Giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết về xứ Đàng Ngoài: Gặp chúa Trịnh Tráng

Người Bồ đi với chúng tôi dâng ngài những phẩm vật rất thích hợp và rất đúng lúc, nghĩa là những vũ khí đẹp và hoàn bị để bảo vệ bản thân ngài nếu ngài muốn sử dụng khi ra trận.

Tác giả: Alexandre De Rhodes.

Nguồn: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội.

Trong khi chúng tôi đã rửa tội được ba mươi hai người ở Đàng Ngoài, thì có một sứ giả nhân danh chúa Trịnh Tráng cho chúng tôi hay rằng vì chúa thân chinh xuất trận đánh Đàng Trong (*) nên chúa đợi chúng tôi trên quãng đường chúa đi.

Thế là chúng tôi xuống một chiếc thuyền của viên hoạn quan được chúa sai đến để dẫn chúng tôi.
Hai ngày sau chúng tôi vào một sông lớn rộng hơn mười dặm, nơi chúng tôi được gặp chúa. Trước thuyền của chúa, mở đầu là hơn trăm thuyền chiến rất trau chuốt, lóng lánh vàng, và tô những bức họa đẹp. Quân binh đều mặc nhung phục và mỗi người đều đội thứ mũ tròn màu tía với võ khí hợp thời đẹp và bóng loáng. Tất cả quân binh đều tỏ ra vừa trịnh trọng vừa làm cho người ta khiếp sợ. Điều làm cho tất cả mọi người trông thấy đều cảm phục, đó là tất cả đoàn tàu đông đúc đó tiến, quay, dừng đều hòa, bằng nhau coi như chỉ có một cơ thể, chỉ có một sức chuyển làm lay động tất cả.

Theo sau là đoàn tháp tùng chúa, gồm hai mươi bốn thuyền chiến, dài hơn các thuyền khác và tô điểm lộng lẫy hơn. Gỗ thị chạm trổ và sơn son thiếp vàng, chão buộc hay giữ buồm thì bằng tơ lụa đỏ sẫm. Chiếc thuyền rất đẹp chở chúa thì ở giữa các thuyền khác. Ngài tiếp chúng tôi rất nhân hậu và tỏ ra rất hài lòng thấy chúng tôi tới lãnh thổ ngài.

Người Bồ đi với chúng tôi dâng ngài những phẩm vật (một khẩu súng hộ vệ thân – theo dịch giả) rất thích hợp và rất đúng lúc, nghĩa là những vũ khí đẹp và hoàn bị để bảo vệ bản thân ngài nếu ngài muốn sử dụng khi ra trận. Còn chúng tôi, chúng tôi dâng chúa những phẩm vật thuộc tôn giáo rất khiêm tốn, chúa nhận và thưởng chúng tôi những đồ vật quý. Ngài không có thời giờ để đàm đạo lâu hơn, vì tất cả chí hướng đều quy về cuộc tấn công chúa sắp thi hành. Nhưng chúa truyền cho chúng tôi theo đạo binh trong chiếc thuyền đã đến đón chúa và chúng tôi có dịp thấy đoàn thủy quân cùng đoàn hậu quân cũng nhiều bằng đoàn hải quân mở đầu, không kể vô số thuyền nhỏ và một số lớn đàn bà sẽ để lại ở tỉnh Thanh Hóa sắp tới, để tránh xa tầm quân địch. Người ta đếm được năm trăm thuyền theo sau và chở lương thực cần thiết để nuôi thủy quân và lục quân đã tới trước theo bờ biển gần đó với ba trăm cỗ voi kéo súng.

Chúng tôi có thể ước lượng đạo quân mỗi bên có tới gần hai trăm ngàn binh trực chiến. Chúng tôi ở trong đoàn quân theo chúa chừng tám ngày. Một hôm chúa dừng lại cùng tất cả đạo binh ở một cánh đồng rộng lớn, gần một thôn gọi là An Vực để cúng tế khi thấy mỏm núi đá cao bên bờ sông lớn, giống như một kim tự tháp, trên đỉnh xây một đền thờ thần. Những cỗ voi mới từ nước Lào đánh về và chưa được luyện nên đi lộn xộn đẩy một tên lính xuống sông từ vực cao. Khi kéo lên khỏi nước thì không thấy người đó có dấu hiệu sống. Vì bác ái, chúng tôi chạy tới chỗ người đó và cầu nguyện Thiên Chúa; rồi cho anh ta uống một chút gì, thế là trong chốc lát anh ta hồi phục và lấy lại sức, rồi cầm khí giới trở lại đơn vị.

Được tin này chúa rất khen sự cứu độ nhân ái của chúng tôi đối với người lính này, rồi ngài truyền cho chúng tôi chờ ngài ở tỉnh này cho tới khi chúa đi trận về. Chúa giao chúng tôi và người Bồ cho một hoạn quan trong phủ săn sóc chúng tôi và cắt lính gác để không ai phiền lụy đến chúng tôi. Viên quan này thừa hành rất tốt, ông còn sửa soạn cho chúng tôi một nơi ở khá rộng, bằng gỗ, theo kiểu nhà trong xứ này, nơi chúng tôi đặt một nhà nguyện và một bàn thờ với ảnh Chúa Cứu thế.

Nguyên do cuộc chiến

(…) Xảy ra việc chúa Sãi ở Đàng Trong thông thương với người Bồ dám tỏ ra gan dạ và hiếu chiến, lại dựa vào tình thân thiện và giúp đỡ của mấy viên quan Đàng Ngoài có thế lực trong phủ chúa nên chúa Sãi nhất quyết không nộp thuế mà đức thân phụ đã buộc mình phải trả. Thế nhưng để không cắt đứt với họ hàng, chúa cho người đem phẩm vật là hai cái tráp chạm trổ rất đẹp đựng đầy những của lạ vật hiếm tuyệt diệu chúa lấy được của người Bồ hay mua lại của các thương gia Trung Quốc và Nhật Bản. Người đem đi đã rõ ràng được chỉ thị (sau khi chúc mừng chúa Đàng Ngoài nhân danh thân chủ mình) thì dâng một tráp lên chúa, còn tráp thứ hai thì dâng các hoàng tử trong phủ lúc đó cũng có mặt.

Việc này làm cho chúa Trịnh giận vì chúa cho là khinh miệt phạm tới thế giá của chúa (chúa phẫn nộ nói với sứ giả): Thế là chủ ngươi dùng hai phẩm vật bằng nhau để tỏ ý xử với ta bằng vai với thần dân ta phải không; ngươi hãy về đi trả tráp cho chủ ngươi và nhắn rằng ta không cần phẩm vật; còn về thuế phải nộp thì ta sẽ thân hành đi lấy lại các tỉnh của ta cùng với đạo binh ta. Đó là nguyên nhân cuộc chinh chiến của chúa Đàng Ngoài theo đuổi, khi chúng tôi tới lãnh thổ ngài, cuộc chiến đã được chuẩn bị hơn ba năm.

———————-

Chú thích:

(*) Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, năm Đinh Mão 1627, chúa Trịnh Tráng đưa quân vào đánh chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: ,