⠀
Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 và những bài học còn nóng hổi
Đại dịch cúm năm 1918 hay còn được biết đến ‘cúm Tây Ban Nha’ là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử.
Ước tính có khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới (tương đương 33% dân số lúc đó) mắc bệnh và 50 triệu người tử vong. Hơn 100 năm sau, thế giới tiếp tục chứng kiến sự tàn phá của đại dịch COVID-19 với số ca mắc lên tới 214.059.405 ca và 4.466.733 ca tử vong tính đến ngày 25/8. Dù khác nhau về số liệu, song cũng có nhiều điểm tương đồng giữa hai đại dịch này.
Có thể nhận thấy điểm chung của hai đại dịch này là tốc độ lây nhiễm nhanh do hoạt động di chuyển của con người và giao thông vận tải. Bằng chứng cho thấy nếu có biện pháp ứng phó kịp thời, siết chặt tụ tập đông người, đóng cửa nhà hàng thì dịch bệnh sớm được khống chế. Ví dụ vào thời điểm đó, tại Mỹ, thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania vẫn duy trì cuộc diễu hành Liberty Loans Parade ngày 28/09/1918 với hơn 20.000 người tham gia, trong khi chính quyền thành phố Saint Louis, bang Missouri hủy cuộc diễu hành tương tự. Kết quả là cuộc diễu hành ở Philadelphia dẫn đến sự bùng nổ số ca nhiễm cúm ở Mỹ và từ đó, được coi là cuộc tuần hành tang tóc nhất trong lịch sử Mỹ. Tỷ lệ tử vong ở Philadelphia cao gấp đôi so với Saint Louis. Theo nhận định của cac chuyên gia kinh tế nếu các nhà chức trách có động thái phản ứng sớm 10 ngày trước khi dịch đến thì hoạt động công nghiệp tăng 5% trong những năm sau đó.
Còn với đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến bài học về dịch bùng phát tại các nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc hồi đầu năm 2020, một buổi lễ Hồi Giáo vào tháng 2/2020 gần thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với khoảng 16.000 người tham gia; nhà hàng và quán bar nổi tiếng Kitzloch tại thị trấn nghỉ dưỡng trượt tuyết Ischgl, bang Tyrol, Áo –vốn được cho là ổ dịch COVID-19 lây lan đến nhiều nước châu Âu, hay cuộc tập hợp tại nhà thờ La Porte Ouverte Chrétienne ở Mulhouse, một ổ dịch tại Pháp…
Trong đại dịch cúm năm 1918, do không có chính sách phong tỏa nên kinh tế không bị tác động nặng nề vì các biện pháp dịch tễ. Năm 2020 thì ngược lại, kinh tế toàn cầu gần như chững lại, đẩy cả thế giới vào giai đoạn suy thoái.
Tin giả, tin đồn thất thiệt cũng đã xuất hiện trong đại dịch cúm 1918. Vào thời điểm đó, nhiều người đổ dồn vào thông tin cho là các tàu ngầm U-boot của Đức là nguồn lây tại các hải cảng ở Mỹ. Hơn 100 năm sau, tin giả vẫn tồn tại, thậm chí lan truyền với tốc độ nhanh hơn thông qua mạng xã hội và các nền tảng khác. Đáng chú là tin giả liên quan đến vaccine phòng COVID-19, chẳng hạn như người tiêm vaccine sẽ bị từ tính hay tiêm vaccine làm giảm khả năng sinh con. Những thông tin lệch lạc này đã phần nào tác động đến tâm lý người dân, khiến nhiều người còn chần chừ không chịu tiêm chủng.
Khẩu trang cũng là một điểm chung có thể nhận thấy trong hai đại dịch này. Việc đeo khẩu trang đã dấy lên tranh cãi giữa giới y khoa và các nhà chức trách. Vào tháng 11/1918, cũng như vào tháng 4/2020, giới chức y tế đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để phòng tránh bệnh, song chính quyền tại nhiều nơi lại cho rằng điều này là không bắt buộc. Chẳng hạn như cách đây một thế kỷ, thành phố San Francisco đã bắt người dân đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị “phạt từ 5 đến 100 USD hoặc 10 ngày tù giam”. Hiện tại, người dân nhiều nước châu Á sẽ bị phạt nếu không đeo khẩu trang ở ngoài đường. Mới đây nhất, Singapore đã phạt tù một công dân Anh vì đã không đeo khẩu trang trên tàu điện. Trong khi đó, khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, người dân châu Âu đã phản đối mạnh mẽ việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và phải mất một khoảng thời gian họ mới hiểu được công dụng của việc khẩu trang.
Một điểm chung khác việc chuyển đổi hoạt động sản xuất để đáp ứng với tình hình dịch tễ. Năm 1918 cũng như 2020, nhiều nhà máy đã chuyển đổi hoạt động để đáp ứng nhu cầu dịch tễ cấp bách. Ví dụ, năm 1918, tại Mỹ, một nhà máy sản xuất mặt nạ chống khí độc phục vụ chiến tranh chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế. Năm 2020, nhà sản xuất ô tô General Motors của Mỹ sản xuất máy trợ thở. Nhiều thương hiệu thời trang lớn thế giới sản xuất khẩu trang và nước khử trùng…
Theo BÁO TIN TỨC
Tags: Y tế, Dịch bệnh COVID-19, Dịch bệnh