Francis Fukuyama: Một số khía cạnh chính trị của đại dịch COVID-19

Không phải là vấn đề thể chế chính trị, ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó hữu hiệu với đại dịch COVID-19 là khả năng của nhà nước, lòng tin của xã hội và lãnh đạo.

Francis Fukuyama: Một số khía cạnh chính trị của đại dịch COVID-19

Tác giả: Francis Fukuyama là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Freeman Spogli về Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Stanford. Ông là tác giả cuốn “Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment”.

Nguồn: Francis Fukuyama, “The Pandemic and Political Order”, Foreign Affairs, Jul/Aug 2020.

Biên dịch: Mặc Lý.

Cuộc khủng hoảng lớn nào cũng kèm theo những hệ quả lớn, thường là khó thấy trước được. Cuộc Đại Khủng Hoảng thập niên 1930 đã kích thích chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít và Thế chiến 2 nhưng đồng thời cũng dẫn đến chính sách Kinh Tế Mới, sự trỗi dậy của nước Mỹ như một siêu cường thế giới và cuối cùng là việc phá bỏ chế độ thực dân trên toàn thế giới. Cuộc tấn công 9/11 đã gây ra hai cuộc chiến mà nước Mỹ đã can thiệp thất bại, sự trỗi dậy của Iran và những dạng Hồi Giáo cực đoan. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm nổi lên phong trào dân túy chống lại những định chế cũ, làm thay đổi nhiều lãnh đạo trên thế giới. Các sử gia sau này sẽ truy ra những hệ quả to lớn từ đại dịch gây ra bởi virus corona chủng mới. Nhưng với chúng ta, thách thức là làm sao hình dung được những hệ quả này, ngay từ thời điểm này.

Lý do tại sao cho đến nay vài quốc gia đối phó với đại dịch hữu hiệu hơn những quốc gia khác thì đã rõ, và chúng ta có lý do để tin rằng những xu hướng đó sẽ tiếp tục. Đó không phải là vấn đề thể chế chính trị. Vài thể chế dân chủ đối phó dịch tốt trong khi các thể chế dân chủ khác lại tệ hại, và ngược lại. Điều này cũng đúng với các chế độ độc tài chuyên chế. Ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó hữu hiệu với đại dịch là khả năng của nhà nước, lòng tin của xã hội và lãnh đạo. Quốc gia nào có cả ba yếu tố này: guồng máy nhà nước vận hành tốt, một chính phủ mà người dân tin tưởng và lắng nghe , và lãnh đạo quốc gia có năng lực thì sẽ đối phó đại dịch rất hữu hiệu, giới hạn được thiệt hại phải gánh chịu. Những quốc gia nào có bộ máy nhà nước vận hành tồi tệ, xã hội phân rã và lãnh đạo yếu kém thì đối phó cơn dịch cũng tồi tệ, làm sinh mạng người dân và kinh tế của họ chịu thiệt hại nặng nề.

Càng hiểu nhiều về COVID-19, đại dịch gây ra bởi virus Corona chủng mới, ta lại càng thấy rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài, tính bằng năm chứ không bằng quý. Loại virus này có vẻ làm chết người ít hơn mức người ta sợ ban đầu nhưng nó lại rất dễ lây lan và thường lây bệnh khi người bị nhiễm chưa có triệu chứng biểu lộ ra ngoài. Ebola gây tử suất rất cao nhưng khó lây nhiễm, vì nạn nhân thường chết mau chóng trước khi họ có thể lây bệnh cho người khác. Ngược lại COVID-19 làm người ta coi thường nó lúc đầu thay vì chặn từ gốc, làm bệnh lây lan toàn cầu khiến nhiều người chết như vậy. Sẽ không có một thời điếm nào mà mọi quốc gia trên thế giới có thể tuyên bố họ chién thắng được đại dịch. Thay vào đó các nền kinh tế sẽ mở cửa chậm chạp, dò dẫm từng bước một, và sẽ khựng lại nhiều lần bởi những đợt lây nhiễm mới. Hy vọng về sự phục hồi kinh tế kiểu chữ V có vẻ là quá lạc quan. Nhiều khả năng xảy ra hơn là sự phục hồi hình chữ L với phần nằm ngang kéo dài rồi mới cong lên hay một loạt những chữ W nối nhau. Kinh tế thế giới sẽ không sớm trở lại thời tiền COVID-19.

