Đôi điều về sự suy tàn của đế chế điện ảnh Hồng Kông

Những hào hoa một thuở đã mờ dần và cuộc trở về với đại lục đã ảnh hưởng tới điện ảnh Hồng Kông tận gốc rễ…

Đôi điều về sự suy tàn của đế chế điện ảnh Hồng Kông

Cuộc khủng hoảng của điện ảnh Hồng Kông thì đã kéo dài ít nhất 15 năm, và đến giờ vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Tàn nét tuyệt đại phong hoa

Có lẽ hơn ai hết, khán giả Việt Nam là những người hiểu nhất và cũng nhớ nhất thời hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông. Cái thời những Anh hùng bản sắc hay Người trong giang hồ khuynh đảo mọi hàng băng đĩa. Cái thời xem phim liền tù tì được gọi là “luyện chưởng” thay cho “binge-watch”. Cái thời mà xứ cảng thơm được mệnh danh là “Hollywood của phương Đông”. Cái thời đã một đi và có lẽ chẳng bao giờ trở lại, nhưng sẽ vĩnh viễn ghi dấu trong lòng ta, như câu chuyện “trời cao gió lộng sát cánh cùng bay” của Thần điêu hiệp lữ.

Từ chỗ cho ra đời 400 phim mỗi năm vào đầu thập niên 1990, con số này đã giảm còn khoảng 60 ngày nay. Từ chỗ làm mưa làm gió trên thảm đỏ lộng lẫy của Berlin, Cannes và Venice, đồng thời mê hoặc trái tim của bao thanh niên lẫn các bà nội trợ, Hồng Kông đã dần phải nhường chỗ cho Hallyu (Hàn lưu) và cho cả những bom tấn từ phương Bắc. Nếu như năm 1996 trong 10 phim ăn khách nhất Hồng Kông có phân nửa là bản địa, thì đến năm 2016 chỉ có duy nhất Mỹ nhân ngư trong top 10, mà đây cũng là một sản phẩm hợp tác cùng đại lục.

Có nhiều lý do để giải thích và có lẽ cả biện minh cho sự suy tàn ấy. Sẽ không ít người nói 1997 là cột mốc, và đại lục là nguyên nhân. Năm 1997 có thể đúng là cột mốc, nhưng đại lục thì không phải là nguyên nhân (duy nhất) cho sự sụp đổ của một đế chế từng thống trị cả vùng Đông Á.

Điện ảnh, nói cho cùng, là sản phẩm của con người. Vì thế nên khi đi tìm câu trả lời cho sự tàn lụi mang tên gọi Hồng Kông, trước tiên ta nên tìm đến những con người của xứ sở này.

Đầu tiên, họ đã già. Tất cả đều đã già. Ngô Vũ Sâm. Đỗ Kỳ Phong. Từ Khắc. Và cả Vương Gia Vệ nữa. Vương, người ít tuổi nhất trong số họ, đã 60. Còn Ngô, người già nhất, đã 73. Và đấy là mới xét đến phần đạo diễn.

Tuổi tác không trừ bất cứ ai. Thành Long, Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát, tất cả đều đã ngoại sáu mươi. Lý Gia Hân, người trẻ nhất của tứ đại mỹ nhân, sang năm sẽ sang tuổi ngũ tuần. Và tàn đi cùng họ là nét tuyệt đại phong hoa của một nền điện ảnh.

Nhưng điều đáng nói hơn là sức sáng tạo cũng lụi dần theo năm tháng. Lần cuối ta được thấy một siêu phẩm của họ là bao giờ? Với Ngô Vũ Sâm là Lạt thủ thần thám (1992). Với Đỗ Kỳ Phong là Xã hội đen 2 (2009). Với Từ Khắc, có lẽ là Thất kiếm (2005). Còn Châu Tinh Trì, dĩ nhiên là Tuyệt đỉnh công phu (2004). Hứa An Hoa vẫn xuất sắc như ngày nào (năm 2012, Đào thư được đề cử Sư tử vàng, còn Diệp Đức Nhàn ẵm giải nữ chính của Liên hoan phim Venice), nhưng bà đi một đường riêng và như người ta nói, một cánh én không làm nên mùa xuân.

