⠀
Dạ khúc của Franz Schubert: Giai điệu cất lên từ hạnh phúc và khổ đau
Một trong những bản serenade (dụ khúc, khúc nhạc chiều) phổ biến, được biết đến nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc là bản Serenade của Franz Schubert, viết vào năm 1826.
Trong âm nhạc, Serenade được hiểu theo nghĩa chung nhất là các sáng tác hoặc một hình thức biểu diễn. Thời xa xưa, Serenade là những sáng tác được biểu diễn trong chiều tà, thường là dưới những ô cửa sổ, dành riêng cho người tình, bạn bè, hoặc những người được vinh danh, tụng ca.
Tục lệ này bắt đầu vào thời Trung Cổ hoặc Phục Hưng. Các bản nhạc được biểu diễn bởi một người vừa hát vừa đệm bằng một nhạc cụ phù hợp, không cần theo thể loại đặc biệt nào.
Vào thời Baroque, Serenade là hình thức biểu diễn nhạc cantat ngoài trời, trong buổi chiều, với nhiều giọng hát hòa âm và hòa tấu đệm. Điểm khác biệt giữa cantat và serenade là bản nhạc chiều được biểu diễn trong không gian rộng, có thể sử dụng các nhạc cụ lớn như kèn trumpet, trống, tù và.
Thể loại thịnh hành, quan trọng nhất của serenade trong lịch sử âm nhạc là sáng tác dành cho các dàn hòa tấu lớn, nhiều phần, trong thời kỳ Cổ Điển và Lãng mạn. Các bản Serenade này xuất xứ từ Italia, Đức, Áo và Bohemieng.
Bản nhạc Serenade trong thế kỷ 18 gồm 4 phần, đôi khi là 10. Dàn nhạc cho một khúc serenade tối thiểu gồm nhạc cụ hơi, kết hợp với bass và violin: người chơi có thể đứng để biểu diễn ngoài trời.
Trong thế kỷ 19, Serenade chuyển thành hình thức biểu diễn hòa tấu, ít được biểu diễn ngoài trời hơn. Các nhạc sĩ bắt đầu viết Serenade cho các dàn nhạc khác nhau. Dvořák, Tchaikovsky, Josef Suk viết serenade dành riêng cho nhạc cụ dây. Những nhạc sĩ khác như Richard Strauss, Max Reger, Edward Elgar và Jean Sibelius viết serenade theo dòng Lãng mạn.
Những bản Serenade nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 có thể kể như Serenade cho Tenor, tù và và đàn dây của Benjamin Britten, Serenade cho piano của Stravinsky, Serenade Op. 24 cho baritone (nam trung) và 7 nhạc cụ của Arnold Schoenberg.
Một trong những bản serenade phổ biến, được biết đến nhiều nhất là bản Serenade của Franz Schubert, viết vào năm 1826. Nguyên bản của bài nhạc này được viết trên bè hai, với giọng nam hợp xướng, sau đó được sắp xếp lại dành riêng cho giọng nữ.
Theo Von Hellborn, người viết tiểu sử cho Schubert, bản nhạc này ra đời vào vào một Chủ nhật năm 1826. Khi ấy, Schubert cùng một vài người bạn từ Potzleinsdorf trở về thành phố. Đi qua Wahring, ông thấy bạn mình là Tieze đang ngồi bên chiếc bàn trong khu vườn của Zum Biersack. Trước mặt Tieze là một cuốn sách, và Schubert lật lướt qua nó.
Đột nhiên, ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo lên: “Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ”. Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn, và trong sự huyên náo của quán ăn ngày Chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản Serenade bất hủ của mình.
Nguyên bản bài thơ bằng tiếng Đức, lời của bản Ständchen (Serenade):
Leise flehen meine Lieder
Durch die Nacht zu dir;
In den stillen Hain hernieder,
Liebchen, komm zu mir!
Flüsternd schlanke Wipfel rauschen
In des Mondes Licht;
Des Verräters feindlich Lauschen
Fürchte, Holde, nicht.
Hörst die Nachtigallen schlagen?