Về khía cạnh kinh tế, một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ làm nhiều doanh nghiệp vỡ nợ và hậu quả sẽ khốc liệt cho một số ngành công nghiệp như trung tâm mua sắm, chuỗi bán lẻ hay du lịch. Mức độ tập trung thị trường ở Mỹ vốn đã tăng lên nhanh chóng vài thập niên gần đây, thì nay đại dịch sẽ thúc đẩy khuynh hướng này nhanh hơn nữa. Chỉ có những đại công ty với tiền đầy túi mới thoát qua được cơn bão. Những người khổng lồ về công nghệ sẽ được lợi nhất: tương tác bằng kỹ thuật số sẽ ngày càng quan trọng.

Hệ quả về chính trị còn đáng kể hơn nữa. Chính quyền có thể cổ động, tuyên dương người dân chấp nhận hi sinh tập thể trong một thời gian nào đó nhưng không phải là mãi mãi. Một đại dịch kéo dài, cộng với thất nghiệp trầm trọng và gánh nặng nợ nần lớn chưa từng có, sẽ tạo ra những áp lực, biến thành sự chống đối về chính trị, chống đối ai thì còn chưa rõ.

Quyền lực thế giới sẽ tiếp tục dịch chuyển về phía đông, vì Đông Á đã kiểm soát dịch tốt hơn Âu Châu hay Mỹ. Mặc dầu cơn dịch khởi đầu từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã dấu dịch và làm nó lan rộng thay vì bị chặn đứng, nhưng Trung Quốc có vẻ hưởng lợi từ đại dịch, ít nhất là so với các nước khác. Như ta đã thấy, nhiều chính phủ khác lúc đầu cũng phản ứng tồi tệ, rồi cũng cố gắng che giấu nhưng lộ liễu hơn và gây ra những hậu quả chết người hơn cho công dân của họ. Ít ra Bắc Kinh có thể kiểm soát được tình hình, tiếp tục con đường vực dậy nền kinh tế để nó có thể vận hành nhanh chóng và vững chắc trở lại.

Ngược lại, nước Mỹ đã đối phó đại dịch vụng về và để uy tín quốc gia sụt giảm trầm trọng. Nước Mỹ có tiềm năng quốc gia to lớn, đã đối phó với các đại dịch trước cực kỳ hữu hiệu, thì nay với xã hội phân rã cao độ và một lãnh đạo yếu kém, đã làm quốc gia không còn vận hành hữu hiệu nữa. Một tổng thống chỉ khơi dậy chia rẽ thay vì cổ súy đoàn kết, chính trị hóa việc phân phối vật phẩm cứu trợ, đẩy trách nhiệm về phía các thống đốc tiểu bang, khiến họ phải ra những quyết định quan trọng nhưng đồng thời lại xúi dục người dân biểu tình chống lại thống đốc trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tấn công các định chế quốc tế thay vì gìn giữ các định chế này. Cả thế giới xem TV, tròn xoe mắt, và Trung Quốc nhanh chóng làm nổi bật sự khác biệt giữa hai cách phản ứng với đại dịch này.

Trong những năm sắp tới, đại dịch này có thể dẫn đến việc nước Mỹ suy yếu hơn, tiếp tục bào mòn trật tự tự do của thế giới, đưa đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít trên toàn cầu. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến việc làm sống lại nền dân chủ tự do, một hệ thống từng khiến những người hồ nghi nó phải nhiều lần nghĩ lại sau những lần hồi sinh ngoạn mục. Một số khía cạnh nào đó của cả hai chiều hướng đều sẽ xuất hiện, ở những nơi khác nhau. Rất tiếc là trừ trường hợp những khuynh hướng hiện nay thay đổi đáng kể, bức tranh tổng quát đều sẽ khá ảm đạm.