Trong khi đó, thế hệ kế tiếp dường như lại thiếu vắng một chút gì đó để trở thành kinh điển. Sau Vô gián đạo rất xuất sắc, Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy vẫn có những phim khá, nhưng chen vào đó là nhiều phim trung bình. Quan Cẩm Bằng có dấu hiệu hụt hơi và chỉ cho ra đời bộ phim duy nhất kể từ Trường hận ca (2005). Diệp Vĩ Tín chỉ xuất sắc trong một thể loại đặc trưng của anh là võ thuật, và Sát Phá Lang cũng đã là câu chuyện từ 15 năm trước. Trần Khả Tân ổn định hơn và có những sáng tạo nhất định, nhưng chất ngọt ngào mê đắm của Điềm mật mật thì đã không còn. Mà có lẽ đấy cũng không phải là lỗi của Trần, chẳng qua là Hồng Kông không sản sinh ra được một cặp đôi Trương Mạn Ngọc – Lê Minh 
nào nữa.

Quả vậy. Những gương mặt trên màn bạc luôn là nguồn năng lượng nuôi dưỡng một nền điện ảnh. Hồng Kông hồi thập niên 1980-1990 có may mắn sản sinh ra được một thế hệ diễn viên xuất chúng. Dĩ nhiên là họ đẹp, nhưng cái đẹp của họ là cái mỗi người một vẻ. Cái sắc sảo của Lâm Thanh Hà khác với cái sắc sảo ở Trương Mẫn. Nét quý phái của Quan Chi Lâm khác với nét quý phái từ Trương Mạn Ngọc. Vẻ thuần khiết trong Vương Tổ Hiền khác với vẻ thuần khiết nơi Lý Gia Hân. Nó rất khác vẻ đẹp như đúc từ một khuôn và trang điểm cùng một cách nhan nhản trên showbiz Hàn Quốc và đại lục hai thập niên trở lại đây. Đặt họ cạnh những gương mặt được xem là hạng A của điện ảnh Hoa ngữ bây giờ như Angelababy hay Triệu Lệ Dĩnh, mới thấy khác biệt lớn đến chừng nào.

Và không chỉ là những khuôn mặt đẹp, họ thực sự có khí chất và tài năng. Ai dám nói Trương Quốc Vinh chỉ là một chàng ca sĩ đẹp trai khi xem Xuân quang xạ tiếtBá Vương biệt cơ? Tương tự với Lưu Đức Hoa trong Vô gián đạo hay Lương Triều Vỹ trong Hoa dạng niên hoa. Khoảng cách của họ và những Tạ Đình Phong, Ngô Ngạn Tổ hôm nay quả thực là không thể lấp đầy! Và đừng nói những “thiên vương” như Lưu, ngay cả những diễn viên có ngoại hình không hào nhoáng như Lưu Thanh Vân hay từng đóng phim cấp ba như Nhậm Đạt Hoa, đến những người chuyên đóng vai phụ như Huỳnh Thu Sanh hay Tăng Chí Vỹ, năng lực diễn xuất của họ là điều không thể nào phủ nhận.

Phao cứu sinh và gọng kìm kiểm duyệt

Và cũng không thể nào phủ nhận là cuộc trở về đại lục đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả điện ảnh Hồng Kông. Bên cạnh bảy triệu rưỡi người Hương Cảng, thị trường một tỉ ba của đại lục là một cái bóng khổng lồ không ai có thể thoát khỏi. Những bộ phim xuất sắc trong giai đoạn 1997-2005 như Thiếu Lâm túc cầu hay Vô gián đạo thực ra vẫn là dư quang của thời đại trước. Khủng hoảng tài chính 1997 kết hợp đại dịch SARS khiến kinh tế Hồng Kông lao đao, và xuống dốc cùng với kinh tế tất nhiên là điện ảnh.

