Đô đốc Yi Sun-shin – nhà cầm quân vĩ đại của dân tộc Triều Tiên

Cuộc xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản những năm 1590 là một cuộc chiến đáng kinh ngạc giữa những người khổng lồ Đông Á, vốn có những đội quân với quy mô mà các cường quốc châu Âu hiện đại cũng phải mơ ước. Trong cuộc chiến, Đô đốc Yi Sun-shin của Triều Tiên nổi lên như là một trong những nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử phương Đông. Tất cả bắt đầu từ năm 1592.

Trận Hansan

Bộ máy chiến tranh của lãnh chúa Nhật Bản Toyotomi Hideyoshi đã lên kế hoạch tấn công Triều Tiên vốn đang ở thế bị động vào năm 1592. Quân của ông tràn vào Triều Tiên, chiếm đóng tất cả các đô thị lớn trên đường từ Busan đến Bình Nhưỡng, khiến triều đình Triều Tiên hoảng loạn và gần như phải chạy trốn ra sông Áp Lục.

Tuy nhiên, nhà Joseon của Triều Tiên vốn là một chư hầu trung thành của triều Minh trong hơn 200 năm, và cuộc xâm nhập của những kẻ “man di” Nhật Bản vào khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa đã khiến hoàng đế nhà Minh phải huy động lực lượng chống lại. Với đội quân dày dạn của nhà Minh sắp tới trên đất liền, Hideyoshi rất cần một cách nào đó để cung cấp quân nhu nhanh chóng cho các đơn vị của mình ở Bình Nhưỡng. Không may là nông dân và nhà sư Triều Tiên đã tổ chức những nhóm du kích gọi là nghĩa quân và bắt đầu đánh phá quân nhu của Nhật khi đang được vận chuyển lên miền bắc. Lo sợ rằng quân đội của mình ở Bình Nhưỡng sẽ thiếu lương thực và ốm yếu nếu tình hình đó vẫn diễn ra, Hideyoshi tìm một con đường trên biển.

Cuối mùa hè, quân Nhật đã thua hai trận hải chiến nhỏ dưới tay một sĩ quan hải quân cho tới lúc đó vẫn còn vô danh – Yi Sun-shin. Hideyoshi biết rằng ông phải đánh bại Yi Sun-shin và giành quyền kiểm soát Hoàng Hải nhanh chóng. Tình hình của quân Nhật ở Bình Nhưỡng lúc này ngày càng nghiêm trọng, trong khi hàng vạn lính nhà Minh đang sẵn sàng vượt sông Áp Lục. Vì thế Hideyoshi phải tập hợp một hạm đội lớn.

Sau thất bại tủi hổ tại cảng Angol, Hideyoshi đã ra lệnh cho các chỉ huy tập trung tàu chiến trên Hoàng Hải. Tổng cộng, một hạm đội gồm 73 tàu chiến đã khởi hành từ cảng Busan ngày 14/8, đi tới phía đông đến cảng Yeosu, đồn chỉ huy của Yi Sun-shin. Đoàn tàu đương nhiên bị phát hiện và các chiến binh du kích theo dõi từ trên núi nhanh chóng báo lại Yi Sun-shin rằng quân Nhật đang tiến gần. Tập hợp được 50 tàu chiến Panokseon và một vài tàu Con rùa Geobukseon ở tỉnh Jeolla, Yi Sun-shin hướng về phía Tây rồi nhanh chóng đặt chân đến con kênh nhỏ giữa đảo Geoje và bán đảo Triều Tiên. Yi Sun-shin biết rằng con kênh hẹp này có rất nhiều đá và không phải là nơi để giao chiến. Sẽ rất khó để ông đưa tất cả tàu của mình vào vị trí để chiến đấu cùng lúc, và như thế tạo điều kiện cho những chiếc tàu Nhật nhanh hơn tiếp cận và tràn lên hạm đội của ông. Nhưng nếu ông có thể dụ quân Nhật ra khỏi con kênh và ra biển khơi, hạm đội của ông có thể bao vây chúng.