Viễn cảnh chủ nghĩa phát xít trỗi dậy

Cũng không khó hình dung những điều bi quan sẽ xẩy ra. Chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa cô lập, sự kỳ thị người nước khác và sự tấn công vào trật tự tự do của thế giới đã gia tăng nhiều năm nay. Đại dịch này sẽ chỉ làm nó tăng nhanh hơn. Chính quyền ở Hungary và Philippines đã dùng đại dịch này để tự cho họ quyền lực đặc biệt vốn chỉ áp dụng lúc khẩn cấp, và làm chính quyền họ xa rời dân chủ hơn. Nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, El Salvador và Uganda, đã thi hành những biện pháp tương tự. Hàng rào ngăn cản con người đi lại xuất hiện khắp nơi, ngay cả ở trung tâm Âu Châu. Thay vì hợp tác với nhau vì lợi ích chung, các quốc gia lại có những chính sách vị kỷ, kèn cựa nhau và làm những đối thủ trở thành con dê tế thần về phương diện chính trị cho những thất bại của chính họ.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc sẽ làm tăng mâu thuẫn quốc tế. Nhiều lãnh tụ sẽ thấy việc kình địch với ngoại quốc là một cách hữu hiệu để phân tán sự chú ý đối với chính trị trong nước. Họ cũng có thể lợi dụng sự yếu kém hay phân tâm của đối thủ và dùng đại dịch này để làm mất ổn định một vài mục tiêu ưa thích hay tạo ra những việc đã rồi. Tuy nhiên, nếu xét tác dụng ổn định hoá của vũ khí hạt nhân và những thách thức chung với mọi siêu cường, bất ổn quốc tế sẽ ít xảy ra hơn so với bất ổn trong mỗi nước.

Những quốc gia nghèo, với các thành phố chật ních người và hệ thống y tế công cộng yếu kém sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Không những việc giãn cách xã hội, ngay cả những công việc vệ sinh đơn giản nhất như rửa tay cũng sẽ cực kỳ khó khăn ở những quốc gia nơi rất nhiều người còn chưa có nước sạch. Vì những nguyên nhân lâu đời, vì những xung đột giữa các cộng đồng, vì thiếu chất keo kết dính xã hội hay đơn giản hơn, vì sự lãnh đạo yếu kém, nhiều chính quyền làm cho tình hình tệ hơn thay vì cải thiện nó. Ví dụ Ấn Độ, khi đóng cửa một cách đột ngột mà không nghĩ kỹ đến hậu quả cho hàng chục triệu người lao động nhập cư đang chen chúc sống trong những thành phố lớn, họ lại càng làm tăng tác hại của đại dịch. Nhiều người phải về quê sống, lại làm lây lan nhiều hơn. Một khi chính quyền Ấn Độ thay đổi biện pháp và bắt đầu hạn chế người dân đi lại, rất nhiều người bị kẹt lại ở những thành phố lớn, không việc làm, không nơi ở và không có sự chăm sóc y tế.

Việc con người phải dịch chuyển vì biến đổi khí hậu vốn đã là một cuộc khủng hoảng đang sôi sục tại các quốc gia đang phát triển. Đại dịch này sẽ làm cơn khủng hoảng này trầm trọng hơn, có thể đưa một phần lớn dân chúng ở những quốc gia này đến mức sống với tiêu chuẩn tối thiểu. Và đại dịch này đã dập tắt hy vọng của hàng trăm triệu người trong những quốc gia nghèo đói vốn được hưởng thành quả từ hai thập niên phát triển kinh tế liên tục. Khi sự phẫn nộ của dân chúng tăng cao và khi hy vọng của số đông bị dập tắt, ai cũng biết đó là điều kiện chín muồi cho cách mạng nổ ra. Những người thất vọng sẽ tìm cách chạy ra nước ngoài, các lãnh tụ mị dân sẽ khai thác thêm tình hình để nắm quyền, các chính trị gia tham ô sẽ lợi dụng cơ hội vơ vét tất cả những gì có thể vơ vét được. Nhiều chính phủ sẽ đàn áp mạnh hơn hoặc sẽ sụp đổ. Sẽ có một làn sóng mới những người di dân từ khối các quốc gia đang phát triển đến các nước giàu có. Chỉ có điều lần này họ sẽ bị chống đối hơn, ít được cảm thông hơn vì người ta sợ rằng họ sẽ mang vào bệnh tật và bất ổn. Và người ta có lý do để sợ như vậy.