Trong khi doanh thu phòng vé ở bên kia biên giới tăng phi mã, phân nửa rạp chiếu phim của Hồng Kông phải đóng cửa. Áp lực ấy khiến tất cả hướng về đại lục như một lối thoát tất yếu, nhất là khi Hồng Kông được loại khỏi diện chịu quota nhập khẩu, và phim hợp tác với đại lục được tính là nội địa khi phát hành.

Nhưng đi cùng chiếc phao cứu sinh đồng sản xuất ấy là gọng kìm có tên gọi kiểm duyệt. Những dự án hợp tác buộc phải nộp kịch bản cho Bắc Kinh trước khi sản xuất. Nói cách khác, chiếc vòng kim cô đã trùm lên cái đầu sáng tạo của điện ảnh Hồng Kông. Dù vậy, kim tiền và vị thế ngôi sao đại lục vẫn là sự hấp dẫn quá lớn với bất kỳ ai. Bắc tiến đã thành xu thế.

Và ta thấy lần lượt những Từ Khắc, Lâm Siêu Hiền, Trần Khả Tân theo nhau vượt qua biên giới, và họ đã thành công. Trong số 50 bộ phim có doanh thu cao nhất đại lục, có 15 là tác phẩm của các đạo diễn Hồng Kông, còn các đồng nghiệp xứ bắc chỉ chiếm 12 suất. Những con số 3-500 triệu USD ở phòng vé thừa sức khiến những cá tính bướng bỉnh nhất, dù là đạo diễn hay diễn viên, phải cúi đầu.

Không chỉ là câu chuyện của kịch bản, mọi điều ở họ đều dần dà khép vào khuôn khổ và chuẩn mực của đại lục. Cái cằm V-line trở thành tiêu chí về nhan sắc. Mọi ngôi sao đều có tài khoản Weibo để giao tiếp với người hâm mộ. Tính độc lập và đa dạng trong sáng tạo của điện ảnh Hồng Kông mất dần đi, khi mọi cân nhắc về chuyên môn lẫn tài chính đều phải tính đến yếu tố thị trường đại lục và sự kiểm duyệt từ Bắc Kinh. Và dĩ nhiên, khi Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết về “đường lưỡi bò”, tất cả, dù muốn hay không, đều ngoan ngoãn thể hiện quan điểm trên mạng. Chẳng ai muốn làm mất lòng một cộng đồng hâm mộ quá sức đông đúc đang sục sôi và sẵn sàng ném đá những kẻ bị cho là không yêu nước.

Và tất nhiên, không thể không kể đến sự bùng nổ của những đối thủ khác – Hàn Quốc, đại lục, và tất nhiên, cả Hollywood nữa. Hồng Kông có những đặc sản – xã hội đen, võ hiệp và thể loại hài mo lei tau từ lâu đã thành thương hiệu của Châu Tinh Trì. Nhưng những món như thế ăn mãi cũng chán, và những đường quyền cước Hồng Kông bỗng nhỏ bé đến tội nghiệp trước những món vũ khí hạng nặng của biệt đội Avengers hay trước những bom tấn của CFGC hoặc Hoa Nghị huynh đệ. Và trái tim các bà nội trợ giờ đây cũng đã có những hình bóng mới, Song Jong Ki hoặc Bi Rain.

Nếu có chút hi vọng gì le lói, thì đó là làn sóng mới xuất hiện sau cơn địa chấn 2014 ở Trung Hoàn. Thế hệ đạo diễn trẻ bắt đầu lưu tâm đến những đề tài chính trị – xã hội thay vì giải trí thuần túy. Có thể kể đến Thụ đại chiêu phong hay Nhất niệm vô minh (đều 2016) và Thập niên (2015), bộ phim đã đoạt giải Kim tượng, nhưng bị đại lục cấm chiếu và thậm chí cấm truyền hình buổi lễ từ Hồng Kông vì nội dung chính trị nhạy cảm.

Dù vậy, việc phim được trao giải bản thân nó đã là tín hiệu đáng mừng. Điện ảnh Hồng Kông có thể không bao giờ lấy lại vẻ phong quang ngày cũ, nhưng chắc chắn nó sẽ không chết đi một cách dễ dàng.

Theo TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ONLINE (2019)

Tags: ,