Thuyền rùa Geobukseon của Triều Tiên.

Với chiến thuật thiên tài, Yi Sun-shin đã triển khai các tàu Panokseon bị áp đảo của mình thành đội hình cánh sếu, tức là các tàu xếp thành vòng cung với hai cánh ở hai bên. Yi Sun-shin hy vọng nhà chỉ huy Nhật Bản nóng tính sẽ bị lừa đưa tàu của mình vào giữa hạm đội của ông, nơi họ sẽ bị bao vây bởi các cánh ở cả hai bên và bị tấn công dồn dập. Sáu thuyền trưởng giỏi nhất của Yi Sun-shin đã được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ làm mồi nhử. Họ được phái đi trước để phát hiện hạm đội Nhật Bản và giả vờ trốn chạy một cách hoảng loạn. Đó là một chiến thuật đầy mạo hiểm vì các tàu chiến Atakebune Nhật có thể chạy nhanh hơn tàu Panokseon.

Khi trận chiến bắt đầu, 6 tàu Triều Tiên tiếp cận hạm đội Nhật Bản và đến gần tới mức chúng gần như đã chạm vào chiếc Atakebune dẫn đầu, trước khi quay đầu bỏ chạy. May mắn cho người Triều Tiên, chỉ huy Nhật đang ở rất xa tuyến đầu, và phải mất một lúc ông ta mới ra lệnh đuổi theo quân Triều Tiên. Diễn biến này cho phép các tàu Panokseon chạy trước. Người Nhật tràn theo, ra khỏi con kênh đào nhỏ hẹp và tiến vào biển khơi quanh đảo Hansan. Khi những người Nhật tự tin quá mức đuổi theo, họ không nhận thấy là ở mỗi bên, ở khoảng cách xa, là một nhóm tàu Triều Tiên. Họ không nhận ra rằng nếu tiếp tục tiến về phía trước, họ sẽ sớm bị bao vây.

Chiến thuyền Panokseon (tàu mái bằng hay tàu thượng tầng) của Triều Tiên phóng những mũi tên gỗ bọc sắt khổng lồ vào hạm đội Nhật Bản.

Theo lệnh của Yi Sun-shin, các tàu Panokseon bắn các mũi tên bọc sắt dài ba mét khiến các tàu dẫn đầu của Nhật thiệt hại nặng. Tận dụng đáy tàu phẳng của mình, các thủy thủ được đào tạo kỹ lưỡng của Triều Tiên nhanh chóng xoay tàu sang bên còn lại, bắn loạt tên thứ hai. Bất ngờ, các tàu Con rùa cũng bắn tên từ khắp các phía, nhấn chìm nhiều tàu địch. Các thủy thủ tàu Panokseon của Yi Sun-shin duy trì đợt bắn yểm trợ, bắn tên, xoay tàu rồi lại bắn, tiêu diệt tất cả các tàu Atakebune trước khi chúng có thể tới đủ gần để quân Nhật có thể tràn lên tàu Triều Tiên. Vào cuối ngày, hạm đội của Yi Sun-shin đã nhấm chìm 59 tàu chiến của Nhật và đánh tan phần còn lại. Không thể tới bờ, đa số quân Nhật chết đuối ngoài biển quanh đảo Hansan.

Busan

Trong những ngày sau chiến thắng phi thường này, các tàu Nhật còn sống sót bị lùng sục ở các vịnh khác nhau dọc bờ biển Triều Tiên và 42 tàu chiến nữa đã bị phục kích và tiêu diệt. Trong chiến dịch Triều Tiên, tàu đô đốc của Hideyoshi, chiếc tàu ba tầng như lâu đài Nihon Maru, đã bị thiệt hại nặng vì tàu Con rùa của Triều Tiên nhưng đã thoát được nhờ những nỗ lực sửa chữa tài tình của thủy thủ. Trên thực tế, Nihon Maru sau này được chuyển đổi thành một chiếc du thuyền theo nhiều hình thức khác nhau trước khi bị bom Mỹ phá hủy năm 1945.

