Công nghệ khiến con người trở nên ngày càng cô đơn

Nỗi cô đơn luôn hiện diện trong mỗi người, tồn tại rất lâu trước khi con người có thể đếm được số tài khoản đang theo dõi mình hoặc lượt “like” trên mạng xã hội.

Khi công nghệ khiến con người trở nên ngày càng cô đơn

Không có gì phải tranh cãi khi nói rằng công nghệ làm cho vấn đề giao tiếp trở nên dễ dàng hơn.

Thật đơn giản hơn khi muốn một ai đó ngừng lại trong khi chúng ta đang tham gia vào một cuộc trò chuyện trực tuyến. Chúng ta có thể unfriend thậm chí block họ chỉ sau một cái click. Chúng ta cũng có thể dễ dàng làm quen, kết bạn và chia sẻ với một người bạn mới hay thậm chí một người lạ những câu chuyện vui vẻ hài hước nhưng thật khó làm điều đó khi “mặt đối mặt” với nhau. Mọi việc thật đơn giản khi bạn có trong tay một chiếc điện thoại thông minh và internet tốc độ cao.

Tuy nhiên, cũng chính công nghệ đang khiến cảm xúc của chúng ta trở nên nghèo nàn một cách đáng sợ. Sự thỏa mãn trên mạng đôi khi chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và nó cũng có khả năng ăn mòn một trong những tính cách “con người” nhất của chúng ta: sự đồng cảm và thấu cảm.

Khi các phiên bản hiện đại hơn của các phương tiện truyền thông xã hội trở thành một phần ám ảnh trong cuộc sống hàng ngày, chúng mang đến những phiền phức nhất định. Công nghệ thay đổi và mạng lưới mở rộng, những cảm xúc, sẻ chia của chúng ta không còn nằm trong một nhóm giới hạn nữa mà nó đã vươn tới “bạn của bạn của bạn” – những người chúng ta hoàn toàn không quen biết. Không còn những buổi tụ tập trò chuyện mà là những cuộc trao đổi với tốc độ nhanh đến chóng mặt với số lượng người tham gia không giới hạn, nơi mà chúng ta không thể nghe thấy giọng của nhau, nhìn thấy khuôn mặt nhau. Sự đồng cảm và thấu cảm chắc chắn sẽ khó hơn khi bạn tập trung vào màn hình thay vì nhìn vào khuôn mặt của một ai đó.

Bạn sẽ không bao giờ biết những comment vô tình của mình có thực sự đang làm ai đó tổn thương. Có thể ai đó cần bờ vai của bạn để dựa vào hơn là một lời an ủi được gửi qua ứng dụng Messenger.

Người dùng tiêu tốn thời gian, năng lượng cho các mối quan hệ ảo và luôn cảm thấy bất an khi không có mặt trong những bữa tiệc online.

Trong ngày sinh nhật của một người có biệt danh Meow, khoảng 200 bạn bè trên Facebook đã nhắn tin, viết thông điệp chúc mừng. Anh cũng nhận được hàng tá lời khen về bức ảnh “tự sướng” đăng lên Instagram. Mọi thứ khiến anh có vẻ bận rộn nhưng có một nỗi đau không được nhắc tới. Đó là nỗi cô đơn.

Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng các kết nối ảo lại có khuynh hướng khuếch đại sự cô đơn. “Công nghệ và Internet mang đến cho con người kiến thức và kết nối tốt hơn nhưng việc dành nhiều thời gian, năng lượng cho vô số ‘kết nối ảo’ có thể khiến các mối quan hệ ngoài đời thực ít được quan tâm”, tiến sĩ tâm lý học Elias Aboujaoude thuộc Đại học Stanford, nhận xét về sự giao thoa giữa tâm lý và công nghệ.

Nỗi cô đơn luôn hiện diện trong mỗi người, tồn tại rất lâu trước khi con người có thể đếm được số tài khoản đang theo dõi mình hoặc lượt “like” trên mạng xã hội. Tuy nhiên, công nghệ không thể gánh hết trách nhiệm về sự cô đơn. Tính khí, sức khoẻ tinh thần, các sự kiện, chuyến đi xuyên quốc gia, thay đổi công việc, ly dị và sự mất mát đóng vai trò không hề nhỏ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, con người còn cô đơn hơn vì phần lớn thời gian họ dành cho các mối tương tác ảo trên Internet. Khả năng vô tận của các tương tác trên Internet cũng làm giảm sức chịu đựng sự đơn độc, làm tăng kỳ vọng về số lượng, tốc độ và tần suất kết nối của người dùng mạng xã hội.

“Nếu muốn thành công, chúng ta cần mạng lưới liên lạc khổng lồ”, Susan Matt, Giáo sư chuyên ngành lịch sử tại Đại học Weber State ở Mỹ, nói. Những kỳ vọng này khiến trải nghiệm ở một mình trở nên khó khăn hơn. Thế hệ cũ khó mà hình dung rằng mỗi người hiện có trung bình 339 bạn trên Facebook.

Nghiên cứu của Matt cũng chỉ ra, con người trước kỷ nguyên mạng xã hội không phải đối mặt với những bức ảnh, bài đăng về một kỳ nghỉ trong mơ nào đó mà họ vô tình thấy trên Instagram. Họ không cảm thấy đố kỵ, chán nản khi so sánh với “phiên bản hào nhoáng” của người khác.

“Mạng xã hội với lượng tin tức khổng lồ có thể làm con người thấy lo lắng. Họ sợ bị bỏ lại. Khi thấy bức ảnh bạn bè đang trong một buổi tiệc, họ bắt đầu cảm thấy mình bị bỏ rơi và không còn được kết nối với cộng đồng”, Matt chia sẻ.

Covid-19 chứng minh công nghệ có thể kết nối mọi người theo nhiều cách đặc biệt. Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Công nghệ gây mất tập trung, mạng xã hội chiếm hầu hết thời gian, tinh thần và làm mọi người quên đi sự thiếu hụt các mối quan hệ ngoài đời thực. Điều này sau đó lại dẫn đến cảm giác cô đơn, buồn chán, tàn phá tinh thần của người dùng thế hệ Internet.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo về mối liên kết giữa hội chứng cô đơn với các bệnh tim, tiểu đường, chứng mất trí và hệ thống miễn dịch yếu. Những yếu tố này dự báo một kết quả bi quan về cái chết sớm.

Nhiều người cho rằng, cảm xúc con người bị chi phối bởi công nghệ như những lượt like trên Facebook, Instagram, Twitter nhưng không phải. Từ khi nhiếp ảnh phát triển, ảnh chân dung vượt ra khỏi lãnh địa của giới nhà giàu thì nhu cầu thể hiện bản thân của mọi người đã bắt đầu. Tiếp đến là công nghệ giúp lấp đầy sự im lặng bằng một nút vặn khi radio ra đời vào những năm 1920. Còn bây giờ là kỷ nguyên của YouTube, Netflix… khi mỗi người đều có thể giữ khư khư chiếc smartphone trên tay với kho ứng dụng khổng lồ mà không cần quan tâm đến sự hiển diện của những người xung quanh.

Công nghệ góp phần không nhỏ vào việc tạo ra các thiết bị, ứng dụng và dịch vụ mà người dùng không thể thoát ra. Họ thậm chí không có nhu cầu phòng thủ với chúng. Đó là lỗi của cả con người chứ không riêng công nghệ. Các công ty xây dựng nền tảng, thiết bị với mục đích lôi kéo thêm càng nhiều người càng tốt. Tuy nhiên, người dùng vẫn có quyền lựa chọn đặt smartphone xuống hoặc không.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM 

Tags: , , , ,