⠀
Đôi điều về lỗi lầm những người trẻ tuổi
Hầu hết chúng ta đều là kẻ sống sót qua những sai lầm. Có sai lầm trở thành thất bại, và có nhiều những vấp váp để thay đổi, để lớn lên.
Lầm lỗi tất nhiên không phụ thuộc vào tuổi tác. Nhưng người trẻ thường mắc sai lầm nhiều hơn, và có quyền về điều đó. Nói như M. Gandhi, trong các thứ tự do đúng nghĩa, không thể thiếu “tự do được sai lầm”. Những vấp ngã, đổ vỡ đến nhiều hơn với những người trẻ, bởi họ tràn đầy năng lượng, năng động, dám thử thách chính mình, với những con đường riêng, lối nghĩ riêng.
Tôi thật không muốn nhắc lại câu chuyện này nữa, chuyện về cậu học trò ngủ gật trong giờ thi tốt nghiệp mới đây. Như chính cậu đã hoàn toàn nhận lỗi về mình và mong mọi người đừng xới thêm nữa. Chỉ muốn nói rằng thật trân trọng cách cậu sửa chữa sai lầm của mình, là không than vãn, đổ lỗi hay cầu xin, như một cách đoạn tuyệt với sai lầm đáng tiếc và hy hữu của mình để không bị sa lầy vào nó. Một năm học bị chậm lại nhưng một năm của tuổi trẻ vẫn còn nguyên đó, có sao đâu. Sự “lệch bước” ấy biết đâu lại dẫn đến những quyết định chín chắn và mạnh mẽ hơn?
Ta hầu hết khó thể hình dung, nếu không là mình như hiện tại, thì ta sẽ là ai? Bởi trước những ngã rẽ cuộc đời và số phận, nhiều lúc sự chọn lựa mang tính quyết định chỉ mảnh như sợi tóc và nhanh như ánh sáng. Nhưng ta sẽ không dành cả phần đời còn lại của mình để phân tích nó, để tự sướng hay than vãn tiếc nuối. Ta luôn phải bước tiếp với sự thả lỏng và bao dung trong tâm hồn, khi nhìn lại sai lầm của người khác, như chính tuổi trẻ mà ta đã từng.
Với sự xâm chiếm trực diện vào não bộ và thị giác của truyền thông xã hội hiện nay, một ngày ta (bị) đón nhận biết bao nhiêu tin tức buồn bã liên quan đến người trẻ. Biết bao thứ sai lầm, và cả tội lỗi ngây ngô đến thảng thốt. Có những sai lầm do chủ quan, ngộ nhận, thiếu hiểu biết. Có những sai lầm do xô đẩy của hoàn cảnh, do thiếu sự quan tâm lẫn bao dung. Những lầm lỗi phải đánh đổi bằng nhiều năm tháng cuộc đời, thậm chí cả cuộc đời. Những người trẻ đi tù, những đứa trẻ tự tử…
Trước sai lầm của người trẻ, thật khó để đưa ra bình luận hay kết luận, bởi có ai sống thay nghĩ thay họ được. Nhưng sự bao dung, tôi nghĩ là điều chúng ta có thể làm, không quá khó để làm. Để ai đó sai lầm mà không cảm thấy đó là đường cùng.
Nhớ tới chàng trai trong tiểu thuyết giả tưởng “Người ngủ thuê” giành giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 cách đây mấy năm. Tác giả của nó là một sinh viên trường Ngoại thương học giỏi nhưng chán học, từng thường xuyên ngủ gục trên lớp và đã hai lần bỏ học. Để rồi dấn thân thành công vào nghề viết lách, dù vốn là học sinh “dốt” môn Văn.
Truyện kể về một chàng trai làm dịch vụ ngủ thuê cho người khác thông qua một thiết bị gọi là connector kết nối với khách hàng. Có những người thèm khát thời gian, mua thêm thời gian để quần quật đuổi theo những thành tựu, danh vọng. Và cũng có những người trẻ mưu sinh bằng cách bán bớt thời gian đời mình. Cả hai thực ra đều là những kẻ sai lầm, đều mệt mỏi và vô định.
Nhưng rồi chàng trai đã bừng thức. “Chúng ta đã ngủ thuê quá lâu rồi, phải vậy không?”. Chúng ta đã sống hộ người khác quá lâu rồi, phải vậy không?
Theo TRÍ QUÂN / TIỀN PHONG
Tags: Giới trẻ, Con người và xã hội, Quan điểm sống