Kỳ hạm Nihon Maru của hải quân Nhật Bản bị thuyền rùa của Triều Tiêu bắn thủng.

Thất bại ở đảo Hansan là một cú đòn đau cho nỗ lực chiến tranh của Nhật Bản, và khi mùa hè năm 1592 sắp kết thúc, các đơn vị tiên phong ở Bình Nhưỡng thực sự bắt đầu hứng chịu nỗi thiếu thốn quân nhu.

Tiếp đà thành công của mình, vào tháng 10, Yi Sun – shin đã đưa Hải quân Triều Tiên tiến vào căn cứ chính của Nhật Bản ở cảng Busan, nơi họ phục kích và đánh chìm hơn 100 tàu địch. Yi xếp các tàu của mình theo đội hình đường thẳng, đánh trực tiếp vào đội tàu của Nhật. Trong trận này, phần lớn lính hải quân Nhật đã bỏ tàu và chạy vào trong đất liền, lên các dốc đứng quanh cảng. Từ trên đất liền, họ và lục quân có thể dùng những khẩu thần công thu được của quân Tiều Tiên để bắn xuống khi quân Triều Tiên tiến quá sâu. Điều đó khiến Yi không thể hoàn tất chiến thắng, và vài trăm tàu Nhật đã thoát nạn. Yi không ra lệnh cho quân của mình tràn vào đất liền vì biết rằng nếu so sánh khả năng đánh giáp lá cà, quân của ông không thể sánh bằng các samurai Nhật. Hơn thế nữa, quân Triều Tiên đã mệt mỏi vì hành trình trên biển, có thể sẽ bị áp đảo quân số trên đất liền.

Quân Nhật sau đó tìm cách chiếm căn cứ của Yi Sun – shin ở Yeosu bằng một cuộc tấn công trên bộ, nhưng đã bị đẩy lùi bởi các du kích và nông dân.

Sau khi Hideyoshi không tiến vào được Hoàng Hải, viện binh nhà Minh đã đến nơi, và quân Nhật thiếu quân nhu bắt đầu cuộc rút quân dài từ Bình Nhưỡng xuống Seoul và cuối cùng là tới Busan. Một khi đã ở đó, họ xây dựng một loạt công sự. Từ năm 1593 đến 1597, các cuộc đàn áp nông dân Triều Tiên tiếp tục khi Hideyoshi cố gắng áp đặt ưu thế chính trị với nhà Minh của Trung Quốc. Khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng các dàn xếp này đã thất bại, Hideyoshi lại chuẩn bị xâm lược, phái thêm 150.000 quân đến Busan. Và lúc này, Hideyoshi bày ra một âm mưu để loại bỏ Yi Sun – shin.

Một gián điệp Nhật được phái đến Triều Tiên để dùng kế ly gián, khiến Yi Sun – shin bị đẩy vào lao ngục và và bị tra tấn. Không còn Yi trong cuộc chơi, chức chỉ huy Hải quân Triều Tiên được giao cho Tướng Won Gyun, một gã nát rượu, người đã từng bỏ chạy khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Không có tài năng chiến thuật như của Yi hay kiến thức thực tế về thủy triều ở Triều Tiên, Won ngớ ngẩn tham gia trận hải chiến ở Chilchonnyang, nơi quân của ông phải chiến đấu ngược thủy triều. Quân Triều Tiên trở nên mệt mỏi, và quân Nhật rút ngắn khoảng cách rồi tràn lên tàu Triều Tiên. Khi trận chiến kết thúc, người Nhật đã đánh chìm hơn 150 tàu Panokseon và tất cả tàu Con rùa. Hơn thế nữa, họ đã tiêu diệt một vạn thủy thủ địch. Tất cả những gì người Triều Tiên còn lại là 12 tàu Panokseon, dưới sự chỉ huy của Bae Sol, một sĩ quan nhút nhát, người đã trốn chạy ngay khi trận chiến nổ ra.

