Điều cần làm để người dân không phải tìm đến ‘tín dụng đen’

Gần đây, tôi giật mình vì đọc được một bài hỏi – đáp về cách “bùng” tín dụng lãi cao của các trang cho vay trên mạng. Không ít người bày ra đủ cách để giúp nhau trốn nợ.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, nhà tư vấn phát triển cộng đồng.

Tôi có người bạn là thạc sĩ quản lý giáo dục, đang giảng dạy ổn định tại một trường cao đẳng nghề ở miền Tây. Vài năm trước, nhiều lần trong chỉ một tuần, tôi nhận được tin nhắn từ số lạ thông báo mình là người bảo lãnh trong hồ sơ vay của bạn. Vì đã hoàn toàn mất liên lạc với người vay, họ muốn tôi tìm và tác động để bạn trả nợ. Sau đó, những tấm hình chụp cận mặt bạn được tiếp tục gửi đến cùng những lời lẽ mạnh bạo hơn. Đem chuyện đi hỏi những người bạn chung khác, tôi mới biết họ cũng bị làm phiền tương tự dù chúng tôi không ai biết gì về quá trình nộp hồ sơ vay tín dụng của người bạn này.

Khi tập huấn về “Kỹ năng quản lý tiền bạc hiệu quả” trong các dự án cộng đồng, tôi thường sử dụng câu chuyện về dịch vụ vay tín dụng dành cho sinh viên mà mình từng thấy cách đây 15 năm, lúc còn đi học ở làng Đại học Thủ Đức. Với một chiếc thẻ sinh viên làm tin, bạn được vay ngay một triệu đồng mà lãi suất chỉ là 10.000 đồng, tương đương một bữa ăn sáng thời đó. Lớp tập huấn của chúng tôi có học viên đến từ các khu vực quản lý nhà nước, thầy cô đại học, cao đẳng, các tổ chức phát triển, người nghèo, thanh niên nhập cư, phụ huynh và cả học sinh. Khi tôi hỏi học viên họ có chấp nhận vay trong tình huống đó hay không, rất nhiều người vẫn cho rằng đấy là một dịch vụ chấp nhận được, dễ thực hiện, có sẵn và nếu cần tiền gấp thì họ sẽ có thể tìm đến. Số khác ngần ngại nhưng cũng không giải thích được lý do.

Hai câu chuyện chỉ ra rằng, tín dụng đen không hẳn chỉ nhắm vào người nghèo mà vào bất kỳ ai có nhu cầu vay nhưng không gõ được cửa của các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp. Đó hoàn toàn có thể là người có học thức, công việc ổn định, có mối quan hệ đủ rộng để trở nên yếu thế khi bị đe dọa về danh dự. Trong bối cảnh dịch bệnh, thậm chí ngay cả khi đại dịch qua đi, với một nền kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục, bất cứ ai cũng đều có thể tự biến mình thành nạn nhân của tín dụng đen.

Trong các dự án trao quyền kinh tế thông qua chiến lược xây dựng năng lực tài chính cho cộng đồng, chúng tôi rất quan tâm đến nhóm không có tài khoản ngân hàng hoặc không tiếp cận được ngân hàng (Unbanked population) và nhóm có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn thường xuyên sử dụng dịch vụ tài chính thay thế khác (Underbanked population). Theo báo cáo vào 4/2018 của World Bank, Việt Nam có 69% dân số trưởng thành không có tài khoản ngân hàng. Tại khu vực nông thôn và miền núi, con số này là 75%. Dù thực tế, nhu cầu tiếp cận tín dụng của người dân là rất cao, tỉ lệ vay hoặc sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng qua kênh ngân hàng chỉ đang ở mức 21,7%. Trong khi đó, vay từ người thân và bạn bè là 29,5%, và vay từ bất cứ nguồn nào không chính thức lên đến 49%. Đây là thị trường tiềm năng mà các băng nhóm cho vay nặng lãi, thậm chí những dịch vụ tín dụng đen giả danh các ứng dụng công nghệ tha hồ khai thác và bóc lột người vay. Dù họ ở trong hẻm sâu, giữa đô thị hay trên ruộng trên rẫy.

