực con người chính là cách xây dựng lòng trung thực trong mỗi đứa trẻ và thúc đẩy sự phát triển đúng đắn của mỗi người, để các em được sống thật với chính mình.

Theo TẤN KHÔI / THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: