⠀
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức đạo diễn Nhật Bản nổi tiếng
Matsumoto Takeaki, là đạo diễn nổi tiếng của Nhật về đề tài chiến tranh, nhất là từ đầu những năm 1990, khi ông làm những bộ phim tài liệu về cuộc xâm lăng của quân đội Nhật xuống các nước châu Á, trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.Riêng với Việt Nam, từ năm 2004 đến 2010 ông đã đạo diễn những bộ phim gây tiếng vang lớn ở Nhật về hai cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, như Chiến tranh Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Tội ác Khmer Đỏ, hay Đường mòn Hồ Chí Minh…
Đặc biệt nhất là bộ phim “Điện Biên Phủ – cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới“, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người dẫn chuyện. Bộ phim đã được NHK phát sóng ở Nhật Bản vào tháng 7.2004, và 2 lần phát sóng trên hệ thống NHK Worldwide.
Dưới đây là những cảm tưởng của đạo diễn Matsumoto Takeaki trong lần gặp Tướng Giáp năm 2004 để thực hiện bộ phim này, và có lẽ, ông là người nước ngoài cuối cùng được gặp Tướng Giáp để làm phim.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại một cuộc họp báo tổ chức ở Hà Nội ngày 30/4/2004.
– Cảm giác đầu tiên của ông khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thế nào?
– Khi đến gặp ông, năm 2004, tôi thấy một người già lắm, bước ra phòng khách. Vẻ mặt ông có vẻ hơi mệt, và hơi thở không đều. Tôi rất lo, vì chương trình nhất thiết phải có phỏng vấn tướng Giáp, nếu không coi như “xong phim”…Xin phép được ngắt lời ông, bộ phim “Điện Biên Phủ – Cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới” là bộ phim thứ mấy ông làm về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam?
Đó là bộ phim đầu tiên tôi là về Việt Nam. Bộ phim này, phần quay ở Việt Nam, nói về chiến dịch gần 2 tháng là thay đổi thế giới, chủ yếu là nội dung phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
– Tại sao lại như vậy, tôi không hiểu?
– Bởi tất cả những tư liệu khác chúng tôi đã quay bên Pháp, với cả những nhân chứng, là những người thua cuộc bên đó. Lời kể của ông đã được bổ sung bằng hình ảnh và lời nói của các nhân chứng.
– Lý do vì sao ông, người chưa làm một bộ phim nào về Việt Nam, lại được chọn là đạo diễn phim này, bộ phim kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ?
– À, thắc mắc của anh hoàn toàn có lý.
Sở dĩ tôi được chọn, vì trước đó tôi đã làm nhiều bộ phim về chiến tranh của Nhật Bản ở khu vực châu Á, trong Thế Chiến Thứ 2. Đó là những bộ phim dài 50′, 60′, thậm chí 90′, nói về quá trình Nhật đi xâm lược các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Chẳng hạn, bộ phim đầu về chiến tranh là về cuộc xâm lược Indonesia của Nhật, ở đó có những con người từng giúp đỡ quân Nhật. Lại có cả những cuộc thảm sát người Indonesia do quân Nhật gây ra. Sau chiến tranh, việc đối xử với những người đó thế nào, đền bù như thế nào, là một vấn đề tồn tại.
Đến lúc đó, bản thân chính phủ Nhật cũng chưa làm được, và tôi lấy đó làm đề tài bộ phim nói về trách nhiệm của chính phủ Nhật. Bộ phim sản xuất đầu những năm 1990.
Trừ những bộ phim liên quan đến Việt Nam ra, tôi làm tổng cộng sáu bộ phim lớn về chiến tranh.
Vì vậy, kinh nghiệm về chiến tranh Việt Nam của tôi, lúc đó, là hoàn toàn chưa có, nhưng kinh nghiệm làm phim chiến tranh nói chung là khá dày dặn. Bởi vậy, khi NDN nhận phần quay ở Việt Nam cho NHK, họ đã mời tôi luôn, với tư cách là tổng đạo diễn phim, kể cả phần bên Pháp.
– Nhưng chắc ông ắt hẳn phải có những ký ức, ý tôi nói là những điều ông đọc được, nghe được, về Điện Biên Phủ, khi nó diễn ra chứ?
– Tất nhiên rồi. Hồi còn trẻ, tôi đã học ở nhà trường về cuộc chiến chống Pháp của Việt Nam, để đánh đổ chủ nghĩa thực dân, và đặc biệt là trận Điện Biên Phủ.
Khi nhận lời làm phim này, tôi đã sưu tầm nhiều tư liệu bên Nhật về hệ quả của cuộc chiến tranh. Và trước khi sang Việt Nam quay phim chính thức, tôi đã bỏ hai tuần sang Việt Nam trước tiền trạm. Tôi đến những nơi đã diễn ra trận Điện Biên Phủ, gặp những nhân chứng đã tham gia chiến dịch đó về phía Việt Nam.
– Vâng. Xin ông kể tiếp về cuộc phỏng vấn Tướng Giáp đi.
– Thế nhưng, trái với những lo ngại, thậm chí lo sợ của tôi, khi câu hỏi đầu tiên được đặt ra, mắt Tướng Giáp bỗng sáng lên.