70% người dân Việt Nam sống ở các vùng nông thôn và miền núi có mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính hợp pháp còn rất hạn chế. Họ sẽ “xoắn não” trước các dịch vụ có thuật ngữ chuyên ngành phức tạp, đòi hỏi tính công nghệ hoặc phải tuân theo quy trình với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ. Tình trạng “không biết” hoặc “biết ít” dẫn đến không hiểu tường tận về dịch vụ, rồi nảy sinh tâm lý ngại ngần, không mạnh dạn tiếp cận. Trong cuộc chạy đua giành thị phần đó, tín dụng đen lại luôn “nhanh thần tốc” và “dễ dãi vô bờ” vì có khi không cần giấy tờ vẫn được giải ngân ngay. Nguyên tắc cho vay tín dụng rất dễ hiểu, cái gì càng nhanh chóng và ít cam kết đảm bảo thì lại càng phải trả lãi suất cao để bù lại rủi ro.

Tháng 1/2020, chính phủ phê duyệt Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia với mục tiêu đến 2025 sẽ đạt ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tôi chủ quan cho rằng điều này có phần tham vọng, tuy vậy, chưa đủ để đảm bảo tính bền vững của việc sử dụng hiệu quả các dịch vụ tài chính ngân hàng. Sẽ có sự mất cân bằng khi tập trung tăng nhanh trong ngắn hạn tỉ lệ người mở tài khoản nhưng không tăng đủ mạnh về sản phẩm dịch vụ thân thiện, và không tăng đủ rộng kênh phân phối hợp pháp. Ở gốc của vấn đề, nạn tín dụng đen và cho vay nặng lãi vẫn còn đất để khai thác lạm dụng.

Giải pháp cho vấn đề này, theo tôi là chú trọng đến việc nâng cao tính chủ động trong việc lên kế hoạch tài chính cá nhân của người dân bằng các chương trình giáo dục tài chính. Đó là lý do các chiến lược phát triển năng lực quản lý tài chính cho những nhóm yếu thế luôn coi trọng phần triển khai đồng loạt từ các nguồn lực cộng đồng. Về phía người đi vay, khi hiểu được bản chất của các dịch vụ, nắm được các kỹ năng và thao tác cần thiết để tiếp cận khi có nhu cầu, họ sẽ cân nhắc và quyết định đúng đắn hơn, từ đó biết nhận diện đâu là tín dụng hợp pháp và đâu là tín dụng đen.

Tôi cũng mong đợi việc đơn giản hóa quy trình và thủ tục vay cũng như rút ngắn thời gian xét duyệt và giải ngân. Vay tín chấp chủ yếu căn cứ xét hồ sơ dựa vào giấy tờ chứng minh thu nhập, do vậy những người dân buôn thúng bán bưng hoặc lao động chân tay dù có việc gấp cần tiền như ốm đau bệnh tật cũng khó lòng tiếp cận vốn vay. Ngoài ra, các yêu cầu khác như giấy tờ bảo lãnh, giấy tờ nhân thân hoặc giấy tờ chứng minh mục đích vay cũng cần đầu tư thời gian chuẩn bị, nộp và xét. Từ đó, quy trình bị kéo dài dẫn đến chậm giải ngân cho người vay để kịp thời giải quyết công việc. Chỉ khi cải cách được hai rào cản này, dịch vụ vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng mới trở nên thân thiện và đáp ứng đúng nhu cầu “đơn giản và nhanh” của người dân.

Tuy nhiên, những khoản vay này không tạo nhiều lợi nhuận, giảm bớt thủ tục có thể sẽ tăng tỉ lệ rủi ro trong tín dụng cho phía ngân hàng, nên có thể một lúc nào đó sẽ không còn là ưu tiên duy trì dịch vụ của họ nữa. Do vậy, cơ quan quản lý và điều phối thị trường tiền tệ, ngân hàng nhà nước cần phối hợp với các ban ngành khác để cùng xây dựng chính sách cụ thể để hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của ngân hàng. Tôi rất kỳ vọng vào chính sách kết nối mã số định danh công dân với tài khoản và lịch sử tín dụng cá nhân để đẩy nhanh tốc độ quản lý và xác thực thông tin người vay dựa trên cơ sở chia sẻ dữ liệu tài chính và cá nhân.

Tín dụng là nhu cầu khách quan cần thiết của nền kinh tế. Để đảm bảo dòng tiền được lưu chuyển hợp lý và mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả người vay lẫn người đi vay thì luôn cần sự phối hợp nhịp nhàng của tổng hợp các nguồn lực xã hội.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,