Giao hưởng số 40 của Mozart – viên ngọc quý của nền âm nhạc cổ điển

Có thể nói Bản giao hưởng số 40 của Mozart chính là sự kết tụ tuyệt vời những vẻ đẹp nơi âm nhạc của một bậc thiên tài.

Giao hưởng số 40 của Mozart – viên ngọc quý của nền âm nhạc cổ điển

Ánh sáng rực rỡ của thời kỳ Cổ điển, việc sáng tác thách thức các nhạc sĩ thể hiện hiệu quả tối đa, chính là những tác phẩm giao hưởng. Một trong những viên ngọc ấy là Bản giao hưởng số 40 – tác phẩm số 40 cung Sol thứ (Symphony No. 40 in G minor, K. 550) – của Mozart.

Bản giao hưởng này được viết vào mùa hè năm 1788, lúc Mozart ba mươi hai tuổi, chỉ trong vòng sáu tuần lễ, ông đã viết xong ba bản giao hưởng. Và bản giao hưởng số 40 này đã trở thành một trong 3 tác phẩm viết về thể loại này nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất của ông.

Bản giao hưởng số 40 của Mozart có 4 phần theo cách sắp đặt thông thường của các bản giao hưởng cổ điển gồm: Khúc nhanh Molto (Molto Allegro nhip 2/2) – Khúc thong thả (Andante, nhịp 6/8) – Khúc nhảy Menuetto tam tấu hơi nhanh (Menuetto Allegretto Trio, nhip 3/4) và Khúc nhanh dồn dập (Allegro, nhịp 2/2). Trong bộ ba giao hưởng, bản Sol thứ giữa vị trí một khúc intermezzo trữ tình, đầy màu sắc thương cảm. Giao hưởng số 40 đứng riêng biệt trong sáng tác của Mozart về tính lãng mạn, và có lẽ là tác phẩm được nghe nhiều nhất của Mozart với đoạn mở đầu, cũng là chủ đề chính chương 1 rất quen thuộc.

Chương 1 bắt đầu với chủ đề chính xuất hiện tức khắc, đầy xao xuyến, xúc động. Sự thương cảm, đau xót càng tăng dần lên trong phần phát triển với cảm xúc dào dạt. Đoạn cuối chan chứa một nỗi buồn thầm lặng.

Chương 2 đầy trầm lặng và suy tư. Xuất hiện một chủ đề mới dịu dàng, phảng phất buồn. Sự phát triển của tất cả các chủ đề đều mang những nét lo âu, buồn bã.

Chương 3 mở đầu nghiêm túc và chững chạc sau đó xuất hiện những điệu nhảy của giới quý tộc.

Chương cuối xuất hiện những hình tượng gần gũi với chương 1. Kịch tính lúc mở đầu nay thể hiện rõ hơn. Với chuyển động sôi nổi, nhanh, hình thức gọn gàng, chương cuối Giao hưởng số 40 mang tính trần thuật khách quan.

Về mặt nhạc cụ, bản giao hưởng này được sáng tác dành cho sáo (flute), kèn (gồm oboe, clarinet, fa-gốt (bassoon), kèn ốc (horn) và bộ dây (violin, viola, cello và contrabass).

Ông bố trí nhạc cụ cho tác phẩm Giao hưởng số 40 này với khối đàn dây tiêu biểu bao gồm violin, viola và cello, cộng thêm kép đôi contrabass. Khối kèn gỗ sử dụng hai flute, hai kèn oboe và hai kèn bassoon.

Khối kèn đồng chỉ có hai french horn, và bộ gõ gồm hai bộ timpani. Không có trumpet hoặc trombone. (Mozart sử dụng kèn trombone trong các opera, nhưng không bao giờ dùng trong giao hưởng). Cũng không có clarinet trong tổng phổ nguyên bản, về sau Mozart mới thêm vào.

Những giao hưởng vào thời Mozart thông thường bao gồm những ba hoặc bốn chuyển hành. Chuyển hành thứ nhất, thường được ghi allegro, được trình tấu ở tốc độ nhanh, mãnh liệt và kịch tính. Chuyển hành này luôn luôn xuất hiện trong bản sônat, đôi khi có một đoạn intro ngắn.

Chuyển hành thứ nhì thường là một chuyển hành chậm, và có thể là đoạn diễn cảm trong thể loại sonata, thể loại rondo, hoặc thể loại chủ đề và biến tấu.

Chuyển hành thứ ba tiêu biểu là một minuet và trio, chơi trong tính cách duyên dáng theo nhịp ba. Đôi khi, chuyển hành này bị bỏ đi, để vào chuyển hành tiếp theo.

Chuyển hành kết thúc thông thường luôn có mặt trong thể loại sô nát , nhưng cũng có thể được viết theo thể loại rondo hoặc thể loại chủ đề và biến tấu. Nó thường được chơi rất mãnh liệt, đôi khi có tính cách hài hước, và nhất là bằng một tốc độ nhanh.

*

Shostakovich từng nói: “Mozart – đó là tuổi thanh xuân của âm nhạc, là nguồn sống khi xuân về và là sự hài hòa của tâm hồn”. Còn từ điển Larousse của người Pháp cô đọng ông vỏn vẹn trong câu: “Mozart luôn tìm kiếm sự thanh khiết, nét tao nhã và biết đạt tới vẻ đẹp cao cả xuyên qua sự đơn sơ và nét duyên dáng”

Có thể nói Bản giao hưởng số 40 của Mozart chính là sự kết tụ tuyệt vời những vẻ đẹp nơi âm nhạc của một bậc thiên tài.

Theo GÓC ÂM NHẠC

Tags: , ,