Cứ thấy đường tắc là leo vỉa hè: ‘Dân trí thấp’ là đây chứ đâu

Vi phạm luật giao thông cũng giống như hiệu ứng domino, đã dám leo vỉa hè thì nhiều người cũng dám vượt đèn đỏ vì sự ích kỷ của mình.

Cứ thấy đường tắc là leo vỉa hè: ‘Dân trí thấp’ là đây chứ đâu

Dư âm trận tắc đường khủng khiếp trong cơn mưa tầm tã sáng nay tại Hà Nội, khiến tôi nhớ về câu chuyện “thói xấu leo vỉa hè” của người tham gia giao thông. Hình ảnh đoàn người đi xe máy cứ thấy đường tắc là leo vỉa hè cho tiện từ lâu đã trở thành “bản sắc” trên các cung đường đông đúc ở Hà Nội. Tôi chưa bao giờ thấy những người leo vỉa hè này bị xử phạt, có lẽ vì thế mà tình trạng này ngày một trở nên phổ biến, chứ không hề giảm bớt.

Tác hại dễ thấy nhất là “sức khỏe” của các vỉa hè bị ảnh hưởng. Trước kia, khi vỉa hè chủ yếu được làm bằng những cục xi măng đặc, dễ dàng gặp phải các hiện tượng như vỡ nát, lòng vỉa hè bị lún, võng thành những chiếc ao mini. Ngày nay, khi nhà nước đầu tư làm vỉa hè lát đá, cứ tưởng sẽ tránh được kiếp nạn này, nhưng cũng chỉ được một thời gian là đâu lại vào đấy.

Nói rằng thiếu sự răn đe trong xử phạt khiến tình trạng xe máy leo vỉa hè trở nên phổ biến thì cũng chưa hoàn toàn chính xác, vì hiện tượng này diễn ra quá nhiều và liên tục, đặc biệt vào các khung giờ tan tầm, làm sao có thể xử lý triệt để được? Ngày xưa, chúng ta cũng cũng từng làm chặt việc xử phạt người đi bộ qua đường, nhưng cũng chỉ được một thời gian vì lực lượng quá mỏng. Bị buông lỏng là đâu lại vào đó.

Vậy nên, chỉ mong xã hội ngày một văn minh, tiến bộ, từ đó dần làm đẹp hành vi của mỗi người. Để tiến tới việc đó là một chặng đường dài của giáo dục, truyền thông, tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ, với sự khả dụng của internet như hiện tại, mỗi người chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ nhiều hơn về những lối sống văn minh, hành động đẹp, đem lại những tác động nhỏ nhưng tích cực, góp phần vào bức tranh lớn về một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng trước tiên, hãy hành động làm gương trước đã.

Vì sao leo vỉa hè là ích kỷ, xấu xí? Mặc dù trước kia tôi cũng từng là một kẻ thường xuyên leo vỉa hè, nhưng đến nay đã không còn tái diễn hành động ấy nữa, bởi bản thân nhận thấy việc leo vỉa hè là một điều ích kỷ. Đầu tiên, chúng ta với mong muốn đi nhanh hơn, đã leo lên vỉa hè, dễ khiến chiếc xe của mình bị cong vành. Mặc dù xe cộ vô tri vô giác, nhưng tôi vẫn thấy đó như một sự ngược đãi vậy.

Thêm nữa, leo vỉa hè chính là đang phá hoại của công. Vỉa hè vốn được thiết kế để chịu tải từ hoạt động đi bộ hoặc dắt bộ, nên việc leo vỉa hè đồng thời nhiều phương tiện khiến vỉa hè quá tải và bị hư hỏng. Để xây dựng lại, nhà nước lại phải trích quỹ – tiền của người dân (bao gồm cả những người không leo vỉa hè). Chưa hết, những người leo vỉa hè thường đi nhanh hơn những người tuân thủ luật, họ leo đoạn dưới, rồi họ lại vượt lên trên, như vậy những người dưới lòng đường đã chậm sẽ lại càng bị chậm hơn.

Đồng thời, người leo vỉa hè thường tạo áp lực cao hơn ở mỗi điểm dừng đèn đỏ. Mà vi phạm luật giao thông cũng giống như hiệu ứng domino vậy, đã dám leo vỉa hè thì nhiều người cũng dám vượt đèn đỏ vì sự ích kỷ của mình. Thế là ngã tư đèn đỏ lại có dịp thêm nhốn nháo bởi những người “ưa phá bỏ quy tắc” này. Vô cùng bất công.

Bản thân tôi luôn nhắc nhở mình phải kiên nhẫn, thà đi chậm còn hơn đi nhanh rồi thể hiện sự ích kỷ của mình, trừ khi có công an phân luồng yêu cầu xe máy đi lên vỉa hè. Hy vọng bài viết này có thể lôi kéo thêm nhiều người hơn nữa cùng chung tư tưởng ấy.

Theo TEK ALEX / VNEXPRESS

Tags: ,