Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Kể từ khi thành lập nước vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đạt được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội. Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã đưa nước này trở thành một thế lực mới sau Chiến tranh lạnh, từng bước mở rộng ảnh hưởng trên các lục địa của thế giới, thách thức vai trò lãnh đạo mà Mỹ đã thiết lập. Một trong những khu vực mà được giới lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan tâm là Đông Nam Á.

Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Đông Nam Á được nhận định là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng của khu vực được dự đoán rơi vào khoảng 4,5% trong năm 2024 (Trần, 2024). Đây là khu vực của 11 quốc gia với nhiều sắc tộc, tôn giáo và đa dạng các thể chế chính trị. Khu vực cũng là nơi hiện diện của ASEAN, tổ chức đang được đánh giá có vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu. Một khu vực đặc biệt quan trọng như Đông Nam Á trở thành điểm đến của Mỹ và các đối tác, đồng minh trong hàng chục năm qua. Vì vậy, Trung Quốc – quốc gia láng giềng đã không bỏ lỡ cơ hội tham dự vào tình hình khu vực.

Vai trò của Đông Nam Á đối với Trung Quốc

Bước vào thế kỷ 21, toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ. Nhiều quốc gia đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng và sự trở lại của Trung Quốc trong trật tự quốc tế là điểm nhấn mang tính bước ngoặt. Năm 2013, ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc. Ông đã ban hành học thuyết “Giấc mộng Trung Hoa” với mục tiêu phục hưng đất nước Trung Quốc và đưa nước này trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu đã mất trong quá khứ, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Nhằm hiện thực hóa chiến lược, Đông Nam Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính sách, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.

Thứ nhất, Đông Nam Á có vai trò an ninh quan trọng trong quá trình triển khai Sáng kiến Vành đai, Con đường dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Đông Nam Á được cấu thành bởi hai bộ phận: Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Hai thành phần này tạo thành vòng cung, bao phủ vùng Biển Đông. Đây là vùng biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, Đông Nam Á hoàn toàn có thể gây trở ngại đối với Trung Quốc. Về địa – chính trị, Trung Quốc đang gặp không ít thách thức bởi những khó khăn: từ khu tự trị Nội Mông ở phía Bắc, khu vực tự trị Tân Cương ở phía Tây, khu vực Tây Tạng ở phía Tây Nam và xung đột lãnh thổ với Ấn Độ cho tới sự hiện diện của Mỹ trải dài ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và eo biển Malacca. Do đó, nếu không duy trì khả năng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á, tình hình sẽ bất lợi cho lợi ích của Trung Quốc. Vì vậy, mong muốn chiến lược của Bắc Kinh đối với Đông Nam Á là khu vực này giữ vững được chính sách trung lập của họ.

Đông Nam Á từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và đối tác, đồng minh Châu Âu. Trong thế kỷ 20, Mỹ đã công bố học thuyết Domino, nhằm ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa Cộng sản, siêu cường này cũng thành lập SEATO nhằm ngăn chặn sự lan rộng của cuộc chiến tại Việt Nam và nhằm cô lập Trung Quốc. Trước siêu cường này, các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã hiện diện trong khu vực thời kỳ thuộc địa. Các quốc gia hiểu rằng trong trường hợp có thể gia tăng ảnh hưởng ở các nước Đông Nam Á theo hướng có lợi, điều này dẫn đến sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và trên thế giới. Ngày 7/11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm Singapore và có bài phát biểu tại Đại học Singapore. Người đứng đầu Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc luôn đặt quan hệ với các nước láng giềng lên hàng đầu, kiên trì xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác với các nước láng giềng, đồng thời kiên trì chính sách đối ngoại mang lại sự hài hòa, an ninh và thịnh vượng cho các nước láng giềng. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Đông Nam Á “nối kết núi sông, gắn kết bằng máu thịt”, ông cũng cho biết các bên đã hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc giải phóng đất nước, cùng phối hợp phát triển kinh tế – xã hội và tuyên bố Trung Quốc sẽ ủng hộ sự phát triển của ASEAN, phát huy vai trò của tổ chức này trong khu vực (Biên tập của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2015). Tuyên bố cho thấy Trung Quốc mong muốn củng cố vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực ngày càng phức tạp. Theo ước tính, lượng hàng thế giới đi qua Biển Đông mỗi năm lên đến 5,3 nghìn tỷ USD, trong đó tổng lượng hàng của Trung Quốc chiếm đến 1,4 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tổng lượng hàng đi qua khu vực này (China Power Team, 2021). Do đó, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua các khoản đầu tư lên đến trăm tỷ USD nhằm ổn định khu vực, đảm bảo lợi ích quốc gia Trung Quốc và đảm bảo chiến lược Vành đai, con đường của nước này được triển khai xuyên suốt.

Thứ hai, Đông Nam Á là thị trường tiềm năng đối với Trung Quốc. Từ sau khi thành lập vào năm 1949, Trung Quốc đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Quốc gia Đông Bắc Á bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ do Tổng thống Donald Trump phát động vào ngày 22/3/2018. Ngày 17/9/2018, ông cũng áp đặt thuế quan bổ sung 10% giá trị lên các mặt hàng từ Trung Quốc xuất sang Mỹ có tổng kim ngạch 200 triệu USD/năm mặc dù đã áp thuế trước đó lên 50 tỷ USD. Sau khi Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46, ông tiếp tục thêm hàng loạt biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ như hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu chất bán dẫn vào tháng 10/2022, kiểm soát xuất khẩu đối với 31 doanh nghiệp Trung Quốc vào tháng 6/2023 và hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc; Hồng Kông và Macao trong lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử vào ngày 9/8/2023 (Vũ Huy Hùng, 2023). Vì vậy, Trung Quốc tìm đến các quốc gia Đông Nam Á nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.

Đông Nam Á là khu vực có diện tích 4,5 triệu km2, chiếm 8% diện tích lục địa Á – Âu và 3% diện tích thế giới. Dân số trong khu vực lên đến hơn 675 triệu người. Đông Nam Á có mức phát triển trung bình 5%, là một trong những khu vực có mức phát triển nhanh nhất thế giới (Biên tập của trang Ban Kinh tế Trung ương, 2017). Khu vực cũng là nơi có Singapore, một trong những con Hổ Kinh tế Châu Á vào cuối thế kỷ 20 và 5 con hổ mới Kinh tế Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Do đó, đây là khu vực có thể thay thế thị trường Âu – Mỹ trong tương lai khi Mỹ đang gia tăng sức ép liên quan đến cuộc chiến thương mại.

Thứ ba, các nước Đông Nam Á sẽ đóng vai trò thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Sau khi giành độc lập vào năm 1949, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn nhận lợi thế của một quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng lớn và dân số đông là giảm chi phí đầu vào bởi nguồn tài nguyên phong phú và chi phí nhân công thấp. Bước vào thế kỷ 21, tư tưởng “công xưởng của thế giới” đang được giới lãnh đạo Trung Quốc thay bằng học thuyết “Made in China 2025” được công bố vào năm 2015 nhằm giảm phụ thuộc của quốc gia này đối với công nghệ nước ngoài và thúc đẩy sản xuất, phát minh ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu (Trần Thị Quỳnh Hoa, 2018). Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng để có thể trở thành một quốc gia có sức ảnh hưởng sâu rộng và mang đậm dấu ấn trong trật tự toàn cầu, việc thúc đẩy một thương hiệu riêng mang đậm dấu nét Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh trở thành lãnh đạo trong trật tự mới. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài phát biểu vào năm 2017 đã cho biết rằng Trung Quốc “sẽ thực hiện đầy đủ kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược” và “tăng tốc năng lực nghiên cứu (R&D), thương mại hóa nguyên liệu mới, trí tuệ nhân tạo, mạch tích hợp, dược phẩm sinh học, thông tin di động 5G và các công nghệ khác, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực này” (Bradsher & Mozur, 2017). Điều này đã diễn ra với Trung Quốc trong thế kỷ trước khi Mỹ và các nước phương Tây lựa chọn Trung Quốc để làm công nghiệp phụ trợ. Do đó, những mảng phụ trợ và không cần đầu tư công nghệ cao, thâm hụt nhân lực ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế hoặc được dịch chuyển sang các khu vực lân cận, trong đó có Đông Nam Á (Thế Vinh, 2024) (Tùng Lâm, 2024).

Quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á

Trung Quốc có lợi ích lâu dài trong khu vực và việc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á là điều cần thiết. Sau khi ASEAN được thành lập vào ngày 8/8/1967, tổ chức đã nhanh chóng tập hợp các quốc gia trong khu vực. Tháng 7/1991, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham được chính phủ Indonesia mời tham dự phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 24 tại Kuala Lumpur và trở thành Đối tác Đối thoại đầy đủ của ASEAN (AMM) vào năm 1996. Tháng 11/2002, ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện, mở đường cho hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN được lưu thông tự do. Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á, chứng minh tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với chính sách đối ngoại nước này. Tháng 10/2003, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2008, Trung Quốc bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên ở ASEAN, sau đó mở Trung tâm ASEAN – Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 11/2011 và thành lập phái đoàn ngoại giao tại ASEAN vào năm 2012. Hai bên đã thông qua và triển khai các Kế hoạch hành động giai đoạn 2010 – 2015, 2016 – 2020 và 2021 – 2025. Năm 2018, trong khuôn khổ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, ASEAN – Trung Quốc đã thông qua Tầm nhìn Đối tác chiến lược đến năm 2030. Về vấn đề Biển Đông, các bên đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào tháng 11/2002, thông qua Hướng dẫn triển khai DOC năm 2011 và năm 2016 thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC. Năm 2021, ASEAN và Trung Quốc cùng tham gia RCEP. Hai bên tiếp tục duy trì các kênh đối thoại để gắn kết lẫn nhau (Hoàng & Nguyễn, 2021). Về kinh tế – thương mại, tính đến năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc – ASEAN đạt 911,7 tỷ USD, cao hơn gần 300 triệu USD so với con số 641 tỷ USD vào năm 2019 (Flores, 2023) (Biên tập của trang Đặc phái viên Trung Quốc tại ASEAN, 2024). Trung Quốc cũng gia tăng vốn đầu tư ở các nước trong khu vực ASEAN lên đến trên 150 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Singapore là quốc gia nhận nguồn vốn FDI của Trung Quốc nhiều nhất, lên đến khoảng 50% giai đoạn 2017 – 2022. Quốc gia tỷ dân đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe điện và các ngành sản xuất liên quan (Huld, 2023).

Quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo

Đông Nam Á là khu vực của 11 quốc gia và những quốc gia này đều có những lợi ích chiến lược trong công cuộc phát triển chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh triển khai sáng kiến Vành đai, con đường (BRI). Do đó, những động thái của Trung Quốc ở từng quốc gia trong khu vực đều có sự khác biệt.

Đối với Philippines, duy trì quan hệ tốt với nước này sẽ có lợi cho chính phủ Trung Quốc khi quốc gia Đông Bắc Á triển khai BRI. Vì vậy, Trung Quốc cần cố gắng lôi kéo quốc gia này theo hướng có lợi. Philippines là quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Nam Á bên cạnh Thái Lan. Hai bên đã ký hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951 và vẫn có hiệu lực cho đến hiện nay. Philippines cho siêu cường này đặt căn cứ quân sự nhằm gây sức ép với Trung Quốc. Năm 2013, chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc lên trọng tài tại The Hague để phản đối Trung Quốc mở rộng lãnh hải trên Biển Đông đã làm quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Durtete, quan hệ Philippines – Mỹ xuống cấp trầm trọng do ông Durtete phản đối sự can dự của Mỹ trong vấn đề nội bộ quốc gia này cũng như các vấn đề khu vực và người đứng đầu quốc gia này bắt đầu chú trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, tạo điều kiện cho Trung Quốc hiện diện tại quốc gia này. Trong giai đoạn 2016 – 2022, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông đạt 1,7 tỷ USD, cao thứ hai chỉ sau Nhật Bản và hơn 3,6 nghìn doanh nghiệp Philippines được thành lập có liên quan đến Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc được cho có liên quan đến tập đoàn Dito Telecommunity khi triển khai xây dựng mạng lưới điện với tổng chi phí lên đến 5,4 tỷ USD (Alvin & Rongchen, 2022). Sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Rodrigo Durtete dành cho Trung Quốc đã làm gián đoạn những hoạt động hợp tác giữa Philippines và Mỹ, đặc biệt là các hoạt động quân sự thường niên hai nước.

Sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. kế nhiệm vào tháng 6/2022, người đứng đầu nước này đã có nhiều động thái phản đối Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines và Mỹ bắt đầu nối lại hợp tác 2+2 sau 8 năm gián đoạn dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Durtete. Trong năm 2023, hơn 500 hoạt động hợp tác quân sự được Mỹ và Philippines triển khai dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Ngày 3/4/2024, văn phòng Tổng thống Philippines phát đi thông báo cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của quốc gia này bao gồm căn cứ hải quân Camilo Osias ở Santa Ana và sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan, căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela và căn cứ Balabac của đảo Palawan. Tính đến hiện nay, số căn cứ mà Philippines cho Mỹ đóng quân lên đến 9 cơ sở theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) được ký vào năm 2014. Văn phòng Tổng thống cho biết việc cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ nhằm “tăng cường ứng phó thảm họa của đất nước vì các địa điểm này cũng sẽ được sử dụng cho các hoạt động nhân đạo và cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp và thiên tai”. Sự kiện đã vấp phải sự chỉ trích từ chính phủ Trung Quốc vì các căn cứ quân sự Isabela và Cagayan ở Luzon, phía Bắc Philippines và có khoảng cách gần với Đài Loan, trong khi Palawan tọa lạc ở vị trí gần với quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam và có thể dễ dàng điều tàu chiến đến các vùng xung đột ở Biển Đông (Phương, 2023) (Vân & Đức, 2023). Động thái của chính quyền ông Marcos Jr. củng cố chiến lược chuỗi ngọc trai mà Mỹ đã thiết lập, gia tăng sức ép với Trung Quốc. Trong tương lai, quan hệ Philippines và Trung Quốc sẽ theo biểu đồ hình sin.

