Danh họa Bùi Xuân Phái và dòng tranh ‘Phố Phái’

Bùi Xuân Phái (1920 – 1988) là cái tên thuộc hàng kinh điển của nền Mỹ thuật Việt Nam. Những đóng góp của ông cho nền hội họa nước nhà, đặc biệt là thương hiệu “Phố Phái” sẽ còn sống mãi với thời gian.Danh họa Bùi Xuân Phái và dòng tranh ‘Phố Phái’

Ngày sinh: 01 tháng 09 năm 1920Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-15

Ngày mất: 24 tháng 06 năm 1988

Tác phẩm nổ bật:

• Phố cổ Hà Nội – Sơn dầu 1972
• Hà Nội kháng chiến – Sơn dầu 1966
• Xe bò trong phố cổ – Sơn dầu 1972
• Phố vắng – Sơn dầu 1981
• Hóa trang sân khấu chèo – Sơn dầu 1968
• Sân khấu chèo – Sơn dầu 1968
• Vợ chồng chèo – Sơn dầu 1967
• Trước giờ biểu diễn – 1984

Giải thưởng mỹ thuật:

• Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 1996
• Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946
• Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980
• Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức)
• Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm 1969, 1981, 1983, 1984

Tặng thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997

.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ra tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hà Tây, tỉnh Hà Đông (nay là thủ đô Hà Nội), một làng nổi tiếng với tranh khắc gỗ dân gian Kim Hoàng. Ông xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản trung lưu nhà ở phố Hàng Thiếc, sau chuyển về 87 Hàng Bút nay gọi là phố Thuốc Bắc. Chính vì vậy mà ông đã thuộc lòng từng con đường, ngõ ngách của 36 phố phường Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1945. Ông tham gia kháng chiến, tham dự triển lãm nhiều nơi. Năm 1952 về Hà nội, sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất. Năm 1956-1957 giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Tuy nhiên, khi còn là học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Bùi Xuân Phái đã vẽ phố và đã đi dự triển lãm ở Tô-ki-ô, đã nhận giải thưởng Triễn lãm Mỹ thuật loàn quốc năm 1946.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-17

Cố họa sỹ Bùi Xuân Phái, người gắn bó với tình yêu lớn dành cho phố phường Hà Nội xưa…

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên – những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một “Phố Phái” hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái đã “như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ” (Thái Bá Vân), người ta mới nhận ra tầm vóc của ông.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-4

Bùi Xuân Phái trong căn nhà của mình.

Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60 hay 70. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của Phái, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-9

Tác phẩm Phố của danh họa Bùi Xuân phái.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-9

Tác phẩm Phố vùng cao của họa sỹ Bùi Xuân Phái.

Ông là một họa sĩ hiểu rất rõ về những chủ đề nghệ thuật của mình, chỉ bằng vài nét chấm phá, thì đã thể hiện được cái cốt lỗi thâm sâu, tinh chất của những đề tài ấy. Con người thật thà chỉ biết vẽ sự thật, chỉ có thể biểu lộ những nỗi niềm thật. Bùi Xuân Phái không nói về những điều ông không hiểu thấu đáo, không vẽ những điều ông chưa nhìn thấy sự thật. Mặc dù ông đã rất thành công với các chủ đề như chân dung, phong cảnh miền núi, khoả thân và Chèo, nhiều người biết đến mảng đề tài Phố Cổ Hà Nội của ông nhất, dòng tranh này được quần chúng mến mộ gọi là “Phố Phái”.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-1

Mỗi con đường, mỗi phố đều mang tên một danh nhân, còn những phố, đường mang tên Phố Phái thì nhiều không ai đếm được. Nó tồn lại trong hoài niệm của rất nhiều người, dù thành phố đổi thay bao nhiêu, những nơi gợi lại bóng hình Phố Phái vẫn là nơi chứa chan nhiều cảm xúc.

Sinh thời, ông được xem là người mang đậm phong cách của người Hà Nội. Các bức chân dung Bùi Xuân Phái còn lại hiện nay cho ta thấy, đó là một người đàn ông có gương mặt gầy gầy, có phần khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét quý phái. Tranh của Bùi Xuân Phái cũng giống như cuộc đời của ông vậy – ông cùng nó lặng lẽ ẩn náu sau đền miếu, vài ô cửa ván màu nâu của những tên phố thân quen: Hàng Mắm, Hàng Bồ, ngõ Phất Lộc, Đồng Xuân, đình Yên Thái, đình Hàng Than… nhấp nhô ngói thẫm đổ bóng xuống tấm biển chỉ đường, vài cô áo đỏ lặng lẽ, kín đáo bước đi như muốn nép mình vào ngõ nhỏ. Bùi Xuân Phái đã sống ở Hà Nội rất nhiều năm, ông là một nhà Hà Nội học về cấu trúc phố, về con người và xã hội của thế kỷ 20. Mỗi ngày ông thường xuyên đi tản bộ giữa lòng phố cổ, khi cần ông dừng lại để ghi chép. Ít khi ai gặp Bùi Xuân Phái vẽ ngay trên phố, tất cả tranh phố hầu hết được vẽ theo trí nhớ.

Danh họa Bùi Xuân Phái và dòng tranh ‘Phố Phái’

Phố cổ Hà Nội, tranh của Bùi Xuân Phái.

