Giáo dục đại học Việt Nam: Những câu hỏi gắn với số phận con người

Tại sao nhiều người vẫn tập trung vào việc có bằng cấp thay vì thu nhận các kỹ năng thị trường việc làm đang cần? Tại sao các trường vẫn cung cấp bằng cho ngành mà người tốt nghiệp của họ sẽ khó kiếm việc? Tại sao gia đình cho con cái vào cuộc hành trình giáo dục mà không có kế hoạch, đích đến rõ ràng?

Tác giả: John Vũ, nhà khoa học máy tính.

Người mẹ viết cho tôi: “Con trai của tôi sắp tốt nghiệp năm nay với bằng cử nhân nhưng cháu khăng khăng đòi ở lại trường để học bằng thạc sĩ. Chồng tôi tin bằng cấp càng cao càng tốt”.

Chị băn khoăn, “tôi không biết với bằng cấp cao cháu có thể kiếm được việc làm tốt hơn hay không, xin thầy lời khuyên”. Tôi đáp, vì tôi không biết cháu đang học trong lĩnh vực nào nên không nói cụ thể được. Cách nhìn rằng bằng cấp càng cao càng tốt không phải bao giờ cũng đúng.

Cho dù một số nghề nghiệp yêu cầu bằng cấp chuyên sâu, nhưng ngày nay hầu hết việc làm ở mức vào nghề không yêu cầu như vậy. Khác biệt giữa bằng cử nhân và bằng thạc sĩ là ở khu vực chuyên môn hoá. Người tốt nghiệp bằng cử nhân phần lớn có hiểu biết chung trong khi người tốt nghiệp với bằng thạc sĩ là chuyên viên có kỹ năng trong một khu vực đặc thù. Phần lớn các công ty ưa thuê người có bằng cử nhân thay vì bằng thạc sĩ trừ phi họ cần kỹ năng đặc biệt kia. Tất nhiên, nếu con bạn muốn là giáo sư để dạy ở đại học, cháu sẽ cần có bằng tiến sĩ.

Tôi cũng đã nhận được nhiều email từ các phụ huynh rằng con cái họ đang tốt nghiệp khỏi đại học nhưng không thể hay vẫn chưa tìm được việc làm. Họ lo nghĩ liệu thị trường giáo dục hiện thời có xứng đáng với tiền bạc và thời gian không. Tôi muốn nêu ra một số vấn đề.

Phần lớn các bố mẹ đều muốn con họ vào đại học và có bằng cấp. Tuy nhiên, đại học không dành cho mọi người. Một số người sẽ học tốt nhưng những người khác có thể không và lãng phí thời gian ở đó. Ngày nay, bằng cấp không đảm bảo cái gì, nhưng nhiều bố mẹ vẫn muốn con họ vào đại học vì đó là niềm tự hào của gia đình và là một phần của văn hoá đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Giáo dục đại học là một khoản đầu tư chính cho cả học sinh và gia đình họ. Nó có thể là “thương vụ” tốt nhất hay tồi nhất tuỳ vào kết quả.

Vấn đề là nhiều học sinh sắp vào đại học mà không có bản kế hoạch nghề nghiệp nên họ không biết phải làm gì sau khi nhận bằng. Với một số học sinh, bằng cấp là mục đích, không phải điều sẽ đến sau đó và nhiều người sẽ hối tiếc về quyết định này. Song đến lúc đó thì quá muộn.

Về căn bản, nhiều phụ huynh cho con cái họ vào cuộc hành trình mà không có bản đồ, không có nơi đến và không có mục đích, nhưng đầy hy vọng. Trong khi có được bằng cấp là khoảnh khắc tự hào với cả gia đình, nhiều người tốt nghiệp sẽ rời khỏi trường mà không có cơ hội kiếm được việc làm tốt. Ngày nay, bằng cấp không đảm bảo cho bất kỳ cái gì chừng nào học sinh còn chưa chọn đúng lĩnh vực học tập, có tri thức và kỹ năng đúng.

Vấn đề là trong khi bố mẹ như vậy, nhiều đại học thậm chí không cung cấp các hoạt động lập kế hoạch nghề nghiệp mà để cho sinh viên lựa chọn bất kỳ cái gì họ muốn học. Và sinh viên thường chọn các môn dễ nhất. Các trường muốn lấp đầy mọi lớp học bất kể môn học, và họ biết rằng gia đình sẵn lòng chi trả.