Đối với Malaysia, việc hợp tác với nước này sẽ giúp Trung Quốc củng cố vai trò trong khu vực. Tại Malaysia, người Hoa có ảnh hưởng quan trọng trong nền kinh tế nước này. Người Hoa tại quốc gia Đông Nam Á này chiếm đến 22,8% trong tổng dân số, tương đương 7,4 triệu người và kiểm soát đến hơn 50% nền kinh tế Malaysia (Biên tập của trang Minority Rights Group, 2018) (Khalid & Li, 2019). Theo khảo sát vào năm 2017, có tới 70% người dân nước này ủng hộ sự hiện diện của Trung Quốc cùng các khoản đầu tư của nước này và là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong khu vực Đông Nam Á (Rahim, 2017). Trong một khảo sát vào năm 2019, 74% người dân Malaysia tham gia khảo sát cho biết sự tham dự của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với các vấn đề quốc tế trong thập kỷ tiếp theo (Statista Research Department, 2022). Những dữ kiện trên cho thấy Malaysia đã có sự gắn kết mật thiết với Trung Quốc, vì vậy chính phủ Trung Quốc cần gia tăng sự hiện diện tại quốc gia này để được sự ủng hộ từ quốc gia này trong vấn đề Biển Đông, vấn đề liên quan đến sự hiện diện của Mỹ và đối tác, đồng minh trong khu vực. Vào năm 2023, hơn 103 tỷ USD hàng hóa từ Malaysia được xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong 15 năm liên tiếp từ năm 2009 và chiếm hơn 17% tổng xuất khẩu của Malaysia. Quốc gia Đông Bắc Á cũng đang đẩy mạnh các dự án lớn, biến quốc gia này thành “công xưởng” chế tạo linh kiện điện tử, lắp ráp các sản phẩm về công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và tạo ra hàng nghìn việc làm. Jinko Solar là công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc và được niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào năm 2010, đã mở nhà máy sản xuất ở Penang vào năm 2015 với trị giá 100 triệu USD và năm 2017 đã tăng khoản đầu tư lên thêm 500 triệu USD. Penang là bang ở eo biển Malacca, có yếu tố địa chính trị cực kỳ quan trọng, cho thấy sự ủng hộ của chính phủ Malaysia đối với dự án do các tập đoàn Trung Quốc đầu tư vì Jinko Solar đã nhận khoản đầu tư 1 tỷ USD vào năm 2012 (renewableenergyworldcontentteam, 2012). LONGi Solar, công ty sản xuất pin mặt trời, đã đầu tư vào Sarawak, một bang giáp biển Đông, đối diện quần đảo Riau và trị giá ước tính vào năm 2023 lên đến hơn 1,1 tỷ USD (Power Engineering International, 2023). Geely, tập đoàn sản xuất ô tô của Trung Quốc đã mua 49,9% cổ phần của Proton Holdings và 51% tại Lotus với tổng trị giá 275 triệu USD (Lee, 2024). Về du lịch, hơn 1 triệu khách du lịch đến thăm Malaysia vào năm 2023 (Biên tập của trang The Star, 2024). Ngày 25/5/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố coi việc phát triển quan hệ Trung Quốc – Malaysia là ưu tiên trong ngoại giao ngoại vi trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Malaysia. Ông nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, cũng như cần tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng, nền kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và phương tiện sử dụng năng lượng mới. Đồng thời, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi hai bên tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, con đường. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia Dato’ Seri Utama Haji Mohamad bin Haji Hasan cho rằng Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy và tình hữu nghị Malaysia – Trung Quốc không thể bị can thiệp hay làm suy yếu bởi bất kỳ thế lực bên ngoài vì quan hệ hai nước đã kéo dài hàng nghìn năm. Bộ trưởng Malaysia cũng nhấn mạnh ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và phản đối các bên ngoài khu vực làm phức tạp tình hình Biển Đông (Global Times, 2024).

Đối với Indonesia, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển vượt trội. Dưới thời Tổng thống Joko Widodo, sau khi ông nắm quyền vào năm 2014, việc tập trung vào quan hệ với Trung Quốc đã được người đứng đầu nước này triển khai quyết liệt. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu trong hơn 10 năm với hơn 130 tỷ USD tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu với Indonesia, trong đó Indonesia xuất sang Trung Quốc đạt 67,7 tỷ USD và Bắc Kinh xuất khẩu hàng hóa trị giá 71,3 tỷ USD vào Jakarta (Biên tập của trang OEC, n.d.). Về đầu tư, trong năm 2023, lượng tiền đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia xoay quanh năng lượng mới, cơ sở hạ tầng quan trọng. Đường sắt cao tốc Jakarta – Bangdung có trị giá 7,3 tỷ USD được khánh thành vào ngày 17/10/2023 được chính phủ, chuyên gia và người dân nước sở tại đánh giá cao, giúp rút ngắn thời gian di chuyển; phát triển kinh tế và góp phần củng cố quan hệ Trung Quốc – Indonesia (huaxia, 2024). Bên cạnh dự án trên, các tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào các khu vực có nhiều niken, sắt, thép và các nhà máy phát điện, cùng những nhà máy lên đến hàng tỷ USD, tạo việc làm cho hàng chục nghìn việc làm cho người lao động (Tritto, 2023). Trong cuộc gặp tại Thành Đô vào ngày 27/7/2023 nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẵn sàng duy trì liên lạc chiến lược thường xuyên với Indonesia, tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản trị nhà nước, khởi xướng cơ chế đối thoại “2 + 2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, đồng thời xây dựng lòng tin chiến lược cấp cao lẫn nhau. Trung Quốc hỗ trợ Indonesia phát triển thủ đô mới và Khu công nghiệp Bắc Kalimantan, đồng thời sẵn sàng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm phương tiện sử dụng năng lượng mới và thành phố thông minh, đồng thời cùng thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số công nghiệp. Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa số lượng lớn và nông sản chất lượng cao từ Indonesia, giúp quốc gia này trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm (huaxia, 2023). Sau khi Prabowo Subianto trở thành Tổng thống mới của Indonesia, ông đã có cuộc chuyến công du đầu tiên thăm Trung Quốc vào ngày 2/4/2024, cho thấy sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Indonesia cũng như trong quan hệ hai nước. Tại cuộc gặp, Tổng thống Prabowo Subianto tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại dưới thời người tiền nhiệm. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi ông Subianto là “bạn cũ”, mang hàm ý tích cực và Trung Quốc xem mối quan hệ với Indonesia là quan hệ có tính chiến lược và lâu dài (Basorie, 2024). Vào ngày 18/4/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã viếng thăm Indonesia. Trong cuộc gặp, ông P. Subianto lên tiếng ủng hộ phát triển quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và duy trì hòa bình trong khu vực (Jakarta Post, 2024).

Đối với Singapore, Trung Quốc hợp tác với quốc đảo sư tử sẽ rút ngắn khoảng cách phát triển công nghệ với Mỹ và đồng minh. Sau khi tách khỏi Malaysia và giành độc lập, chính phủ Singapore đã định hướng đất nước là nơi tập trung phát triển thương mại và dịch vụ. Khi cuộc cách mạng công nghệ phát triển, chính quyền Singapore đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp để thu hút đầu tư từ bên ngoài vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến của thế giới. Hành động của chính phủ Singapore đã nhanh chóng thu hút lượng đầu tư từ Mỹ và Châu Âu. Mỹ và Singapore đã cam kết (i) xây dựng lộ trình phát triển hợp tác kỹ thuật số; (ii) thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp – tổ chức nghiên cứu của Mỹ và Singapore sau khi Đối thoại Công nghệ quan trọng và mới nổi (CET) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2023 nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và thành phố thông minh, năng lượng và môi trường, công nghệ, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và sản xuất tiên tiến cũng như chăm sóc sức khỏe (Huld, 2023). Ngoài ra, Singapore có vị trí quan trọng đối với eo biển Malacca, một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vì vậy, Trung Quốc cần triển khai nhiều động thái để tranh thủ khả năng công nghệ của Mỹ và đồng minh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đã lan rộng sang lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn và đảm bảo Sáng kiến Vành đai, con đường được triển khai xuyên suốt. Trong năm 2022, hơn 500 công ty Trung Quốc được thành lập tại Singapore. Các tập đoàn lớn về công nghệ như Alibaba, Tencent, ByteDance cùng Trip.com, iQiyi, Huawei Cloud, Yitu, Pensees, Tongdun Technology, Yoozoo và Envision Group đã hiện diện tại đất nước Đông Nam Á này. Trung Quốc hiện là đất nước đứng thứ hai đầu tư vào Singapore, sau Mỹ. Hai bên cũng đã triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như Khu công nghiệp Tô Châu Trung Quốc – Singapore; Thành phố sinh thái Thiên Tân Trung Quốc – Singapore; Sáng kiến Kết nối chiến lược Trùng Khánh Trung Quốc – Singapore, hỗ trợ phát triển Thành phố Tri thức Quảng Châu Trung Quốc – Singapore; Khu đổi mới công nghệ cao Singapore – Tứ Xuyên; Đảo công nghệ cao sinh thái Nam Kinh; Sáng kiến ​​Thành phố Thông minh Singapore – Trung Quốc (Bộ Ngoại giao Singapore, n.d.). Tháng 2/2024, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) và SBF ký biên bản ghi nhớ, tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong các hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và công nghiệp giữa hai nước. CCPIT cũng cam kết hợp tác với Liên đoàn Sản xuất Singapore (SMF) và thông qua việc ký biên bản ghi nhớ để tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Singapore trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý và giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ. Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Singapore, nắm giữ 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của đảo quốc sư tử vào năm 2023. Ngày 25/1/2024, hai bên quyết định miễn thị thực công dân lên đến 30 ngày nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh và du lịch (Mei, 2024). Những hoạt động hợp tác dân sự đã thúc đẩy sự phát triển hợp tác quốc phòng. Từ ngày 1 đến 14/9/2023, hai nước cũng quyết định tập trận quân sự trở lại sau khi gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19 cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ hai nước (Bộ Quốc phòng Singapore, 2023).