Đối với ông Hà Nội đã quá thân thuộc, ông vẽ phố như trò chuyện với người bạn tri kỷ. Tuy nhiên Bùi Xuân Phái nhận định vẽ không phải là chép, không phải là đo cho chính xác. Người họa sĩ dùng trí tuệ và cảm xúc để phân tích thực tế và chuyển sang phần hội họa trong đó có óc tưởng tượng hoạt động. Nếu quá nặng về ghi chép cho đúng thì tranh sẽ mang ít tính chất hội họa, phần này nên nhường chỗ cho nhiếp ảnh. Cái đẹp của tranh, phần cốt yếu là phần sáng tạo của người họa sĩ. Cho nên người ta thấy Phố Phái quen mà lạ. Quen vì mọi người nhanh chóng nhận ra phong cảnh vì phố thực, nhưng lạ vì cái thực ấy được nhìn qua lăng kính của Phái, tường thuật nhiều câu chuyện khác nhau trên cùng một khu phố, những vẽ đẹp của đời sống của người Việt Nam trong thế kỷ 20 đã được thể hiện theo phong cách và tình cảm sâu đậm của Bùi Xuân Phái. Có những mảng tường tưởng như là bẩn, nhưng thật sự những loang lỗ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng và cảm xúc của người hoạ sĩ đã tạo ra những vẽ đẹp bất ngờ.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-13

Hồ Hoàn Kiếm – tranh sơn dầu – tài liệu của gia đình Bùi Xuân Phái. Giữa hồ có cái gò nhỏ gọi là gò Rùa trên đó xưa kia có đình Tả Vọng của chúa Trịnh. Cuối thể kỷ 19, đình đã bị đổ nát chỉ còn lại thềm, và một ngọn tháp đã được dựng lên trên nền này, tức là tháp Rùa hiện nay. Phía Hàng Khay nhìn sang thì có 2 cửa, phía Hàng Trống nhìn lại là 3 cửa. Bùi Xuân Phái đã vẽ chính xác theo những gì ông thuộc, theo cảm quan của người nghệ sĩ chứ không phải vẽ theo máy móc số học.

Bùi Xuân Phái yêu Hà Nội, Hà Nội và người Hà Nội yêu Bùi Xuân Phái, chẳng có một ai yêu Hà Nội mà không mang trong tâm tưởng, gần như một nỗi ám ảnh của hình ảnh những phố cũ Hà Nội trong tranh của ôn. Người Hà Nội yêu cái sức mạnh thuyết phục của sự im ắng đến kì lạ, sự ngây thơ đến nín chịu, đầy vẻ phong trần của những phố nhỏ bình dị không một chút phô trương xa xỉ. Người Hà Nội chia sẻ tình yêu của Phái với Hà Nội theo cách riêng của mình, không ồn ào, đầy ý nhị, nó giản dị nhận Phái như một phần rất tự nhiên trong cái đời sống văn hóa sâu lắng nhất, cùng với “phố của Phái” (Thái Bá Vân, 1986) là nơi tất cả những ai nhớ về Hà Nội với một tiếng rao đêm, cây bàng cuối đông đứng đầu ngõ run rẩy đang đợi đâm chồi, mùi hoa sữa da diết lan trên ngói xám.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-11

Những dòng chữ đầu tiên trong Nhật ký của Bùi Xuân Phái.

Mặc dù phong cách của Bùi Xuân Phái phảng phất tính chất nghệ thuật của trường phái Paris mà ông rất hâm mộ, nhưng cảm xúc nghệ thuật rõ ràng là của người Việt Nam. Khi được xem những tác phẩm, không chỉ người Việt Nam mà luôn cả người nước ngoài đều rung động với tâm tư và xúc cảm thầm kín của Bùi Xuân Phái, làm cho chúng ta quên đi sự hiện diện và ảnh hưởng của kỹ thuật bút cọ Tây Phương. Sự quyến rũ này, cùng với sự chân thành của Bùi Xuân Phái đã cho chúng ta thấy được những tuyệt phẩm của ông rất Việt Nam.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-10

Tác phẩm Phân xưởng nhuộm, Bột màu, 1985.

Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật… rất thành công. Nhiều tranh của Bùi Xuân Phái đã được giải thưởng trong các cuộc triển lãm toàn quốc và thủ đô. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu. Ông dùng nhiều phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì… Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tự do, óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn vào lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế (Leipzig) về trình bày cuốn sách “Hề chèo” (1982).

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-16

Chữ kí của họa sĩ Bùi Xuân Phái qua các thời kì.

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng với tình yêu nghệ thuật, khát khao tìm tòi và thể hiện cái đẹp dung dị đời thường bằng những nét vẽ cọ, Bùi Xuân Phái đã không ngừng vẽ, sáng tạo nghệ thuật ngay cả khi không mua được vật liệu và ông đã phải tận dụng mọi chất liệu như vỏ bao thuốc lá, giấy báo… Ông cũng là họa sĩ đã gạt bỏ mọi toan tính đời thường để cho ra đời các tác phẩm dung dị, đơn giản nhưng đầy tâm tư sâu lắng. Ông mất ngày 24 tháng 6 năm 1988 tại Hà Nội bởi căn bệnh ung thư phổi. Và có một điều chắc chắn, câu chuyện về cuộc đời và những bức tranh vẽ được thổi vào đó linh hồn Hà Nội cổ kính, trầm lặng của ông vẫn sẽ sống mãi với thời gian.

Bui-Xuan-Phai-va-thuong-hieu-pho-Phai-14

Tranh tự họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Theo DESIGNS.VN

Tags: , ,