Cuối cùng, càng nhìn xa hơn thì ta càng có thể thấy những con “thiên nga đen” hơn. Những đại dịch trong quá khứ đã làm nảy ra những viễn tượng tận thế, những giáo phái cuồng tín và cả những tôn giáo mới trong những lúc căng thẳng gây ra bởi khó khăn kéo dài. Phát xít, mà ta có thể coi như một loại giáo phái cuồng tín, xuất phát từ những bạo lực và biến động gây ra bởi Thế chiến I và thời gian sau đó. Thuyết âm mưu từng nở rộ ở những nơi như vùng Trung Đông, khi con người bình thường cảm thấy bất lực hay mất niềm tin. Ngày nay, những thuyết âm mưu cũng đã phát tán rộng rãi tại những quốc gia giàu có, một phần vì môi trường truyền thông bị phân mảnh bởi internet và mạng xã hội. Khi những tác họa của đại dịch kéo dài thì nó lại càng cung cấp thêm chất liệu cho các lãnh đạo dân túy khai thác.

Viễn cảnh dân chủ phục sinh

Tuy nhiên, cũng giống như cuộc Đại Khủng Hoảng thập niên 1930 không chỉ sinh ra chủ nghĩa Phát xít mà còn củng cố nền dân chủ tự do, đại dịch này cũng có thể dẫn đến những kết quả chính trị tích cực. Thường thì phải có những ngoại lực rất mạnh mới bẻ gãy được một hệ thống chính trị xơ cứng, ngõ hầu tạo điều kiện cho những cải cách cấu trúc lẽ ra phải làm từ lâu. Chuyện này có thể xảy ra lần nữa, ít ra là ở một vài nơi trên thế giới.

Khi đối phó với đại dịch, thực tế cho thấy là tính chuyên nghiệp và kiến thức chuyên môn sẽ mang lại hiệu quả, còn những yếu kém và chính trị mị dân thì sẽ phô bày ra rõ hơn. Cuối cùng điều này sẽ làm việc chọn lựa của người dân dễ dàng hơn, thưởng cho những chính trị gia và chính quyền hữu hiệu và trừng phạt những kẻ yếu kém. Jair Bolsonaro của Brazil chẳng hạn, vốn đã tấn công và làm suy yếu những định chế dân chủ trong những năm gần đây, đầu tiên tưởng có thể coi nhẹ và vượt qua được đại dịch này, bây giờ đang đối phó lạng quạng với một đại họa y tế. Vladimir Putin của Nga đầu tiên cũng cố ra vẻ coi thường đại dịch, sau đó lại bảo Nga đã kiểm soát được tình hình và giờ phải đổi giọng lần nữa khi COVID-19 lây lan toàn nước Nga.

Đại dịch đã soi rọi lên các định chế khắp nơi, làm lộ ra những khiếm khuyết hay yếu kém. Sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo, nước giàu và nước nghèo lại càng tăng lên khi tình hình kinh tế khựng lại lâu dài. Nhưng cùng với những vấn đề này, khủng hoảng cũng cho thấy khả năng của chính phủ đưa ra những giải pháp, dựa vào tài nguyên của tập thể trong quá trình đối phó đại dịch. Cảm giác “tất cả phải ở một mình cùng nhau” khi kéo dài có thể thúc đẩy sự đoàn kết xã hội và về lâu dài đưa đến việc phát triển các biện pháp an sinh xã hội hào phóng hơn, giống như việc những đau khổ của các nước do Thế chiến I và cuộc Đại Khủng Hoảng gây ra đã kích thích sự phát triển hệ thống an sinh xã hội trong những năm 1920 và 1930.