Đối với Brunei, Trung Quốc hợp tác với quốc gia này sẽ củng cố ảnh hưởng trên Biển Đông. Về kinh tế – thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba tại đất nước Hồi giáo và hợp tác kinh tế song phương đạt 3,08 tỷ USD vào năm 2022. Hiện nay, có 42 doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ở Brunei, có liên kết trực tiếp với chính phủ Brunei, xoay quanh các lĩnh vực như thương mại, hậu cần, thủy sản và xây dựng (Zhao & Hoon, 2023). Năm 2014, Brunei và chính quyền Quảng Tây đã thành lập Hành lang Kinh tế Quảng Tây – Brunei. Năm 2018, chính phủ Brunei liên kết với Tập đoàn Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây vận hành Cảng container Muara, tăng năng lực xử lý container từ 220.000 lên 1 triệu container vào năm 2021, thúc đẩy xây dựng khu công nghệ phụ trợ. Năm 2017, Tập đoàn Zhejiang Hengyi cam kết đầu tư 4 tỷ USD vào giai đoạn một của dự án phức hợp hóa dầu Pulau Muara Besar (PMB) của Brunei. Sau đó, tập đoàn này cũng cam kết đầu tư 12 tỷ USD vào PMB và xây dựng cầu nối giữa khu phức hợp với đất liền (Husseini, 2023). Nhờ những hợp tác về kinh tế, Brunei đã đứng ngoài cuộc xung đột trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Ngày 13/9/2017, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah có chuyến viếng thăm Trung Quốc. Tại buổi tiếp đón, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hai bên cần duy trì trao đổi cấp cao, không ngừng làm sâu sắc thêm lòng tin chính trị lẫn nhau, liên tục hiểu và ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau (Đại sứ quán Trung Quốc tại Brunei, 2017). Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm lần đầu tiên đến Brunei sau 13 năm, cho thấy sự quan trọng của Brunei trong Sáng kiến BRI của Trung Quốc. Người đứng đầu Trung Quốc trước chuyến thăm tuyên bố ủng hộ sự gắn kết chặt chẽ giữa BRI và Tầm nhìn Brunei đến 2035. Năm 2016, sau chuyến thăm Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Brunei ủng hộ đàm phán song phương các vấn đề trên Biển Đông. Đặc biệt, ông Vương cũng cho biết Brunei là quốc gia đề xuất “cách tiếp cận song song” (Đại sứ quán Trung Quốc tại Brunei, 2016). Ngày 18/11/2022, tại Bangkok, Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah tuyên bố cùng theo đuổi các dự án trong khuôn khổ Vành đai, con đường, làm sâu sắc thêm hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, ngư nghiệp và năng lượng, thúc đẩy các động lực hợp tác trong phát triển xanh và kinh tế số, và thúc đẩy du lịch và trao đổi giữa nhân dân hai nước một cách có trật tự. Đặc biệt, Chủ tịch Trung Quốc mong muốn được hợp tác sâu rộng với các quốc gia ASEAN thông qua sự hỗ trợ từ Brunei (Đại sứ quán Trung Quốc tại Latvia, 2022). Về vấn đề Biển Đông, Brunei vẫn giữ lập trường im lặng trước tình hình phức tạp trong khu vực. Những dẫn chứng kể trên cho thấy sự ủng hộ sâu sắc của chính quyền Brunei dành cho Trung Quốc và đồng thời chứng minh sự thành công của các chiến lược từ Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á lục địa

Đông Nam Á lục địa bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Các quốc gia này có sự tương tác sâu sắc với Trung Quốc từ lịch sử. Do đó, những hiểu biết về văn hóa, lịch sử đã trở thành nền tảng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa.

Đối với Việt Nam, sự gắn kết quan hệ Việt – Trung là một phần tất yếu trong lịch sử hình thành, phát triển của hai nước. Việt Nam nằm ở phía Nam của Trung Quốc, có vị trí địa chiến lược, địa chính trị vô cùng quan trọng. Nicholas J. Spykman, nhà nghiên cứu chính trị người Hà Lan đã tuyên bố: “Chủ thể thống trị vùng đất rìa (là vùng Đông Nam Á), chủ thể đó sẽ thống trị lục địa Á – Âu và nắm giữ vận mệnh thế giới trong tay” (Swielande, 2017). Tuyên bố cho thấy vai trò và ảnh hưởng của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã can dự vào khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng với đỉnh điểm của “Học thuyết Domino” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong quá khứ, các triều đại phong kiến Trung Quốc cố gắng mở rộng xuống phía Nam để thoát khỏi bẫy địa chính trị vì cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam và nước này đã chứng kiến học thuyết Domino. Vì vậy, nước này cần gia tăng ảnh hưởng ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thông qua khía cạnh kinh tế vì các nước hiện nay là nền kinh tế đang phát triển, cần lượng lớn tài chính để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt khoảng 130 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Trung Quốc xuất khẩu lên đến gần 90 tỷ USD và Việt Nam lên đến 49,6 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia có dự án FDI nhiều thứ hai tại Việt Nam lên đến 23,5 tỷ USD với hơn 3.500 dự án đã đăng ký. Trong đó, có thể kể đến công ty Luxshare-ICT cung cấp nguyên liệu cho Apple với tổng số vốn lên đến 600 triệu USD ở Bắc Giang (270 triệu USD) và Nghệ An (330 triệu USD) (Đức, 2023), công ty    Innovation Precision có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất nhôm với năng suất 100.000 tấn/năm, tạo việc làm chất lượng cao cho hơn 1.500 người ở Nghệ An và Sunny Optical với 2,5 tỷ USD (Dezan Shira and Associates, 2023). Các tập đoàn hàng đầu về công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Huawei, Byte Dance (chủ sở hữu Tiktok) đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân. Về đối ngoại, Việt Nam và Trung Quốc duy trì đối thoại lãnh đạo các cấp, hai nước cùng tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế. Sự kiện Việt Nam phê duyệt tham gia RCEP, một hiệp định kinh tế do Trung Quốc khởi xướng cho thấy sự gắn bó mật thiết, hữu nghị giữa hai nước. Năm 2023, sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam, tuyên bố Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển của Trung Quốc và sự kiện hai bên phê duyệt cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực cho thấy lòng tin chính trị sâu sắc giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước (Hà Văn, 2023). Về quốc phòng – an ninh, hai bên tiếp tục duy trì đối ngoại quốc phòng và hợp tác tập trận, giao lưu lẫn nhau. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn bất đồng về những hành động tiêu cực của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có luật hải cảnh được thông qua vào năm 2021, trái với Công ước quốc tế về luật Biển 1982 (UNCLOS); Hiến chương Liên Hợp Quốc và vi phạm quyền chủ quyền; quyền tài phán của Việt Nam (PGS-TS Vũ Thanh Ca, 2021).

