COVID-19 và sự hình thành các xu hướng mới trong trật tự toàn cầu

Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc Tập đoàn The Economist (Anh), đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) sẽ không tạo ra một trật tự toàn cầu hoàn toàn mới nhưng sẽ mang đến những thay đổi ở ba khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất, bộc lộ những thực tế mà trước nay chưa được quan tâm đúng mức như việc Trung Quốc đã thiết lập phạm vi ảnh hưởng của mình tại nhiều khu vực trên thế giới mà trước kia nhiều nước không để ý.

Thứ hai, đẩy nhanh các xu hướng địa chính trị hiện nay, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông.

Thứ ba, COVID-19 có khả năng là chất xúc tác cho những thay đổi khó dự đoán hiện nay tại cả những nước phát triển và đang phát triển về những vấn đề như tương lai của Liên minh châu Âu (EU), vai trò của Nga và các cường quốc tầm trung khác.

Lịch sử đã chứng minh các cuộc khủng hoảng thường góp phần làm gia tăng cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đã và đang làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Rất khó có khả năng những đổ vỡ hiện tại trong mối quan hệ giữa hai bên sẽ được hàn gắn trong thời gian ngắn. Dịch bệnh sẽ làm gia tăng các mâu thuẫn cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc, phá vỡ sự hòa hoãn tạm thời giữa hai bên sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi đầu năm nay. Ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, căng thẳng và nguy cơ đối đầu giữa hai bên tại Biển Đông vẫn gia tăng. COVID-19 không phải là nguyên nhân tạo ra những khó khăn mới trong quan hệ Mỹ-Trung mà chỉ thúc đẩy thêm những xu hướng đã hiện hữu từ nhiều năm qua khi hai nước cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu.

Bên cạnh những căng thẳng truyền thống là cuộc chiến “tung tin xuyên tạc” để công kích lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang tìm cách chối bỏ trách nhiệm của nước này về việc để bùng phát dịch bệnh bằng cách phát tán những thông tin nhiễu loạn và các thuyết âm mưu khác nhau. Trong khi đó, Mỹ đáp trả bằng cách quy kết trực tiếp trách nhiệm cho Trung Quốc, trong đó có việc gọi tên “virus Vũ Hán” hoặc “virus Trung Quốc”. Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng quốc tế về thông tin và dư luận, Trung Quốc nhấn mạnh vào sự so sánh tương phản giữa “hiệu quả” của họ trong việc khống chế dịch bệnh của nước này so với “sai lầm” trong mô hình dân chủ của Mỹ và phương Tây.

Đại dịch sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển cán cân quyền lực toàn cầu từ Tây sang Đông thông qua những tác động tiêu cực sâu rộng và để lại hậu quả lâu dài đối với các nền kinh tế phát triển của Mỹ và châu Âu. Những biện pháp tài chính và tiền tệ mà những nước này đã và đang đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế chưa chắc đã đủ để đảo ngược tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong khi chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ công về trung hạn. Trong khi đó, Trung Quốc lại được hưởng lợi khi là một trong những nước đầu tiên vượt qua khủng hoảng nên có điều kiện tập trung nguồn lực vực dậy nền kinh tế. Trung Quốc sẽ càng có thêm khả năng trở thành một siêu cường toàn cầu lớn hơn sau khủng hoảng.