Điều này có thể kiềm chế những dạng cực đoan nhất của chủ nghĩa tân tự do, lý tưởng về thị trường tự do do những kinh tế gia của Đại học Chicago như Gary Becker, Milton Friedman, và George Stigler đề xuất. Trong những năm 1980, trường phái Chicago đã được dùng để biện minh, về khía cạnh tri thức, cho những chính sách của Tổng thống Ronald Reagan và thủ Tướng Margaret Thatcher, vốn là những người coi các chính phủ lớn, ôm đồm là chướng ngại vật cho phát triển kinh tế và tiến bộ nhân loại. Lúc đó có nhiều lý do chính đáng để cắt giảm nhiều luật lệ chính phủ cũng như sở hữu nhà nước. Nhưng những lập luận này càng ngày cứng nhắc, đóng khuôn lại thành ra một thứ tôn giáo “tự do tuyệt đối”, bao gồm trong đó sự thù nghịch với những hoạt động của nhà nước và sinh ra giới trí thức bảo thủ, đặc biệt là ở Mỹ.

Nay ta đã thấy được vài trò quan trọng của nhà nước trong việc làm chậm đại dịch, và thật khó mà lý luận như Reagan trong bài diễn văn nhậm chức lần đầu tiên năm 1981, là “chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta mà chính phủ chính là vấn đề”. Cũng như bây giờ không ai có thể biện minh rằng khu vực tư nhân và từ thiện có thể thay thế được một guồng máy nhà nước hữu hiệu trong việc đối phó với tình hình khẩn cấp của quốc gia. Tháng 04/2020, Jack Dorsay, CEO của Twiiter loan báo anh ta sẽ đóng góp 1 tỉ cho quỹ cứu trợ COVID-19, một hành động từ thiện phi thường. Nhưng cùng tháng đó, Quốc hội Mỹ phải bỏ ra 2.300 tỉ để cứu trợ những doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Tư tưởng chống đối nhà nước vẫn có thể thấy được ở những người biểu tình chống việc “đóng cửa”, nhưng các thống kê thăm dò dân ý cho thấy đại đa số dân Mỹ tin vào lời khuyên của các chuyên gia y tế chính phủ trong việc đối phó với đại dịch này. Điều này có thế làm tăng sự ủng hộ của người dân vào sự can thiệp của chính phủ khi đối phó với một vấn đề xã hội trọng đại khác.

Và cũng có thể đại dịch sẽ làm hồi sinh lại những nỗ lực hợp tác quốc tế. Trong khi lãnh đạo cấp quốc gia có thể chỉ tay đổ tội cho nhau, các khoa học gia và giới chức chuyên gia y tế công cộng có thể thắt chặt sự liên lạc và hành động cùng nhau. Nếu việc bãi bỏ hợp tác quốc tế dẫn đến thảm họa và bị đánh giá như một thất bại, thời kỳ hậu đại dịch có thế đưa đến một luồng gió mới cho việc khẳng định hợp tác đa phương sẽ thúc đẩy lợi ích chung.

Đừng hy vọng nhiều quá

Đại dịch này cho đến nay cũng là một thử nghiệm chính trị toàn cầu. Những quốc gia với chính phủ hợp pháp, có năng lực thì lướt qua đại dịch tương đối dễ dàng và có thể tiến hành những cải tổ làm cho chính quyền mạnh hơn, chịu được những thử thách lớn hơn và trong tương lai điều hành tốt đẹp hơn. Những quốc gia mà khả năng nhà nước yếu kém hay lãnh đạo tồi tệ thì sẽ có vấn đề, khiến kinh tế khựng lại, nếu không phải là nghèo đi hay bất ổn thêm. Vấn đề là nhóm nước thứ hai nhiều hơn nhóm nước thứ nhất rất nhiều.