Đối với Lào, quan hệ Lào – Trung tiếp tục duy trì và phát triển. Hai bên đã tiến hành nhiều dự án quan trọng như các đập thủy điện, những dự án về cơ sở hạ tầng, tài nguyên và các đặc khu kinh tế để gia tăng gắn kết. Trong bối cảnh Mỹ có nhiều động thái trừng phạt thuế quan lên các sản phẩm xuất phát từ Trung Quốc, các dự án đầu tư sang Lào là phương án phù hợp (Bùi Gia Kỳ, 2024). Về đối ngoại, hai bên tiếp tục ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế đa phương và duy trì quan hệ, trao đổi cấp cao và bảo vệ lợi ích chung hai nước. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith khi còn ở vị trí Thủ tướng vào ngày 6/1/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Lào nhằm bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của mình” (Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, 2020). Năm 2023, tại Bắc Kinh, hai bên ký kết kế hoạch hành động, hợp tác giữa hai đảng giai đoạn 2024 – 2028 về việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Lào chia sẻ tương lai. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi hai bên nên khai thác sâu hơn tiềm năng của Đường sắt Trung Quốc – Lào, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Lào và tạo ra khuôn mẫu cho hợp tác Vành đai và Con đường trong khu vực và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sang Lào. Chủ tịch nước Lào cũng tuyên bố sẵn sàng duy trì đối thoại cấp cao, thúc đẩy phát triển đường sắt Lào – Trung cùng các dự án khác, tăng cường thúc đẩy quan hệ ASEAN – Trung Quốc hợp tác các vấn đề khu vực và toàn cầu (Huaxia, 2023).

Đối với Campuchia, quan hệ Trung Quốc – Campuchia ngày càng nồng ấm. Campuchia và Trung Quốc ký kết Kế hoạch Hành động giai đoạn 2019 – 2023 trong khuôn khổ Xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Campuchia – Trung Quốc vào tháng 4/2019 xoay quanh các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, ngoại giao nhân dân và thúc đẩy hợp tác đa phương. Campuchia là quốc gia ủng hộ tích cực Sáng kiến Vành đai, con đường và nhận được sự ủng hộ lớn đến từ Trung Quốc. Tính đến năm 2019, FDI của Campuchia phần lớn đến từ Trung Quốc với hơn 21,89%. Từ năm 2017 đến nay, 2000km đường bộ, 7 cây cầu lớn và cảng container Phnom Penh Autonomous được xây dựng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Sự hỗ trợ của Trung Quốc cũng hiện diện rõ nét ở cảng hàng không Siem Reap, cảng hàng không Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong và cảng hàng không mới ở Kandal được phê duyệt với tổng đầu tư lên đến 3 tỷ USD. Đường cao tốc Phnom Penh – Sihanouville được chính phủ Trung Quốc phê duyệt đầu tư thông qua Công ty Xây dựng Liên lạc Trung Quốc lên đến 2 tỷ USD. Lĩnh vực năng lượng cũng được chính phủ Trung Quốc nhắm đến thông qua nhà máy thủy điện trị giá 7,5 tỷ USD và 4 tỷ USD dành cho nhà máy nhiệt điện. Trung Quốc cũng hiện diện ở đặc khu kinh tế Sihanoukville với hơn 100 công ty hiện diện có tổng đầu tư lên đến 3 tỷ USD. Tháng 8/2023, Trung Quốc và Campuchia thống nhất kế hoạch đầu tư kênh đào Phù Nam Techo dài 180km sau 28 tháng nghiên cứu. Kênh đào sẽ nối các cảng biển của Campuchia ở phía tây nam với sông Mekong với các địa điểm quan trọng, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu kinh tế của 5 triệu người dân ở Campuchia. Tuy nhiên, dự án đã tạo ra làn sóng tranh cãi giữa các nước trong và ngoài khu vực (Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, 2024).

Đối với Thái Lan, sự hiện diện của Trung Quốc đang ngày càng suy yếu do sự hàn gắn quan hệ của Thái Lan với Mỹ. Vào năm 2015, Mỹ phản đối việc quân đội đảo chính chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã làm quan hệ hai bên căng thẳng (Đức M. , 2015). Sự kiện đã thúc đẩy sự gần gũi trong quan hệ Trung Quốc – Thái Lan mặc dù Mỹ đã nối lại quan hệ với Thái Lan dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm 2017. Năm 2022, quan hệ thương mại Trung Quốc – Thái Lan đạt 107 tỷ USD, chiếm 18% tổng lượng ngoại thương với nước ngoài, đưa Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của nước này. Trung Quốc đã đầu tư vào Thái Lan lên đến 2,3 tỷ USD vào các ngành quan trọng như điện tử, ô tô và trung tâm dữ liệu (Wanli, 2023). Vào năm 2017, Trung Quốc bắt đầu triển khai dự án đường sắt dài 873 km nối Bangkok với Nongkhai giáp biên giới với Lào trị giá 5 tỷ USD, dự kiến kết nối các tỉnh của Thái Lan với Lào và Trung Quốc nhằm thúc đẩy kinh tế (Chen, 2024). Về đối ngoại, hai bên tuyên bố tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ song phương đi vào thực chất. Trong khuôn khổ APEC lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc coi trọng quan hệ với Thái Lan và sẽ hợp tác với nước này để phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực “như một gia đình”. Hai bên tuyên bố tiếp tục ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương (Ban Quốc tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, 2022). Năm 2023, sau khi Srettha Thavisin trở thành Thủ tướng Thái Lan, người đứng đầu chính phủ nước này đã có chuyến viếng thăm Trung Quốc trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm ra đời của Sáng kiến Vành đai, con đường. Tại buổi tiếp đón, ông Tập cho biết chuyến viếng thăm Trung Quốc của Thủ tướng mới là chứng minh sự ưu tiên hợp tác với Trung Quốc của chính phủ Thái Lan (Biên tập của trang Diễn đàn Vành đai, con đường về Hợp tác Quốc tế lần thứ ba, 2023).

