⠀
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử
Là bậc thầy trong công tác hậu cần và điều hành quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng, bảo trì và tận dụng đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam và Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhận định cần thiết có một con đường để hành quân, vận chuyển khí tài cho chiến trường miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, con đường ấy bắt đầu được mở ra và trong tâm khảm của bộ đội Trường Sơn, hình ảnh con đường, hình ảnh vị Tổng tư lệnh gắn liền với nhau và đều trở thành huyền thoại.
Trong quá trình chi viện cho cách mạng miền Nam, lúc đầu chúng ta mở đường Trường Sơn để đi bộ, gùi, thồ vũ khí, đạn dược. Hình thức này tránh được sự truy tìm của địch, bởi ta có thể giữ bí mật được, nhưng khả năng chi viện rất ít. Trong khi đó, Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào, buộc chúng ta không thể tiếp tế nhỏ giọt mà phải tăng cường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định “phải cơ giới hóa chi viện cho cách mạng miền Nam”.
Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Khi chiến tranh miền Nam ngày càng phát triển, phải mở đường ô tô nhưng vận chuyển bằng đường ô tô trong điều kiện địch tăng cường không quân đánh phá, những chuyến đi bị thất bại nặng nề. Lúc đó lại gùi, thồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó là người quyết khắc phục khó khăn, mở đường Trường Sơn để vận chuyển cơ giới nên nhờ đó đường Hồ Chí Minh trở thành rộng rãi, có những đoạn đi trong rừng gọi là đường ống, địch và máy bay không phát hiện được”.
Các chiến sĩ Trường Sơn đều biết: Đại tướng đặc biệt quan tâm đến chiến trường Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn được sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong chiến tranh, năm nào đến dịp tổng kết của bộ đội Trường Sơn, Đại tướng cũng vào dự, biểu dương những thành tích, những sáng tạo của bộ đội Trường Sơn đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại để tiếp tục khắc phục.
Tháng 3/1973, bộ đội Trường Sơn tổng kết 13 năm ngay trên tuyến Trường Sơn. Trên đường vào dự hội nghị, Đại tướng đã đến trọng điểm ATP trên đường 20, động viên bộ đội và thanh niên xung phong.
Đại tá Đinh Công Ty khi đó là chiến sĩ của Trung đoàn 33 Công binh cũng có mặt tại trọng điểm ATP. Được gặp Đại tướng, ông Ty cũng như anh em chiến sỹ khác đều xúc động, tự hào, quyết tâm chiến đấu: “Tất cả cán bộ chiến sĩ đều phấn khởi đón Đại tướng và Đại tướng bắt tay chúc công binh tiếp tục khắc phục đường cho nhanh để sớm chi viện cho miền Nam. Đại tướng cũng rất sâu sát, hỏi từng anh em vấn đề ăn uống ra sao, vấn đề trực thế nào. Với tất cả tấm lòng như vậy, đối với cán bộ Trường Sơn nói chung và Trung đoàn 33 Công binh nói riêng đều nhớ về một vị Tướng gắn bó với dân, với bộ đội”.
Từ đó, đường Hồ Chí Minh trong chiến trường Trường Sơn trở thành một hệ thống gồm 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang với tổng chiều dài 20.000 km đường bộ, 500 km đường sông, 5.000 km đường gùi thồ, 1.400 km đường ống xăng dầu… Địch đã không thể ngăn chặn được tuyến chi viện Trường Sơn cho cách mạng miền Nam. Quân ta chẳng những chở được hàng triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực tiếp tế cho chiến trường mà còn cơ động hàng ngàn quân đoàn chủ lực theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn nhớ lại: “Đại tướng đề ra khẩu hiệu đánh địch mà đi, mở đường mà tiến chứ không đi chui rúc nữa. Phải sử dụng lực lượng quân sự, đánh địch đồng thời sử dụng lực lượng công binh, thanh niên xung phong mở đường. Đường vòng, đường tránh, đường dọc, đường ngang tạo nên hệ thống đường Trường Sơn mà kẻ địch gọi là trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Nhờ phương châm chỉ đạo đó mà bộ đội Trường Sơn thực hiện các chiến dịch hiệp đồng binh chủng để bảo vệ cho tuyến vận tải chiến lược và hệ thống đường xá được mở rộng”.
Trong 16 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch, con đường huyền thoại của cả nước. Năm 2009, kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Đường Trường Sơn chiến lược là một kỳ công lịch sử, một con đường huyền thoại, một mặt trận tiêu hao, tiêu diệt địch, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Theo VOV
Tags: Kháng chiến chống Mỹ, Võ Nguyên Giáp, Đường Trường Sơn