⠀
Đinh La Thăng, phải nghĩ sao về ông?
Tiếc cho một con người đã để lại ít nhiều cảm tình trong lòng dân chúng. Nhưng ông cha ta từng nói “công có thì hưởng, có tội phải hành”.
Đường đời chẳng ai nói trước được điều gì, kẻ một bước lên mây người bỗng chốc hóa hư vô. Hôm nay quyền lực trong tay, hô phong hoán vũ nhưng có thể sau một đêm thức dậy chẳng còn là gì. Hôm qua là thần tượng, là lẽ sống, là thước mực nhưng hôm nay là tấm bia cho thiên hạ bắn phá.
Ai cũng có thể một bước lên tiên nhưng mấy ai thấm hiểu cái đạo làm tiên sao cho phải. Đạo làm quan há chẳng phải phụng sự muôn dân, phục vụ xã hội, hay đạo làm quan là con đường bòn rút, đục khoét tư túi gia đình, bản thân. Không phải đến hôm nay câu hỏi đó mới trở thành đề tài nóng mà trăm năm nay ông cha ta đã đúc kết xong rồi.
Đinh La Thăng, một nhân vật từng làm nức lòng bao người vì tính cách khí khái, năng nổ trong lãnh đạo điều hành những năm cuối ở Bộ GTVT và một thời gian kha khá ở Thành ủy TP HCM. Nhiều người từng ví ông Thăng với Nguyễn Bá Thanh, âu cũng là mong muốn đất nước có thêm những con người dám nói, dám làm cho bá tánh bớt lầm than, khổ cực.
Ông Thăng khuấy động xu hướng dấn thân bằng chiến dịch bắt xe quá tải, thời điểm đó vẫn có ý kiến cho rằng là Bộ trưởng không nên làm việc nhỏ nhặt như thế. Báo chí loan tin rầm rộ như thế nào về những cuộc xuống đường của ông thì cũng râm ran không kém khi ông bị cơ quan công an bắt giam.
Về TP HCM, có người đánh giá tính cách sôi nổi, phong cách làm việc đầy năng lượng của ông thật phù hợp với một thành phố hào sảng, thông thoáng. Quả thật những ngày đó lên mạng thấy Thăng, xem tivi nghe Thăng, ra đường cũng bàn Thăng.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, những nỗ lực tút tát lại hình ảnh không thể nào khỏa lấp hết một núi sai phạm có gốc gác từ trước, nên ông đã bị khởi tố, bắt và tạm giam phục vụ điều tra.
Sự kiện chấn động này một lần nữa cho thấy quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, sửa sang lại bộ máy hoàn toàn có cơ sở để đến đích cuối cùng. Đúng như ông đã khẳng định: Chống tham nhũng không có vùng cấm. Nên nhớ, Đinh La Thăng đến khi vướng vòng lao lý là nguyên UVBCT, Bí thư một thành phố lớn nhất nước, từng đứng đầu tập đoàn kinh tế hái ra tiền và một Bộ trọng yếu của đất nước.
Quét sạch tham nhũng là thực hiện nguyện vọng tha thiết của nhân dân, họ (nhân dân) không thể đau xót hơn nếu cứ hàng ngày hàng giờ nhìn thấy công sức mồ hôi, nước mắt của mình bị ném qua cửa sổ mà chẳng ai hề hấn gì. Ông Thăng trả giá là bài học, tấm gương sắc lạnh cho những ai đang (hoặc có ý định) đi ngược lại với quyền lợi người dân.
Tiền tài danh vọng vốn chỉ là phù du, cuộc đời vốn ngắn mà dài, hân hoan mấy mươi năm chưa chắc đong được một ngày thương đau. Sự nghiệp, công danh, uy tín…đổ sông đổ bể chỉ vì quyền lực sai khiến dẫn lối đưa đường đến u mê lầm lạc. Có vui không khi mà hàng ngày báo chí nhắc tên, Đảng kỷ luật, Nhà nước cách chức, thiên hạ xì xầm.
Chẳng vui vẻ gì khi chứng kiến một con người đã từng có lúc mang lại hy vọng cho triệu người đang trả giá. Nhưng đó là luật đời, là lẽ sống, ăn của rừng vẫn phải rưng rưng nước mắt. Quyền và lợi ích chính đáng của mấy chục triệu con người không thể bốc hơi nhẹ tựa lông hồng. Vận mệnh của dân tộc không thể nằm trong tay những kẻ cằn cỗi lương tâm.
Tiếc cho một con người có khả năng mang lại nhiều tiến bộ, tiếc cho một con người đã để lại ít nhiều cảm tình trong lòng dân chúng. Nhưng ông cha ta từng nói “công có thì hưởng, có tội phải hành”.
Theo HOÀNG GIANG / DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Tha hóa