Đối với Myanmar, sự hiện diện của Trung Quốc là cực kỳ rõ nét. Sau sự kiện đảo chính diễn ra ở Myanmar vào ngày 1/2/2021, Trung Quốc tiếp tục hợp tác với chính phủ mới. Lý do cho hành động này của Trung Quốc là vì sự gần gũi về địa lý của Myanmar. Trung Quốc luôn lo ngại về những bất ổn ở vùng rìa lục địa Á – Âu có thể tác động đến vùng biên giới ở xa tầm kiểm soát của nước này. Thêm vào đó, tăng cường hiện diện ở Myanmar sẽ đồng thời củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Ấn Độ. Do đó, trái ngược với xu hướng chỉ trích từ các nước về cuộc đảo chính, Trung Quốc thể hiện vai trò trung gian hòa giải giữa các bên. Trung Quốc đã đầu tư 113 triệu USD vào Myanmar kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền, cho thấy sự xuyên suốt trong quan hệ hợp tác hai nước. Những dự án quan trọng giữa Trung Quốc và Myanmar đã được đưa trở lại đàm phán như Tuyến đường sắt cao tốc dài 650 km giữa Vân Nam và Rakhine có cảng nước sâu quan trọng Kyaukpyu bị tạm dừng vào năm 2014, dự án cối xoay gió ở Kyaukpyu; dự án nhà máy thủy điện ở Kachin và một nhà máy điện chạy bằng khí đốt (Anh, 2021). Từ năm 2021 đến 2022, các nhà máy do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư bị đốt phá ở Myanmar (Kironska, 2023). Vì vậy, Trung Quốc đã trực tiếp gặp và làm việc với đại diện các bên. Tháng 5/2023, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là ông Tần Cương đã có cuộc gặp với Tướng Min Aung Hlaing nhằm duy trì sự ổn định tại biên giới Trung Quốc – Myanmar, thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đồng thời mở ra triển vọng mới cho công tác liên quan đến biên giới và Myanmar. Trung Quốc cũng được cho là có liên lạc và hỗ trợ quân sự cho các nhóm vũ trang ở Myanmar để đổi lại sự ổn định ở biên giới Trung Quốc – Myanmar (Gravers, 2023)  (Štilipová, 2023) (Michaels, 2023).

Dự báo trong thời gian tới

Tình hình thế giới đang thay đổi theo chiều hướng ngày càng phức tạp và khó lường. Sau khi Joe Biden trở thành Tổng thống, ông đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc. Sự kiện Mỹ xây dựng Đại sứ quán lớn nhất thế giới, đặt tại Hà Nội cho thấy sự dịch chuyển chiến lược toàn diện của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt, sự kiện bước nhảy trong quan hệ Mỹ – Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã chứng minh sự sẵn sàng đối đầu ngày càng tăng của giới tinh hoa Nhà Trắng. Trong khi đó, xung đột ở khắp nơi trên thế giới vẫn đang diễn ra và có dấu hiệu gia tăng. Ở Châu Âu, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ hai và hai bên tiếp tục ở thế giằng co. Nhiều quốc gia Châu Âu đang cân nhắc việc phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Ukraine. Trong khi đó, cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel bắt đầu bất ngờ từ ngày 7/10/2023 và những nấc thang mới đang xuất hiện, trong đó có thể kể đến sự kiện Israel tấn công cơ quan ngoại giao Iran ở Syria vào ngày 1/4/2024 và Iran đã có những động thái đáp trả vào ngày 13/4/2024. Mỹ đã thông qua gói viện trợ mới dành cho Israel và Ukraine, cho thấy sự phân tán lực lượng ngày càng sâu sắc. Hơn hết, cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ được dự báo làm đảo lộn thế giới trong nhiều năm tiếp theo khi các chuyên gia dự đoán sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump. Những sự kiện kể trên sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc triển khai các chiến lược đối ngoại đối với khu vực Đông Nam Á.

Đầu tiên, mục tiêu trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố vai trò và vị thế của Trung Quốc trong nội bộ các nước ASEAN, qua đó phân tán vai trò của ASEAN, đặc biệt là vai trò trung tâm của tổ chức này. Vai trò trung tâm ASEAN là học thuyết được thông qua lần đầu tiên trong Hiến chương ASEAN vào năm 2007. Kể từ đó, tổ chức này đã nhanh chóng củng cố vai trò, tiếng nói trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Sự kiện tổ chức hai lần Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên đã chứng minh tầm ảnh hưởng của các nước ASEAN trong khu vực. Ngoài ra, sự kiện các nước Đông Nam Á tự chủ trong vấn đề gia nhập RCEP do Trung Quốc khởi xướng cũng cho thấy trong thời gian tới các nước này sẽ tiếp tục là thách thức tiềm tàng đối với Sáng kiến Vành đai, con đường do Trung Quốc khởi xướng. Năm 2019, các quốc gia ASEAN thông qua Tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó đề cập Đông Nam Á ở vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm cung cấp tầm nhìn để gợi ý các hoạt động hợp tác trong khu vực (Ban Thư ký ASEAN, 2019). Do đó, chính phủ Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư quy mô lớn nhằm xây dựng hình ảnh Trung Quốc thân thiện với người dân và chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông tiếp tục là định hướng chiến lược của Trung Quốc. Trong ba đời Tổng thống Mỹ gần nhất, chiến lược dành cho khu vực đã được nâng cấp đáng kể về phạm vi hoạt động thông qua những tuyên bố trong các văn bản chiến lược và những động thái tập hợp lực lượng trong khu vực. Mỹ đã tài trợ các hoạt động phát triển kinh tế, nâng cao khả năng thực thi trên biển của các nước trong khu vực nhằm làm gián đoạn các hoạt động của Trung Quốc. Vì vậy, việc ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ sẽ tiếp tục là định hướng được triển khai nhằm bảo vệ sự xuyên suốt của chiến lược Vành đai, con đường.

Kết luận

Đông Nam Á đang chứng minh được vai trò ngày càng gia tăng trong cấu trúc khu vực, nhất là trong bối cảnh các nước lớn đang tăng tốc chiến lược hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, việc Mỹ và các nước đồng minh của họ có xu hướng gia tăng can dự, gây phức tạp thêm tình hình khu vực sẽ là một trở ngại đáng kể nếu không muốn nói là trở ngại lớn nhất đối với Bắc Kinh. Để đối phó với điều này, Trung Quốc sẽ tái củng cố ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á thông qua các hoạt động hợp tác song phương và đa phương. Nếu không thể đảm bảo một cục diện khu vực có lợi đối với mình, ít nhất Trung Quốc sẽ tìm cách duy trì hiện trạng trung lập của đa số các quốc gia Đông Nam Á. Riêng đối với các trường hợp đang dao động và có xu hướng điều chỉnh lại chiến lược cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc theo hướng ngả về phía Washington, lựa chọn đối đầu không phải là ưu tiên đầu tiên của Bắc Kinh đối với các nước này. Bởi điều đó có thể khiến bố cục quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á dựa trên nền tảng tinh thần thống nhất từ Hiệp ước Thân Thiện và Hợp tác (TAC) bị xáo trộn đáng kể. Tuy nhiên, hạn chế đối đầu không có nghĩa là Bắc Kinh dễ dàng nhượng bộ trước các xung khắc lợi ích, nhất là lợi ích về an ninh. Điều duy nhất Bắc Kinh có thể nhượng bộ thường nằm ở lĩnh vực kinh tế, thương mại. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, đó có thể là một yếu tố thuận lợi, nhưng cũng có thể hàm chứa các thách thức. Tranh thủ thời cơ phát triển từ chính cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, hạn chế tác động từ mặt trái của cuộc chơi lớn đang tỏ ra là một lựa chọn phù hợp đối với các thành viên ASEAN. Khi nào vai trò trung tâm của ASEAN còn được duy trì và nâng tầm, Đông Nam Á sẽ vẫn là một khu vực có được sự ổn định tương đối trong thời đại có nhiều xáo trộn lớn.