Ach! sie flehen dich,
Mit der Töne süßen Klagen
Flehen sie für mich.
Sie verstehn des Busens Sehnen,
Kennen Liebesschmerz,
Rühren mit den Silbertönen
Jedes weiche Herz.
Laß auch dir die Brust bewegen,
Liebchen, höre mich!
Bebend harr” ich dir entgegen!
Komm, beglücke mich!
Dịch nghĩa:
Những bài hát của tôi nhẹ nhàng cầu khẩn
Xuyên qua đêm thâu;
Trong sự lặng yên dưới những lùm cây,
Người yêu, hãy đến bên tôi
Những ngọn cây mảnh dẻ lấp lánh khe khẽ thì thầm
trong ánh trăng;
Holde, đừng e ngại
những kẻ bội phản rình rập lắng nghe.
Người có nghe những cơn gió đêm?
Ồ, chúng đang khẩn cầu người,
Với giọng than vãn ngọt ngào
Chúng đang khẩn cầu tôi.
Chúng hiểu được nỗi khát khao trong lồng ngực,
Chúng biết nỗi đau của tình yêu,
Với những nốt nhạc bạc, chúng làm rung động
từng trái tim yếu đuối.
Hãy để lồng ngực rung lên
Yêu thương, lắng nghe tôi!
Run rẩy, tôi chờ đợi
Hãy đến, cho tôi hạnh phúc!
Như những giai điệu đặc trưng của Schubert, Serenade đơn giản nhưng siêu phàm, tinh tế trong cách xử trí: Dòng nhạc mở đầu uốn cong lên và rơi xuống qua những âm thứ, tiết nhạc trung tâm nhảy qua cung thứ 6 thuộc âm át. Và những phần hòa âm đầy xao động, khi người ca sĩ cất lên tiếng hát kêu gọi người tình, “cho tôi hạnh phúc”, nhạc dâng cao lên âm trung dưới xao xuyến rồi lại chìm sâu đầy sầu muộn. Nhưng hy vọng vẫn còn đó, và dòng nhạc kết thúc mềm mại chuyển quanh âm chủ.
Hy vọng ngay trong niềm tuyệt vọng. Trong sáng và mãnh liệt. Ngọt ngào và thiết tha.
Như những gì Schubert từng viết:
“Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ,
nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hoá thành tình yêu”.
Trong cuộc đời ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 31 năm, đầy cơ cực, thiếu thốn, trong ốm đau, bệnh tật, Schubert đã để lại cho đời một lượng tác phẩm đồ sộ: Chín bản giao hưởng (bản giao hưởng số 7 bị thất lạc), khoảng 10 vở opera, 15 tứ tấu đàn dây, 8 Mass, gần 20 piano sonata, 500 tiểu phẩm cho nhiều nhạc cụ và hơn 600 lied.
Ông là người khai phá và là “nhân vật vĩ đại” đầu tiên của trường phái Lãng mạn sau này đã lan ra khắp châu Âu. Âm nhạc của Schubert “chất trữ tình đầy đậm đà như mặt nước của con sông Rhein trôi êm đềm”.
Người nhạc sĩ, với cuộc đời mong manh, mang theo vết thương không thể chữa lành trong trái tim, vẫn khát khao sống, khát khao yêu thương.
Trong chiều hôm muộn, ánh sáng ngày vừa tắt, đối mặt với đêm dài và nỗi cô đơn vô hạn, bài ca tình yêu cất tiếng – Nỗi buồn và niềm tuyệt vọng vẫn trong sáng như ánh trăng thâu. Trong cái thinh lặng của đất trời, sự thẳm sâu đến lạnh người của nỗi cô đơn, bài ca vẫn theo gió ngân dài.
Tình yêu và nỗi đau chỉ là hai mặt của cùng một tình cảm. Tiếng than ấy, thiên nhiên, và cả đất trời đều vang vọng.
Chúng hiểu được nỗi khát khao trong lồng ngực,
Chúng biết nỗi đau của tình yêu!
S.T
Tags: Âm nhạc, Nhạc cổ điển, Franz Schubert