Chắc chắn đại dịch sẽ ít nhiều làm dấy lên những nghi ngại từ nhiều nước về sự lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc cũng như trách nhiệm của nước này khi không có những bước đi phù hợp trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Tuy nhiên, những điều này sẽ khó tác động đến vị thế của Trung Quốc như một siêu cường có tầm ảnh hưởng lớn hơn sau đại dịch. Hiện Trung Quốc đang cố sức khắc phục những tổn hại về uy tín và hình ảnh trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, thông qua hỗ trợ y tế cho các nước và khu vực khác trên thế giới. Trung Quốc cũng sẽ tìm cách khoét sâu vào những hạn chế của Mỹ trong phản ứng đối với đại dịch. Quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra sẽ chỉ càng làm bộc lộ rõ hơn những khu vực ảnh hưởng đã định hình của Trung Quốc tại châu Phi, khu vực Đông Âu, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Lúc này Trung Quốc lại càng có cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua cung cấp viện trợ về y tế và tài chính, trang thiết bị cho các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Chẳng hạn, Trung Quốc đang thiết lập một “Vành đai và Con đường” về y tế tại một số nước châu Phi, vừa để củng cố hình ảnh và quyền lực “mềm” trên phạm vi toàn cầu, vừa để bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh của nước này tại châu Phi. Các khu vực ảnh hưởng mới thiết lập của Trung Quốc sẽ trở thành những “đấu trường” mới cho cạnh tranh và xung đột nước lớn giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy sự suy giảm sức mạnh toàn cầu của Mỹ bởi nhiều quốc gia ngày càng cho rằng nước này không còn là một đối tác đáng tin cậy cho dù trên thực tế, Mỹ vẫn là siêu cường toàn cầu về sức mạnh kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi trường quốc tế đã và đang tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp vào những khoảng trống nhất định, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh càng khiến Mỹ tập trung nguồn lực và sự chú ý vào trong nước. Nếu đánh giá thấp sức mạnh và ảnh hưởng lãnh đạo của Mỹ thì sẽ là một sai lầm. Hơn lúc nào hết, Mỹ đang ý thức rất rõ những tham vọng, toan tính của Trung Quốc và chắc chắn sẽ đáp trả.

Thất bại trong việc triển khai một phản ứng toàn châu Âu đối với khủng hoảng và xu hướng mỗi nước thành viên tự lo cho người dân của họ đã giáng một đòn mạnh vào EU. Các nước thành viên EU không hành động thống nhất và phối hợp khi khủng hoảng nổ ra mà hành động đơn phương, đóng cửa biên giới, ngừng đi lại tự do và dừng các quan hệ giao thông vận tải mà không có sự phối hợp. Mức độ chia rẽ và thiếu đoàn kết của châu Âu được phơi bày rất rõ ràng khi lời kêu gọi trợ giúp của Ý lúc đầu bị nhiều nước châu Âu khác phớt lờ, thậm chí có nước còn ngăn chặn xuất khẩu thuốc men và trang thiết bị y tế, cho phép Trung Quốc “nhảy vào” cung cấp viện trợ và qua đó củng cố thêm ảnh hưởng toàn cầu của nước này. Sau đó, EU đề nghị hỗ trợ một cách muộn màng cho các thành viên EU gặp khó khăn cũng như các nước thành viên có nhu cầu khác ở Tây Balkan nhưng khi đó thì “sự đã rồi”. Tình trạng chia rẽ cùng tâm lý oán giận đã hình thành và sẽ tồn tại dai dẳng. Dịch bệnh càng lan rộng càng thúc đẩy sự chia rẽ trong lòng châu Âu, giữa phía Bắc và phía Nam, phía Đông với phía Tây. Tiếp sau các cuộc khủng hoảng nợ, nhập cư và Anh rời khỏi EU (còn được gọi là Brexit), cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ càng khiến EU suy yếu.

Những cường quốc khu vực như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước khác trong những năm gần đây đã tìm cách khai thác sự đổ vỡ của trật tự toàn cầu “sân sau” của họ. Đối với những nước này, đại dịch được xem như cơ hội để thúc đẩy sự hiện diện khu vực và toàn cầu. Nga đã gửi viện trợ y tế cho Ý trên những chuyến bay gắn dòng chữ “Từ nước Nga yêu thương”, trong khi EU và các đối tác truyền thống khác chưa kịp hỗ trợ. Nga cũng đã thông báo sẽ gửi thiết bị y tế cho Mỹ. Tất nhiên trong thời điểm hiện tại, một số cường quốc khu vực như vậy cũng bị tác động bởi dịch bệnh nên khả năng mở rộng ảnh hưởng của họ cũng sẽ bị cản trở về ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, dịch bệnh sẽ càng thúc đẩy sự phân rã và hình thành các xu hướng mới trong trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho nhóm các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / EIU

Tags: ,