——————————-

 Tài liệu tham khảo:

1. Alvin, C., & Rongchen, J. (2022). Beyond Infrastructure: Chinese Capital in the Philippines Under Duterte. https://thediplomat.com/2022/04/beyond-infrastructure-chinese-capital-in-the-philippines-under-duterte/, truy cập ngày 18/5/2024.
2. Anh, Y. (2021). Trung Quốc sẽ xây đường sắt nối với cảng dầu khí Myanmar. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/trung-quoc-se-xay-duong-sat-noi-voi-cang-dau-khi-myanmar-595155.html, truy cập ngày 4/7/2024.
3. Ban Quốc tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. (2022). Xi, Prayut agree on building China-Thailand community with shared future for enhanced stability, prosperity, sustainability. https://www.idcpc.org.cn/english/events/202212/t20221207_150718.html, truy cập ngày 4/7/2024.
4. Ban Thư ký ASEAN. (2019). ASEAN Outlooks on the Indo-Pacific. https://asean.org/wp-content/uploads/2021/01/ASEAN-Outlook-on-the-Indo-Pacific_FINAL_22062019.pdf
5. Basorie, W. D. (2024). Prabowo in China: Indonesia’s president-elect on the world stage. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/prabowo-china-indonesia-s-president-elect-world-stage, truy cập ngày 25/5/2024.
6. Biên tập của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. (2015). Xi Jinping Delivers Important Speech in National University of Singapore, Stressing to Jointly Open up New Dimension in All-round Cooperation and Build Beautiful Homeland of Asia. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/topics_665678/2015zt/xjpdynxjpjxgsfw/201511/t20151110_704854.html, truy cập ngày 18/5/2024.
7. Biên tập của trang Ban Kinh tế Trung ương. (2017). Kinh tế khối Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/kinh-te-xa-hoi/kinh-te-khoi-dong-nam-a-co-toc-do-tang-truong-nhanh-nhat-the.html, truy cập ngày 18/5/2024.
8. Biên tập của trang Đặc phái viên Trung Quốc tại ASEAN. (2024). Looking into the Future Seeking Common Development To Advance the Building of a Closer ASEAN-China Community with a Shared Future. http://asean.china-mission.gov.cn/eng/stxw/202403/t20240304_11253496.htm, truy cập ngày 17/5/2024.
9. Biên tập của trang Diễn đàn Vành đai, con đường về Hợp tác Quốc tế lần thứ ba. (2023). Xi Jinping Meets with Prime Minister of Thailand Srettha Thavisin. http://www.beltandroadforum.org/english/n101/2023/1020/c130-1270.html, truy cập ngày 4/7/2024.
10. Biên tập của trang Minority Rights Group. (2018). Chinese in Malaysia. https://minorityrights.org/communities/chinese-4/, truy cập ngày 21/5/2024.
11. Biên tập của trang OEC. (n.d.). https://oec.world/en/profile/bilateral-country/idn/partner/chn, truy cập ngày 25/5/2024.
12. Biên tập của trang The Star. (2024). Navigating the future of Malaysia-China relations. https://www.thestar.com.my/business/business-news/2024/01/29/navigating-the-future-of-malaysia-china-relations, truy cập ngày 25/5/2024.
13. Bộ Ngoại giao Singapore. (n.d.). People’s Republic of China. https://www.mfa.gov.sg/SINGAPORES-FOREIGN-POLICY/Countries-and-Regions/Northeast-Asia/Peoples-Republic-of-China#:~:text=Since%202013%2C%20China%20has%20been,been%20China’s%20largest%20foreign%20investor., truy cập ngày 5/6/2024.
14. Bộ Quốc phòng Singapore. (2023). SAF and PLA to Conduct Bilateral Exercise Cooperation 2023. https://www.mindef.gov.sg/web/portal/mindef/news-and-events/latest-releases/article-detail/2023/August/28aug23_nr, truy cập ngày 5/6/2024.
15. Bradsher, K., & Mozur, P. (2017). China’s Plan to Build Its Own High-Tech Industries Worries Western Businesses. https://www.nytimes.com/2017/03/07/business/china-trade-manufacturing-europe.html, truy cập ngày 18/5/2024.
16. Bùi Gia Kỳ. (2024). Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Lào và tác động đối với Việt Nam. https://nghiencuuchienluoc.org/anh-huong-cua-trung-quoc-o-lao-va-tac-dong-doi-voi-viet-nam-2/, truy cập ngày 4/7/2024.
17. Chen, H. (2024). China is trying to connect Southeast Asia by high-speed rail. Here’s how that’s going. https://edition.cnn.com/2024/03/25/travel/china-south-east-asia-travel-train-infrastructure-intl-hnk/index.html#:~:text=Meanwhile%2C%20a%20second%20high%2Dspeed,to%20be%20operational%20by%202028., truy cập ngày 4/7/2024.
18. China Power Team. (2021). How Much Trade Transits the South China Sea? https://chinapower.csis.org/much-trade-transits-south-china-sea/?trk=article-ssr-frontend-pulse_little-text-block, truy cập ngày 17/5/2024.
19. Đại sứ quán Trung Quốc tại Brunei. (2016). Wang Yi: “Dual-Track Approach” Is the Most Practical and Feasible Way to Resolve the South China Sea Issue. http://bn.china-embassy.gov.cn/eng/zwgx/201604/t20160425_10118562.htm, truy cập ngày 2/7/2024.
20. Đại sứ quán Trung Quốc tại Brunei. (2017). Xi Jinping Holds Talks with Sultan Haji Hassanal Bolkiah of Brunei. http://bn.china-embassy.gov.cn/eng/zwgx/201709/t20170918_10118572.htm, truy cập ngày 2/7/2024.
21. Đại sứ quán Trung Quốc tại Latvia. (2022). President Xi Jinping Meets with Sultan Hassanal Bolkiah of Brunei Darussalam. http://lv.china-embassy.gov.cn/eng//zgyw/202211/t20221118_10977822.htm, truy cập ngày 2/7/2024.
22. Dezan Shira and Associates. (2023). Chinese President Xi Jinping Visits Hanoi to Talk Trade and Investment. https://www.vietnam-briefing.com/news/chinese-president-xi-jinping-visits-hanoi-to-talk-trade-and-investment.html/, truy cập ngày 4/7/2024.
23. Đức, M. (2015). Căng thẳng trong quan hệ Thái-lan – Mỹ. https://nhandan.vn/cang-thang-trong-quan-he-thai-lan-my-post224147.html, truy cập ngày 4/7/2024.
24. Đức, T. (2023). Apple contractor Luxshare adds $330 mln to Vietnam electronic project. https://theinvestor.vn/apple-contractor-luxshare-adds-330-mln-to-vietnam-electronic-project-d7340.html, truy cập ngày 4/7/2024.
25. Flores, W. L. (2023). China, ASEAN are natural partners. https://regional.chinadaily.com.cn/en/2023-09/20/c_926787.htm, truy cập ngày 17/5/2024.
26. Global Times. (2024). China willing to cooperate with Malaysia in standing up for justice on intl stage, opposing unilateralism: official. https://www.globaltimes.cn/page/202404/1311325.shtml, truy cập ngày 25/5/2024.
27. Gravers, M. (2023). China’s support in Myanmar driven by self-interest. https://eastasiaforum.org/2023/06/17/chinas-support-in-myanmar-driven-by-self-interest/, truy cập ngày 4/7/2024.
28. Hà Văn. (2023). Xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” là dấu mốc lịch sử trọng đại. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-mang-y-nghia-chien-luoc-la-dau-moc-lich-su-trong-dai-119231213192702546.htm, truy cập ngày 4/7/2024.
29. Hoàng, T., & Nguyễn, Q. (2021). Quan hệ ASEAN – Trung Quốc: Ba mươi năm nhìn lại và hướng tới. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/quan-he-asean-trung-quoc-ba-muoi-nam-nhin-lai-va-huong-toi, truy cập ngày 18/5/2024.
