Cuộc nội chiến ở Syria: Một ván cờ sắp tàn

Cuộc nội chiến Syria đã rời xa suy nghĩ của nhiều người, nhưng nó vẫn đang diễn ra từng giờ. Đàm phán và đụng độ vũ trang là hai mặt trận của cuộc chiến này, chiến thắng trên một mặt trận nghĩa là chiếm ưu thế trên mặt trận kia.

Cuộc nội chiến ở Syria: Một ván cờ sắp tàn

Vấn đề ở chỗ không bên nào có vẻ sẽ sớm giành được chiến thắng quyết định. Đây là một tin xấu đối với những nhóm nổi dậy Syria. Cuộc chiến càng kéo dài, nguy cơ liên minh đổ vỡ càng cao.

Lửa chiến tranh

Hơn 90 người đã chết trong những cuộc đụng độ mới đây giữa dân quân người Kurd trực thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và một số nhóm vũ trang người Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập. Cách đây bảy năm, các thế lực trên hợp tác với nhau để trấn giữ tỉnh Deir ez-Zor trước sự tấn công của quân đội chính phủ Syria. Nhưng các vụ đụng độ ở Deir ez-Zor chỉ là một “mảnh ghép” trong cuộc chiến giữa SDF và Quân đội Quốc gia Syria (SNA), nhóm nổi dậy lớn thứ hai nước này. Tỉnh Al-Hasakah đang trở thành điểm nóng mới trong cuộc chiến này.

Mối bất hòa giữa SDF, SNA và các tổ chức nổi dậy Syria khác đã có từ lâu, nhưng nói riêng về cuộc chiến đang diễn ra thì nó bắt đầu vào ngày 27/8 vừa qua. SDF bất ngờ tuyên bố mở chiến dịch “Tăng cường an ninh” tại tỉnh Deir ez-Zor với mục tiêu là IS và những tổ chức tội phạm địa phương. Họ bắt giữ Ahmed Khbeil (biệt danh Abu Khawla), một thành viên trong hội đồng cai quản tỉnh Deir ez-Zor. Lý do đưa ra cho vụ bắt giữ là Ahmed Khbeil có quan hệ với chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và một số tổ chức buôn lậu ma túy. Ngoài Khbeil còn có 4 thành viên hội đồng khác bị bắt giữ. Hành động trên đã khiến đơn vị dân quân dưới quyền Khbeil và đồng minh của họ đồng loạt tấn công SDF.

Dhiban là nơi tập trung nhiều thành viên bộ lạc Akeidat gốc Ảrập nhất. Tộc trưởng Akeidat là Ibrahim al-Hafel cũng sống tại Dhiban. SDF cáo buộc al-Hafel âm mưu ly khai và định bắt ông ta, nhưng vị tộc trưởng đã chạy trốn. Theo Đài truyền hình Syria TV thì có khả năng al-Hafel đang trốn tại thị trấn Al-Tayana. Từ chỗ lẩn trốn của mình, al-Hafel đang lãnh đạo các lực lượng Ảrập chiến đấu chống lại SDF.

Phát ngôn viên của SDF tuyên bố: “Trong số 120 ngôi làng, thị trấn tại Deir az-Zour chỉ có 4 là xảy ra giao tranh. Chúng tôi đã kiểm soát được cả 4 địa bàn này, trong đó có Dhiban, và tiêu diệt bất kỳ lực lượng nào chiến đấu cho Damascus”. SDF cũng kêu gọi người Kurd và Ảrập sớm đi đến đàm phán để nối lại mặt trận nổi dậy chung.

Deir az-Zour hiện đang bị phân chia bởi dòng sông Euphrates. Chính phủ Syria nắm quyền kiểm soát phía tây sông Euphrates, còn quân nổi dậy chiếm phía đông. Đã có nhiều ý kiến lo sợ rằng quân đội Syria sẽ lợi dụng xung đột giữa SDF và các bộ lạc Ảrập để mở đợt xâm lược mới, nhưng cho đến lúc này họ vẫn chưa có động thái gì đáng kể.