Ngay sau trận đó, quân Nhật để mắt tới Seoul, trong khi hải quân của họ cuối cùng đã tiến vào được Hoàng Hải. Trong tình cảnh tuyệt vọng ấy, Yi Sun – shin được thả khỏi nhà lao. Lúc này, Hoàng đế nhà Minh cấm vua Triều Tiên từ bỏ Seoul, ra lệnh cho ông phải giữ nó cho tới khi viện binh nhà Minh đến nơi. Nếu quân của ông không thể phòng thủ Seoul trước quân Nhật, ông sẽ phải chết tại đó. Vì thế nhà vua ra lệnh cho Yi giải tán vài đơn vị hải quân còn lại của Triều Tiên và đưa họ lên đất liền để chiến đấu như những chiến binh du kích nhằm làm chậm bước tiến của quân Nhật tới kinh đô. Bất tuân lệnh này, Yi viết thư gửi vua Tiều Tiên, nói rằng ông vẫn còn 12 tàu và sẽ chiến đấu tới cùng.

Phép màu Myeongnyang

Cuối tháng 10/1597, hàng trăm tàu chiến Nhật Bản chuẩn bị xông vào eo biển Myeongnyang và tiến vào Hoảng Hải. Hải quân Triều Tiên bị xé nhỏ, chỉ còn khoảng 100 thủy thủ. Ngay cả khi ấy vẫn còn có hy vọng. Khi nông dân tỉnh Jeolla nghe được rằng Yi Sun-shin đã được thả khỏi ngục, họ kéo đến chỗ ông và ông nhanh chóng có đủ người để lấp đầy đội thủy thủ cho 12 tàu Panokseon. Vì tất cả tàu Con rùa đã bị phá hủy, Yi và quân của ông vội vàng chuẩn bị giáo phòng thủ và bọc sắt vào thành tàu, trên thực tế biến chúng thành những chiếc tàu Con rùa. Biết rõ quy mô khổng lồ của hạm đội Nhật đang tới, Yi hiểu rằng hy vọng duy nhất của ông là chiến đấu ở một hải lộ nhỏ. Rút ra từ Binh pháp Tôn Tử bài học “chiến đấu dựa lưng vào tường”, Yi không cho người của mình lối thoát nào và do đó tạo ra một “đội quân cảm tử”.

Ông đã chọn điểm dừng cuối cùng là eo Myeongnyang nhỏ hẹp và sâu giữa bán đảo Triều Tiên và đảo Jindo, một địa điểm với dòng nước chảy xiết. Ngày 26/10, quân Nhật áp sát. Yi sắp xếp 12 tàu Panokseon thành hình bán nguyệt gần điểm hẹp nhất, với dòng nước chảy ngược hướng ông. Phía sau, ông xếp tàu đánh cá, tàu chở hàng và bất kỳ thứ gì có thể nổi được để tạo cảm giác ông được hỗ trợ bởi cả một hạm đội lớn. Buộc các binh sĩ của mình thề chiến đấu tới chết, Yi Sun-shin đánh trống trận khi quân Nhật tới gần. Đột ngột, vào thời khắc quan trọng, Yi dường như ngã quỵ. Các thuyền trưởng tàu Panokseon khác ngừng chạy, vẫn ở phía sau tàu Đô đốc, và vì thế chỉ có mình tàu của Yi đối đầu với quân Nhật. Hét lên rằng “ai muốn sống sẽ chết, ai chuẩn bị chết sẽ sống”, ông cho khai hỏa, tiêu diệt tàu Atakebune dẫn đầu.