30. (2023). Xi meets Indonesian president. https://english.news.cn/20230727/0d25597d60a94a7c8be4f9d41fcdf4ed/c.html, truy cập ngày 25/5/2024.
31. (2023). Xi meets Lao president. https://english.news.cn/20231020/ab37aabeede74532b63b414e25a490bf/c.html, truy cập ngày 4/7/2024.
32. (2024). Roundup: Collaboration between Indonesia and China receives high praise from experts. https://english.news.cn/20240402/9cf847cdd8b340b0b419f808028b42d0/c.html, truy cập ngày 25/5/2024.
33. Huld, A. (2023). The Rise of Chinese Capital: Impact on ASEAN’s Manufacturing Landscape. https://www.aseanbriefing.com/news/the-rise-of-chinese-capital-impact-on-aseans-manufacturing-landscape, truy cập ngày 17/5/2024.
34. Huld, A. (2023). US and Singapore to Deepen Collaboration on AI and Emerging Technologies. https://www.aseanbriefing.com/news/us-and-singapore-to-collaborate-on-ai-and-emerging-technologies/, truy cập ngày 5/6/2024.
35. Husseini, S. (2023). Why Brunei is Hedging Between the U.S. and China. https://www.usip.org/publications/2023/10/why-brunei-hedging-between-us-and-china, truy cập ngày 2/7/2024.
36. Jakarta Post. (2024). China’s Wang meets Jokowi, Indonesian president-elect Prabowo. https://www.thejakartapost.com/world/2024/04/18/chinas-wang-meets-jokowi-indonesian-president-elect-prabowo.html, truy cập ngày 25/5/2024.
37. Khalid, M., & Li, Y. (2019). Income inequality among different ethnic groups: the case of Malaysia. https://blogs.lse.ac.uk/businessreview/2019/09/11/income-inequality-among-different-ethnic-groups-the-case-of-malaysia/, truy cập ngày 21/5/2024.
38. Kironska, K. (2023). China’s stance towards Myanmar following the 2021 military coup. https://ceias.eu/chinas-stance-towards-myanmar-following-the-2021-military-coup, truy cập ngày 4/7/2024.
39. Lee, C. (2024). Malaysia–China Economic Relations: Riding the Dragon’s Tail for Structural Transformation. https://fulcrum.sg/malaysia-china-economic-relations-riding-the-dragons-tail-for-structural-transformation/, truy cập ngày 25/5/2024.
40. Mei, W. S. (2024). Enhanced Singapore-China connections present opportunities for business. https://www.hawksford.com/insights-and-guides/enhance-singapore-china-connections, truy cập ngày 5/6/2024.
41. Michaels, M. (2023). What China’s growing involvement means for Myanmar’s conflict. https://myanmar.iiss.org/analysis/chinas-growing-involvement, truy cập ngày 4/7/2024.
42. Vũ Thanh Ca. (2021). Luật Hải cảnh Trung Quốc trái Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. https://laodong.vn/the-gioi/luat-hai-canh-trung-quoc-trai-cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-892045.ldo, truy cập ngày 4/7/2024.
43. Phương, T. (2023). Philippines cho Mỹ dùng thêm 4 căn cứ quân sự. https://tuoitre.vn/philippines-cho-my-dung-them-4-can-cu-quan-su-20230403192048909.htm, truy cập ngày 19/5/2024.
44. Power Engineering International. (2023). LONGi inaugurates phase one of 8.8GW solar module plant in Malaysia. https://www.powerengineeringint.com/solar/longi-inaugurates-phase-one-of-8-8gw-solar-module-plant-in-malaysia, truy cập ngày 25/5/2024.
45. Rahim, R. (2017). Majority of Malaysians welcome China’s presence here. https://www.thestar.com.my/news/nation/2017/04/23/majority-of-malaysians-welcome-chinas-presence-here/, truy cập ngày 25/5/2024.
46. (2012). Chinese Government Pledges $1 Billion to JinkoSolar. https://www.renewableenergyworld.com/solar/chinese-government-pledges-1-billion-to-jinkosolar/#gref, truy cập ngày 25/5/2024.
47. Statista Research Department. (2022). Malaysian perception of China as a positive influencer on world affairs 2019. https://www.statista.com/statistics/1090333/malaysian-perception-of-china-as-a-positive-influencer-on-world-affairs/, truy cập ngày 25/5/2024.
48. Štilipová, T. (2023). China’s Involvement in Myanmar Amid Deepening Ties between China and ASEAN Countries. https://chinaobservers.eu/chinas-involvement-in-myanmar-amid-deepening-ties-between-china-and-asean-countries/, truy cập ngày 4/7/2024.
49. Swielande, T. S. (2017). La Chine et ses objectifs géopolitiques à l’aube de 2049. https://www.diploweb.com/La-Chine-et-ses-objectifs-geopolitiques-a-l-aube-de-2049.html, truy cập ngày 4/7/2024.
50. Thế Vinh. (2024). Nhà đầu tư Trung Quốc tận dụng ‘khoảng trống’ công nghiệp phụ trợ Việt Nam. https://vnbusiness.vn/viet-nam/nha-dau-tu-trung-quoc-tan-dung-khoang-trong-cong-nghiep-phu-tro-viet-nam-1099163.html, truy cập ngày 18/5/2024.
51. Nguyễn Hồng Quân. (2024). Kênh đào Phù Nam Techo: Nỗi lo về an ninh nguồn nước và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long. https://dantri.com.vn/the-gioi/kenh-dao-phu-nam-techo-noi-lo-ve-an-ninh-nguon-nuoc-va-he-sinh-thai-dong-bang-song-cuu-long-20240419145618003.htm, truy cập ngày 4/7/2024.
52. Trần, P. (2024). Kinh tế khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới. https://tuoitre.vn/kinh-te-khu-vuc-dong-a-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-20240402230315081.htm, truy cập ngày 18/5/2024.
53. Trần Thị Quỳnh Hoa. (2018). Tác động của Kế hoạch “Made in China 2025” đến thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM197510, truy cập ngày 18/5/2024.
54. Tritto, A. (2023). How Indonesia Used Chinese Industrial Investments to Turn Nickel into the New Gold. https://carnegieendowment.org/research/2023/04/how-indonesia-used-chinese-industrial-investments-to-turn-nickel-into-the-new-gold?lang=en, truy cập ngày 25/5/2024.
55. Tùng Lâm. (2024). Đông Nam Á tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Trung Quốc. https://kinhtedothi.vn/dong-nam-a-tao-dieu-kien-cho-cac-nha-dau-tu-trung-quoc.html, truy cập ngày 18/5/2024.
56. Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc. (2020). Xi says China, Laos enjoy shared future. http://english.scio.gov.cn/m/topnews/2020-01/07/content_75585755.htm
57. Vân, K., & Đức, M. (2023). Mỹ và Philippines thắt chặt quan hệ đồng minh. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/my-va-philippines-that-chat-quan-he-dong-minh/20727.html, truy cập ngày 19/5/2024.
58. Vũ Huy Hùng. (2023). Quan hệ Mỹ – Trung và những tác động tới thương mại Việt Nam. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/quan-he–my—trung-va–nhung-tac-dong-toi-thuong-mai-viet-nam-5554.4050.html, truy cập ngày 17/5/2024.
59. Wanli, Y. (2023). Sino-Thai trade relations make fruitful gains. https://global.chinadaily.com.cn/a/202306/26/WS6498e73ca310bf8a75d6b923.html, truy cập ngày 4/7/2024.
60. Zhao, K., & Hoon, C.-Y. (2023). Mainland Chinese Workers in Brunei Darussalam: Living in a Bubble. https://fulcrum.sg/mainland-chinese-workers-in-brunei-darussalam-living-in-a-bubble/, truy cập ngày 2/7/2024.

Theo BÙI GIA KỲ / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , , ,