Du lịch sinh thái ở Việt Nam: Một tương lai đầy thách thức

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan phong phú, cộng thêm nền văn hóa đa dạng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái hàng đầu tại châu Á. Tuy nhiên, du lịch sinh thái ở Việt Nam, cũng giống như ở nhiều nước khác, vẫn còn là một khái niệm thường chưa được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, điều đó gây tác động tiêu cực đến môi trường và người dân địa phương, làm thất vọng du khách.

Du lịch sinh thái ở Việt Nam: Một tương lai đầy thách thức

Du lịch sinh thái là một trong những hình thái phát triển nhanh nhất của ngành du lịch hiện nay. Du lịch sinh thái dường như là hình thái du lịch đầu tiên nhằm vào các vấn đề bền vững trong du lịch, và có ảnh hưởng lớn trong việc xanh hóa ngành du lịch, thông qua nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phúc lợi của cộng đồng địa phương đối với sự thành công của ngành du lịch.

Một trong những định nghĩa ban đầu của du lịch sinh thái, mà cho tới nay vẫn được chấp nhận chung, là do Hội Du lịch Sinh thái Quốc tế (TIES) đưa ra năm 1991: “Du lịch có trách nhiệm đối với các vùng tự nhiên bảo vệ môi trường và duy trì cuộc sống yên bình của người dân địa phương”. Ngoài ra còn có các định nghĩa khác do nhiều tổ chức bảo tồn và phát triển đưa ra để làm rõ thêm khái niệm của TIES về du lịch sinh thái, tuy vậy hầu hết các định nghĩa đều cho rằng du lịch sinh thái cần phải: góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững; duy trì cuộc sống yên vui của cộng đồng địa phương; tập trung vào vấn đề giáo dục và học hỏi; huy động sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương sinh sống gần các điểm du lịch sinh thái; nhấn mạnh đến các thói quen có trách nhiệm của du khách và ngành du lịch; thúc đẩy việc phân chia lợi ích nhiều hơn và công bằng hơn.

Du lịch sinh thái là một phần của du lịch bền vững cũng như du lịch thiên nhiên. Du lịch sinh thái là một hình thức du lịch thiên nhiên, có mối liên quan mạnh mẽ với du lịch văn hóa và du lịch mạo hiểm. Vì du lịch sinh thái là một phần lớn của du lịch thiên nhiên, do đó hai khái niệm này đôi khi bị nhầm lẫn. Tuy vậy, không phải du lịch thiên nhiên nào cũng là du lịch sinh thái. Du lịch thiên nhiên chỉ đơn thuần là đến các khu vực thiên nhiên, và động cơ chủ yếu của du khách khi tới những nơi này là để thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng thiên nhiên. Du lịch thiên nhiên có thể bền vững hoặc không, và không luôn luôn liên quan tới bảo tồn môi trường hoặc cuộc sống phồn vinh của cộng đồng địa phương.

Khuynh hướng hiện tại và những thách thức trong du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái được bắt đầu từ hơn 25 năm trước, khi những người tham gia lĩnh vực bảo tồn, du lịch và các cộng đồng địa phương sống trong hoặc xung quanh các khu vực được bảo tồn nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng đối với du lịch thiên nhiên, và thấy được cơ hội định hướng một cách bền vững hơn. Ngày nay, du lịch sinh thái đã trở thành một trong những hình thái du lịch phát triển nhanh trong ngành du lịch nói chung do: sự quan tâm ngày càng tăng đối với các vấn đề môi trường, bảo tồn cũng như phát triển; người ta muốn được học hỏi và trải nghiệm thực tế những gì họ nghe thấy và đọc được qua báo chí hay các phương tiện thông tin khác; mọi người muốn đóng góp vào công việc bảo tồn và phát triển cộng đồng; du khách mong được đến những điểm du lịch hẻo lánh hơn và tránh đi theo lối mòn; và người ta thường tìm đến những nơi gần gũi với thiên nhiên hơn để thư giãn.

Từ những năm 1980, khi mới hình thành và phát triển du lịch sinh thái được nhìn nhận như một tình trạng các bên đều có lợi: nó tạo nên động cơ khuyến khích mọi người quan tâm bảo vệ môi trường; mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương; và tạo ra những cơ hội kinh doanh mới đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, không phải du lịch sinh thái lúc nào cũng mang lại lợi ích và thành công như vốn phải như vậy. Trên thực tế, nếu không được thực hiện một cách bền vững, du lịch sinh thái cũng có thể hủy hoại môi trường và tác động xấu đến người dân địa phương như du lịch đại trà. Những người ủng hộ du lịch sinh thái thực thụ đã cố gắng thay đổi khuynh hướng này, xây dựng và thúc đẩy các phương pháp và cách thức tiếp cận khác để du lịch sinh thái phát triển theo đúng hướng.

Du lịch sinh thái ngày càng trở nên phổ biến và được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, nhiều nhà kinh doanh và cơ quan quản ớy du lịch hiện nay vẫn sử dụng nhẵn hiệu du lịch sinh thái để khuếch trương sản phẩm của họ mà không thật sự tuân theo các nguyên tắc của loại hình du lịch này. Vấn đề thường được coi là “tô xanh” này dường như là khó khăn lớn nhất mà ngành du lịch sinh thái đang gặp phải hiện nay. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến “tô xanh”: một là để theo đuổi lợi ích kinh tế, hai là thiếu hiểu biết thực sự về du lịch sinh thái. Những người “tô xanh” sản phẩm vì lợi ích của mình và tin rằng họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, thu hút được lượng du khách nhiều hơn nữa bằng cách rao bán sản phẩm với nhãn hiệu “sinh thái” đã nhận ra rằng ngày càng nhiều du khách tìm kiếm những gì khác với du lịch sinh thái.

Ngành du lịch sinh thái đã nhận thức được vấn đề này và sử dụng một vài chiến lược để chống lại hiện tượng tô xanh, như:
– Xây dựng các hiệp hội du lịch sinh thái nhằm chia rẽ kinh nghiệm và ý tưởng, nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái cũng như quảng cáo và tiếp thị.
– Xây dựng hướng dẫn và cách thức thực hiện cho ngành và du khách, cho các ngành và hoạt động cụ thể.
– Xây dựng chương trình cấp chứng nhận và nhã hiệu sinh thái nhằm đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ du lịch sinh thái đạt được các tiêu chuẩn và yêu cầu tối thiểu của du lịch sinh thái.

Du lịch sinh thái tại Việt Nam

Du lịch sinh thái là một phân đoạn thị trường du lịch mới tại Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các chương trình du lịch đến các vùng thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam mới chỉ ở tình trạng đại trà hoặc du lịch thiên nhiên, ít mang tính bền vững, gây thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương. Ví dụ, trong khi người ta vội chạy theo nhu cầu ngày càng tăng của du khách đến thăm đảo thì đa dạng sinh học và vẻ đẹp của Vườn quốc gia Cát Bà, đặc biệt là các nguồn lực biển và loài khỉ đầu vàng lại bị đe dọa bởi quy hoạch nghèo nàn về phát triển hạ tầng cơ sở và các hoạt động liên quan tới du lịch mà không tính đến các chi phí về môi trường và xã hội. Các vấn đề này phát sinh không chỉ trong thị trường du lịch dành cho du khách quốc tế, mà còn nhiều hơn nữa đối với thị trường trong nước là thị trường lớn hơn nhiều và có tác động mạnh hơn so với thị trường quốc tế. Để du lịch sinh thái có thể thành công tại Việt Nam, ngành Du lịch trong nước cần có sự chuyển biến căn bản về cách thức phát triển và vận hành.

Thị trường du lịch trong nước của Việt Nam cả trước kia cũng như hiện nay có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành Du lịch trong nước, đóng góp cho sự phát triển ngày càng nhanh của ngành Du lịch và tạo ra các dịch vụ thu hút du khách trong và ngoài nước. Dự kiến khách du lịch trong nước sẽ tăng khoảng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, từ 16 triệu lượt người tới 26 triệu lượt người. Đây là tốc độ tăng trưởng rất nhanh và thường theo định hướng nhu cầu, không có thời gian thích hợp để nâng cao nhận thức và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế. Vì lý do này, thiên nhiên và các sản phẩm, dịch vụ du lịch đã bị trộn lẫn với các hoạt động giải trí đơn thuần như karaoke và giải trí khác.

Mặc dù, Chính phủ đó có một số nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề này, như đang trong quá trình xây dựng Chiến lược du lịch sinh thái, du lịch sinh thái ở Việt Nam vẫn chưa được các ngành hiểu một cách đúng đắn. Nhiều nhà chức trách địa phương đã xây dựng kế hoạch “Các khu an dưỡng du lịch sinh thái” tại các vùng nông thôn, tuy nhiên, ngoài một số trường hợp ngoại lệ, nhiều trong số các dự án “Du lịch sinh thái” này chỉ là những khu giải trí với rất ít nội dung giáo dục hay bảo tồn, và thậm chí ít quan tâm tới cuộc sống yên bình của người dân địa phương. Mặc dù xu thế này đó bắt đầu thay đổi, nhiều kế hoạch phát triển du lịch, bao gồm cả những kế hoạch gọi là du lịch sinh thái, tại những khu vực thiên nhiên ở nông thôn, không có sự tham gia hoặc đồng tình của người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Thông thường người dân địa phương được coi như nguồn lao động hoặc những người cung cấp dịch vụ trình độ thấp.

Các khu bảo tồn, điểm du lịch chính đối với khách du lịch sinh thái, thường có ít hoặc không có khả năng quản lý du lịch và du lịch ít khi được đưa vào kế hoạch quản lý của các khu này, điều đó dẫn đến tình trạng không kiểm soát được số lượng và hoạt động của du khách trong các vườn quốc gia. Mặc dù nhiều khu bảo tồn có đề ra các quy định về môi trường cho du khách, việc vi phạm thường bị làm ngơ.

Trong khối kinh doanh, rất ít cơ sở kinh doanh lữ hành cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái thật sự. Đa số các cơ sở bán “tour du lịch sinh thái” hiện nay thực chất là cung cấp các tour đi các vùng nông thôn và có khung cảnh thiên nhiên – họ chủ yếu “tô xanh” sản phẩm vì các tour của họ không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào của du lịch sinh thái. Trình độ nhận thức về môi trường hiện nay của công chúng ở Việt Nam còn thấp, điều đó dẫn tới các hành vi thiếu trách nhiệm của rất nhiều du khách trong nước khi tới thăm các điểm du lịch thiên nhiên. Những nhà cung cấp dịch vụ du lịch cho thị trường này không có đủ năng lực cần thiết để giải quyết các vấn đề đặt ra và họ thường không nhận thức được vấn đề hoặc làm ngơ. Du lịch trong nước thường được quản lý bởi các công ty, mà công việc kinh doanh chính của họ không phải là du lịch – du lịch chỉ là một nhánh hoặc một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của họ: có thể là bất cứ lĩnh vực nào từ xây dựng tới sản xuất nông sản. Do đó, khái niệm du lịch sinh thái không phải là ưu tiên hàng đầu của các hoạt động kinh doanh.

Theo SNV VIỆT NAM

Tags: ,