Các công ty đang tìm nhân tài ngày càng ít coi trọng việc có bằng đại học bốn năm. Google, Ernst and Young, Apple và IBM nằm trong số những công ty không còn yêu cầu giáo dục đại học truyền thống cho những vị trí lương cao. Giám đốc điều hành của IBM, Ginni Rometty, đã tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 rằng “vấn đề quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp thứ tư là khủng hoảng kỹ năng”. Bà nói rằng những việc làm có nhu cầu cao nhất sẽ không còn yêu cầu bằng bốn năm mà yêu cầu các kỹ năng khác. IBM đã thành công trong việc thuê nhiều người đã tốt nghiệp từ đại học cộng đồng với chứng chỉ hai năm, các môn học trực tuyến mở cho đại chúng (MOOCs) và các trường nghề như trường viết mã (code). Và tất cả họ đều đã làm tốt. Chỉ hội tụ vào lao động có bằng cấp nghĩa là bạn đang bỏ lỡ hàng triệu người có kỹ năng trên khắp thế giới.

“Vấn đề là nhiều đại học quá chậm thay đổi và sinh viên của họ được dạy những tài liệu vô dụng và lỗi thời, tới mức chúng tôi phải cung cấp đào tạo bổ sung”, bà nói, “thuê những người chủ động tự học từ MOOCs và học trực tuyến, có những kỹ năng hiện thời nhất là giải pháp tốt hơn cho mọi công ty ngày nay”.

“Rất nhiều người chúng tôi thuê đã không thể vào đại học do chi phí cao nên họ chọn học trực tuyến. Họ có động cơ, quyết tâm và kỹ năng. Đây là những lao động giỏi nhất mà chúng tôi cần”, một người quản lý cấp cao nói với khán giả trong Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos. Xu hướng này đang tiếp tục. Vấn đề là liệu mọi người có biết về cơ hội vàng này hay không.

Ở mọi nơi, hàng triệu sinh viên đang bước ra từ đại học và sẽ đi làm, nhưng không may, một số người không làm công việc theo điều họ đã học và nhiều người không tìm ra việc làm. Sau nhiều năm học tập với đầy mong đợi, đó là kinh nghiệm choáng váng với họ, và rằng tương lai của họ bây giờ bất định, thời gian ở đại học bị phí hoài. Có sự không tương xứng giữa điều thị trường yêu cầu và điều nhiều trường đang dạy. Tranh cãi về cải tiến hệ thống giáo dục vẫn tiếp tục trong nhiều năm mà không có hành động thực tế nào. Sinh viên tiếp tục tốt nghiệp với các bằng cấp không có giá trị trong khi hàng triệu việc làm chưa được lấp kín ở mọi nước. Thiếu hành động đúng, nhiều người có thể không có việc làm tử tế suốt cả đời.

Hôm nay, ở bình minh của cách mạng công nghiệp thứ tư, cả học sinh và gia đình họ phải có đủ thông tin về nghề nghiệp nào đang và sẽ có nhu cầu cao, bằng cấp nào, phẩm chất hay kỹ năng nào họ phải chuẩn bị từ bây giờ để đem lại cơ hội việc làm tốt nhất.

Lời khuyên của tôi cho học sinh là không thể chờ đợi thụ động sự giúp đỡ của bố mẹ hay nhà trường mà chủ động lập kế hoạch cho tương lai của mình dựa trên việc suy nghĩ nghiêm chỉnh về nghề nghiệp dài hạn thay vì chỉ cần thi đỗ các kỳ thi và chuyển sang bước tiếp đến tấm bằng đại học mà không học gì thiết thực, rồi thất vọng tràn trề khi không thể tìm được việc làm. Tôi thường nói với học sinh của mình rằng: có việc làm là dễ nhưng giữ nó, liên tục trưởng thành theo nó và tận hưởng điều mình làm trong đời mới là quan trọng.

Tại sao nhiều người vẫn tập trung vào việc có bằng cấp thay vì thu nhận các kỹ năng thị trường việc làm đang cần? Tại sao các trường vẫn cung cấp bằng cho ngành mà người tốt nghiệp của họ sẽ khó kiếm việc? Tại sao gia đình cho con cái vào cuộc hành trình giáo dục mà không có kế hoạch, đích đến rõ ràng? Chừng nào chưa có câu trả lời cho những câu hỏi này, mọi sự sẽ không thay đổi gì mấy.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,