Lính Mỹ đóng tại Syria không tham gia cuộc chiến giữa những đồng minh của mình. Tướng lục quân Mỹ Geoffrey Carmichael, phát ngôn viên của Lực lượng Đặc biệt chung (liên minh chống IS ở Iraq và Syria do Mỹ dẫn đầu) phát biểu: “SDF không hề thông báo với phía Mỹ về chiến dịch của họ… Chúng tôi kêu gọi các bên dẹp qua hiềm khích để ngồi vào bàn đàm phán nhằm tránh bị phân tâm khỏi mục tiêu chung”.

Đa phần binh lính SDF đang chiến đấu ở Deir az-Zour là dân quân người Kurd. Hai dân tộc Kurd và Ảrập ở miền bắc Syria đã từ lâu có hiềm khích. Người Kurd tại Kurd mong muốn thành lập chính quyền tự trị của mình nhưng luôn gặp cản trở từ Damascus. Khi Tổng thống Hafez al-Assad (cha của tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad) còn sống, ông luôn làm sâu thêm những bất hòa sắc tộc giữa người Kurd và các bộ tộc Ảrập ở miền bắc Syria.

Cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011 đã tạo ra cơ hội hoàn hảo để người Kurd thiết lập mảnh đất tự trị của họ. Ngay cả khi người Ảrập nổi dậy chống lại Tổng thống al-Assad, họ cũng khó chấp nhận việc những người “hàng xóm” Kurd lên nắm quyền. Các bên từng giao tranh nhiều lần và chỉ mới đi đến một thỏa thuận đồng minh không chính thức được gần một năm.

“Bóng ma” Ankara

Không thể không nhắc đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những xung đột nội bộ của lực lượng nổi dậy Syria. Không chỉ có người Kurd ở Syria mà cả ở Thổ Nhĩ Kỳ nữa cũng có tư tưởng ly khai. Các đời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại luôn có chính sách “mạnh tay” nếu không muốn nói là hơi quá đối với người Kurd. Điều này đã khiến các tổ chức chính trị – bán quân sự như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay nhóm Những con đại bàng tự do Kurdistan (TAK) xuất hiện với mục tiêu giành độc lập cho người Kurd.

Kể từ năm 2012, cùng lúc với cuộc nội chiến Syria đang nóng lên, những tổ chức kể trên thực hiện một số vụ đánh bom và đột kích vào các cơ sở dân sự và quân sự của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ đánh bom đẫm máu nhất do TAK thực hiện xảy ra vào ngày 13/3/2016 tại thủ đô Ankara khiến 17 người chết và 125 người bị thương. Vụ tấn công khủng bố này nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương chấm dứt lệnh ngừng bắn giữa các bên, bắt giữ một số lãnh đạo người Kurd và đánh bom vào doanh trại và kho vũ khí của người Kurd ở miền bắc Syria.

Quân đội Mỹ rút khỏi miền bắc Syria vào năm 2019 đã tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. Trước đó Ankara còn “ngại” Washington nên không có hành động quân sự nào đối với chính quyền tự trị của người Kurd ở Syria vốn được Mỹ bảo vệ. Chỉ chưa đầy ba tháng sau khi quân Mỹ rút đi, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với tăng thiết giáp vượt biên giới Syria để “tiêu diệt quân khủng bố IS”. Chính phủ Mỹ ban đầu ủng hộ chiến dịch này và còn cung cấp máy bay không người lái hỗ trợ quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cuộc giao tranh đẫm máu nhất diễn ra quanh hai thành phố Ras al-Ayn và al-Bab. Tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ mới cho dừng chiến dịch quân sự của mình sau khi Mỹ và Nga đứng ra làm trung gian giữa các bên. Thỏa thuận ngừng bắn tuy vậy cũng chỉ giữ được đúng 3 năm. Tháng 11/2022, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ lại ném bom vào cứ điểm của người Kurd ở Syria. Ankara cho biết họ làm vậy để đáp trả vụ đánh bom xe xảy ra vào ngày 13/11/2022 tại Istanbul khiến 6 người chết và 81 người bị thương.