Vẻ mặt ông tự nhiên linh động, nếu không nói là lanh lợi. Ông nói rất dõng dạc, khúc chiết. Ông nhớ từng chi tiết, mà không cần phải có liếc qua giấy tờ gì cả. Chúng tôi đã đi từ sự ngạc nhiên đến cảm giác yên tâm hoàn toàn về bộ phim của mình…
– Cuộc phỏng vấn kéo dài bao lâu?
– Theo tôi nhớ, chừng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Thời gian cứ trôi đi mà chúng tôi không nhận ra.
Đặc biệt, sau khi phỏng vấn xong, Tướng Giáp có nói với chúng tôi mấy câu mà đến bây giờ tôi nghĩ vẫn đúng.
Ông nói rằng: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn của lịch sử. Mỗi người đều có thể rút ra bài học lịch sử Điện Biên Phủ cho bản thân mình, cho công việc của mình. Đừng bao giờ quên bài học Điện Biên Phủ”.
– Ý ông là…
– Thì năm 2003 Mỹ đã tấn công Iraq, và bị sa lầy ở đó nhiều năm. Họ vẫn chưa rút ra được bài học Việt Nam. Nhật Bản cũng vì thế mà dính vào đó, tuy ở nghĩa vụ y tế, hay hậu cần.
Hay khi xảy ra vấn đề Biển Đông, hay gần đây là Hoa Đông, dường như Trung Quốc cũng vậy. Họ đã quên bài học lịch sử Điện Biên Phủ, mặc dù sự giúp đỡ của họ đã giúp Việt Nam chiến thắng.
– Ông muốn nói rằng sự giúp đỡ của cố vấn quân sự Trung Quốc?
– Nhưng không phải là chủ trương “đánh nhanh – thắng nhanh” như ý định ban đầu của cố vấn Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn, Tướng Giáp đã cho chúng tôi biết rằng ông đã cho trinh sát kiểm tra lại tình hình Điện Biên Phủ, nhất là việc di chuyển của quân Pháp, để đi đến kết luận rằng, chỉ có “đánh chắc – tiến chắc” thì mới thắng được quân Pháp.
Sự giúp đỡ của Trung Quốc, ngoài trang thiết bị ở đây, theo giải thích của Tướng Giáp, chính là chiến thuật đào hệ thống giao thông hào, được họ rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh với Mỹ ở bán đảo Triều Tiên (1950-1953).
Nhờ có hệ thống giao thông hào chằng chịt này mà bộ đội Việt Nam bí mật vận chuyển một số lượng lớn vũ khí đến vị trí ngay trước mặt quân Pháp mà Pháp không hề biết, đặc biệt là hơn 20 khẩu pháo 105 ly, chiến lợi phẩm thu được từ quân Pháp và do Trung Quốc viện trợ.
Theo Tướng Giáp, khi quân đội Pháp bắt đầu nghĩ là quân đội Việt Nam chắc không dám đánh nữa, thì ngày 13.3.1954, ông hạ lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính một cựu sĩ quan Pháp, trong phim, còn nhớ lại trải nghiệm hãi hùng này.
“Không ai nhìn thấy pháo, và cũng không đoán được chúng nằm ở đâu. Một sĩ quan pháo bình của chúng tôi đã hốt hoảng tự sát. Thật quá kinh ngạc”, cựu trung tá Bizon, chỉ huy binh đoàn dù của Pháp ở Điện Biên Phủ, hồi tưởng.
– Thế còn câu nói cuối cùng của Tướng Giáp khi kết thúc bài phỏng vấn là gì?
– Câu nói đó, cũng gần như là để kết thúc bộ phim: “Lúc chúng tôi chuẩn bị đánh Mỹ, những người bạn lớn của Việt Nam lúc đó đều đã khuyên rằng ‘làm sao đánh được Mỹ, các anh bỏ ý định đó đi’. Tôi đã trả lời rằng ‘nếu chúng ta đánh Mỹ theo cách của những người bạn đó, chắc chẳng chịu được một tiếng đồng hồ. Nhưng theo cách đánh của Việt Nam thì chiến thắng là điều có thể.”
Năm sau, 2005, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Nhật Bản thua trong Thế chiến thứ 2, tôi đã kíp làm tiếp 2 tập phim về Chiến tranh Việt Nam, phát tiếp trên đài NHK, trong nước và quốc tế.
Chỉ hơi tiếc một điều, là chúng tôi đã cố gắng xin gặp Tướng Giáp một lần nữa, nhưng người ta bảo ông không được khỏe. Chúng tôi đành chấp nhận với cách giải thích đó.
– Tướng Giáp có được xem lại bộ phim “Điện Biên Phủ – Cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới” không? Ông có nhận xét gì?
– “Đây là bộ phim tài liệu hay nhất, trung thực nhất, công bằng nhất và khách quan nhất về Điện Biên Phủ, với cái nhìn của các nhân chứng lịch sử cả từ hai phía”, thư ký của Tướng Giáp đã nói lại với chúng tôi nhận xét của ông, sau khi xem lại ông bộ phim do NDN gửi tặng.
Còn tôi, tôi chỉ nói đơn giản rằng: “Điện Biên Phủ (phim) mà thiếu Đại tướng, bức tranh sẽ như vẽ rồng mà thiếu mắt”.
– Xin cảm ơn ông!
Theo HUỲNH PHAN / TUẦN VIỆT NAM
Tags: Võ Nguyên Giáp