Lúc này, thủy triều đang chảy về hướng người Triều Tiên, và xác chết lính Nhật trôi qua phía họ. Người của Yi tóm lấy xác một chỉ huy cao cấp của Nhật, cắt thủ cấp và treo lên cột tàu. Quân Nhật nhìn thấy cảnh đó liền hoang mang. Các thuyền trưởng ngần ngừ của Yi cũng tiến lên và gia nhập trận đánh. Khi người Triều Tiên khai hỏa, một số tàu Atakebune bị co cụm tại eo biển nhỏ hẹp, khiến đội tàu bị hư hại. Dù thế các tàu Atakebune vẫn tiến lên phía trước và cuối cùng đã tới chỗ Yi. Nhưng ngay khi họ sắp tới gần và ném móc neo lên tàu Triều Tiên, thủy triều đổi hướng. Nước bắt đầu chảy ngược quân Nhật. Tàu Nhật vội vã rút lui nhưng đâm vào nhau rồi chìm dần. Vùng biển chảy xiết và sâu đã nhấn chìm hàng nghìn quân khi thuyền Triều Tiên dâng lên theo thủy triều. Họ bắn súng thần công hạng nặng, gây thiệt hại nặng nề cho tàu Nhật. Vào cuối ngày, hàng tá tàu chiến Nhật đã bị đánh chìm và lối ra Hoàng Hải của người Nhật đã bị chặn đứng.

Sau trận này, viện binh nhà Minh đã mở những cuộc phản công mạnh mẽ chống lại quân Nhật trên đất liền, khiến Hideyoshi phải chấp nhận rằng ông sẽ không thể chinh phục Triều Tiên. Vào cuối năm 1598, đã có một cuộc tranh cãi trong nội bộ Nhật Bản quanh việc rút quân Nhật ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Cuộc tranh giành càng dữ dội hơn khi Hideyoshi chết vì bệnh tật và các chỉ huy Nhật Bản ở Triều Tiên tìm cách trở về nhà để tham gia cuộc chiến quyền lực.

Ngay cả như vậy, vẫn có thời gian cho trận chiến cuối cùng của Yi Sun-shin. Trận đánh này diễn ra ở eo biển Noryang, nơi người Nhật đang thực hiện cuộc di tản cuối cùng khỏi Triều Tiên. Chiến đấu bên cạnh tàu và hàng nghìn quân của nhà Minh, hải quân Triều Tiên nổ một loạt đạn dữ dội nữa trong khi quân Nhật chiến đấu đầy liều lĩnh để trốn chạy vì biết rằng đó là cơ hội cuối cùng để họ trở về nhà.

Ở lúc cao trào của trận chiến, Yi Sun-shin đứng trên tháp chỉ huy của tàu Panokseon đánh trống trận rồi bị trúng một viên đạn hỏa mai vào bên sườn. Ông ngã xuống sàn với vết thương chết người. Trong hơi thở cuối cùng của mình, ông nói với thuộc hạ: “Trận chiến gần kết thúc rồi… hãy tiếp tục đánh trống. Đừng công bố cái chết của ta”. Vào lúc trận Noryang chấm dứt, gần 200 tàu Nhật Bản đã bị nhấn chìm và vô số quân địch thiệt mạng. Nhiệm vụ cuối cùng của Yi cho đất nước đã đem đến một thắng lợi đáng kinh ngạc.

Hành trình đưa thi thể Yi Sun-shin về quê ông ở Asan không khác gì như với các vị vua triều Joseon. Nông dân xếp hàng bên đường để khóc thương người anh hùng của họ, một trong số ít người cầm quân đã phụng sự Triều Tiên trong những thời khắc đen tối nhất. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh, và triều Joseon đổ nát nghiêm trọng. Hàng triệu người chết và Triều Tiên không bao giờ hồi phục lại được. Sau khi nhà Minh sụp đổ vào năm 1644, Triều Tiên bước vào một thời kỳ dài đình đốn và cô lập, cho đến khi đế quốc Nhật Bản trở lại vào năm 1894.

Lần này, không còn có Yi Sun-shin để cứu Triều Tiên.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,