Nhà nghiên cứu Cole Bunzel tại Viện Hồi giáo thuộc Đại học Yale (Mỹ) giải thích: “Ngoài việc trực tiếp can thiệp quân sự, Ankara còn tài trợ một số nhóm nổi dậy Syria nhằm kiềm chế người Kurd. Đa phần các nhóm nổi dậy ở khu vực hai thành phố Afrin và al-Bab đều nhận viện trợ của Ankara. NLF cũng là một đồng minh quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Một lý do cho việc đó là vì trong liên minh NLF có nhiều nhóm Hồi giáo Ảrập như Ahrar al-Sham, Noureddine al-Zengi, Failaq al-Sham, Jaish al-Ahrar,… Những tổ chức bán quân sự trên căm ghét người Kurd cũng như họ ghét Damascus vậy. Fadlallah al-Haji, lãnh đạo quân sự của NLF gần như chắc chắn là người của Ankara”.

Một nhân tố khác trên “bàn cờ chính trị” miền bắc Syria là Tahrir al-Sham, tổ chức Hồi giáo cực đoan có nguồn gốc từ Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda ở Thổ Nhĩ Kỳ, đang kiểm soát tỉnh Idlib của Syria. Hiện Mỹ, EU và Liên hợp quốc đều đã liệt Al-Nusra và Tahrir al-Sham vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Cách đây vài năm, Tahrir al-Sham còn có quan hệ khá “gần gũi” với Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí lãnh tụ Abu Mohammed al-Golani của al-Sham còn được chụp ảnh chung với một số sỹ quan và nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng quan hệ giữa các bên đã xấu đi nhiều. Tahrir al-Sham đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Các tổ chức Hồi Giáo cực đoan khác tại Syria đều không tin tưởng al-Sham sau khi họ tách khỏi Al-Nusra và tấn công thành viên Al-Qaeda. Người Kurd cũng từng nhiều lần bị al-Sham tấn công, nên họ và các đồng minh SDF chắc chắn sẽ đứng ngoài nhìn tổ chức này tan rã…

Ván cờ tàn

Cuộc chiến ở Deir az-Zour hay chuyện Tahir al-Sham chỉ là những “lát cắt” cho sự bấp bênh của liên minh nổi dậy ở Syria. Ngay từ những ngày đầu liên minh này thành lập dưới “cái ô chung” là Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), các nhà quan sát đã cảnh báo về sự xung đột giữa các thành viên. Theo chính lời của một cựu lãnh đạo SNC: “Ai cũng chỉ chăm chăm bảo vệ và làm to ra “miếng bánh” của họ. Không ai thật sự có một tầm nhìn về nước Syria sau cách mạng cả”.

Một phần của sự bất hòa trên là “di sản” chính sách chia rẽ sắc tộc của cố Tổng thống Hafez al-Assad. Nhưng đáng ra sau hơn 10 năm nội chiến Syria nổ ra, các nhóm nổi dậy đã tìm được cách đặt sang một bên những hiềm khích, toan tính của riêng mình để lập ra một mặt trận chung. Sự thật ngược lại như vậy.

Ông Ahmed Aba-Zeid giải thích về sự tan rã của lực lượng đối lập ở Syria: “Phe nổi dậy đang hoạt động chủ yếu theo quán tính. Thiếu đi sự hỗ trợ của Mỹ, nhiều lãnh đạo của SNC, SDF hay NLF đã nhận ra rằng họ khó có thể giành chiến thắng trước quân đội chính phủ Syria. Sự lựa chọn duy nhất của họ là tìm cách trì hoãn để có thêm thời gian đàm phán với Damascus… Chuyện bạn cũ trở thành thù cũng là thường tình lúc này. Ai cũng đang tìm cách vơ vét về mình trước khi một “thế cân bằng mới” được xác lập”.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,