Không may là sự thử nghiệm chính trị này căng đến nỗi ít có quốc gia nào vượt qua được. Để đối phó với những giai đoạn đầu của đại dịch một cách tốt đẹp, các quốc gia không những cần có một bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu và tài nguyên dồi dào mà còn cần có đồng thuận xã hội và những nhà lãnh đạo có khả năng khêu gợi được lòng tin của người dân. Đáp ứng được điều này có thể kể đến Hàn Quốc khi trao việc đối phó với đại dịch cho một guồng máy kỹ trị, quản lý y tế chuyên nghiệp hay nước Đức của Angela Merkel. Nhưng nhóm nước thứ hai đông hơn nhiều, với những chính phủ thất bại về mặt này hay mặt kia. Vì giai đoạn tiếp theo của đại dịch cũng sẽ không dễ đối phó, những khuynh hướng này sẽ tiếp tục, càng làm cho người ta khó mà lạc quan trên bình diện thế giới được.

Một lý do nữa để bi quan là những viễn cảnh tốt đẹp đòi hỏi phải có những trao đổi ý kiến về các chính sách công hợp lý và việc học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên ngày nay mối liên hệ giữa giới chuyên gia kỹ trị và các chính sách công không còn chặt chẽ như trong quá khứ, khi giới tinh hoa có nhiều quyền lực hơn. Cách mạng kỹ thuật số đã làm cho thẩm quyền chuyên gia suy yếu, làm mờ nhạt đi tôn ti trật tự về tri thức và các tôn ti trật tự khác. Các quyết định chính trị giờ thường bị ảnh hưởng bởi những kẻ to miệng nhất. Đây không phải là môi trường tốt cho việc cùng nhau tự đánh giá một cách mang tính xây dựng. Và nhiều chủ thể chính trị sẽ tiếp tục phi lý trí kéo dài hơn là duy trì được sự minh mẫn, tỉnh táo.

Với vị trí siêu cường, Mỹ chính là biến số lớn nhất. Điều không may nhất là khi đại dịch bắt đầu, quốc gia này có một lãnh đạo yếu kém và gây chia rẽ nhất trong lịch sử cận đại. Cách điều hành quốc gia của ông ta không thay đổi dù dưới bất cứ áp lực nào. Vì ông ta gây chiến trong suốt nhiệm kỳ với hệ thống nhà nước do chính ông ta lãnh đạo, ông ta không thể triển khai nó hiệu quả khi tình hình đòi hỏi. Sau khi nhận định rằng đối đầu và hận thù sẽ giúp ông ta nhiều về mặt chính trị hơn là đoàn kết quốc gia, ông ta đã dùng đại dịch này để gây sự và gia tăng chia rẽ xã hội. Việc nước Mỹ đối phó với đại dịch khá tệ hại có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là nước Mỹ có một lãnh đạo thất bại trong việc lãnh đạo.

Nếu Trump được bầu làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, cơ hội cho sự trỗi dậy của nền dân chủ hay của trật tự tư do trên thế giới coi như xếp lại. Tuy nhiên, dù kết quả bầu cử có thế nào đi nữa, sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ vẫn còn đó. Tổ chức bầu cử trong đại dịch sẽ khó khăn và sẽ tạo cơ hội cho phe thua không chấp nhận kết quả bầu cử, thách đố tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Ngay cả khi Đảng Dân chủ nắm được cả Nhà Trằng và lưỡng viện Quốc hội, họ cũng thừa hưởng một quốc gia suy yếu nặng nề. Muốn hành động gì cũng phải đương đầu với một núi nợ và sự chống đối đến cùng của phe đối lập còn lại. Các định chế quốc gia và quốc tế sẽ bị yếu đi, co lại sau nhiều năm bị lạm dụng. Sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại những định chế này, nếu có thể xây dựng lại được.

Giai đoạn nguy kịch nhất, bi thảm nhất của đại dịch đã qua, thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn lâu dài. Cuối cùng thế giới cũng sẽ bước qua giai đoạn này thôi, dù có nước sớm hơn, có nước chậm hơn. Những xung đột quân sự thế giới chắc không xảy ra. Trong quá khứ, chế độ dân chủ, chủ nghĩa tư bản và nước Mỹ đều chứng tỏ có khả năng hồi sinh, biến cải, thay đổi lại theo tình hình mới. Nhưng nếu thế, giờ đây một lần nữa người ta lại phải làm được một điều thần kỳ.

Theo VIET-STUDIES / NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,